Thoả thuận khoa học đột phá hơn 40 năm giữa Mỹ và Trung Quốc đứng trước nguy cơ đổ vỡ
Trong hơn 40 năm, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại hợp tác trên nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, trở thành một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các đối thủ có thể gác lại tranh chấp và hợp tác cùng nhau.
Thoả thuận hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và Mỹ đã tồn tại hơn 40 năm. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, hiện tại, với mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, nội bộ chính phủ Mỹ đang sôi nổi tranh luận về việc có nên tiếp tục gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc (STA) dự kiến hết hạn vào cuối năm nay hay không.
Trong bối cảnh Ngoại trưởng Antony Blinken đang ở Bắc Kinh với chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc của một ngoại trưởng Mỹ sau 5 năm và không có mấy kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá song phương nào, cuộc tranh luận về hiệp định hợp tác song phương lâu đời nhất giữa Mỹ và Trung Quốc phản ánh một câu hỏi lớn hơn đang chia rẽ các nhà hoạch định chính sách: liệu lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc có lớn hơn những rủi ro từ một đối thủ cạnh tranh?
Thỏa thuận STA được ký kết vào năm 1979 khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm năm một lần, thoả thuận này được gia hạn. STA đã được ca ngợi là một biểu tượng cho sự ổn định trong mối quan hệ của hai quốc gia, với sự hợp tác trong các lĩnh vực từ khoa học khí quyển và nông nghiệp đến nghiên cứu cơ bản về vật lý và hóa học. STA còn đặt nền móng cho sự bùng nổ về trao đổi học thuật và thương mại giữa hai bên.
Sự hợp tác đó đã giúp Trung Quốc phát triển thành một cường quốc công nghệ và quân sự, nhưng những lo ngại về việc Bắc Kinh đánh cắp các thành tựu khoa học và thương mại cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận, dự kiến hết hạn vào ngày 27/8 tới, có nên tiếp tục hay không.
Những người ủng hộ gia hạn STA lập luận việc chấm dứt thoả thuận sẽ kìm hãm sự hợp tác học thuật và thương mại.
Mặc dù quan điểm chủ đạo của Mỹ dường như vẫn là ủng hộ gia hạn, nhưng ngày càng có nhiều quan chức và nhà lập pháp tin rằng hợp tác về khoa học và công nghệ sẽ ít có ảnh hưởng và ý nghĩa hơn do tính cạnh tranh giữa hai quốc gia.
“Việc gia hạn Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ gây nguy hiểm hơn nữa cho nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của chúng tôi. Chính quyền phải chấm dứt thỏa thuận lỗi thời này”, Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặctrách về Trung Quốc, cho biết.
Theo 3 quan chức biết rõ về vấn đề này, bên trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, cơ quan dẫn đầu trong các cuộc đàm phán, vẫn tồn tại những quan điểm trái ngược nhau về việc có nên gia hạn thoả thuận hay không, để hết hạn hay đàm phán lại nhằm bổ sung các biện pháp bảo vệ chống gián điệp công nghiệp và yêu cầu có đi có lại trong trao đổi dữ liệu. Xét mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, tìm cách đàm phán lại có thể gây nguy cơ làm đổ vỡ hỏa thuận.
Video đang HOT
Từ lâu, các doanh nghiệp Mỹ luôn phàn nàn về các chính sách của chính phủ Trung Quốc yêu cầu chuyển giao công nghệ.Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng tăng cường tập trung vào cạnh tranh công nghệ.
Những người ủng hộ gia hạn thỏa thuận cho rằng nếu không có STA, Mỹ sẽ đánh mất cơ hội hiểu sâu những tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc.
Denis Simon, giáo sư tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, người nghiên cứu chiến lược công nghệ ở Trung Quốc, cho biết: “Dù là bạn hay là thù, Mỹ cần tiếp cận với Trung Quốc để hiểu những gì đang xảy ra trên thực tế”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia từ chối bình luận về việc các cuộc thảo luận nội bộ đang diễn ra.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết một năm trước, các quan chức Trung Quốc đã đề cập đến thỏa thuận thiết lập cơ sở cho 40 năm hợp tác hiệu quả.
“Theo những gì chúng tôi biết, phía Mỹ vẫn đang tiến hành đánh giá nội bộ về việc gia hạn thỏa thuận”, phát ngôn viên đại sứ quán Liu Pengyu cho biết, đồng thời cho biết thêm cả hai bên có thể xem xét điều chỉnh thỏa thuận ban đầu.
“Hy vọng rằng Mỹ sẽ đẩy nhanh việc xem xét nội bộ trước khi hết hạn thỏa thuận”, ông Liu nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Blinken thăm Trung Quốc: Rộng đường trao đổi cấp cao
Dù quan hệ Mỹ - Trung có thể khó đạt được đột phá sau chuyến thăm của ông Blinken nhưng nó sẽ mở ra cơ hội cho nhiều cuộc gặp cấp cao trong tương lai.
Chiều 18-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Tần Cương, chính thức bắt đầu chuyến thăm TQ kéo dài hai ngày.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới TQ kể từ năm 2018. Chuyến công du này đã bị hoãn hồi tháng 2 vừa qua do căng thẳng giữa hai bên gia tăng sau vụ Mỹ bắn hạ khí cầu do thám TQ, trong khi Bắc Kinh khẳng định khí cầu phục vụ nghiên cứu khí tượng và cho rằng Washington phản ứng thái quá.
Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm của ông Blinken báo hiệu ý chí, mong muốn tái hợp tác, gắn kết của cả hai bên nhưng triển vọng đạt được đột phá thì rất mong manh. Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và an ninh quốc tế của ĐH Thanh Hoa (TQ) Zhou Bo cho rằng dù các cuộc gặp song phương giữa ông Blinken với các quan chức TQ sẽ có lợi cho quan hệ hai bên nhưng có tác động không đáng kể đến việc làm tan băng mối quan hệ.
Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày một căng thẳng kể từ tháng 8 năm ngoái, khi chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Peolosi thăm Đài Loan.
Gần đây, một loạt diễn biến căng thẳng giữa hai bên đã xảy ra như việc Mỹ ký kết thỏa thuận thương mại với Đài Loan, chiến đấu cơ, tàu chiến TQ suýt va chạm với chiến đấu cơ, tàu chiến Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore...
Mỹ - Trung hy vọng và dịu giọng
Ngày 18-6, bà Hoa Xuân Oánh - trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ đăng lên Twitter bức ảnh ông Tần và ông Blinken bắt tay nhau trước khi hội đàm kèm thông điệp : "Hy vọng cuộc gặp này có thể giúp đưa quan hệ Trung - Mỹ trở lại với những gì lãnh đạo hai nước đã nhất trí ở Bali".
Bà Hoa muốn nói đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái. Cuộc gặp đã xoa dịu căng thẳng khi hai nhà lãnh đạo cam kết giữ liên lạc song phương thường xuyên.
Dự kiến trong thời gian ở TQ, ông Blinken sẽ gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ ở TQ... và đặc biệt là có khả năng gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.
Ông Blinken sẽ thảo luận với phía TQ việc ưu tiên duy trì các đường dây liên lạc luôn mở nhằm quản lý mối quan hệ giữa hai bên, tránh để căng thẳng bùng lên thành khủng hoảng, đồng thời trao đổi về các vấn đề hai nước quan tâm, bao gồm biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế thế giới, tăng cường đường bay thương mại giữa hai nước, khởi động lại một số hoạt động giao lưu nhân dân...
Trước chuyến thăm, Bộ trưởng Tần đã điện đàm với ông Blinken, nhắn nhủ Mỹ nên tôn trọng và ngừng gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của TQ, đặc biệt là vấn đề Đài Loan.
Chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Học viện Khoa học xã hội TQ Lu Xiang cho rằng giọng điệu của hai bên trong cuộc điện đàm giữa ông Tần và ông Blinken trước chuyến thăm tương đối kiềm chế. Đặc biệt, ông Lu cho biết thông cáo sau điện đàm của phía Mỹ không đề cập bất kỳ mối quan tâm cụ thể nào, chẳng hạn như Đài Loan, mà chỉ nói chung chung rằng hai bên đã thảo luận về các vấn đề song phương và toàn cầu.
"Cảm nhận của cá nhân tôi là Mỹ hiện đã nhận thức đầy đủ rằng quan hệ Mỹ - Trung không chỉ ở điểm thấp nhất mà còn ở giai đoạn rất nhạy cảm. Vì vậy Mỹ có vẻ thận trọng hơn trong giai đoạn này" - ông Lu nhận định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vào ngày 18-6. Ảnh: HUA CHUNYIN/TWITTER
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương ở Bắc Kinh vào ngày 18-6. Ảnh: REUTERS
Nền tảng để cải thiện quan hệ
Trong bối cảnh TQ đang gặp phải những thách thức về kinh tế như tăng trưởng chậm, tỉ lệ thất nghiệp tăng, đầu tư nước ngoài không cao..., TQ dường như đang mong muốn đón tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo để giải quyết các hạn chế về công nghệ của Mỹ đối với TQ và những vấn đề kinh tế khác.
Tuy nhiên, thay vì chấp nhận các ưu tiên của TQ rằng các cố vấn kinh tế hàng đầu của Mỹ nên đến TQ trước, Nhà Trắng vẫn chọn ông Blinken, một trong những người thân cận nhất của ông Biden, là người đầu tiên đến Bắc Kinh, tờ The Washington Post dẫn lời các nguồn thạo tin cho hay.
Do đó, theo các chuyên gia, các quan chức TQ coi chuyến thăm của ông Blinken là một bước cần thiết để mở ra các cuộc gặp tiếp theo với các quan chức kinh tế, thương mại Mỹ mà Bắc Kinh mong muốn.
Chuyên gia cấp cao David Dollar của Viện Brookings (Mỹ) nói: "Điều có thể hy vọng nhất là chuyến thăm của ông Blinken sẽ tạo tiền đề cho các chuyến thăm sau này của Bộ trưởng Yellen và Bộ trưởng Raimondo... TQ lo ngại về nhiều hạn chế thương mại và công nghệ nhưng nhóm của ông Blinken không phải là bên phù hợp để đàm phán về những vấn đề đó".
Các quan chức TQ cũng đang mong muốn ông Tập tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở TP San Francisco (Mỹ) vào tháng 11 như một cơ hội để ông Tập gặp ông Biden.
"Nếu có hy vọng về bất kỳ kết quả cụ thể nào từ chuyến thăm này, đó có thể là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo TQ (ông Tập) sẽ tới Mỹ để tham dự APEC. Để điều đó thành hiện thực, chuyến thăm của ông Blinken cần phải tạo ra những động lực tích cực hơn" - ông Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế tại ĐH Bắc Kinh (TQ), nhận định.
Mỹ phản ứng về động thái Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố không có dấu hiệu cho thấy Nga lên kế hoạch tấn công sau khi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP Kênh truyền hình RT dẫn lời Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 16/6 cho biết Mỹ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang...