Thỏa thuận hạt nhân Iran:Nga được lợi, Mỹ nội bộ lục đục
Những thỏa thuận hạt nhân với Iran đã khiến cho nội bộ chính quyền Mỹ dậy sóng giữa cuộc đối đầu của phe Cộng Hòa và Dân chủ
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran, Hassan Rouhani
Một thoả thuận khung đã đạt được vào hôm 2/4, qua đó Tehran đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trái với Tổng thống Obama, các nghị sĩ Đảng Cộng hoà tỏ ra hoài nghi về thoả thuận này và đe doạ sẽ tìm cách lật kèo hoặc áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới.
Video đang HOT
Hiện Đảng Cộng hoà đã kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội Mỹ và nhiều khả năng sẽ cho ra đời được một đạo luật buộc tổng thống phải xin phép quốc hội nếu muốn bất kì thoả thuận nào với Iran được thông qua. Hiện ông Obama đã đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của tổng thống để bãi bỏ đạo luật này và nỗ lực thuyết phục chính các nghị sĩ Đảng Cộng hoà đang có quan điểm trái ngược với Nhà Trắng.
Ngay từ bài phát biểu vào hôm 2/4, Tổng thống Obama cũng đã khẳng định rằng nếu thoả thuận mới đạt được bị quốc hội Mỹ phản đối, mà không dựa theo bất kì một phân tích nào hay đưa ra một biện pháp thay thế, thì đây sẽ là một thất bại trong lĩnh vực ngoại giao của Mỹ.
Vào hôm 4/4, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani đã hứa sẽ tuân thủ các điều khoản trong thoả thuận hạt nhân mới đạt được với nhóm 6 cường quốc. Ông khẳng định rằng đây là một sự kiện lịch sử với Iran và sẽ mang quốc gia này lại hợp tác gần hơn với thế giới.
Israel hiện đang là nước phản đối kịch liệt thoả thuận mới với việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng nó có thể mang lại một “sự nguy hiểm chưa từng có hay chiến tranh thảm khốc” đối với khu vực Trung Đông và đặc biệt là Israel.
Những điều khoản được thống nhất vào hôm 2/4 giữa Tehran và nhóm P5 1 bao gồm việc cắt giảm các số máy li tâm làm giàu uranium xuống mức chỉ đủ để sản xuất năng lượng, chứ không thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đổi lại, lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, EU và Mỹ sẽ phải bị gỡ bỏ dần dần khi các quan sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA) xác nhận việc tuân thủ thoả thuận của Iran.
Nguyên nhân khiến phe Cộng hòa phản bác quyết định của Chính quyền Tổng thống Obama về thỏa thuận hạt nhân với Iran vì phe này cho rằng lợi ích nước Mỹ đang bị đe dọa từ chính thỏa thuận này.
Các nghị sĩ đối lập cho rằng trước mắt, khi các lệnh trừng phạt bị gỡ bỏ, Iran sẽ nhanh chóng thông thương, làm giàu về kinh tế, tiếp đến là mua ồ ạt vũ khí và nhập khẩu công nghệ tên lửa hành trình, đặc biệt từ phía Nga.
Bản thân Nga cũng tuyên bố họ sẽ bán ngay lập tức hệ thống phòng không S-300 cho Iran nếu như các lệnh cấm vận về buôn bán vũ khí được gỡ bỏ.
Sau 10 năm, Mỹ và Iran sẽ phải đàm phán lại vấn đề hạt nhân, và khi đã đủ sức sở hữu những công nghệ tên lửa xuyên lục địa, liệu Iran có sợ hãi các lệnh trừng phạt của Mỹ? Lúc đó mới là thời điểm Iran trực tiếp đối đầu và mang hạt nhân ra răn đe nước Mỹ.
Vấn đề tiếp theo, Trung Đông là một khu vực nguy hiểm và nhạy cảm. Và tham vọng của Iran với Trung Đông là không thể che giấu. Phe Cộng hòa cho rằng ông Obama đang phản bội đồng minh và bán rẻ lợi ích dân tộc.
Ngoài ra, phe Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Obama “làm bẽ mặt” Tổ quốc khi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Điều này đồng nghĩa với việc các lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ không còn tác dụng. Và lúc đó, người Nga đang hả hê mà vạch mặt Mỹ rằng tên lửa này là nhằm vào Nga, không phải nhằm vào Iran.
Theo Đất Việt