Thỏa thuận dầu Nga – Ả Rập Xê Út là ‘chiến lược truyền thông rực rỡ’
Thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út là một “chiến lược truyền thông rực rỡ” để hỗ trợ giá cả. Song tất cả có thể chỉ dừng ở mức đó, theo Bloomberg.
Tổng thống Nga và Thái tử Salman bin Abdulaziz Al Saud trò chuyện thông qua phiên dịch viên tại cuộc họp nhà lãnh đạo các nước có nền kinh tế lớn G20 tháng 11.2014 – Ảnh: Reuters
“Thị trường đang chứng kiến sự hỗ trợ đến từ thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC. Điều này không phù hợp nhiều với thực tế và tôi không tin rằng có một nước nào đó sẽ giảm sản lượng”, Johannes Benigni – giám đốc quản lý hãng tư vấn JBC Energy nói.
Giá dầu đã và đang đi lên lại từ mức đáy 12 năm sau khi Ả Rập Xê Út, Nga, Qatar và Venezuela đồng ý đóng băng sản lượng dầu nếu các nhà sản xuất khác cũng làm điều tương tự.
Thông tin trên gia tăng suy đoán rằng OPEC và một số nước không phải thành viên tổ chức này có thể đồng ý bơm dầu ít hơn để hạn chế lượng cung toàn cầu. Ngân hàng Goldman Sachs nhận định đây là dấu hiệu tích cực đang có trong thị trường, còn Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” dành cho dầu thô – mặt hàng đã giảm giá ba năm.
Video đang HOT
“Tôi không nghĩ rằng giả định Ả Rập Xê Út và Nga giảm hạn ngạch là hợp lý. Thỏa thuận nói trên, trước hết, là một chiến lược truyền thông nổi bật, rực rỡ từ Ả Rập Xê Út và tôi không nghĩ rằng hiện có niềm tin đứng giữa Ả Rập Xê Út và Nga để đảm bảo cơ sở cho một đợt giảm sản lượng”, ông Benigni nói.
Các nhà sản xuất dầu lớn thế giới có thể họp bàn trong tuần tới về việc đóng băng hạn ngạch ở mức tháng 1. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 14.3 sau cuộc gặp với người đồng cấp phía Iran cho hay Iran là chìa khóa cho sự thành công của bất cứ thỏa thuận sản lượng nào.
Quốc gia Trung Đông trước đó đã công bố kế hoạch tăng sản xuất lên 1 triệu thùng/ngày trong một năm tới trong nỗ lực giành lại thị phần trên thị trường dầu mỏ. Chuyên gia Benigni cho rằng Iran sẽ phải mất từ một đến hai năm để đạt mốc sản lượng từng có trước khi chịu lệnh trừng phạt quốc tế.
Giá dầu Brent giao tháng 5 giảm xuống còn 39,18 USD/thùng ở London (Anh) hôm 15.3. Ông Benigni cho biết giá cả có thể lên đến 50 USD/thùng trong ba đến bốn tháng tới khi thị trường tái cân bằng vì cung cao hơn theo mùa và lượng cầu giảm.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ả Rập Xê Út muốn vay nước ngoài hàng tỉ USD
Ả Rập Xê Út được cho là đang tìm kiếm khoản vay ngân hàng từ 6 đến 8 tỉ USD. Nếu có, đây sẽ là đợt vay tiền nước ngoài lớn đầu tiên của quốc gia giàu dầu thô trong hơn một thập kỷ.
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Nayef cùng người chú là Vua Salman ra đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Sân bay Vua Khalid, thủ đô Riyadh tháng 1.2015 - Ảnh: Reuters
Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Riyadh vừa yêu cầu các ngân hàng nộp những đề xuất nhằm mở rộng khoản vay với số tiền như trên trong 5 năm cho nước này, với lựa chọn gia tăng khoản vay để chống đỡ thâm hụt ngân sách kỷ lục do giá dầu thấp kéo dài. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Ả Rập Xê Út chưa bình luận gì về thông tin.
Đã có thông tin Ả Rập Xê Út yêu cầu các ngân hàng thảo luận về ý tưởng một khoản vay quốc tế trong tuần trước, song những chi tiết như số tiền vay và thời gian vay không được nêu rõ.
Năm 2015, thâm hụt ngân sách của quốc gia Trung Đông là 100 tỉ USD. Chính phủ nước này hiện cố gắng lấp khoảng trống ngân sách bằng cách sử dụng dự trữ ngoại hối và phát hành trái phiếu. Song số tài sản dự trữ trên sẽ chỉ kéo dài thêm được vài năm với tốc độ sụt giảm hiện tại, còn chuyện phát hành trái phiếu đã bắt đầu áp lực thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
Nguồn tin cho biết thêm hãng tư vấn Verus Partners trụ sở ở London (Anh), công ty được hai cựu thành viên hãng Citigroup là Mark Aplin và Andrew Elliot thành lập, hiện tư vấn về khoản vay cho chính phủ Ả Rập Xê Út.
Thay mặt Bộ Tài chính Ả Rập Xê Út, Verus Partners đã gửi đề xuất đến một nhóm nhỏ các ngân hàng. Các nhà băng tham gia cho vay sẽ có cơ hội tốt khi được chọn để sắp xếp đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Ả Rập Xê Út, vốn được cho là sẽ được tiến hành ngay trong năm nay.
Giới phân tích cho hay tổng khoản vay chính phủ của sáu nước xuất khẩu dầu thô giàu có ở vùng Vịnh Ả Rập lên đến 20 tỉ USD hoặc hơn trong năm nay. Đây là sự thay đổi lớn so với những năm trước, khi khu vực này có nhiều tiền và cho phần còn lại của thế giới vay.
Cả sáu nước trên đều đã, hoặc có kế hoạch vay mượn để đối phó với giá dầu thấp. Khi tiền trở nên hiếm hơn ở quê nhà, doanh nghiệp các nước Vùng Vịnh được cho là sẽ vay thêm từ nước ngoài.
Vào giữa tháng 2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hạ hai bậc xếp hạng của Ả Rập Xê Út, xuống mức A-. Hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn còn lại là Moody's và Fitch vẫn đang đánh giá tình hình của Riyadh. Tuần trước, hãng Moody's thông báo đặt Ả Rập Xê Út vào nhóm nước có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho hay một khoản vay chính phủ từ Ả Rập Xê Út có thể thu hút đáng kể nhu cầu vì sự giàu có của nước này. Tài sản ròng nước ngoài của Ả Rập Xê Út vẫn còn gần 600 tỉ USD, trong khi nợ công đất nước thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ả Rập Xê Út cố giành khách mua dầu lớn nhất của Iran Các lô dầu mỏ chuyển từ Ả Rập Xê Út đến Trung Quốc tăng 36% trong tháng 2 đến mức cao nhất trong vòng ba năm qua. Từ tháng 1 đến nay, Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu Ả Rập Xê Út 75%. Ả Rập Xê Út đang cố gắng tranh giành khách mua hàng lớn nhất của Iran - Ảnh: Shutterstock Trung...