Thóa mạ người đưa ý tưởng lu nước: Cứ thấy quan điểm khác mình là chửi bới, đừng mơ đất nước phát triển
Một ý kiến khác biệt được đưa ra là tất cả đám đông lao vào chửi bới, sỉ nhục, thóa mạ thay vì cùng bàn luận, góp ý, thì mơ tưởng gì đất nước đó sẽ phát triển.
Những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao trước đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập của đại biểu HĐND TP.HCM Phan Thị Hồng Xuân (chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân tộc học – nhân học TP.HCM).
Bên cạnh một số ý kiến phản biện văn minh khi cho rằng đề xuất không khả thi và thiếu thực tế, vẫn còn đám đông – bao gồm cả những người có học thức, trình độ cao sử dụng ngôn ngữ thô tục để thóa mạ, sỉ nhục ý tưởng cũng như cá nhân đại biểu Hồng Xuân.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân.
Chúng ta, ai có suy nghĩ và cảm xúc riêng, sao lại xúc xiểm, sỉ nhục người khác chỉ vì họ đưa ra đề xuất trái ngược với đám đông?
Chúng ta, ai có suy nghĩ và cảm xúc riêng, sao lại xúc xiểm, sỉ nhục người khác chỉ vì họ đưa ra đề xuất trái ngược với đám đông?
Bà Xuân là đại biểu HĐND của TP.HCM, với trách nhiệm của mình, việc bà đưa ra đề xuất về vấn đề nóng, hóc búa đối với chính quyền TP.HCM thời gian qua là điều hoàn toàn bình thường.
Tất nhiên, cuộc họp với nhiều vấn đề, thời gian có hạn, đại biểu không thể trình bày đầy đủ phương án hay kế hoạch cụ thể thuyết phục người nghe. Đề xuất được đưa ra cũng có thể đúng, có thể sai, có thể hợp lý hoặc không thiết thực, nhưng việc một đại biểu của nhân dân đưa ra quan điểm, ý kiến là cần thiết.
Trong câu chuyện về ý tưởng trang bị lu hứng nước mưa để chống ngập của vị đại biểu này, vẫn còn nhiều khía cạnh mà người có trình độ, có tri thức có thể xem xét, suy nghĩ.
Nhưng nhiều người chẳng cần suy nghĩ, thậm chí không cần hiểu ngọn ngành câu chuyện, ngay lập tức lao vào chửi bới ầm ĩ trên các trang mạng xã hội, trên các diễn đàn không chính thức.
Cộng đồng mạng đua nhau “lên đồng” chế giễu, thoá mạ, xúc xiểm cá nhân người đưa ra ý tưởng, như thể mình là nhà khoa học, còn người đang ngồi trên nghị trường kia là xuẩn ngốc. Điều này, như nhiều chuyên gia lên tiếng, gây nguy hiểm cho tiến trình phát triển của xã hội.
Sự việc của đại biểu Hồng Xuân – là kịch bản lặp lại của vô số những câu chuyện tương tự trước đó. Mỗi khi một đề xuất, ý kiến được đưa ra là dư luận lập tức lao vào phản đối.
Từ đề xuất gộp chung Tết dương lịch và âm lịch, cấm xe máy,… cho đến gần đây là đề xuất phí chia tay, dùng lu chống ngập. Những “anh hùng bàn phím”, những “đại biểu facebook” chỉ chực chờ đề xuất nghe có vẻ “trái lỗ tai” là lao vào chửi bới, thoá mạ, sỉ nhục người nêu ý tưởng.
Video: Phát biểu dùng lu để chống ngập gây tranh cãi của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân
Mục đích của đám đông ấy cũng chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu thấp kém của cá nhân đó là “dìm hàng” người khác mà chẳng mấy ai đưa ra được những ý tưởng tốt hơn, hay phản biện mang tính xây dựng. Việc phản ứng một cách thái quá như hiện nay của số đông người dùng mạng cho thấy nguy cơ về xã hội thiếu những chuẩn mực đạo đức tranh luận, tâm lý bầy đàn hiện hữu ngày càng rõ nét.
Sẽ thế nào nếu một cuộc họp của quan chức, lãnh đạo chỉ còn những ngôn ngữ được soạn sẵn, chuẩn bị kỹ lưỡng trên trang giấy. Các đại biểu tham gia cuộc họp đó chỉ gật gù một cách nhàm chán. Và cũng chẳng còn bất cứ ai mặn mà với việc nêu ý kiến, đề xuất cá nhân vì tâm lý sợ bị “ném đá”, bị đe dọa, xúc xiểm.
Một xã hội với toàn kẻ có tâm lý lo sợ như thế thì đừng bao giờ mơ đến việc phát triển chứ chưa nói tới việc phấn đấu làm “cường quốc”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ ra hạn chế trong giáo dục của chúng ta chính là văn hóa nghe lời, thiếu tranh luận. “Bí quyết của một quốc gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi”, ông Nhân từng chia sẻ.
Trong khi đó, ở đất nước chúng ta, sự sỉ vả của đám đông hiện nay đang tạo tiền đề xấu cho văn hóa tranh luận, phản biện có lý lẽ, mà nguy hại hơn, nó sẽ trực tiếp tác động vào việc giáo dục những đứa trẻ – tương lai của xã hội.
Những đứa trẻ sẽ sớm được dạy rằng: Bạn sẽ bị thóa mạ, chửi bới ngày này qua tháng khác nếu chẳng may ý kiến mà bạn đưa ra không hợp lòng số đông.
Văn minh, văn hóa không ở đâu xa, cũng không phải dùng tiền để mua. Nó được xây dựng từ việc mỗi cá nhân trong xã hội cần có cách đối xử tử tế với cả những điều mình thấy sai. Chừng nào còn thói quen sỉ nhục tập thể, thóa mạ cá nhân một cách mù quáng, thì chừng đó giấc mơ về xã hội văn minh còn xa vời.
Một đất nước mà chỉ toàn người chửi bới, phản bác đề xuất được đưa ra thay vì góp ý, xây dựng, tương lai đất nước đó sẽ đi về đâu?
Độc giả có đồng tình với quan điểm tác giả bài viết? Hãy bày tỏ ý kiến của mình TẠI ĐÂY hoặc gửi trong ô bình luận ở bên dưới.
(Độc giả từ TP.HCM)
NHẬT LINH
Chuyên gia văn hoá: Thoá mạ, sỉ nhục PGS Phan Thị Hồng Xuân sẽ huỷ diệt ý tưởng sáng tạo
Chuyên gia văn hoá cho rằng hành vi thoá mạ, đe doạ nữ PGS Phan Thị Hồng Xuân sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.
Chiều 12/7, sau khi PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM đề xuất sáng kiến "dùng lu chống ngập", bà đã nhận rất nhiều bình luận khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm, đe doạ tính mạng.
Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng việc thoá mạ, chỉ trích, châm biếm chua cay trước một đề xuất cá nhân sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất chống ngập bị thoá mạ, đe doạ. (Ảnh Tự Trung).
- PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân vừa đề xuất ý kiến "dùng lu chống ngập" trong cuộc họp HĐND TP.HCM khiến dư luận tranh cãi gay gắt, thưa ông?
Đề xuất của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân rất tích cực, đáng để chúng ta trân trọng, ghi nhận.
Nếu một người không trăn trở, không tâm huyết, không lo cho người thì họ sẽ không đưa ra những đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Học viện Báo chí Tuyên truyền
Tôi cho rằng đó là tinh thần xây dựng, dám nghĩ, dám làm, dám nêu lên quan điểm của mình thì chúng ta phải cổ vũ, động viên và ủng hộ. Nếu một người không trăn trở, không tâm huyết, không lo cho người thì họ sẽ không đưa ra những đề xuất giải pháp chống ngập cho TP.HCM.
Về vấn đề giải pháp đưa ra có khả thi hay không, có phù hợp tính chất kinh tế và chính sách văn hoá xã hội không thì cơ quan chức năng, các ban ngành TP.HCM sẽ thảo luận và xem xét.
- Nhưng vì đề xuất này, PGS Phan Thị Hồng Xuân lại phải nhận rất nhiều những lời thoá mạ, sỉ nhục và thậm chí là đe doạ, thưa ông?
Chúng ta không nên mạt sát, thoá mạ, chê bai, sỉ vả các ý kiến tâm huyết của các đại biểu HĐND TP.HCM.
Ở nước ngoài, các nghiên cứu khoa học còn có rủi ro thì nói gì đến ý kiến cá nhân của một người. Nếu những ai không đồng ý, họ có thể phản biện dưới góc độ khoa học, kinh tế, xã hội, văn hoá.
- Cần nhìn nhận về cách phản ứng của dân mạng thế nào, thưa ông?
Ứng xử của cư dân mạng cũng có cái tích cực. Họ tỏ thái độ trước thời cuộc chứng tỏ có sự quan tâm, nhiệt huyết đến một vấn đề được nêu ra.
Điều đó cho thấy những hướng tích cực, sự dân chủ của xã hội, một vấn đề đưa ra được nhiều người dân quan tâm, nhiều người bàn bạc, thảo luận.
Chúng ta khuyến khích đóng góp nhưng khi mỗi người đưa ra ý kiến, quan điểm mình phải tìm hiểu, nghiên cứu và có sự cân nhắc, không nên đóng góp theo kiểu "chợ búa" vì nó sẽ triệt tiêu những ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết.
Nếu ý tưởng đưa ra mà đúng ngay thì cần gì đến các cơ quan, ban ngành cùng nghiên cứu.
Ý tưởng đưa ra dù có sai thì mình phản biện cái sai để đến cái đúng. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần suy nghĩ cách nêu lên ý kiến đó sao cho có văn hoá và khoa học, tạo ra không gian dân chủ để bàn bạc, sẽ tốt đẹp hơn cho đất nước.
Video: Phát biểu dùng lu nước để chống ngập gây tranh cãi của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân
- Các góp ý kiểu thoá mạ, sỉ nhục cá nhân sẽ nguy hiểm thế nào, thưa ông?
Nói kiểu thoá mạ, chỉ trích, châm biếm chua cay sẽ gây mất đoàn kết xã hội, huỷ diệt ý tưởng sáng tạo.
Một xã hội văn minh, mình phải tôn trọng những ý kiến đa phương, đa diện, đa chiều. Những ý kiến có tính tích cực xây dựng, đóng góp, chúng ta đều trân trọng để tìm ra chân lý, tiếng nói chung để xây dựng đất nước. Để xảy ra xung đột thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả mà sẽ tạo nên phức tạp, mâu thuẫn, căng thẳng trong xã hội.
Mọi người phải nhìn nhận lại, xem xét lại làm sao tiếp cận cho đúng đắn và văn minh.
Những hành vi xúc phạm, thoá mạ, đe doạ người khác đã được luật pháp quy định. Vì thế, những người có hành vi không đúng mực sẽ bị xử lý theo quy định.
- Thực trạng này liệu có khiến nhiều người sợ "vác tù và hàng tổng", ngại đưa ý tưởng, đề xuất giải pháp đóng góp cho thành phố, đất nước?
Chúng ta chỉ trích, thoá mạ, đe doạ như thế sau này không ai dám đưa ra ý kiến cá nhân. Đó vấn đề rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, với những người tâm huyết họ sẽ sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện ý tưởng của mình, xây dựng xã hội ngày phát triển hơn.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long:
Chúng ta luôn khuyến khích phê bình và tự phê bình, tranh luận một cách dân chủ. Chúng ta nên hiểu phản biện, tranh luận mang tính chất đóng góp, còn chỉ trích là vấn đề khác. Một vấn đề đưa ra tranh luận không phải lúc nào đám đông cũng đúng đắn.
Những chỉ trích, thoá mạ người đóng góp ý kiến, ý tưởng sẽ làm ảnh hưởng đến tính xây dựng của người khác, làm họ dè chừng, ái ngại. Khi đó, những ý kiến mang tính đóng góp, xây dựng sẽ bị triệt tiêu.
MINH ANH
Theo VTC
Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức tổ chức Hội nghị giao ban toàn quốc năm 2019 Hoạt động này đã góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa trung ương Hội và các tổ chức thành viên cũng như sự chỉ đạo thống nhất trong triển khai các hoạt động Hội trên toàn quốc. Ngày 13/7, tại Thanh Hóa, Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức đã tổ chức Hội nghị Giao ban toàn quốc...