Thoa kem chống nắng đừng bỏ lỡ ba vùng da mặt này
Bạn có thoa kem chống nắng cho hai lỗ tai không? Trên khuôn mặt, tai là một trong ba điểm nhạy cảm mà chúng ta hay quên thoa kem bảo vệ. Vậy mới nói thoa kem chống nắng tưởng là điều ai cũng biết nhưng thực ra chưa đúng và cũng chưa đủ.
Thời tiết vùng Nam bộ được cho là bắt đầu chuyển mưa, nhưng mưa vào chiều và tối, còn ban ngày trời vẫn nắng gay gắt. Điều này có nghĩa là tiếp nối suốt hai tháng qua, làn da của chúng ta vẫn phải phơi dưới nắng mỗi ngày mà chưa biết đến khi nào nắng dịu bớt. Cư dân ở TPHCM ngày nào cũng nghe điều này: nhiệt độ trung bình tăng cao, ngưỡng tia UV vượt quá mức an toàn trở thành gây hại cho con người. Mỗi người lại theo cách của mình tránh nắng nóng và sống chung với nó.
Đừng dùng chiếu lệ cho xong
Thị trường các sản phẩm chống nắng rất đa dạng từ kem, gel đến xịt, từ loại chuyên chống nắng cho đến kem dưỡng ẩm chống nắng SPF, son dưỡng SPF, với đủ các chỉ số chống nắng SPF 30 , 50 … và có cả loại dành cho trẻ nhỏ. Kem chống nắng trước đây chỉ bán được vào mùa du lịch, khi cư dân thành phố này đi chơi biển, tránh nắng mùa hè, nay được bán từ đầu xuân sang đến khi hạ về… vẫn đắt như tôm tươi.
Kem chống nắng, mũ chống nắng Coolibar và kính râm là những thứ không thể thiếu khi đi biển.
Rất nhiều bài báo đề cập đến thị trường nhộn nhịp này và cả chỉ dẫn cách chọn mua và sử dụng chống nắng hay những loại có khả năng chống nắng với SPF. Trên thực tế, trời càng nóng, sự tan chảy của kem càng nhanh, càng khiến người sử dụng kem chống nắng thấy khó chịu, đặc biệt là với những người có công việc hay di chuyển. Nhiều người bỏ cuộc chống nắng vì sự khó chịu đó và cũng có nhiều người nói nó không mang lại hiệu quả, gây nhờn da, tăng nám và làm da sỉn màu…
Trong khi rất nhiều người chuyển sang các biện pháp phòng ngừa khác, nhiều người dùng kem chống nắng chiếu lệ cho xong – không tuân thủ các bước chống nắng, chỉ chống nắng ở hai bên má, trán, mũi – những phần được cho là bị phơi nắng hoặc chỉ dùng kem dưỡng ẩm có SPF chống nắng. Một bản nghiên cứu được công bố vào đầu tháng 4 vừa qua và được trang tin sức khỏe Healthline.com đăng tải gần đây có đề cập đến những người thoa kem dưỡng ẩm có chỉ số chống nắng SPF cao có khuynh hướng bỏ quên việc thoa kem bảo vệ các khu vực nhạy cảm trên khuôn mặt của họ, như môi, tai và vùng xung quanh mắt.
Healthline.com cũng dẫn nguồn Học viện Da liễu Hoa kỳ (American Academy of Dermatology) cho biết khi không được bảo vệ, da phơi nắng dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho con người, như bị ung thư da – một dạng ung thư phổ biến hiện nay. Ở Mỹ, mỗi ngày có đến 9.500 người được chẩn đoán bị ung thư da.
Ba vùng da nhạy cảm bị bỏ quên
Như đã nói ở trên, nhóm nghiên cứu đã mời 22 nam và 62 nữ – những người đã tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím (UV) – đến phòng thí nghiệm hai lần. Lần thứ nhất, họ được dùng kem chống nắng bảo vệ da mặt và lần thứ hai, họ dùng kem dưỡng ẩm SPF. Những tấm ảnh của họ được các camera nhạy cảm với tia cực tím chụp lại, để kiểm tra mức tổn hại của da do ánh nắng mặt trời. Kết quả cho thấy hơn 16% số người tham gia không thể che phủ các phần nhạy cảm trên khuôn mặt và đầu của họ bằng kem dưỡng ẩm SPF, so với chỉ hơn 11% số người không sử dụng kem chống nắng đúng cách. Và ba điểm nhạy cảm trên mặt bị quên bôi kem là tai, vùng xung quanh mắt và môi.
Mũ chống nắng làm bằng laoị vải đặc biệt của Coolibar giúp bảo vệ da, đầu.
Theo Healthline.com, tác giả cuộc nghiên cứu Tiến sĩ Austin McCormick – một bác sĩ phẫu thuật nhãn khoa và phẫu thuật oculoplastic tại Bệnh viện Đại học Aintree (Liverpool) – cho hay cả ông và nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên về kết quả này. “Trước đó, chúng tôi dự liệu rằng dùng kem dưỡng ẩm SPF thoa vùng bầu mắt và mí mắt dưới sẽ phù hợp hơn là dùng kem chống nắng vì nếu vô tình bị dính vào mắt sẽ không làm cay mắt người dùng như với kem chống nắng hoặc là kết quả sẽ không có mấy khác biệt khi dùng hai loại này”, tiến sĩ Austin nói.
Video đang HOT
Nữ bác sĩ Rita Pichardo-Geisinger – giáo sư về da ở trung tâm y tế Wake Forest Baptist Health ở Winston-Salem, Bắc Carolina (Mỹ) – nói rằng, có rất nhiều người không đếm xỉa gì đến việc bảo vệ tai, môi hay bầu mắt, mí mắt khi ra ngoài nắng trong khi đây là những vùng da mặt dễ bị tổn thương nhất. Và bà Pichardo-Geisinger khuyên tốt nhất là nên thoa kem chống nắng lên tất cả các khu vực da mặt tiếp xúc với nắng, bao gồm cả tai, mí mắt và môi.
Đàn ông cũng được cảnh báo là dùng kem chống nắng cho cả vùng gáy, tai và đội mũ chống nắng nhằm tránh làm da bị tổn thương.
Một nữ bác sĩ da liễu khác là bà Shilpi Khetarpal, thuộc trung tâm Cleveland Clinic, đã cho biết thêm, có một quan niệm sai lầm rằng mặt trời chỉ gây ảnh hưởng đến làn da của con người khi trời ấm và có nắng. Sự thật là, ngay cả trong một ngày trời lạnh, nhiều mây, chỉ có khoảng 20% tia UV bị chặn. Bác sĩ Khetarpal khuyên người dân nên dùng kem có chỉ số SPF từ 30 trở lên hằng ngày và thoa lên tất cả các vùng da tiếp xúc với nắng. Vị bác sĩ này khẳng định, ngay cả khi ngồi trong ô tô, tia UV xuyên qua kính cũng có thể làm hỏng da.
Kem chống nắng vật lý, son dưỡng khoáng SPF
Các chuyên gia da liễu khuyên dùng các sản phẩm chống nắng cho cả ngày không nắng.
Theo bác sĩ Pichardo-Geisinger, các sản phẩm chống nắng dạng kem hay gel đôi khi có thể gây kích ứng cho vùng mắt, đặc biệt là khi đổ mồ hôi và sản phẩm vô tình bị thấm vào mắt. Sản phẩm lý tưởng cho các bộ phận này của mắt là một loại kem có chất chống nắng vật lý, chẳng hạn như oxit kẽm hoặc titan dioxide – những loại này thường được tìm thấy trong kem chống nắng có thành phần khoáng chất (mineral-based sunscreens). Kem chống nắng có chứa các thành phần này cũng có thể được sử dụng cho tai và môi.
Bác sĩ Pichardo-Geisinger cũng khuyến cáo nên tránh các sản phẩm có chứa hóa chất như oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene, homosalate và octinoxate – đều là những chất gây kích ứng có thể gây viêm da tiếp xúc, nổi mẩn đỏ, ngứa da.
Thị trường hiện đã có các loại son dưỡng có SPF dành cho những người thường xuyên ra ngoài nắng. Bác sĩ Pichardo-Geisinger khuyên nên dùng kem chống nắng có SPF 30 hoặc cao hơn kết hợp với kính râm để giữ cho mắt an toàn với tia cực tím. Pichardo-Geisinger cũng đồng ý với Khetarpal rằng nên dùng son dưỡng môi có SPF để bảo vệ môi và gợi ý các nhãn hiệu son dưỡng SPF của các thương hiệu như Avene, Eos và Aquaphor.
Một trong những cách bảo vệ khá đơn giản là dùng các loại mũ rộng vành chống nắng SPF của các thương hiệu Columbia, Coolibar và Tilley – loại mũ được làm bằng vải có khả năng chống nắng. Đặc biệt, những người bị hói hoặc có mái tóc thưa thớt nên thoa kem chống nắng dạng xịt lên da đầu và đội mũ SPF.
Tóm lại là người dùng kem dưỡng SPF cao cũng như dùng kem chống nắng có khuynh hướng quên thoa kem cho những vùng nhạy cảm trên khuôn mặt, như môi, mí mắt và tai, nhưng tỷ lệ người chịu ảnh hưởng của tia cực tím khi dùng kem dưỡng SPF cao hơn so với người dùng kem chống nắng truyền thống. Và
việc lơ là trong việc bảo vệ ba vùng da nhạy cảm đó có thể gây ra nguy cơ ung thư da cao hơn. Và theo các bác sĩ da liễu, nếu là người làm việc nhiều ở bên ngoài, thường di chuyển bạn nên dùng kem có chỉ số chống nắng SPF 30 hoặc cao hơn trên mặt, cổ và tai, thoa lại sau mỗi hai giờ đồng hồ hoặc khi bị ướt do bơi hoặc đổ mồ hôi.
Phương Anh
Theo sgtiepthi.vn
Nguy cơ ung thư da khi sử dụng kem dưỡng ẩm SPF sai cách
Việc không thoa kem dưỡng ẩm có yếu tố chống nắng (SPF) và bảo vệ da mặt đúng cách, đặc biệt là vùng quanh mắt, có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư da.
Mọi người nên đặc biệt chú ý đến vùng mí mắt khi sử dụng bất kỳ loại kem có SPF nào.
Theo một nghiên cứu mới đây, việc không thoa kem dưỡng ẩm có yếu tố chống nắng (SPF) và bảo vệ da mặt đúng cách, đặc biệt là vùng quanh mắt, có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư da.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những khác biệt trong cách mọi người sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm SPF.
Nhiều phần da không nhận đủ lượng kem dưỡng ẩm - đặc biệt là mí mắt, nơi da mỏng và dễ bị tấn công bởi ung thư.
Các chuyên gia cho biết, kính râm với bộ lọc UV có thể giúp bảo vệ các phần da bị bỏ sót.
Nhiều loại kem dưỡng ẩm có chỉ số SPF từ 30-50, tương tự với kem chống nắng truyền thống, nhưng không thể thay cho kem chống nắng nếu bạn dành nhiều thời gian ngoài trời vào mùa Hè.
Nhóm nghiên cứu sinh từ Đại học Liverpool đã thực hiện nghiên cứu, khi cho 84 người (62 phụ nữ và 22 nam giới) sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng, sau đó chụp họ bằng máy ảnh nhạy tia UV để xem cách họ chăm sóc da.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng gần 17% khuôn mặt thiếu kem dưỡng ẩm SPF và 11% với kem chống nắng.
Nghiên cứu trong PLOS One cũng cho thấy, 21% khu vực quanh mí mắt có độ che phủ thấp của kem dưỡng ẩm và 14% với kem chống nắng.
Bôi kem dưỡng
Austin McCormick (nhà nghiên cứu, tư vấn viên phẫu thuật nhãn khoa và bác sỹ phẫu thuật mắt từ Aintree University Hospital Trust) cho biết, đây là những khu vực dễ bị ung thư nhất mà mọi người không biết rằng họ đã bỏ sót.
"Da mí mắt rất mỏng và có nguy cơ bị tổn thương bởi tia UV," ông nói. "Khu vực xung quanh lông mi, giữa mí mắt và mũi thường ít được che phủ nhất."
Ông McCormick nhận định ung thư mí mắt chiếm 10% trong các loại ung thư biểu mô tế bào đáy ở Anh - ung thư da phổ biến nhất. Vì vậy mọi người nên đặc biệt chú ý đến vùng mí mắt khi sử dụng bất kỳ loại kem có SPF nào.
'SPF còn hơn không gì cả'
McCormick cho rằng, kem dưỡng ẩm thường ít được dùng hơn bởi vì nó đắt tiền, bán với dung tích nhỏ và gắn mác "xa xỉ phẩm."
"Nếu bạn ở ngoài trời lâu, bạn nên sử dụng kem chống nắng. Nếu sử dụng kem dưỡng ẩm, chúng tôi khuyên dùng loại có SPF: SPF còn hơn không gì cả, nhưng chúng vẫn không có tác dụng tương đương kem chống nắng," ông McCormick chia sẻ.
Holly Barber từ Hiệp hội Bác sỹ da liễu Anh cho biết kem dưỡng ẩm SPF sẽ giảm khả năng chống cọ xát và chống nước nếu thoa mỏng.
Tuy nhiên, cô cho rằng không có gì ngạc nhiên khi mọi người ngần ngại thoa kem chống nắng quanh mắt bởi cảm giác nhức nhối.
"Một giải pháp tốt để tránh các vấn đề như cháy nắng ở những khu vực nhạy cảm là sử dụng quần áo bảo hộ như mũ chống nắng và kính râm cũng như bôi thêm kem thường xuyên," Holly chia sẻ.
Khi nào cần dùng kem chống nắng?
Kem chống nắng thực sự cần thiết khi bạn ở ngoài trời trong nửa giờ hoặc hơn vào mùa Hè.
Nếu bạn chỉ xuất hiện vào giờ ăn trưa thì kem chống nắng không thật cần, đặc biệt nếu bạn đã thoa kem dưỡng ẩm có SPF vào buổi sáng hoặc sinh hoạt dưới bóng râm.
Kem dưỡng ẩm có SPF để làm gì?
Nó rất hữu ích nếu bạn muốn bảo vệ da khi ở ngoài một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định dành thời gian ngoài trời, đặc biệt giữa tháng 4 và tháng 9, thì kem chống nắng hiệu quả hơn nhiều.
Kem dưỡng ẩm có SPF không bám trên da tốt như kem chống nắng. Do đó, không thể bảo vệ da hoàn toàn trong thời gian dài dưới ánh nắng mặt trời.
Linh Trang
Theo vietnamplus.vn
Da sẽ đẹp hẳn lên nếu bạn chăm thoa kem dưỡng ẩm vào mùa hè, nhưng mắc 4 sai lầm sau thì chỉ phản tác dụng Dù là mùa hè, kem dưỡng ẩm vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng bạn cần cẩn thận hơn một chút khi thực hiện bước skincare này. Vào mùa hè, nhiều nàng thường lơ là đi bước dưỡng ẩm, thậm chí là bỏ qua hoàn toàn. Tuy nhiên, đây là một sai lầm bởi dù không gây bong tróc, nứt nẻ...