Thờ ơ với ‘lệnh’ cấm hút thuốc nơi công cộng
Ngày mai (01/01/2010), quy định cấm hút thuốc ở các nơi công cộng (nhà ga, bến xe, trường học, …) bắt đầu có hiệu lực. Theo khảo sát thực tế, có khá nhiều người dân không biết quy định này, hoặc nếu biết cũng tỏ ra “thờ ơ”. Còn lãnh đạo các nhà ga, bến xe thì đang loay hoay không biết làm thế nào, vì quy định phạt bao nhiêu đã có nhưng ai sẽ đứng ra cấm, ai sẽ đứng ra phạt thì lại chưa rõ ràng.
Biết là bị cấm, nhưng vẫn thờ ơ
Có mặt tại Ga Hà Nội sáng 31/12, theo ghi nhận của VietNamNet, hình ảnh những người dân hút thuốc vẫn rất phổ biến. Hầu như rất ít người biết có quy định cấm hút thuốc nơi công cộng. Còn những người biết rồi thì tỏ thái độ “thờ ơ” theo kiểu “biết rồi khổ lắm, cấm mãi cũng chỉ thế thôi!”
Nhiều người tỏ ra “vô cảm” trước quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng (Ảnh chụp tại cửa Ga Hà Nội. Ảnh: C.Q)
Anh Hiền, hành nghề xe ôm ở cổng chính Ga Hà Nội cho biết: “Hôm qua ngồi đọc báo tôi mới biết quy định này. Chúng tôi toàn chạy xe hoặc ngồi ở nơi công cộng, nên có hút cũng toàn hút nơi công cộng cả. Người nào hôm nay vẫn hút, mai chỉ vì quy định cấm này mà bỏ thuốc được thì tôi cho là tài”, anh tếu táo.
Ngày 21/08/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, theo đó sẽ cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng. Mức xử lý với người vi phạm là từ 50 đến 100 ngàn đồng.
Video đang HOT
Những đồng nghiệp của anh Hiền cũng tỏ ra khá “bi quan” với lệnh cấm này. “Hút thuốc là quyền tự do, là chuyện cá nhân của chúng tôi. Nếu muốn bỏ chúng tôi sẽ tự bỏ. Còn nếu không muốn ảnh hưởng đến người khác thì phải có chỗ hút thuốc riêng. Nhưng ở đây làm gì có chỗ riêng cho người hút thuốc lá?”, anh Nghĩa, người hành nghề xe ôm cho hay.
Đó là chưa kể đến việc nếu có chỗ dành riêng cho người hút thuốc thì những người như anh Nghĩa, anh Hiền cũng khó mà thực hiện quy định này, vì trong lúc đi hút thuốc có thể khách đi xe đã bị người khác chèo kéo mất!
Tại bến xe Giáp Bát, nơi lượng khách cũng như những người hành nghề xe ôm, bán hàng đông đúc từ sáng tới tối, tình hình cũng không có gì khả quan hơn. Thậm chí số người không biết quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn nhiều hơn Ga Hà Nội.
“Có quy định đó à?” là câu hỏi ngược lại của mấy bác xe ôm đầu bến. Nhưng sau thoáng ngạc nhiên, những người này quay sang cười xòa: “ Sao mà cấm được? Sao mà phạt được?”.
Ai cấm, ai phạt?
Theo quy định từ ngày 01/01/2010, nếu hút thuốc tại nơi công cộng sẽ bị phạt từ 50 đến 100 ngàn đồng. Chưa nói đến chuyện mức phạt trên là cao hay thấp, có tính răn đe hay không, nhưng làm sao để cấm, để phạt đang là cả một câu chuyện phức tạp.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Phía Nam cho hay: “Đưa ra quy định thì tất cả phải thực hiện. Nhưng bây giờ, điểm cốt lõi là ai đứng ra cấm, ai đứng ra phạt thì chưa có quy định nào nêu cả. Những cán bộ công nhân viên của bến xe không có chức năng đứng ra làm việc này”.
Cấm và phạt người dân về hành vi hút thuốc nơi công cộng nghe thì đơn giản nhưng thực hiện thì không dễ chút nào (Ảnh: C.Q)
Ông Thành giải thích thêm: “Nếu cán bộ công nhân viên của bến xe cố tình hút thuốc thì chiếu theo quy định của xí nghiệp để phạt (dù cũng không đơn giản chút nào). Nhưng với hành khách, với người đi qua đi lại, với đội ngũ hành nghề xe ôm tự do bên ngoài thì ai dám phạt họ?”.
Ông Thành lấy ngay ví dụ rất gần để thấy nếu mọi người không có ý thức tự giác và hợp tác thì không thể phạt họ được: Có khách đi vệ sinh không đúng nơi quy định, nhân viên bến xe bắt được quả tang và yêu cầu khách lấy nước dội sạch. Không những không dội sạch, khách và nhân viên còn to tiếng với nhau dẫn đến xô xát vì hành khách cho rằng nhân viên bến xe đã… vi phạm nhân quyền, đi vệ sinh ở đâu là quyền của mỗi người!
Vì thế, dù mai đã là ngày thực thi quy định nhưng ông Thành cho rằng chắc chắn bến xe không thể làm đúng theo kiểu “cấm, phạt” mà chỉ có thể tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, nhắc nhở mà thôi.
Cũng tương tự, ông Nguyễn Văn Trương, Phó trưởng Ga Hà Nội cho rằng, phạt được người hút thuốc nơi công cộng không phải là dễ.
“Chúng tôi chỉ có lực lượng bảo vệ chuyên ngành thường xuyên nhắc nhở, nhưng phải thấy là có người nhắc họ mà họ không hợp tác, có người chỉ hợp tác lúc đó, đi ra khỏi là họ lại hút. Cho nên nói là phạt 50 đến 100 ngàn thì có vẻ đơn giản nhưng không dễ chút nào”, ông Trương cho hay.
Điều này càng đặc biệt khó đối với đội ngũ những người hành nghề tự do quanh bến xe, nhà ga. Đội ngũ này hút thuốc liên tục và hút rất nhiều nhưng để họ “móc hầu bao” 50 đến 100 ngàn nộp cho ngân sách Nhà nước chỉ vì tội hút thuốc thì không phải đơn giản. Đó là chưa kể đến chuyện quy định ghi mức phạt từ 50 đến 100 ngàn nhưng không biết ai thì bị phạt 50 ngàn, ai bị phạt 100 ngàn.
Chưa thu được đồng nào!
– Ước tính, 10% dân số hiện nay sẽ chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. – Hàng năm người dân Việt Nam tiêu tốn khoảng 10.400 tỷ đồng cho các sản phẩm thuốc lá, nhiều gấp đôi chi phí cho giáo dục và gấp rưỡi chi phí chăm sóc sức khoẻ.
– Hàng năm nhà nước và người dân phải dành 1.016 tỷ đồng để chi phí cho 3 trong số 25 loại bệnh do thuốc lá gây ra
Người dân không hợp tác và các quy định đưa ra trong việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng không khả thi đã được thực tế chứng minh. Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ ban hành nghị quyết về cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc và nơi công cộng.
Ngay từ năm 2005, Chính phủ đã ban hành nghị định 45/2005/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó nêu rõ: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm; b) Bán thuốc lá, thuốc lào cho trẻ em dưới 16 tuổi”.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, tính từ năm 2005 đến giữa năm 2009, Bộ Y tế chưa phạt được một người nào và chưa thu được một đồng tiền phạt nào từ hành vi hút thuốc lá nơi công cộng của người dân!
Tại cuộc họp báo về chiến dịch truyền thông kêu gọi thực hiện quyết định 1315 của Thủ tướng về kiểm soát thuốc lá diễn ra hôm 18/12, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên thừa nhận nguyên nhân là do thiếu nhân lực xử phạt, ý thức người dân kém và việc xử phạt chưa mạnh tay.
Và theo ý kiến của nhiều người, chừng nào thuốc lá vẫn còn được phép bán dễ dãi như hiện nay, thì việc cấm ở hình thức nào cũng rất khó thực hiện.
Tăng thuế và tăng giá đối với sản phẩm thuốc lá Để hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc lá, Chính phủ đã có kế hoạch tăng thuế và tăng giá đối với sản phẩm thuốc lá. Theo đó, từ nay đến năm 2010, xây dựng lộ trình về thuế các sản phẩm thuốc lá theo hướng: tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá; áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu; áp dụng các biện pháp về quy định giá tối thiểu các sản phẩm thuốc lá; các biện pháp để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại các cửa hàng miễn thuế.
Cẩm Quyên