Thổ Nhĩ Kỳ thêm trên 37.300 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Giới chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 37.303 ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 – số ca mắc ghi nhận theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 3/2020, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ lên 3.277.880 ca.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thêm 155 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 31.385 trường hợp.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca lây nhiễm tại Thổ Nhỹ Kỳ đã tăng cao trở lại sau khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 1/3 vừa qua. Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3 đã quyết định siết chặt trở lại các quy định phòng dịch, trong đó bao gồm việc kéo dài thời gian giới nghiêm vào cuối tuần.
Video đang HOT
Chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai vào ngày 14/1, sau khi nhà chức trách phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Tính đến thời điểm này, hơn 8.889.000 người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm phòng COVID-19. Ngoài vaccine của Sinovac, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiếp nhận 2,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech
* Cũng trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Pháp ghi nhận thêm 30.702 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên mức hơn 4,5 triệu người, trong đó có 95.337 ca tử vong. Các bệnh viện tại Pháp đang đứng trước nguy cơ quá tải khi chỉ trong 1 ngày đã có 188 người nhập viện điều trị. Bệnh nhân COVID-19 hiện đã nằm kín 5.072 giường hồi sức – con số thống kê lớn nhất kể từ giữa tháng 11/2020.
Không giống như các nước láng giềng châu Âu, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này, Pháp đã không áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn và vẫn cho phép các trường học được mở cửa. Tuy nhiên, nước này duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm vốn có hiệu lực kể từ ngày 16/1 vừa qua. Tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, chính phủ yêu cầu các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa, trong khi người dân được yêu cầu làm việc tại nhà và hạn chế di chuyển tới các khu vực khác.
Theo kế hoạch, trong ngày 31/3, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng để bàn về các biện pháp mới ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Bộ Y tế Pháp cho biết tính đến hết ngày 30/3, nước này đã tiến hành tiêm 11 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Tổng cộng 8.259.656 người ở Pháp (tương đương 15,7% dân số) đã được tiêm liều đầu tiên, trong khi 2.797.060 người (tương đương 5,3% dân số) đã tiêm đủ hai mũi.
EU thúc đẩy vấn đề hợp tác quản lý người di cư
Trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày đến Hy Lạp, Ủy viên phụ trách nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson ngày 30/3 kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác hơn nữa và phân bổ công bằng gánh nặng người di cư bất hợp pháp.
Người di cư cố vượt qua hàng rào ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong hành trình tới châu Âu ngày 4/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong chuyến thăm, bà Johansson cùng với Bộ trưởng Di trú Hy Lạp đã thị sát các cơ sở tiếp nhận người di cư trên các đảo Samos và Lesvos trong các ngày 28 và 29/3, sau đó hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kyriakos Mitsotakis và các quan chức khác tại thủ đô Athens ngày 30/3.
Tại cuộc hội đàm, hai bên thừa nhận những tháng gần đây đã đạt tiến bộ về quản lý người di cư, song nhất trí cần hành động hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Trong một thông cáo chung với bà Johansson, Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh châu Âu trước tiên cần hành động để giảm tác động đối với các nước đầu tiên tiếp nhận người di cư và cho rằng cơ chế đoàn kết và thống nhất sẽ có hiệu quả đáng kể đối với việc phân bổ người di cư. Ông Mitsotakis cũng cho biết châu Âu cần lập một cơ chế tập trung về hồi hương người di cư và cơ chế này sẽ do Ủy ban châu Âu (EC) điều phối.
Tại cuộc họp báo, bà Johansson nhất trí cho rằng châu Âu cần thống nhất chính sách di cư, quản lý người di cư và kiểm soát biên giới. Quan chức châu Âu và các quan chức Hy Lạp cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần phối hợp tốt hơn với những nước là điểm xuất phát và quá cảnh của người di cư, đồng thời ký kết những thỏa thuận tiếp nhận lại người di cư với những nước thứ ba.
Bà Johansson và các quan chức Hy Lạp cũng thảo luận về Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú của EU do EC đề xuất vào mùa Thu năm ngoái và đang được các nước thành viên EU thảo luận. Phía Hy Lạp cho rằng đề xuất không đáp ứng thỏa đáng yêu cầu của Hy Lạp và những nước khác - vốn là "cửa ngõ" chính của người di cư đến châu Âu - về việc chia sẻ tương xứng hơn gánh nặng này.
Kể từ khi các nước Balkan đóng cửa biên giới với người di cư, hàng chục nghìn người tị nạn và di cư đã mắc kẹt tại Hy Lạp. Các trại tị nạn, đặc biệt ở trên các đảo Lesvos, Chios, Leros, Kos và Samos của Hy Lạp, rơi vào quá tải do chậm trễ trong khâu xem xét đơn xin cấp quy chế tị nạn, phân bổ người di cư đến các nước khác và hồi hương người di cư.
Tính đến đầu năm ngoái, 92.000 người tạm trú trong các cơ sở tị nạn trên khắp Hy Lạp. Theo Thủ tướng Mitarachi, đến nay, con số này đã giảm xuống còn 58.000 người.
Bà Johansson cho biết trong 5 năm qua, EU đã dành 293 triệu USD để xây dựng các trại tị nạn trên 5 đảo kể trên. Các cơ sở này đã bắt đầu được khởi công và dự kiến mở cửa trước mùa Đông tới.
Tổng thống Afghanistan tuyên bố chỉ rút lui sau bầu cử Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 30/3 đã công bố các kế hoạch hòa bình của ông, khẳng định sẽ rời nhiệm sở nếu bầu cử được tổ chức. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: AFP/TTXVN Tuyên bố trên được ông Ghani đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Trái tim châu Á lần thứ 9...