Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay đổi thế nào khi trong tình trạng khẩn cấp
Quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp sẽ khiến quyền lực tập trung nhiều hơn vào tay tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Lính chính phủ bảo vệ khu vực người dân biểu tình chống đảo chính tụ tập tại quảng trường Taksim ở Istanbul đêm 15/7. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ từ hôm 21/7 ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng, sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ quét sạch tận gốc những ai bị xem là kẻ thù của nhà nước.
Theo CNN, tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng sẽ giúp ông Erdogan cùng nội các của mình có thêm nhiều quyền lực. Còn ông Erdogan nói rằng quyết định sẽ giúp ngăn chặn “mối đe dọa tới nền dân chủ” đang ngày một gia tăng.
Hạn chế nhóm họp, tụ tập
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp giúp chính phủ có thể áp đặt lệnh giới nghiêm, tuyên bố một số khu vực công cộng và cả của tư nhân là vùng cấm. Chính quyền cũng có thể cấm hoặc hạn chế hoạt động tụ tập, nhóm họp cũng như các cuộc tuần hành.
Lực lượng an ninh của chính phủ sẽ không cần phải xin lệnh từ thẩm phán nếu muốn lục soát người dân.
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus hôm 21/7 cho biết chính phủ có kế hoạch đình chỉ Hội nghị châu Âu về Nhân quyền, theo Anadolu. Hội nghị này là cơ quan bảo vệ quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền được xét xử công bằng và quyền tự do ngôn luận.
Cán cân chính trị thay đổi
Tình trạng khẩn cấp sẽ là sự dịch chuyển quyền lực lớn theo hướng có lợi cho Tổng thống Erdogan, người có thể đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ của thủ tướng nếu muốn.
Video đang HOT
Thay vì phải chờ các đạo luật được thông qua bởi những tiến trình kéo dài ở quốc hội, nội các có thể thảo ra một sắc lệnh và khi được tổng thống phê chuẩn, dự thảo sẽ được chuyển ngay tới quốc hội để bỏ phiếu phê chuẩn hoặc bác bỏ. Tất cả có thể diễn ra chóng vánh trong vòng 30 ngày.
Tòa hiến pháp trong thời gian này sẽ bị tước bỏ chức năng chính là giám sát việc thông qua các đạo luật. Quyền hành của lãnh đạo 81 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được tăng lên trong quá trình ra quyết định ở cấp địa phương.
Trong thời gian này, chính phủ trung ương cũng như lãnh đạo các tỉnh có thể cấm việc in ấn và phát hành các tạp chí, báo, sách, tờ rơi, tài liệu quảng bá. Các chương trình phát thanh, truyền hình cũng có thể bị hạn chế, thậm chí bị cấm hoàn toàn, cho dù là các bản tin thời sự hay chương trình phim truyền hình.
Một người phát ngôn của ông Erdogan nhấn mạnh rằng tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa với việc trấn áp truyền thông. Tuy vậy, trước khi mệnh lệnh trên được ban bố, chính phủ đã cấm một tạp chí xuất bản ấn phẩm về cuộc đảo chính, đồng thời thu hồi giấy phép của 24 đài phát thanh, truyền hình bị cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen.
Ông Erdogan và chính quyền của mình cáo buộc ông Gulen chủ mưu vụ đảo chính, và đang yêu cầu chính phủ Mỹ dẫn độ về nước.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết ít nhất 34 phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thu hồi thẻ nhà báo.
Một trong những công cụ có thể được chính quyền ông Erdogan sử dụng là tước bỏ quyền kháng cáo các quyết định của tòa án, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan Ibrahim Kalin nói.
“Mục tiêu thực sự hàng đầu là khiến cho những người dính líu đến âm mưu đảo chính, những kẻ đã sát hại dân thường trên đường phố, sẽ bị đưa ra xét xử mà không có cơ hội quay trở lại bộ máy nhà nước một lần nữa”, ông Ibrahim Kalin nói.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nhấn mạnh tình trạng khẩn cấp không đồng nghĩa với “thiết quân luật” bởi chính phủ không “trao quyền điều hành cho quân đội”.
“Chính phủ vẫn nằm trong tay các lãnh đạo dân sự”, ông nói.
Trong khi đó, đảng CHP đối lập đang thành lập một ủy ban để thực thi các tiến trình tư pháp theo tình trạng khẩn cấp, nhằm đảm bảo các tiến trình được thực hiện một cách công bằng. Ông Ilhan Cihaner, một cựu công tố viên và nghị sĩ đảng CHP, sẽ tham gia ủy ban này. Ông từng bị bắt giữ và xét xử trong các đợt thanh trừng cách đây vài năm, nhắm vào những người theo chủ nghĩa thế tục (tách rời tôn giáo với chính trị) bị nghi bàn thảo âm mưu chống chính phủ.
Cuộc thanh trừng đó hiện được nhìn nhận như hành động của các thành viên phong trào Gulen nhằm triệt hạ những người trong quân đội, cơ quan tư pháp và cảnh sát bị cho là chống lại phong trào Gulen, bao gồm ông Cihaner.
Loại bỏ &’virus’
Khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên truyền hình quốc gia, ông Erdogan khẳng định mọi “virus” trong lực lượng vũ trang sẽ bị quét sạch. “Nó rất giống căn bệnh ung thư”, ông Erdogan nói. “Nó giống như sự di căn đang diễn ra trong cơ thể là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Và chúng ta sẽ quét sạch nó”.
Phó thủ tướng Numan Kurtulmus cho biết các biết biện pháp được áp dụng “để chiến đấu chống lại &’cấu trúc song song’”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng những người ủng hộ giáo sĩ Gulen đã hình thành một nhà nước song song, và sử dụng thuật ngữ “cấu trúc song song” để đề cập tới những hành động này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ đáp trả âm mưu đảo chính mạnh tay. Hơn 50.000 người đã bị sa thải hoặc định chỉ chức vụ sau vụ đảo chính bất thành, bao gồm nhiều cảnh sát, tướng lĩnh quân đội và các đô đốc, giáo viên, thẩm phán, công chức. Ankara cũng để ngỏ khả năng khôi phục án tử hình, áp đặt các hạn chế đối với truyền thông, chặn các trang web và cấm các học giả rời khỏi nước này.
Chỉ trích
Các nhóm nhân quyền và lãnh đạo các nước phương Tây lại tỏ ra lo ngại rằng tình trạng khẩn cấp khiến quyền tự do dân chủ bị thu hẹp.
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang lạm dụng các quy định luật pháp và “tình trạng khẩn cấp giúp họ có thêm điều kiện để tiếp tục trên con đường nguy hiểm này”.
Liên minh châu Âu cho rằng quyết định về giáo dục, tư pháp và truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận”. Các quan chức Mỹ, Pháp và Đức cũng cảnh báo ông Erdogan phải hành động theo đúng luật.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo đảm đúng thủ tục cho những người bị buộc tội tham gia vào cuộc đảo chính.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bozdag nhấn mạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm mục đích loại bỏ những người có liên quan đến giáo sĩ Gulen, mà ông gọi là “tổ chức khủng bố Fethullah và các tay chân của chúng”.
“Thực tế, nếu chính phủ chúng tôi có cơ hội thực hiện những biện pháp nói trên mà không cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì chúng ta đã không phải đưa ra quyết định này”, ông nói.
Theo VnExpress
Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ hàng chục nhà báo
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: Nhà chức trách nước này đã ra lệnh tạm giam 42 nhà báo trong chiến dịch trấn áp sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15.7.
Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt giữ hàng chục nhà báo
Nổi bật nhất trong danh sách là nhà bình luận chính trị kỳ cựu Nazli Ilicak, 72 tuổi. Bà đã bị sa thải khỏi tờ nhật báo Sabah thân chính phủ từ 3 năm trước vì chỉ trích các bộ trưởng chính phủ đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.
Chưa rõ đã có nhà báo nào trong danh sách bị giam giữ hay chưa.
Trước đó, chỉ vài ngày sau âm mưu đảo chính, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa một số tờ báo, nhưng đây là lần đầu tiên cá nhân các nhà báo bị nhằm đến.
Khoảng 60.000 người gồm binh lính, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, viên chức, học giả... đã bị bắt giữ hoặc sa thải vì cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính bất thành.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng họ đã nhận được bằng chứng đáng tin cậy nói những người bị giam giữ đã bị đánh, bị tra tấn, kể cả hãm hiếp.
Tuần trước Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, cho phép tổng thống và chính phủ vượt qua quốc hội khi soạn thảo luận mới hạn chế hoặc đình chỉ các quyền tự do.
Theo Lao Động
Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính: Các phe đối lập tổ chức tuần hành chung Ngày 24/7, những người ủng hộ đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng những người theo phe chính trị đối lập tổ chức cuộc đại tuần hành vì dân chủ. Cuộc tuần hành thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người, là một hành động hiếm hoi cho thấy sự "sát cánh" giữa đảng cầm quyền và các phe...