Thổ Nhĩ Kỳ nên học gì từ Nga để tránh một cuộc đảo chính lần 2?
Thổ Nhĩ Kỳ có thể học từ Nga cơ chế kiểm soát quân đội mạnh mẽ – đủ để đảm bảo khả năng xảy ra đảo chính quân sự là điều không thể xảy ra.
Hơn 200 người thiệt mạng và khoảng 1.400 người bị thương vì bạo lực trong đêm 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi một nhóm lực lượng vũ trang điều khiển xe tăng, trực thăng tấn công, chiến đấu cơ tiến hành đảo chính nhưng bất thành.
Tờ Hurriyet dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Tufenkci cho biết thiệt hại của cuộc đảo chính có thể lên tới con số 300 tỷ lira (100 tỷ USD).
Nga có thể là hình mẫu cho Thổ Nhĩ Kỳ học tập trong việc tránh một cuộc đảo chính lần thứ 2.
Dù mọi thứ đã dần đi vào thế ổn định khi ông Erdogan vẫn an toàn và giữ vững quyền lực của mình, nhưng ít nhất có thể thấy rằng nhà lãnh đạo Ankara sẽ không muốn phải trải qua tình thế ngàn cân treo sợi tóc như vậy thêm một lần nào trong sự nghiệp chính trị.
Video đang HOT
Sẽ có nhiều việc chính quyền Erdogan phải làm trong việc thiết lập quyền hạn, trật tự và đưa quân đội nằm trong tầm kiểm soát nếu không muốn các cuộc đảo chính dần trở thành tiền lệ trong nhiệm kỳ của ông.
Giáo sư Mark Galeotti từ đại học New York, cố vấn đặc biệt Văn phòng Ngoại giao Anh cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể học tập điều này ngay từ Nga, quốc gia mà ông Erdogan đang muốn xích lại gần hơn trong thời điểm hiện tại.
Cũng giống nhiều quốc gia khác ông Galeotti đánh giá Moscow có cơ chế kiểm soát quân đội mạnh mẽ đến mức khả năng đảo chính có thể xảy ra trong mọi tình huống gần như bằng 0.
Lịch sử đã chứng minh rằng dù có vài lần xảy ra những mâu thuẫn nội bộ trong quá khứ, quân đội nước này vẫn giữ vai trò trung lập, không sử dụng sức mạnh đi ngược lại nhiệm vụ, vai trò được quy định rõ của mình là bảo vệ an ninh quốc gia để can thiệp vào nội bộ chính trị.
Quân đội Nga có truyền thống lệ thuộc mạnh mẽ vào chính quyền dân sự. Các đời Bộ trưởng Quốc phòng của quốc gia này đều xuất thân không theo nghiệp lính. Họ có thể tùy ý chọn lựa cũng như sa thải bất kỳ nhân vật nào dù cấp cao đến đâu. Các tướng lĩnh trong quân đội Nga là những nhân vật có sự nghiệp huy hoàng, rất được kính trọng, chịu trách nhiệm chỉ huy mọi hoạt động quân sự nhưng họ không bao giờ quên rằng mình đang làm việc cho ai.
Trong khi Nga vẫn duy trì nhiều cơ quan độc lập như cục Phản gián Quân sự (UVK) thuộc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) hay Dịch vụ Bảo vệ Liên bang (FSO) với nhiệm vụ giám sát các lực lượng vũ trang, ứng phó trước các cuộc binh biến, thì ngược lại Tổ chức Tình báo quốc gia (MIT) – cơ quan tình báo an ninh quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Ông Erdogan nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau cuộc binh biến rằng ông thực sự đã không nhận được cảnh báo nào từ
MIT.
Lực lượng trung thành của Tổng thống Putin
Sẽ không thể có một cuộc đảo chính nào có thể diễn ra nếu mọi cơ hội đều bị bịt kín. Tổng thống Putin thừa hiểu được điều này và Moscow đã thiết lập các biện pháp có thể ứng phó tuyệt đối trước một cuộc đảo chính nếu xảy ra.
Quân đội sẽ là những người nắm nhiều hỏa lực nhất, bởi vậy trong các cuộc binh biến, điều quan trọng nhất với một chính phủ là sẽ có bao nhiêu người tin cậy sẵn sàng vào đúng vị trí.
Nga hoàn toàn tự tin đảm bảo được điều này bằng số lượng lớn. Ngay tại thủ đô Moscow, điện Kremlin được bảo vệ bởi Trung đoàn Tổng thống thuộc FSO với một đơn vị bộ binh 5.500 lính trung thành, ngoài ra FSO cũng bố trí khoảng 5.000 nhân viên vũ trang, chưa kể đến Lực lượng Hộ vệ Tổng thống thuộc FSB.
Lực lượng Cận vệ Quốc gia cũng có 20.000 quân ở Moscow được chỉ huy bởi Viktor Zolotov – một nhân vật thân tín của ông Putin. Lực lượng này cũng bao gồm cả Sư đoàn 1 với 35.000 lính vốn thuộc quân đặc nhiệm Internal Troops trước đây; bên cạnh 3000 cảnh sát chống bạo động và lực lượng trật tự công cộng.
Nếu từng đó là không đủ, FSB có thể ra lệnh thêm cho lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ Alfa và 50.000 cảnh sát thường trực của Tổng cục Nội vụ Moscow tiếp ứng.
Nhìn vào các con số trên, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng có sự tính toán, chuẩn bị để bảo vệ cho cơ sở quyền lực của mình không tốt bằng Nga. Cuộc binh biến Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh một điều rằng, để chống chọi lại lực lượng quân sự chỉ bằng một lực lượng cảnh sát là không đủ.
Lực lượng cảnh sát của Tổng cục An ninh (EGM) – lực lượng đối đầu chính trong cuộc binh biến vừa qua không có nhiều kinh nghiệm chống đảo chính, đồng thời chỉ được vũ trang nghèo nàn và bị phân tán.
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một lực lượng an ninh song song đáng gờm với tên gọi Jandarma có vai trò giống với các lực lượng Nga ở trên nhưng nó lại là một phần thuộc về quân đội, tồi tệ hơn, một vài tướng lĩnh trong đó cũng liên quan đến cuộc đảo chính.
Từ những sự khác biệt trên, giáo sư Mark Galeotti nhận định rằng, có lẽ, học theo cách làm của Nga sẽ là giải pháp khả quan cho việc gìn giữ quyền lực của chính quyền Erdogan trong thời gian sắp tới
Theo Người Đưa Tin