Thổ Nhĩ Kỳ mua HQ-9: “Cái tát” vào niềm kiêu hãnh Mỹ-NATO
Thổ Nhĩ Kỳ mua HQ-9 không những củng cố vị thế của Trung Quốc trên thị trường vũ khí thế giới mà còn là cú đấm choáng váng đối với Mỹ-NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ chốt phương án FD-2000 của Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất, vượt qua bao khó khăn và sức ép của Mỹ và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sẽ xây dựng một hệ thống phòng không và tên lửa độc lập dựa trên các tổ hợp tên lửa HQ-9 của Trung Quốc.
Quyết định mới đây đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ismet Yilmaz xác nhận.
Sự hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã diễn ra khá lâu. Trung Quốc cũng chứng tỏ họ sẵn sàng chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ cả công nghệ chứ không chỉ riêng sản phẩm vũ khí.
Nước này đã được Bắc Kinh cấp phép sản xuất các bệ phóng tên lửa hạng nặng, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và một số loại vũ khí trang bị cho máy bay.
Trong khi đó, ngay từ đầu Nga không sẵn sàng chuyển giao khối lượng lớn các công nghệ liên quan đến phương tiện phòng không, dĩ nhiên bởi lý do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO.
Còn Mỹ và EU, bất chấp vô số những hứa hẹn, vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao công nghệ.
Hợp đồng bán HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động mạnh tới vị thế của Trung Quốc trên thị trường thế giới.
Hoạt động xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh bắt đầu vượt các giới hạn thị trường truyền thống, kém phát triển lâu nay như Myanmar, Pakistan, Sudan, Bangladesh hay Argentina.
Ông Vasily Kashin, chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ nêu nhận xét rằng, đây là lần đầu tiên Trung Quốc xuất hiện thành công với sản phẩm vũ khí phức tạp và đắt tiền là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cho một quốc gia lớn và tương đối phát triển.
Thổ Nhĩ Kỳ còn là quốc gia có vốn có quan hệ quân sự-kỹ thuật gần gũi với phương Tây, đồng thời cũng có ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo.
Hợp đồng mua 12 tiểu đoàn HQ-9 trị giá vào khoảng 3,6 tỷ USD sẽ làm nhiều chính trị gia quốc tế thay đổi thái độ về chất lượng vũ khí Trung Quốc.
Hệ thống phòng không SAMP/T Aster-30 của liên doanh châu Âu Pháp-Ý Eurosam
Những thành tựu mà các nhà sản xuất phương tiện phòng không Trung Quốc đã đạt được chỉ giải thích một phần sự thành công của thương vụ tương lai.
Giống như nhiều giao dịch tương tự, ở đây yếu tố kỹ thuật quân sự đóng vai trò nhỏ so với các yếu tố kinh tế và chính trị.
Video đang HOT
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố đấu thầu dự án hệ thống tên lửa phòng không tầm xa vào năm 2006.
Các sản phẩm của Hoa Kỳ, châu Âu và Nga mang đến tham gia tranh thầu bao gồm hệ thống phòng không S-300 của Nga, Patriot-3 (PAC3) của Raytheon – Mỹ và SAMP/T Aster-30 của liên doanh châu Âu Pháp-Ý Eurosam.
Tập đoàn xuất-nhập khẩu cơ khí công nghệ cao Trung Quốc (CPMIEC) đã chào giá 3,4 tỉ USD cho hệ thống tên lửa phòng không FD-2000.
Tuy về mặt công nghệ và tính năng tác chiến của FD-2000 cũng không vượt trội nhưng Trung Quốc đã kèm theo điều khoản chuyển giao công nghệ và sản xuất tại nước này.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ đã tỏ ý không hài lòng và gây áp lực nhằm khiến Ankara loại bỏ hợp đồng trên.
Lí do mà Washington và Brussels các tổ hợp tên lửa của Trung Quốc không thể tương thích với những hệ thống tên lửa phòng không của NATO.
Nếu mua các hệ thống của Trung Quốc, Mỹ và NATO không thể chia sẻ các mã nhận dạng hệ thống để ghép nối với HQ-9, khiến nó chỉ có khả năng tác chiến độc lập, tách rời khỏi tổng thể hệ thống phòng thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.
Và như thế nó sẽ không phát huy được hết tác dụng của nó.
Thổ Nhĩ Kì sau đó đã kéo dài thời gian dự thầu thêm 6 tháng để cân nhắc lại các lựa chọn của mình, nhưng cuối cùng nước này vẫn chọn CPMIEC của Trung Quốc làm đối tác.
Điều này như một “cái tát” vào niềm kiêu hãnh của Mỹ và NATO, đồng thời thể hiện rằng Ankara không hề sợ sức ép của phương Tây.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga
Được biết, từ khi Ankara quyết định xét lại gói thầu này, các công ty tham gia tranh thầu cũng đã đưa ra những gói thầu phụ đầy ưu ái đối với Thổ Nhĩ Kỳ, để đấu với chiêu giảm giá 1/3 và chuyển giao công nghệ, sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ của nhà thầu Trung Quốc.
Raytheon dùng phương thức chuyển giao 80% số tên lửa sang cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, EUROSAM thì đề nghị hợp tác phát triển công nghệ với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, còn Nga sẵn sàng hợp tác với nước này phát triển một tổ hợp phòng không tầm xa dựa trên các hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Thậm chí Moscow còn ưu ái đề nghị đặt hệ thống phòng không này lên trên xe kéo của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kèm theo điều khoản hợp tác để đưa hệ thống phòng không này xuất khẩu ra thị trường các nước thứ 3, giống như dự án phát triển tên lửa BrahMos của liên danh Nga-Ấn.
Trung Quốc hưởng lợi, NATO đánh mất niềm kiêu hãnh
Thế nhưng hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 của Trung Quốc vẫn “thắng trận” trong khi các nước châu Âu và Nga, Mỹ cũng đã đồng loạt tung ra những chiêu “PR” hết sức hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là một vấn đề nằm ngoài những quy luật kinh tế và có liên quan chặt chẽ với chính trị.
Trước đây, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã biểu thị thái độ không hề lo lắng về vấn đề Trung Quốc bán các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ và viễn cảnh Ankara bắt tay Bắc Kinh, hợp tác chế tạo hệ thống tên lửa phòng không này.
Cựu Tổng thư ký Rasmussen cho biết, những tuyên bố vừa qua chưa phải là quyết định cuối cùng của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đây mới chỉ dừng lại ở cấp độ thỏa thuận chứ không phải là hợp đồng chính thức.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, kết cấu của NATO nhấn mạnh đến khả năng bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, giữa các lực lượng quân đội các nước với nhau và giữa các loại vũ khí, trang bị trong một chỉnh thể đồng nhất, không dễ để một hệ thống khác loại có thể hoạt động bình thường trong khuôn khổ này.
Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc
Với phát biểu của quan chức cao cấp nhất của NATO, khả năng Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương chấp nhận cho HQ-9 kết nối vào hệ thống phòng không của khối này là không tưởng.
Người Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước những quyết định rất khó khăn, có ảnh hưởng lớn đến chiến lược quân sự và định hướng chính trị của họ.
Rất nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đã đưa ra lời khuyên với Thổ Nhĩ Kỳ là hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc và cả S-300 và Nga không tương thích với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa theo chuẩn Mỹ và NATO.
Khối này sẽ phải điều chỉnh lại một số tham số bảo mật kết nối mạng chia sẻ thông tin của các hệ thống Patriot hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, họ cũng phải cung cấp các tham số cho Nga hoặc Trung Quốc để cho phép S-300 và HQ-9 tham gia vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến NATO không thể bảo mật các thông tin của mình, đe dọa trực tiếp đến khả năng che chắn của lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ và NATO triển khai ở châu Âu.
Những hệ lụy xấu đến vấn đề ngoại giao nội khối NATO, kể cả dứng trước viễn cảnh bị cấm cửa vào EU và chịu sự ghẻ lạnh của NATO cũng không khiến Ankara mảy may sờn lòng.
Với quyết định mua sắm HQ-9, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức tuyên bố, khối quân sự này không hề là cái bóng quá lớn đối với họ.
Ankara là một thủ lĩnh khu vực mới, đang nỗ lực theo đuổi chính sách phát triển và đường lối đối ngoại độc lập.
Mặc dù duy trì quyền thành viên NATO và đang đề đạt nguyện vọng tham gia Hiệp hội với Liên minh châu Âu nhưng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhất quán với chính sách nội bộ, vốn làm phương Tây lâu nay khó chịu.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ không những không tham gia lệnh trừng phạt Nga mà trái lại đã ký kết các thỏa thuận chiến lược với Moscow về kinh doanh khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân, bất chấp những phản đối quyết liệt của châu Âu về dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đối với Ankara, Bắc Kinh là một đối tác chiến lược quan trọng chỉ kém Nga. Sự hợp tác với Trung Quốc và Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ đứng vững trước áp lực ngày càng tăng từ phương Tây.
Chắc chắn, việc mua các hệ thống của Trung Quốc sẽ gây nên phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ, tuy nhiên điều này cũng đã diễn ra từ khi Ankara mới bắt đầu ngỏ ý mua vũ khí Trung Quốc.
Bắt đầu gói thầu này từ năm 2013, Mỹ và NATO đã gây sức ép buộc nước này phải xét lại, nhưng cuối cùng Trung Quốc vẫn thắng thầu.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ
Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tự quyết định hợp đồng về khí đốt với Nga thì Ankara cũng sẽ không vấp phải những vấn đề lớn trong trường hợp này.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kì Ismet Yilmaz đã đảm bảo hợp đồng với Trung Quốc sẽ được thực hiện: “Dự án sẽ được thực hiện bởi các đối tác nước ngoài.
Hệ thống tên lửa này sẽ được chế tạo để phù hợp với hệ thống phòng không của nội bộ Thổ Nhĩ Kì chứ không phải để tích hợp với mạng lưới của NATO”.
Bởi vậy, trong bối cảnh Nga-Mỹ đang đấu đá quyết liệt ở Ukraine, châu Âu quá khắt khe với Thổ Nhĩ Kỳ về quy chế gia nhập EU, Trung Quốc chính là kẻ đứng giữa hưởng lợi.
Việc Ankara quyết định bắt tay Bắc Kinh chính là một “cái tát” vào niềm kiêu hãnh của Mỹ và NATO.
Bài học quan trọng từ thương vụ HQ-9 với Thổ Nhĩ Kỳ chính là việc Trung Quốc đang trở thành một siêu cường toàn diện và điểm cực thu hút các nước đang phát triển khác.
Đó là nhờ quy mô của nhà nước và nền kinh tế, cũng như việc Bắc Kinh có chính sách đối ngoại quán triệt và độc lập.
Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 là sản phẩm Trung Quốc sao chép công nghệ tên lửa nổi tiếng Patriot Mỹ và S-300.
Phía Trung Quốc từng tuyên bố là nó có khả năng tác chiến vượt trội cả S-300, tuy nhiên chuyên gia quốc tế thì cho rằng quá lắm chỉ tương đương S-300P.
Đạn tên lửa HQ-9 nặng 1,3 tấn, lắp đầu nổ phá mảnh 180kg, tầm bắn đạt tới 200km với độ cao 27km.
Tên lửa được dẫn tới mục tiêu bằng hệ dẫn quán tính, cập nhật thông tin mục tiêu pha giữa liên tục từ radar dẫn và pha cuối dùng radar dẫn chủ động trên tên lửa tự phát hiện, khóa mục tiêu.
Trước đó, Trung Quốc từng cố gắng chào hàng HQ-9 tới Thái Lan và Turkmenistan.
Thậm chí Bắc Kinh còn hứa cho Tukmenistan vay tiền để mua tên lửa này và có thể trả sau, bất chấp việc quốc gia này đang bị xếp hạng tín dụng thuộc top các nước nguy hiểm nhất.
Theo Đất Việt