Thổ Nhĩ Kỳ là đồng lõa hay kẻ thù của IS
Cáo buộc gay gắt từ Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ đồng lõa với khủng bố khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Ankara có bao giờ hỗ trợ IS và làm ngơ để chiến binh vượt biên gia nhập nhóm cực đoan hay không.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Atlantic Sentinel
Sau vụ cường kích Nga Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi tại biên giới Syria hôm 24/11, Tổng thống Nga Putin đã gọi hành động này là “đâm sau lưng” và cáo buộc Ankara làm vậy để bảo vệ nguồn cung dầu mỏ từ IS cho nước này, theo AFP.
Đáp lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ từ chức nếu Nga đưa ra được bằng chứng nước mình mua bán dầu mỏ với IS. “Tôi sẽ tuyên bố một cách mạnh mẽ tại đây. Nếu điều đó được chứng minh, sự cao quý của đất nước chúng tôi sẽ buộc tôi phải rời khỏi chức vụ”, ông Erdogan nói.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bao giờ hỗ trợ IS chưa?
Về mặt chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt IS vào danh sách các tổ chức khủng bố, đe dọa tới lãnh thổ nước này. Nhưng theo AFP, hiện giới phê bình có nhiều tiếng nói chống lại Ankara, khi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp khuyến khích sự trỗi dậy của IS tại Syria, thậm chí hưởng lợi từ thành công của nhóm khủng bố này.
Những người chỉ trích Ankara cáo buộc họ đã ngó lơ hoặc thậm chí hỗ trợ cho IS như một đồng minh hữu ích trong cuộc chiến với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người ông Erdogan muốn phải rời ghế.
Thổ Nhĩ Kỳ thì giận dữ bác bỏ nhận định này, khi ông Erdogan tuyên bố IS “không liên quan gì tới người Hồi giáo”, và nhấn mạnh Ankara xem đây là nhóm khủng bố ngay khi chúng trỗi dậy.
Ngoài ra, trong năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng bị rung chuyển bởi 3 vụ tấn công được tin là do IS thực hiện: một cuộc tấn công vào cuộc tuần hành của đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd, một vụ đánh bom tự sát nhằm vào thị trấn Suruc có người Kurd chiếm đa số gần biên giới Syria, và vụ đánh bom Ankara hôm 10/10, làm 103 người thiệt mạng.
Dù vậy, theo những thông tin chưa bị bác bỏ, IS và Ankara đã đàm phán bí mật để giúp 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ được trả tự do. Họ bị bắt cóc hồi tháng 6/2014 tại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Mosul, Iraq.
Video đang HOT
Tháng 10/2014, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden từng khiến ông Erdogan tức giận khi khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ “quá quyết tâm” lật đổ ông Assad, đến mức họ tài trợ và chu cấp cho bất kỳ ai chiến đấu chống lại chính quyền Syria, bao gồm cả các phần tử jihad.
Thổ Nhĩ Kỳ có mua dầu từ IS không?
Trong cáo buộc nặng nề nhất nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin hồi đầu tuần khẳng định Ankara bắn rơi máy bay nước mình để bảo vệ việc chuyển dầu từ vùng IS kiểm soát ở Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố ông có thông tin cho thấy dầu từ khu vực IS kiểm soát ở Syria “được vận chuyển trên quy mô công nghiệp vào Thổ Nhĩ Kỳ”. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã bác bỏ những cáo buộc này là “vô căn cứ”.
IS hiện kiểm soát hầu hết những giếng dầu chính tại Syria, bao gồm các giếng dầu tại tỉnh Deir Ezzor. Đây là khu vực sản xuất dầu lớn nhất của nước này, với hai mỏ lớn là Al-Omar và Tanak. Trước chiến tranh, Al-Omar có công suất 30.000 thùng/ngày.
“Chúng tôi không biết số lượng hoặc thông qua công ty nào nhưng rõ ràng IS bán một phần dầu của mình sang Thổ Nhĩ Kỳ”, một nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với AFP.
Nihat Ali Ozcan, chuyên gia an ninh tại cơ quan nghiên cứu TEPAV ở Ankara, cho biết hoạt động buôn lậu dầu qua biên giới Syria đã tăng lên, do chính sách mở cửa với người tị nạn Syria của ông Erdogan, nhưng không nhất thiết là dầu của IS.
“Chuyện này vẫn diễn ra trước sự xuất hiện của IS, thông qua một mạng lưới những kẻ buôn người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nó đã tồn tại từ rất lâu”, Ozcan nói. “Nó không diễn ra với quy mô thương mại và đang ngày càng thu hẹp do Thổ Nhĩ Kỳ đang thắt chặt kiểm soát biên giới”, ông nói thêm.
IS đang kiếm hàng triệu USD mỗi ngày từ buôn bán dầu lậu. Ảnh minh họa: Sputnik
Thổ Nhĩ Kỳ ngó lơ cho phiến quân tới Syria?
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị các đồng minh phương Tây chỉ trích vì không thể ngăn chặn dòng phiến quân IS tới Syria, thông qua đường biên giới dài 911 km.
Nhưng Ankara đang có hành động mạnh mẽ hơn chống lại IS và kêu gọi phương Tây tăng cường hợp tác tình báo, để chiến đấu hiệu quả hơn sau một loạt các vụ tấn công trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tại Paris.
Vài tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường đột kích các nghi phạm jihad tại các thành phố, bao gồm Istanbul. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần như ngày nào cũng báo cáo về các vụ bắt giữ phần tử jihad tìm cách vượt biên.
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 26.600 nghi phạm jihad khắp thế giới đã bị nước này đưa vào danh sách cấm nhập cảnh. Nước này cũng đang xây một bức tường bê tông chạy dọc theo biên giới với Syria tại tỉnh Hatay ở phía nam.
Một nguồn tin ngoại giao phương Tây cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu “trả lời các câu hỏi của chúng tôi” sau loạt vụ khủng bố Paris hôm 13/11, làm 130 người thiệt mạng. IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
“Chúng tôi còn rất lâu mới đạt được sự hợp tác hiệu quả. Nhưng đã có một số tiến triển, và không thể phủ nhận điều đó”.
Phương Vũ
Theo VNE
Nga tố Thổ Nhĩ Kỳ 'hợp tác ngầm với IS'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục bác bỏ cáo buộc gia đình ông có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Hình ảnh được cho là các đoàn xe chở dầu của IS đến Thổ Nhĩ Kỳ do Nga công bố - Ảnh: Reuters
Ngày 2.12, Bộ Quốc phòng Nga tổ chức họp báo để công bố những hình ảnh mà bộ này cho là bằng chứng về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu lậu từ Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo Reuters, giới chức Nga trưng ra những tấm ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các đoàn xe chở dầu từ những khu vực do IS kiểm soát tại Syria và Iraq băng qua biên giới để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố: "Tổng thống Erdogan và gia đình trực tiếp dính líu vào hoạt động tội phạm này".
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24.11 để bảo vệ nguồn cung cấp dầu từ IS. Ông Putin không chỉ đích danh ai nhưng báo chí Nga vài ngày qua liên tục loan tin con trai Tổng thống Erdogan là doanh nhân Bilal Erdogan sở hữu một tập đoàn dầu lớn nhất nhì trong nước chuyên thu mua nhiên liệu từ thị trường chợ đen.
Ngoài ra, Reuters dẫn lời Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Nga Sergei Rudskoy tuyên bố theo hình ảnh vệ tinh, các tuyến đường buôn lậu dầu của IS sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng được chính quyền Ankara "dùng để cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho các tổ chức khủng bố". Cũng trong họp báo, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố còn nắm nhiều bằng chứng khác và sẽ tiếp tục công bố trong thời gian tới.
Cùng ngày, Tổng thống Erdogan cực lực bác bỏ mọi thông tin từ Nga. Ông khẳng định Ankara chỉ mua dầu từ các nguồn hợp pháp và khẳng định sẽ từ chức nếu Moscow chứng minh được các cáo buộc. "Không ai có quyền phỉ báng Thổ Nhĩ Kỳ", Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Thổ tuyên bố. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm là không muốn quan hệ với Nga tiếp tục xấu đi.
Trong khi đó, đã xuất hiện dấu hiệu tích cực đầu tiên về triển vọng hai bên chịu ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo AFP, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua 2.12 cho hay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kiên trì đề nghị đối thoại và hai bên có thể gặp nhau bên lề một hội nghị của châu Âu tại Belgrade, Serbia diễn ra từ ngày 3 - 4.12.
Trả lời báo giới, ông Lavrov cho biết "sẽ không né tránh cuộc gặp" và "chúng tôi sẽ lắng nghe ông Cavusoglu muốn trình bày điều gì". Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng hàn gắn, ông Lavrov khẳng định quan hệ song phương không thể nào như cũ vì "hành vi thù địch vừa qua của Thổ Nhĩ Kỳ".
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Nga trưng bằng chứng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ buôn dầu với IS Bộ Quốc phòng Nga đưa ra những dữ liệu cho thấy cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng gia đình ông tham gia đường dây buôn dầu với nhóm khủng bố. Nga cho biết có ba đường dẫn dầu lậu từ Iraq và Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT Ông Anatoly Antonov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, hôm nay cho...