Thổ Nhĩ Kỳ hoãn vận hành tên lửa S-400 vì nCoV
Kế hoạch triển khai hệ thống S-400 trong tháng 4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị hoãn vì Covid-19, khiến căng thẳng với Mỹ phần nào hạ nhiệt.
“Quyết định kích hoạt hệ thống phòng không S-400 là không thể đảo ngược, nhưng kế hoạch triển khai chúng trong tháng 4 sẽ bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19″, quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên hôm qua cho biết, thêm rằng Ankara sẽ cần thêm nhiều tháng trước khi tái khởi động quá trình này.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối bình luận về thông tin này.
Thành phần hệ thống S-400 chuyển cho Ankara hồi tháng 8/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng giữa Ankara và Washington quanh thương vụ S-400 dự kiến đạt đỉnh vào tháng 4, thời điểm hệ thống này đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu và được kích hoạt, đưa vào biên chế theo lệnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, Covid-19 buộc Ankara tập trung vào nỗ lực phòng chống dịch bệnh và đề phòng thiệt hại cho nền kinh tế vừa thoát suy thoái hồi năm ngoái. Tổng thống Erdogan và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không công khai đề cập tới hệ thống S-400 trong nhiều tuần qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington không thay đổi quan điểm về thương vụ S-400. “Chúng tôi phản đối hợp đồng mua tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và quan ngại sâu sắc trước thông tin nước này đang nỗ lực đưa vũ khí đó vào hoạt động”, bà cho hay.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kích hoạt tên lửa S-400 góp phần giúp căng thẳng song phương hạ nhiệt, trong bối cảnh Mỹ cũng đang phải vật lộn với Covid-19.
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay đã ghi nhận 90.980 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.140 người đã chết. Đây hiện là vùng dịch lớn thứ bảy thế giới.
Căng thẳng Ankara – Washington tăng cao sau khi Nga bàn giao các hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái. Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ chấm dứt hợp đồng, phá hủy hoặc trả lại những tổ hợp S-400 đã bàn giao.
Ankara không chấp nhận yêu cầu và quyết vận hành hệ thống S-400. Mỹ đáp trả bằng cách gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35. Washington cũng rút lại đề xuất bán các hệ thống Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Ankara.
Vũ Anh
Video đang HOT
Cách chống Covid-19 khác biệt của Thổ Nhĩ Kỳ
Quảng trường Taksim ở Istanbul thường đông nghịt khách du lịch và người qua lại, nhưng cuối tuần trước, khung cảnh bất ngờ trở nên hoang vắng.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh giới nghiêm 48 giờ đối với 31 tỉnh, tác động tới 3/4 dân số nước này. Lệnh giới nghiêm được đưa ra chỉ hai giờ trước khi áp dụng, tạo nên một cơn "cuồng loạn mua sắm" tại một số khu vực. Người dân đổ tới các tiệm tạp hóa và cửa hàng bánh mỳ, bỏ qua khuyến cáo cách biệt cộng đồng.
Sau những hỗn loạn ban đầu vì lệnh giới nghiêm, Tổng thống Tayyip Erdogan có bài phát biểu trước toàn quốc, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đủ mạnh để bảo vệ và chu cấp cho người dân, kêu gọi dân chúng ở nhà đồng thời ban bố một lệnh giới nghiêm cuối tuần mới.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một tiệm cà phê ở thành phố Erdine, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
Trong nỗ lực chống Covid-19, giới chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang đi con đường của riêng mình. Ở tuần đầu tiên, lệnh không ra khỏi nhà chỉ được áp dụng cho những người dưới 20 hoặc trên 65. Những công dân khác về lý thuyết được phép ra khỏi nhà, dù các doanh nghiệp nhỏ đều đã đóng cửa, nhà hàng chỉ phục vụ giao đồ ăn mang đi, các không gian công cộng như công viên mở cửa giới hạn và ngân hàng rút ngắn thời gian hoạt động mỗi ngày.
Nhưng ngược lại, công trường xây dựng vẫn làm việc hết công suất bên cạnh các nhà máy và những ngành kinh doanh khác không muốn hứng chịu sụt giảm về kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng giới hạn một phần như cách làm của Thổ Nhĩ Kỳ có thể thành công, miễn là những người có nguy cơ bị tổn thương cao tiếp tục được bảo vệ và những người mạo hiểm ra ngoài vẫn tuân thủ những biện pháp phòng ngừa thích hợp.
"Đây là một chiến lược thay thế", giáo sư Muhammad Munir, nhà virus học tại Đại học Lancaster ở Anh, nhận định và thêm rằng những người khỏe mạnh ra ngoài để mua sắm hàng ngày không nhất thiết là mối nguy hiểm.
"80% người nhiễm đều đã hồi phục. Vì thế, nếu những người ra ngoài đều là người khỏe mạnh không có bệnh lý nền thì điều này chắc chắn rất có ích. Lợi ích duy nhất của phong tỏa là nó làm chậm tốc độ lây lan virus, giảm nhẹ áp lực lên hệ thống bệnh viện".
Theo tiến sĩ Jeremy Rossman, giảng viên danh dự về virus học tại Đại học Kent, phong tỏa một phần chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu được thực hiện sớm, tại một quốc gia có số ca nhiễm ít hay số ca nhiễm đã đạt đỉnh và đang chuẩn bị kết thúc phong tỏa hoàn toàn.
"Ở cấp độ như Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các nước đều đang áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn. Phong tỏa một phần có thể hữu ích, nó có thể vừa giúp duy trì hoạt động một bộ phận của nền kinh tế vừa kiềm chế dịch bệnh lây lan", Rossman nói. "Nó phụ thuộc vào việc người dân tuân thủ các hướng dẫn tốt đến đâu và cách biệt cộng đồng cũng như vệ sinh nơi công sở được thực hiện triệt để đến đâu. Nhưng với tỷ lệ nhiễm như ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại, phong tỏa một phần có nguy cơ là chưa đủ".
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với gần 80.000 ca và số ca nhiễm mới mỗi ngày thường xuyên trên 4.000, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều so với những nơi khác khi chỉ ghi nhận gần 1.800 người chết và đây là điều gây tò mò.
Lăng Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, ở Ankara, ngày 23/3. Ảnh: AFP.
Hiệp hội Y khoa Thổ Nhĩ Kỳ (TMA) cho biết số liệu thống kê tử vong của nước này không bao gồm những trường hợp có khả năng cao nhiễm nCoV nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính.
"Các bác sĩ trong hiệp hội của chúng tôi đã báo cáo rằng thậm chí kết quả chụp CT và triệu chứng lâm sàng chỉ ra bệnh, nếu kết quả xét nghiệm PCR không dương tính, khi bệnh nhân chết, họ vẫn không được ghi nhận là tử vong vì Covid-19", TMA cho biết.
Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ tử vong thấp, trên 2%, là nhờ năng lực chăm sóc y tế tốt và phác đồ điều trị không giống với những nước khác.
Theo Koca, cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ khác biệt với những nước khác ở điểm họ tập trung theo dõi dấu vết tiếp xúc thay vì xét nghiệm đại trà hay xét nghiệm sau khi xuất hiện dấu hiệu lâm sàng.
Họ cũng trì hoãn đặt nội khí quản bằng cách sử dụng oxy tần số cao trong quãng thời gian dài và Koca khẳng định cách làm này đã mang lại kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn sử dụng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và favipiravir, một loại thuốc kháng virus của Nhật, sớm hơn nhiều so với các nước khác khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Nhưng giáo sư Munir từ Đại học Lancaster là một trong nhiều chuyên gia y tế phản đối việc sử dụng thuốc trị sốt rét để điều trị Covid-19. Ông cho rằng lợi ích khi dùng thuốc không thể sánh bằng những tác dụng phụ mà nó gây ra.
"Nếu sử dụng hydroxychloroquine, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng sau khoảng một năm, họ sẽ có nguy cơ cao xuất hiện vấn đề về tim và thị lực. Đây là lý do vì sao chưa đủ bằng chứng để phê chuẩn sử dụng những loại thuốc này trên quy mô rộng".
"Chúng tôi đang cố gắng cứu mạng người", bác sĩ Nuri Aydin, giám đốc Trường Y khoa Đại học Cerrrahpasa ở Istanbul, một trong những cơ sở dẫn dắt các nỗ lực chống Covid-19 của Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Những gì chúng tôi nhìn thấy là thời gian trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh nhân giảm khi được dùng hydroxychloroquine".
Aydin cho hay hiện tại, họ chưa có đủ dữ liệu để công bố kết quả thử nghiệm nhưng "thời gian sẽ cho thấy kết quả thực sự". Ông thêm rằng thay vì cho bệnh nhân nằm ngửa, họ lại để bệnh nhân nằm sấp và cách làm này cũng đang cho kết quả khả quan.
Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt đầu sử dụng huyết tương từ những bệnh nhân đã mắc Covid-19 và hồi phục cho những người đang chiến đấu với virus.
Chính phủ khẳng định các bệnh viện còn đủ phòng chăm sóc đặc biệt và không thiếu giường bệnh. Thực tế, hệ thống bệnh viện của Thổ Nhĩ Kỳ tốt đến mức nước này đã trở thành một địa điểm du lịch chữa bệnh nổi tiếng.
Nhằm phản ứng với đại dịch, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng phát triển những chương trình để sản xuất và phân phối thiết bị bảo vệ cá nhân, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Ankara đã chuyển vật tư y tế đến trên 30 nước, trong đó có Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.
Cử chỉ đoàn kết và thiện chí dường như nhằm xây dựng lại mối quan hệ vốn đã bị suy yếu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các trường dạy nghề ở Istanbul và những thành phố khác đã được biến thành các xưởng sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ để phục vụ nhu cầu sử dụng nội địa.
Người dân xếp hàng trước một cửa hàng thực phẩm ở Istanbul ngày 10/4, trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực. Ảnh: AFP.
Một số trường lại nhận trách nhiệm sản xuất tấm chắn mặt và chất khử trùng, nước rửa tay cùng những sản phẩm vệ sinh thiết yếu khác. Người dân bắt buộc phải sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng song khẩu trang lại không được bán trên thị trường.
Chính phủ đang phân phát miễn phí khẩu trang tại các nhà thuốc hoặc gửi thẳng đến tận nhà cho những người cần đến chúng nhưng không thể ra ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ đang giảm bớt gánh nặng của dịch bệnh đối với những người không được ra đường bằng cách cử tình nguyện viên hay cảnh sát đến gõ cửa từng nhà để đảm bảo rằng bất kỳ ai có nguy cơ cao đều được hưởng các dịch vụ mà họ cần.
Những tổng đài với tên gọi "Acik Kapi" (Cửa mở), được thành lập ở tất cả các quận. Đây là nơi những người lớn tuổi phải ở nhà có thể gọi để yêu cầu mọi thứ họ cần, từ hàng tạp hóa đến dược phẩm hay tiền lương hưu hàng tháng.
Serdar Karakus, trợ lý hiệu trưởng một trường học ở quận Eyup, Istanbul, và Ugur Uyan, giáo sĩ nhà thờ Hồi giáo, đã được ủy quyền nhận tiền lương hưu và chuyển chúng cho những công dân yêu cầu dịch vụ. Họ đều tình nguyện làm công việc này, coi đó như là phận sự đối với đất nước và người dân.
"Cha mẹ tôi đều đã lớn tuổi. Tôi sống ở Istanbul. Họ ở Manatya. Họ cũng được hưởng dịch vụ này tại nơi họ sống bởi tôi không thể giúp vì ở xa", Karakus nói. "Nhưng vẫn có những người khác ở đó giúp họ. Và tôi làm việc này ở đây giống như tôi đang giúp đỡ chính cha mẹ mình vậy".
Sadet Seker, ngoài 70 tuổi, sống một mình. Chồng bà đã qua đời một năm trước. Bà hàng ngày vẫn nói chuyện với các cháu qua điện thoại. Lần gần đây nhất bà được ôm các cháu là cách đây hai hay ba tháng, dù chúng cũng sống ở Istanbul. Việc bà có được gặp lại các cháy hay không hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào thành bại của chiến lược chống Covid-19 mà chính phủ đang theo đuổi.
Vũ Hoàng
Tên lửa S-400 tiêu diệt các mục tiêu siêu thanh ở phía Đông Siberia Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được lệnh tấn công các mục tiêu siêu thanh trong các cuộc tập trận ở Đông Siberia. Tên lửa S-400 của quân đội Nga - ảnh tư liệu. Hãng Tass dẫn nguồn tin từ quân đội Nga cho hay, các binh sỹ của của trung đoàn tên lửa phòng không đóng tại Vùng Primorye đã tấn...