Thổ Nhĩ Kỳ đưa bệ phóng tên lửa và pháo tới gần biên giới Syria
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã chở các bệ phóng tên lửa và pháo tới các căn cứ gần biên giới với Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các bệ phóng tên lửa và pháo tới các căn cứ quân sự gần biên giới với Syria trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang ngày càng trở nên căng thẳng sau sự cố Damascus bắn hạ một máy bay quân sự của nước này.
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ chở bệ phóng tên lửa và pháo tới các căn cứ gần biên giới Syria. Nguồn Telegraph
Theo hãng thông tấn Dogan, một đoàn xe quân sự chở các loại vũ khí trên đã rời căn cứ tại thành phố cảng Iskenderun tiến tới các khu quân sự gần biên giới Syria trong ngày 27/6.
Ngày 26/6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ triển khai quân đội tới khu vực biên giới chung với Syria nhằm đối phó với “mối đe dọa tiềm ẩn” từ Damascus và yêu cầu lính Syria tránh xa khu vực biên giới chung dài 910 km giữa hai nước.
Video đang HOT
Ông Erdogan cũng kêu gọi Syria cẩn trọng với cơn thịnh nộ của nước này sau sự cố bắn rơi chiếc F-4 Phantom và lệnh cho các lực lượng vũ trang sẵn sàng phản ứng với bất kỳ mối đe dọa quân sự nào từ Syria tại khu vực biên giới giữa hai nước.
Căng thẳng leo thang trong mối quan hệ giữa Ankara và Damascus xuất hiện sau sự cố Syria bắn rơi một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6 mà nước này coi đó là một hành động “thù địch” và “cố tình”.
Theo Giáo Dục VN
LHQ lo ngại sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi tại Syria
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi hai nước giải quyết tình hình bằng các biện pháp ngoại giao
Ngày 23/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về tác động của vụ Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: ông Ban Ki-moon đặc biệt lo ngại về các tác động nghiêm trọng đối với toàn khu vực có thể xảy ra sau sự cố này. Tổng Thư ký kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong phản ứng của mình, đồng thời đánh giá cao việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Syria tiến hành một cuộc tìm kiếm chung.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi hai bên tiếp tục giải quyết tình hình bằng các biện pháp ngoại giao và cho biết, Liên Hợp Quốc có thể giúp đỡ nếu hai bên gặp khó khăn.
Một chiếc F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự với chiếc bị bắn rơi (Ảnh: Internet)
Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cho biết, nước này sẽ có "hành động cần thiết" chống Syria, rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể phớt lờ thực tế này và sẽ thực hiện mọi điều cần thiết sau khi vụ việc được làm sáng tỏ.Trước đó, Syria thừa nhận đã bắn rơi máy bay chiến đấu F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ vì chiếc máy bay này vi phạm không phận Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh chính của Syria, song đã trở thành nước chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong làn sóng biểu tình kéo dài 15 tháng nay tại Syria. Vụ bắn rơi máy bay F-4 là sự cố nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình tại Syria.
Cũng trong ngày 23/6, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari nhận định: Vụ Syria bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Địa Trung Hải là "một hành động leo thang nghiêm trọng" có thể gây ra một tác động xấu tới toàn khu vực.
Ông Hoshyar Zebari cũng nhấn mạnh rằng: "Vai trò của Syria không thể bị bỏ qua trong mọi quyết định nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, trong thế giới Arập, hay cộng đồng quốc tế có ý định bỏ qua vai trò của Syria đều sẽ không thành công".
Theo thông tin mới nhất tại Syria, trong ngày 23/6, hơn 100 người đã thiệt mạng vì bạo lực trên cả nước, trong số này có 2/3 là dân thường. Trước đó ngày 22/6, 116 người cũng đã thiệt mạng. Nếu tính từ đầu làn sóng biểu tình hồi tháng 3/2011, đến nay hơn 15.000 người đã thiệt mạng./.
Theo VOV