Thổ Nhĩ Kỳ dọa dừng chặn người tị nạn để châu Âu gặp khó
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ nói Ankara có thể để 15.000 người tị nạn tới châu Âu mỗi tháng, khiến châu Âu “bị ảnh hưởng nặng nề”.
Thổ Nhĩ Kỳ dọa dừng chặn dòng người tị nạn để châu Âu gặp rắc rối. Ảnh minh họa: AP.
“Châu Âu, các bạn có đủ can đảm? Nếu muốn, chúng tôi có thể mở đường cho 15.000 người tị nạn mà chúng tôi chặn mỗi tháng, khiến các bạn bị ảnh hưởng nặng nề”, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu nói với Hurriyet cuối ngày 16/3.
Ông Soylu nhắc đến thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý giúp chặn dòng người tị nạn qua biên giới nước này và nhận lại những người bị từ chối tị nạn ở châu Âu. Đổi lại, Ankara nhận hàng tỷ USD hỗ trợ từ EU và tăng tốc đối thoại để trở thành thành viên liên minh.
Bộ trưởng Soylu nói EU đang “chơi đùa” nhằm ngăn Ankara trở nên mạnh mẽ. Ông nhắc đến Đức và Hà Lan, tố hai nước “can thiệp” vào các cuộc mít tinh nhằm thu hút sự ủng hộ từ người Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu với kế hoạch cải cách hiến pháp, tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.
“Đây là vấn đề nội bộ của chúng tôi. Tại sao các bạn lại tham gia vào? Các bạn có chấp thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ vào EU không? Các bạn có hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ chống chủ nghĩa khủng bố không?”, ông nói, nhấn mạnh Ankara đang trong giai đoạn mạnh nhất và “một số người không chịu nổi điều này”.
Căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bắt đầu từ ngày 11/3, khi Amsterdam không cho phép máy bay chở ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Rotterdam, nơi ông dự một cuộc mít tinh của người Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan sau đó gọi Hà Lan là “tàn dư của phát xít”, cảnh báo Amsterdam “sẽ phải trả giá”. Ankara cũng ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Amsterdam.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ thử thách giới hạn đỏ châu Âu?
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đánh đồng Phát-xít và khủng bố, cảnh báo Thánh chiến sẽ tới châu Âu.
Ngày 16/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố rằng các chính trị gia có tư tưởng tự do và những người theo chủ nghĩa phát xít ở Hà Lan đều giống nhau.
Ông Cavusoglu thậm chí còn đưa ra dự báo rằng quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu sẽ đi xuống trầm trọng đến mức một cuộc xung đột hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Đây là phát biểu chính thức đầu tiên của Ankara sau khi cuộc bầu cử toàn quốc ở Hà Lan vừa kết thúc. Thủ tướng Hà Lan đương nhiệm Mark Rutte đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào ngày 15/3. Điều này dường như không khiến Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm cứng rắn của mình đối với Hà Lan và châu Âu.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc tới các quan niệm về tự do kiểu phương Tây để so sánh với chủ nghĩa Phát-xít mà trong trường hợp này là Hà Lan khi quan hệ hai nước đang ở thời điểm căng thẳng nhất.
Ngoại trưởng Cavusoglu đã có ý định đặt chân đến Hà Lan để tham dự buổi mít tinh kêu gọi khoảng 500.000 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan tham gia cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Song Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã từ chối cho vị Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh.
CNN dẫn lời các nhà phê bình gọi động thái tăng quyền lực cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là phi dân chủ và nó cho thấy ông Erdogan đang đi theo hướng cai trị kiểu độc tài kể từ sau cuộc đảo chính thất bại 8 tháng trước.
Trong khi đó, ông Erdogan và đảng của ông nói rằng những người phản đối trưng cầu dân ý là "những kẻ đã lập kế hoạch đảo chính và khủng bố". Ông Erdogan còn tức giận gọi Hà Lan là "tàn quân phát-xít" và nói rằng các quốc gia phương Tây "kỳ thị người Hồi giáo". Ông cũng cảnh báo rằng Hà Lan sẽ phải "trả giá" về cách đối xử với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.
Không tự dưng ông Cavusoglu nhắc tới chủ nghĩa phát-xít ở châu Âu và liên hệ tới sự tấn công của Thánh chiến ở "lục địa già".
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang có thỏa thuận về việc kiểm soát dòng người tị nạn và người nhập cư đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu. Nhưng thỏa thuận này tới nay không mang tới nhiều giá trị. Bộ trưởng quan hệ với EU của Thổ Nhĩ Kỳ, Omer Celik, nói với Reuters hôm thứ ba rằng đã đến lúc Ankara phải đánh giá lại thỏa thuận này vì EU đã thất bại trong việc đưa ra cam kết miễn thị thực đến châu Âu cho người Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy trợ giúp về di dân.
Phía châu Âu luôn khẳng định tin tưởng vào thỏa thuận đã cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ và nhắc tới khoản giải ngân 77 triệu euro là một phần của hiệp định trợ giúp người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà chắc chắn sẽ khiến ông Erdogan cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các đánh giá về việc duy trì thỏa thuận.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho Reuters biết: "Erdogan biết ông ấy không thể phá tan nó... ông ấy cần tiền của chúng tôi, ông ấy lo lắng vì ông sẽ mất phiếu trưng cầu dân ý".
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục con bài dùng người tị nạn.
Nhưng sự thực khó hiểu ở đây là Erdogan vẫn luôn hăm dọa, dùng lá bài người tị nạn để cảnh cáo EU, bất chấp những khó khăn trong việc xin gia nhập vào Liên minh châu Âu và mối quan hệ đồng minh trong khối quân sự NATO.
Việc gia tăng căng thẳng với từng quốc gia trong khối Liên minh EU, gọi cả Hà Lan, Đức và châu Âu là phát-xít, rõ ràng không mang tới cho Thổ Nhĩ Kỳ điều có lợi nào cả về giá trị của Ankara trong khối EU hay NATO.
Phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang phản ứng khi đơn xin gia nhập EU liên tiếp bị trì hoãn sau hàng chục năm và những phản ứng của EU trong cuộc đảo chính thất bại hồi năm ngoái đã khiến Ankara mất đi niềm tin và sự chờ đợi?
Dù thế nào, Ankara cũng đang tìm cách để thử thách các "giới hạn đỏ" của châu Âu trong mọi vấn đề. Đặc biệt, chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ mở cánh cửa, châu Âu chắc chắn khó được bình yên.
Đất Việt
Theo Dantri
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố Đức hành xử như 'phát xít' Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lên án việc Đức huỷ bỏ các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Reuters "Nước Đức, anh chẳng có liên hệ gì với dân chủ và anh nên biết rằng các hành động hiện nay của mình không khác gì với hành động trong thời phát...