Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị nối lại đàm phán về gia nhập EU
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 22/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) nối lại các cuộc đàm phán để Ankara có thể trở thành một thành viên EU.
Tuyên bố này được đưa ra trước thềm một hội nghị thượng đỉnh của EU để thảo luận về tình hình ở Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel (thứ 2, trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (thứ 2, phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp tại Ankara ngày 6/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đang ở thăm Ankara, Tổng thống Erdogan nêu rõ Ankara kỳ vọng EU nhanh chóng mở các chương về đàm phán thành viên và khởi động đàm phán về liên minh thuế quan. Đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh tình hình ở Ukraine đưa Ankara trở lại sân khấu quốc tế với vai trò là nhà trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập mái nhà chung gồm 27 quốc gia EU bắt đầu từ năm 2005, song đã bị đình trệ trong những năm gần đây do căng thẳng và bất đồng giữa hai bên liên quan vấn đề pháp quyền và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan luôn khẳng định nước này tiếp tục cam kết gia nhập EU. Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng ông đã nhận thấy những “dấu hiệu tốt” trong các chính sách mới của Ankara.
Trong cuộc khủng hoảng người di cư, EU và Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2016 đã nhất trí một thỏa thuận “có đi có lại” trị giá hàng tỷ euro, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận lại người di cư để đổi lấy việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong EU. Dự kiến, vào ngày 24/3 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine. Một ngày sau đó, lãnh đạo NATO cũng sẽ họp thượng đỉnh về vấn đề này.
NATO đề xuất tiếp tục đàm phán với Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo sau vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức hồi tuần trước ở Brussels (Bỉ).
Từ trái sang: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 12/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết ông đã mời đại diện của Nga và 30 nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo. Ông khẳng định NATO sẵn sàng đưa ra đề xuất bằng văn bản và nỗ lực hướng tới những kết quả mang tính xây dựng tại Hội đồng Nga - NATO.
Theo ông, điều này có thể liên quan tới việc giảm rủi ro từ các hoạt động quân sự, tăng cường sự minh bạch và cải thiện các kênh đối thoại. Người đứng đầu NATO cho biết khối liên minh này sẵn sàng lắng nghe những yêu cầu của Nga, song sẽ không thỏa hiệp về những nguyên tắc cơ bản, trong đó có việc bảo vệ các đồng minh.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz nhấn mạnh cần giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại. Ông Scholz nêu rõ NATO không muốn căng thẳng kéo dài với Điện Kremlin mà hy vọng vào mối quan hệ ổn định với Nga. Thủ tướng Đức kêu gọi Moskva giảm leo thang liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo trước những hậu quả về chính trị, kinh tế và tài chính, trong đó có khả năng trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nếu khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức cũng bác bỏ kế hoạch chuyển giao vũ khí cho Ukraine theo đề nghị của Kiev. Cũng liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng Thư ký Stoltenberg nhấn mạnh NATO ủng hộ các đồng minh đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Tại cuộc họp đầu tiên hồi tuần trước của Hội đồng Nga - NATO trong khoảng hai năm rưỡi qua, hai bên đã trao đổi quan điểm về cuộc xung đột Ukraine và một số chủ đề nóng khác. Nga và NATO cũng nhất trí đặt lộ trình cho cuộc gặp tiếp theo. Hiện Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đang ở thăm Moskva để vận động nối lại các cuộc đàm phán định dạng nhóm bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Ukraine và Nga) để giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ lạc quan về cải thiện quan hệ với UAE Ngày 7/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, cuộc đàm phán giữa nước này với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhằm chấm dứt rạn nứt kéo dài nhiều năm đã có đà tích cực, đồng thời nhận định rằng mối quan hệ song phương có thể trở lại đúng hướng nếu duy trì được đà này. Ngoại...