Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương xây nhà thấp tầng và trên nền đất chắc
Ngày 3/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết công tác tái thiết sau trận động đất lớn xảy ra vào tháng trước sẽ tập trung vào việc xây dựng lại các tòa nhà thấp tầng hơn và xây mới trên các nền đất chắc hơn.
Dọn dẹp đống đổ nát sau trận động đất tại Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tại một cuộc họp về ứng phó rủi ro ở Istanbul, Tổng thống Erdogan đã công bố kế hoạch tái thiết đất nước sau trận động đất. Ông cho biết khi xây dựng các khu định cư mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hướng các thành phố từ vùng đồng bằng thấp đến vùng núi có bề mặt địa hình vững chắc hơn. Trong kế hoạch xây dựng các khu định cư mới, Cơ quan Quản lý Phát triển nhà ở (TOKI) của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào việc xây dựng các tòa nhà cao 3-4 tầng. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh tính cấp bách trong việc tìm nơi ở lâu dài cho những người bị mất chỗ ở do ảnh hưởng của động đất.
Thảm họa động đất xảy ra ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 vừa qua đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và nhiều người khác mất nhà cửa. Theo Tổng thống Erdogan, 214.000 tòa nhà ở nước này đã bị sập hoặc bị hư hại nghiêm trọng trong các trận động đất.
Chính quyền thành phố Istanbul cũng đang có kế hoạch gia cố các tòa nhà trong tháng 3 này để phòng ngừa rủi ro do các trận động đất mạnh có thể xảy ra trong tương lai.
Bộ trưởng Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum trước đó cho biết các tòa nhà dân cư mới sẽ được xây dựng tại 2 khu vực được chỉ định ở Istanbul để thay thế những tòa nhà đã xuống cấp.
20 đội y tế của WHO đã đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/2 đánh giá trận động đất kinh hoàng xảy ra tuần trước với tâm chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ, là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong 100 năm qua tại châu Âu.
Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Hans Kluge nêu rõ: "Chúng ta đang chứng kiến thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong một thế kỷ ở khu vực châu Âu mà văn phòng WHO phụ trách. Chúng tôi vẫn đang đánh giá mức độ nghiêm trọng của trận động đất".
Ông Kluge cho biết WHO đã "triển khai các đội y tế khẩn cấp quy mô lớn nhất" trong lịch sử 75 năm qua của Văn phòng châu Âu của WHO. Cho đến nay, 20 đội y tế của WHO đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ phối hợp với các nỗ lực ứng phó y tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là rất lớn khi khoảng 26 triệu người ở cả hai nước này cần được hỗ trợ nhân đạo.
Trận động đất có độ lớn 7,8 và tiếp theo là các dư chấn mạnh xảy ra ngày 6/2 đến nay đã cướp đi sinh mạng của trên 37.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria, với 31.974 người ở Thổ Nhĩ Kỳ. Con số này dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Đại diện của WHO tại châu Âu phụ trách 53 quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Syria nằm trong phạm vi theo dõi của Văn phòng WHO tại vùng Đông Địa Trung Hải.
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: WB ước tính Syria chịu thiệt hại vật chất hơn 5 tỷ USD Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3/3 ước tính trận động đất có độ lớn 7,8 và các đợt dư chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng trước đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp lên đến khoảng 5,1 tỷ USD ở Syria, khiến quốc gia nhiều năm chìm trong nội chiến này càng gặp nhiều khó khăn. Cảnh...