Thổ Nhĩ Kỳ bác lệnh ngừng bắn với người Kurd ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ “không chấp nhận” việc Mỹ thông báo Ankara đã đạt thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria.
Xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển từ biên giới với Syria về căn cứ ở tỉnh miền nam Gaziantep ngày 27/8. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi không chấp nhận trong mọi tình huống… một ’sự thỏa hiệp hoặc lệnh ngừng bắn’ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành phần người Kurd”, Omer Celik, Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách Các vấn đề về Liên minh châu Âu (EU), hôm nay nói với hãng thông tấn Anadolu. “Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà nước pháp quyền có chủ quyền”.
Theo Celik, Thổ Nhĩ Kỳ không thể bị xếp ngang hàng với một “tổ chức khủng bố”, nhắc đến Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ở Syria được Mỹ hậu thuẫn.
Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua cho biết các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã đạt “thỏa thuận nới lỏng”, ngừng tấn công lẫn nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/8 triển khai chiến dịch hai mũi, nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tay súng thuộc YPG ở Syria. Chiến dịch giúp đánh bật IS khỏi thị trấn Jarablus, miền bắc Syria.
Lầu Năm Góc ngày 29/8 gọi những cuộc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và YPG là “không thể chấp nhận”, kêu gọi các bên rút quân. Ankara tuyên bố sẽ tiếp tục nhằm vào YPG nếu nhóm không chịu rút về phía đông sông Euphrates.
Vị trí thị trấn Jarablus, Syria. Đồ họa: Daily Sabah.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng vượt biên giới tấn công IS
Mở chiến dịch tấn công IS ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vừa tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, vừa ngăn chặn ý đồ thống nhất lãnh thổ của người Kurd đối địch.
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Jarablus của Syria. Ảnh: Al Jazeera
Nước Mỹ cuối cùng cũng đã có được một đội quân chuyên nghiệp làm đồng minh trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động đặc nhiệm, xe tăng tràn qua biên giới, tấn công và kiểm soát thị trấn Jarablus từ tay IS một cách chóng vánh, theo FT.
Theo giới phân tích, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công xuyên biên giới này là một điều rất đáng chú ý. Nó diễn ra trong bối cảnh Phó tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đặt chân tới Ankara, nơi ông cam đoan với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ không hề liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua. Cam kết này của ông Biden dường như đã phần nào trấn an được các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong thời điểm quan hệ giữa Ankara và Washington đang trở nên rất căng thẳng sau cuộc đảo chính.
Faysal Itani, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng chiến dịch quân sự này sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, và là tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống IS ở mảnh đất này.
Việc các chiến đấu cơ Mỹ không kích và yểm trợ hỏa lực tầm gần cho xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào thị trấn Jarablus, nơi IS đã chiếm giữ suốt hai năm rưỡi qua, cho thấy Washington đã ủng hộ và bật đèn xanh cho chiến dịch can thiệp này.
Đây cũng là bước ngoặt trong thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ với tình hình chiến sự đang diễn ra tại Syria. Từ trước tới nay, xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ dàn hàng dọc biên giới, bất chấp những cuộc giao tranh dữ dội và các hành động tàn bạo của phiến quân IS ở cách đó không xa. Mỹ đã nhiều lần hồi thúc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS, và động thái tích cực nhất của Ankara chỉ là mở cửa căn cứ không quân Incirlik cho máy bay của liên quân cất cánh để không kích phiến quân.
Kể từ khi phát động chiến dịch can thiệp quân sự chống IS, các tướng lĩnh Mỹ hiểu rằng các cuộc không kích không thể loại bỏ được hoàn toàn phiến quân trên thực địa, họ cần một lực lượng trên bộ đáng tin cậy để tái chiếm và bảo vệ lãnh thổ từ tay IS. Với việc Tổng thống Barack Obama không ủng hộ đưa bộ binh Mỹ đến Iraq và Syria, các quan chức Lầu Năm Góc chỉ còn biết trông cậy vào các nhóm dân quân người Kurd và lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA).
Tuy nhiên, đây không phải là lực lượng quân đội chính quy, được trang bị và huấn luyện phù hợp để tiến hành một cuộc chiến ác liệt, giằng co trên thực địa. Sự ra tay can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, nước có lực lượng quân đội thuộc diện mạnh nhất khu vực, có thể là yếu tố góp phần thay đổi cuộc chơi theo hướng có lợi cho Mỹ, Itani nhận định.
Có vẻ như Ankara nhận thấy đây là thời điểm phù hợp để tấn công, nhằm ngăn chặn mối đe dọa ngày càng lớn từ IS đối với an ninh quốc gia. Gần đây, IS đã tăng cường các cuộc tấn công bằng đạn pháo và đánh bom tự sát vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có vụ khủng bố ở thành phố Giziantep hồi cuối tuần qua, khiến 54 người thiệt mạng.
Quân nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Jarablus. Ảnh: TASS
Thực tế trận chiến Jarablus đã cho thấy năng lực chống khủng bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. IS giữ vững thị trấn này suốt nhiều năm, nhưng một cuộc tấn công quy mô với sự phối hợp của lực lượng đặc nhiệm làm nhiệm vụ tiền trạm và đội hình xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ phía sau, được yểm trợ bởi hỏa lực pháo binh tầm xa và các cuộc không kích trên không, đã khiến phiến quân thất thủ chỉ sau vài giờ giao tranh.
Đòn phủ đầu
Theo ông Itani, tiêu diệt IS không phải là mục tiêu cuối cùng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch can thiệp này. Sau khi chóng vánh chiếm được thị trấn Jarablus, lực lượng thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ không chịu dừng lại, mà nhanh chóng tổ chức lực lượng với ý đồ tiến sâu về phía tây nhằm "dọn sạch" khu vực biên giới.
Với hướng tiến quân này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sớm muộn cũng sẽ chạm mặt Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thuộc Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD), tổ chức bị Ankara coi là nhóm khủng bố, nhưng lại là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Chuyên gia Itani cho rằng tất cả các bên liên quan trong trận chiến Jarablus đều có những toan tính của riêng mình. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, họ phát động cuộc tấn công như một "đòn phủ đầu" nhằm ngăn chặn kế hoạch hình thành một vùng lãnh thổ liên tục ở phía bắc Syria của người Kurd. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm qua tuyên bố rằng Ankara sẽ không bao giờ chấp nhận một thực thể của người Kurd ở sát biên giới với họ.
Vài tháng qua, SDF đã không ngừng mở rộng vùng kiểm soát dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara vẫn nhẫn nại im lặng với hy vọng Mỹ, lực lượng hậu thuẫn SDF, sẽ gây sức ép buộc tổ chức này phải tôn trọng đường phân định biên giới và ở yên bên bờ đông sông Euphrates.
Điều đó đã không xảy ra, khi SDF quyết định vượt sông Euphrates và tấn công vào thị trấn Manbij vào ngày 12/8. Họ dường như không chịu dừng lại, mà muốn tiến nhanh về phía tây để kết nối với vùng Efrin do người Kurd kiểm soát. Đà tiến quân của SDF có vẻ như đã làm thay đổi tính toán của Ankara, buộc họ phải phát động chiến dịch Jarablus.
Bằng việc điều xe tăng tiến vào thị trấn Jarablus, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn chứng tỏ vai trò trung tâm của mình trong cuộc chiến chống IS, đồng thời ngăn chặn khả năng người Kurd trở thành một lực lượng thống nhất ngay sát biên giới với họ.
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát sẽ nối liền một dải dọc biên giới phía bắc Syria. Đồ họa: IWS
Hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể khiến căng thẳng giữa Ankara và phong trào PYD lên cao trong ngắn hạn, đẩy Mỹ vào tình thế phải tìm giải pháp dàn xếp cho hai lực lượng đối địch nhưng đều là đồng minh của mình trong cuộc khủng hoảng Syria. Chuyên gia Itani cho rằng Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ Ankara, và phải gia tăng sức ép lên lực lượng dân quân người Kurd.
Hôm qua, Phó tổng thống Biden cũng đã lên tiếng kêu gọi người Kurd rút lực lượng về bờ đông sông Euphrates. PYD nhiều khả năng sẽ phải tuân thủ yêu cầu này, nếu không muốn bị Mỹ chấm dứt mọi hình thức hỗ trợ quân sự. Việc khống chế dân quân người Kurd để xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục diễn ra đến khi nào Mỹ vẫn còn tham gia cuộc chiến ở Syria.
"Chiến dịch Jarablus có thể tạo nền tảng cho việc hợp tác Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đảm bảo cân bằng quyền lực giữa người Arab và người Kurd ở phía bắc Syria, tạo thuận lợi cho cuộc chiến chống IS... Đến nay, Washington sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự quan tâm và thái độ quyết liệt bất ngờ của Ankara đối với IS", Itani nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Thổ Nhĩ Kỳ lên án Mỹ vì hỗ trợ người Kurd ở Syria Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua lên án Mỹ vì nước này hỗ trợ các tay súng người Kurd ở Syria, lực lượng bị Ankara coi là khủng bố. Đặc nhiệm Mỹ ở Syria đeo huy hiệu Các đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) người Kurd ngày 25/5. Ảnh: AFP. "Sự hỗ trợ họ dành cho... (dân quân) YPG......