Thợ mộc bị máy cưa cắt lìa bàn tay
Đang vận hành máy thì lưỡi cưa bất ngờ văng ra đập vào mặt rồi cắt gần lìa các ngón bàn tay trái của người thợ mộc. Bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng các ngón tay bị thương tích phức tạp gây nhiễm trùng, hoại tử nguy cơ phải tháo bỏ.
Tai nạn nguy hiểm trên xảy đến với ông Nguyễn Văn L. (56 tuổi). Ngày 22/12 ông được bệnh viện địa phương chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng các ngón 2; 3; 4; 5 của bàn tay trái bị đứt gần lìa, dập nát nham nhở.
Tai nạn lao động thường để lại những thương tích nặng nề tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người bệnh được biết, ông L. là thợ mộc. Trước khi tai nạn xảy ra ông đang làm việc tại xưởng, trong lúc vận hành máy thì lưỡi cưa bất ngờ văng ra đập vào mặt rồi cắt gần lìa các ngón bàn tay trái.
Sau khi thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định vết thương của bệnh nhân rất phức tạp, các ngón tay bị lưỡi cưa cắt nham nhở. Bệnh viện đã tiến hành chăm sóc vết thương, sử dụng kháng sinh, cắt lọc hoại tử, điều trị tích cực cho bệnh nhân với hi vọng bảo tồn được các ngón tay.
Tuy nhiên, sau 1 tuần nhập viện, vết thương nhiễm trùng, hoại tử nặng nên việc điều trị đối mặt với nhiều khó khăn. Bệnh nhân có tiên lượng buộc phải tháo khớp các ngón của bàn tay trái (trừ ngón cái) để tránh nguy cơ nhiễm trùng toàn thân đe dọa tính mạng.
Tai nạn lao động thường để lại hậu quả nặng nề cho những người là lao động trụ cột của gia đình. Thương tích do tai nạn có thể cướp đi sinh mạng của nạn nhân hoặc để lại di chứng nặng nề khiến người bệnh mất khả năng lao động, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Để hạn chế nguy cơ tai nạn xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động, mang đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường nguy hiểm.
Video đang HOT
Vân Sơn
Theo Dân trí
Hàng trăm số phận bị hủy hoại do tai nạn phỏng điện
Nhiều lao động chính, trụ cột trong gia đình rơi vào cảnh tàn phế do lỗi thiếu hiểu biết, chủ quan, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Mới đây (ngày 26-10), trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh xảy ra vụ điện cao thế phóng điện giật chết bốn công nhân đang đào móng thi công cột viễn thông. Quá trình điều tra cho thấy vị trí dựng cột viễn thông ngay dưới đường điện 35 kV, vi phạm hành lang an toàn lưới điện .
Chết và tàn phế do phỏng điện
Bốn người xấu số là lao động tự do, trụ cột trong gia đình, có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hai anh em ruột. Không khí tang tóc bao trùm làng quê nghèo.
Trước đó không lâu, vào ngày 26-6, một nhóm công nhân dựng cột bê tông viễn thông khác tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện làm đứt đường dây điện 35 kV khiến bốn công nhân tử vong tại chỗ và ba người dân bị thương.
Ghi nhận tại đơn vị khoa Phỏng-Tạo hình BV Chợ Rẫy (TP.HCM), ngày 30-10 có nhiều ca gặp tai nạn phỏng điện cao thế rất nặng đang điều trị tại BV, chủ yếu do lỗi chủ quan , bất cẩn trong thi công các công trình, nhà ở, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Nhập viện vào ngày 24-10, anh Võ Công T. (26 tuổi, ngụ Bình Thuận) vẫn không ngừng nhăn nhó vì những vết phỏng sâu ở hai tay và hai chân. Anh T. kể lại trong lúc thi công công trình, anh chuyển cây inox lên lầu hai thì bất ngờ bị giật, đẩy văng ra bất tỉnh bởi đường dây cao thế ngoài đường.
Cùng nằm chung phòng với anh T. là anh Lê Hoàng D. (34 tuổi) bị cháy rất sâu ở hai tay. Anh D. cho biết nhà có bốn con đang tuổi ăn học, con nhỏ nhất mới ba tuổi, anh D. rời quê Hậu Giang ra đảo Phú Quốc làm công trình. Ngày 28-10, khi đang đổ bê tông trần nhà thì anh quơ cây sắt trúng đường điện trung thế nên bị giật. "Lần đầu tiên tôi biết phỏng điện kinh khủng và đau đớn như thế nào. Sợ qua cơn này tôi không còn sức để làm việc nữa thì chắc vợ con tôi sẽ khổ lắm" - anh D. đau xót.
Anh Lê Hoàng D. đang điều trị tại khoa Phỏng-Tạo hình, BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: HL
Hàng trăm ca phỏng điện phải nhập viện
Theo BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng-Tạo hình BV Chợ Rẫy, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 1.500 ca phỏng nhập viện, trong đó số ca phỏng do điện chiếm 15%, tương đương 230 ca mỗi năm.
Trong đó, gặp nhiều nhất là do xây dựng gần đường điện cao thế bị phóng điện, tháng nào cũng có bệnh nhân bắt buộc bị cắt cụt chi. Thứ đến là các bệnh nhân bị phỏng điện do kéo cáp viễn thông hoặc treo bảng quảng cáo ngay cột điện, không đảm bảo an toàn phòng, chống phỏng điện. Cuối cùng là nhóm sinh hoạt vi phạm an toàn lưới điện như leo mái nhà kéo đường điện thoại, sửa nhà, đặc biệt có nhiều trường hợp phỏng điện do câu cá dưới đường điện cao thế.
Cẩn trọng với điện trong mùa mưa
Bình thường không khí khô khả năng dẫn điện thấp hơn, còn vào mùa mưa như hiện nay không khí cực kỳ ẩm ướt làm cho khả năng phóng điện lớn hơn. Người dân cần đội nón, đeo găng tay, đi ủng khi thi công các công trình.
Cũng theo BS Hiệp, có hai loại phỏng điện gồm phỏng dòng điện và phỏng do tia lửa điện. Trong đó, tia lửa điện phát ra trong thời gian ngắn ít gây phỏng sâu như phỏng dòng điện vì lúc này cơ thể con người giống như một điện trở, dòng điện cực nóng đi qua cơ thể gây phỏng vào tận trong xương khớp, gan ruột, não, tim gây tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện. Cường độ dòng điện trên 25 mA khi qua tim có thể gây rung thất, ngưng tim. Tình trạng sốc phỏng còn làm thiếu máu tới thận gây suy thận. Nếu ngưng thở, chưa ngưng tim, không cấp cứu kịp thời sau 10 phút sẽ tử vong, do đó cần hô hấp nhân tạo.
Đa phần bệnh nhân còn trẻ, đang độ tuổi lao động, có nhiều bệnh nhân bị cắt cụt chi, chịu cảnh tật nguyền suốt đời.
Do đó để đề phòng tai nạn do phỏng điện, BS Hiệp khuyến cáo người dân cần tuân thủ khoảng cách an toàn lưới điện khi lao động gần đường điện cao thế, đặc biệt là vào mùa mưa. Khi điện thế rất cao, không cần tiếp xúc dòng điện vẫn bị phóng điện, khoảng cách an toàn là 0,75-6 m.
Các biện pháp cứu người phỏng điện
- Cắt điện: Tìm mọi cách an toàn tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện (ngắt cầu dao, cầu chì, sử dụng vật cách điện...).
- Dập lửa (cháy quần áo...).
- Ngay sau đó kiểm tra chức năng sống. Nếu ngưng thở, ngưng tim phải hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Kiểm tra các tổn thương khác (gãy tay, chân, cột sống...).
- Che phủ tổn thương phỏng (gạc, áo sạch...).
- Chuyển đến cơ sở y tế gần nhất (chỉ chuyển nạn nhân khi đã khôi phục tuần hoàn, hô hấp).
BS NGÔ ĐỨC HIỆP, Trưởng khoa Phỏng-Tạo hình, BV Chợ Rẫy
Hoàng Long
Theo Pháp luật TPHCM
Khổ như ở nơi chờ tin người bệnh Nhiều bệnh viện cơ sở vật chất chật hẹp, giường cho bệnh nhân còn chưa đủ, nên làm nhà lưu trú cho thân nhân là không dễ. Thân nhân bệnh nhân ở ngoài, lân cận trại 25 Bệnh viện Chợ Rẫy - ẢNH: DUY TÍNH Buổi trưa, sau cơn mưa, trời Sài Gòn nóng hầm hập, trong khuôn viên nhỏ ở trại 25...