“Thợ kiếm tiền” của Triều Tiên kể chuyện lách trừng phạt
Khi còn là “ thợ kiếm tiền” giúp chính phủ Triều Tiên, ông Ri Jong Ho từng kiếm hàng triệu USD về cho Bình Nhưỡng mỗi năm bất chấp các lệnh trừng phạt, cấm vận của quốc tế, báo Washington Post cho biết.
Ông Ri Jong Ho. (Ảnh: Washington Post)
Dễ dàng như chuyển tiền về Triều Tiên
Ông Ri Jong Ho, 59 tuổi, từng được coi là một trong những người kiếm tiền giỏi nhất giúp chính quyền Triều Tiên. Trong suốt 30 năm, ông làm việc cho Office 39, một tổ chức do đảng Lao động Triều Tiên lập ra nhằm mang lại thu nhập cho chính quyền Triều Tiên thông qua các hoạt động thương mại.
Ông Ri cho biết, ông từng làm chủ tịch một công ty vận tải đường thủy và chủ tịch công ty Kumgang. Công ty của ông liên doanh với một doanh nhân Trung Quốc để mở một công ty taxi ở Bình Nhưỡng.
Năm 2002, ông được phong danh hiệu anh hùng lao động vì những đóng góp cho chính quyền. Cuộc sống của ông và gia đình ở Bình Nhưỡng khá đủ đầy. Tuy nhiên, cuối năm 2014, ông và gia đình bất ngờ đào tẩu sang Hàn Quốc và chuyển đến định cư ở Mỹ hồi cuối năm ngoái.
Chức vụ cuối cùng của ông trước khi đào tẩu là giám đốc điều hành chi nhánh một công ty thương mại đa ngành, bao gồm cả vận tải, xuất khẩu than đá và hải sản, nhập khẩu dầu mỏ.
Trả lời phỏng vấn Washington Post mới đây, ông Ri, 59 tuổi, cho biết: “Hoạt động giao thương của chúng tôi (Triều Tiên) chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Thay vào đó, chúng tôi vẫn có thể tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006″.
Ông Ri cho biết thêm: “Tôi từng thuộc diện bị trừng phạt vì phụ trách vấn đề giao thương của Triều Tiên, tuy nhiên tôi chưa bao giờ cảm thấy bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt chỉ mang tính chiếu lệ”.
Ông cho biết, Triều Tiên luôn tìm cách lách các lệnh trừng phạt. Ví dụ, chỉ một ngày sau khi bị áp lệnh trừng phạt, các công ty ở đây sẽ thay đổi tên mặc dù lĩnh vực hoạt động không thay đổi.
Video đang HOT
Người đàn ông này cho biết, ông từng dễ dàng chuyển hàng triệu USD về Triều Tiên chỉ với việc chuyển một túi tiền cho thuyền trưởng một con tàu từ cảng Đại Liên ở Trung Quốc (nơi ông làm việc) đến cảng Nampo của Triều Tiên, hoặc đưa nó cho ai đó vận chuyển trên tàu xuyên biên giới giữa hai nước.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014 trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc, ông Ri đã giúp gửi về Triều Tiên khoảng 10 triệu USD theo cách này.
Trừng phạt vô nghĩa nếu Nga-Trung ngoài cuộc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Ảnh: Sankei)
Hơn 2 thập niên, Mỹ dùng các lệnh trừng phạt với hy vọng gây sức ép kinh tế buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Tuy nhiên, chính sách đó đến nay gần như không có hiệu quả.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Triều Tiên vẫn liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo. Giữa các vòng cấm vận, Triều Tiên thậm chí vẫn đạt được bước tiến lớn trong công nghệ phát triển tên lửa.
Ông Ri nói: “Nếu Nga, Mỹ, Trung Quốc không hợp tác để trừng phạt Triều Tiên thì các lệnh trừng phạt không có ý nghĩa gì với Triều Tiên”. Mặt khác, ông Ri cũng nói rằng: “Tôi nghĩ, Mỹ và Triều Tiên cần có các cuộc đàm phán cấp cao để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hối thúc Trung Quốc, một đồng minh quan trọng của Triều Tiên, hành động hơn nữa nhằm gây “sức ép tối đa” với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Trump cũng nhanh chóng mất kiên nhẫn khi tuyên bố “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược” với Bình Nhưỡng đã hết và Mỹ sẵn sàng tự giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không cần đến Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc hôm 11/7 yêu cầu các bên chấm dứt việc coi Bắc Kinh là nước đương nhiên phải có trách nhiệm trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên và kêu gọi nỗ lực đa phương nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.
Minh Phương
Theo Washington Post
Cuộc sống của trùm kiếm tiền cho Triều Tiên
Ri Jong-ho từng là người kiếm tiền hàng đầu cho Triều Tiên, gửi hàng triệu USD một năm về Bình Nhưỡng.
Ri Jong-ho, cựu quan chức Triều Tiên. Ảnh: Washington Post.
Ri Jong-ho đã làm việc trong ba thập kỷ tại Văn phòng 39, bộ phận của Đảng Lao động Triều Tiên chịu trách nhiệm kiếm tiền cho lãnh đạo nước này. Văn phòng được cho là tham gia hoạt động buôn bán cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Họ bị cáo buộc liên quan cả đến tiền giả và buôn lậu ma túy.
"Chúng tôi không chịu bất kỳ 'vết thương' nào trong thương mại vì các biện pháp trừng phạt. Thay vào đó, chúng tôi đã tiến hành cuộc thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006", Ri Jong-ho nói trong cuộc phỏng vấn.
"Tôi đã từng bị trừng phạt, vì tôi là người Triều Tiên dẫn dắt vấn đề thương mại của Triều Tiên, nhưng tôi chả thấy hề hấn gì. Các biện pháp trừng phạt rất hời hợt", Ri nói.
Ông mô tả việc có thể gửi hàng triệu USD cho Triều Tiên chỉ đơn giản bằng cách trao túi tiền mặt cho thuyền trưởng của một chiếc tàu đi từ thành phố cảng Đại Liên của Trung Quốc đến cảng Nampo của Triều Tiên, hoặc đưa cho ai đó để đem lên tàu hỏa qua biên giới.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, trước khi ông đào tẩu vào tháng 10, Ri cho biết ông đã gửi khoảng 10 triệu USD về Bình Nhưỡng theo cách này.
Ri cho biết ông làm lãnh đạo một công ty vận tải và là chủ tịch Tập đoàn Korea Kumgang. Họ liên doanh với Sam Pa, doanh nhân Trung Quốc, để phát triển một công ty taxi ở Bình Nhưỡng.
Ri được trao tặng danh hiệu "anh hùng lao động" vào năm 2002. Ông có cuộc sống sung túc ở Bình Nhưỡng với TV màu và xe hơi. "Tôi đã rất trung thành với ông Kim Jong-il, vì vậy tôi được ông ấy trọng thưởng", Ri nói. "Tôi giàu có".
Vị trí cuối cùng mà ông điều hành là tại chi nhánh Đại Liên của Daeheung, một công ty chuyên chở than, thủy sản xuất khẩu và dầu nhập khẩu.
Nhưng vào năm 2014, Ri ngày càng vỡ mộng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên án chú rể Jang Song-thaek là "kẻ phản bội" và xử tử ông vào cuối năm 2013.
Jang là người dẫn đầu các nỗ lực hợp tác kinh tế với Trung Quốc và hàng chục cấp dưới của ông này cũng bị thanh trừng vào thời điểm đó. Ri đã rất lo lắng rằng gia đình mình sẽ là người kế tiếp. Họ trốn sang Hàn Quốc trước khi chuyển đến Mỹ.
Các chuyên gia nói việc Ri tới Mỹ có thể là một lợi ích cho những nỗ lực của Mỹ nhằm trấn áp Triều Tiên. "Sẽ luôn hữu ích khi một người đào tẩu, đặc biệt là người biết các hoạt động nội bộ của Văn phòng 39 có thể giúp chúng ta". Anthony Ruggiero, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Mỹ đã cố gắng hiểu cách Triều Tiên sử dụng các ngân hàng ở Trung Quốc để tài trợ cho các hoạt động của mình. "Tôi hy vọng Bộ Tài chính và một số cơ quan chính phủ khác tìm đến ông ấy để hiểu thêm thông tin", Ruggiero nói.
Ri nói rằng Triều Tiên luôn tìm được cách luồn lách qua bất kỳ lệnh trừng phạt nào họ bị áp đặt. "Triều Tiên là một doanh nghiệp nhà nước 100%, vì vậy các công ty này chỉ cần đổi tên sau khi bị trừng phạt", ông nói. "Bằng cách đó công ty tiếp tục hoạt động, nhưng với một cái tên khác với tên trên danh sách trừng phạt."
Các đối tác Trung Quốc của Ri cũng chẳng ái ngại. "Đối tác của tôi ở Trung Quốc muốn kiếm được lợi nhuận, vì vậy họ không quan tâm nhiều đến các lệnh trừng phạt", ông nói. "Khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho họ dừng giao dịch với chúng tôi, họ dừng lại vài ngày rồi sau đó nối lại".
Ri cho rằng để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ nên xem xét đến việc đối thoại.
"Tôi nghĩ rằng cần có những cuộc đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên, để họ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề", Ri nói.
Những nỗ lực ngoại giao trước đây nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân đã thất bại, có rất nhiều hoài nghi ở Washington về việc đàm phán.
Tuy nhiên, chính quyền hiện nay không nên vì thế mà không cố gắng, Ri nói. "Người ta thường nói, trong chính trị, hôm qua là thù, hôm nay có thể thành bạn".
Phương Vũ
Theo VNE
Mỹ cảnh báo về nhóm tin tặc "Hổ mang Ẩn mình" của Triều Tiên Mỹ hôm qua 13/6 đã phát đi thông báo chỉ trích chính phủ Triều Tiên về một loạt vụ tấn công mạng được cho là do nhóm tin tặc "Hổ mang Ẩn mình" của Bình Nhưỡng thực hiện từ năm 2009 đến nay, đồng thời cảnh báo những vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. (Ảnh minh...