Thợ điện vùng cao dầm mình trong mưa tuyết
Miền Bắc đang trải qua những ngày giá lạnh nhất kể từ 39 năm qua. Vùng núi cao phía bắc nhiều nơi đã xuất hiện băng tuyết. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, thậm chí dưới 0 độ C, những người thợ điện nơi đây vẫn vui với công việc để dòng điện đến mỗi gia đình không bị gián đoạn. Ghi nhanh của evn.com.vn
Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng. Ngày 24/1, hầu khắp các điểm cao như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La đã có tuyết rơi, nhiệt độ nhiều nơi xuống thấp đến mức kỷ lục. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiệt độ cũng thấp nhất trong 39 năm qua và có tuyết rơi trên đỉnh núi Ba Vì (Vườn quốc gia Ba Vì).
Thợ điện Lộc Bình (Lạng Sơn) xử lý sự cố đường dây do mưa tuyết gây ra. Nguồn ảnh: Điện lực Lộc Bình cung cấp ngày 25/1/2016
Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Minh Hiếu – Giám đốc Điện lực Lộc Bình (thuộc Công ty Điện lực Lạng Sơn) cho biết, vài năm gần đây, hiện tượng băng tuyết xảy ra khá thường xuyên, đặc biệt là khu vực Mẫu Sơn và cũng không ít lần gây sự cố lưới điện.
Mới sáng nay (25/1), đơn vị anh Hiếu vừa khắc phục xong sự cố đứt dây 0,4 kV sau Trạm biến áp Mẫu Sơn 1 trên đỉnh Mẫu Sơn, do mưa tuyết gây ra.
“Nhận được tin báo của người dân, mặc dù ngoài trời rất lạnh, nhưng anh em vẫn tức tốc lên đường làm nhiệm vụ để cấp điện trở lại sớm nhất có thể” – anh Hiếu cho hay.
Bình thường, xe ô tô sửa chữa sự cố của Điện lực có thể lên đến tận nơi, nhưng hôm nay, giao thông ùn tắc do lượng du khách đổ về ngắm tuyết quá đông, anh em công nhân của Điện lực Lộc Bình phải đi bộ mất 5 cây số mới tiếp cận được vị trí sự cố. Trong khi mọi người đều mặc những bộ trang phục ấm áp nhất, tìm những nơi kín gió nhất để tránh rét, thì trong thời điểm này,anh em thợ điện vẫn kiên trì vượt qua từng đợt gió lạnh tê buốt để xử lý sự cố.
Video đang HOT
“Đó là một phần công việc của chúng tôi, bất kể lúc nào, những công nhân đều sẵn sàng lên đường nhằm bảo đảm lưới điện được vận hành thông suốt, an toàn.” – anh Hiếu chia sẻ.
Một trạm biến áp của Điện lực Lộc Bình chìm trong băng tuyết. Nguồn ảnh: Điện lực Lộc Bình cung cấp.
Theo thông tin từ Công ty Điện lực Sơn La, 2 ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh kèm gió mạnh và mưa băng, nhiều đoạn đường dây 35 kV ở một số khu vực trong tỉnh Sơn La bị sự cố đứt dây, gãy xà do băng tuyết đóng dày, không thể vận hành.
Hệ thống nguồn và lưới hư hỏng nặng trên địa bàn các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Háng Đồng, Hang Chú (huyện Bắc Yên); xã Kim Bon và trạm biến áp Suối On (huyện Phù Yên) đang gây mất điện cho hơn 1.600 khách hàng thuộc 25 trạm biến áp của các xã trên.
Mặc dù thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, mưa rét kèm theo băng tuyết nhưng đến thời điểm 17h ngày 25/01, các công nhân Công ty Điện lực Sơn La đã khắc phục xong sự cố để cấp điện cho 324 khách hàng thuộc các xã Mường É, Lái Bay và Phỏng Lái (Thuận Châu), đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị trong quá trình xử lý.
Hiện Công ty đang chỉ đạo, điều hành ứng phó khắc phục sự cố đối với các trạm biến áp của các xã còn lại, để khôi phục cấp điện cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Nhiều đoạn đường dây trên các điểm cao của Sơn La bị sự cố do băng tuyết gây ra. Nguồn ảnh: Công ty Điện lực Sơn La cung cấp
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại trên diện rộng từ nay đến hết ngày 27-1, vùng núi vẫn có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết.
Với không ít người dân, du khách Việt Nam, băng tuyết là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Nhưng đối với những người thợ điện vùng cao, điều kiện thời tiết khắc nghiệt này càng gia tăng áp lực lên công tác quản lý vận hành để đảm bảo lưới điện ổn định, an toàn, liên tục.
Theo_EVN
Trâu bò chết rét la liệt
Sau mưa tuyết, nhiều nơi trên QL4D đoạn từ TP.Lào Cai lên TT.Sa Pa (Lào Cai) trở thành lò mổ dã chiến để giết thịt trâu, bò chết vì rét.
Nghé chết rét ở xã Tả Phìn, Sa Pả được chở đi giết thịt - Ảnh: Phan Hậu
Đoạn QL4D từ TP.Lào Cai lên TT.Sa Pa hơn 30 km, trong ngày 25.1 có hàng chục lều bạt được người dân dựng lên để giết thịt trâu, bò chết vì rét. Ghi nhận củaThanh Niên tại khu vực Km 19 (xã Toòng Sành, H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai) sáng 25.1 có hàng chục con trâu, nghé của đồng bào người Mông ở bản Ki Công Hồ bị chết rét mang xuống giết thịt bán cho khách du lịch.
Nằm bên cạnh xã Tòng Sành, thôn Vù Lùng Sung (xã Trung Chải, H.Sa Pa) bất đắc dĩ trở thành "lò" mổ trâu, bò. Đến chiều 25.1, người dân ùn ùn chở nghé, trâu chết về đây xếp hàng chờ đến lượt giết thịt.
Ông Lý Láo San (ở thôn Vù Lùng Sung) kể nhà ông có 5 con trâu lẫn nghé, 2 ngày qua đã chết 2 con. Anh em họ hàng nhà ông San, nhà nào cũng có 1 trâu hoặc nghé bị chết rét từ 1 - 3 con. Trâu mổ ra, bán thịt giá 150.000 - 250.000 đồng/kg, mỗi con nghé chỉ còn 3 - 5 triệu đồng (nếu còn sống chờ sau tết, những con nghé này bán không dưới 20 triệu đồng). "Nghé chết, nhà buồn như đám tang, vợ tôi, mẹ tôi khóc ròng chẳng thiết gì ăn uống. Nhà chỉ còn lại cặp trâu sinh sản và con nghé, hai ngày nay cả nhà thay nhau đốt lửa sưởi ấm quanh chuồng", ông San nói.
Đến chiều 25.1, nhiều xã vùng cao Sa Pả, Tả Phìn vẫn chìm trong tuyết lạnh. Công việc người dân quan tâm nhất lúc này là chống rét, ngăn không để trâu, bò chết rét.
Gần 200 ha hoa màu bị vùi lấp trong tuyết
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế H.Sa Pa, cho biết số lượng gia súc chết rét tăng nhanh từng ngày. Chỉ tính riêng trong ngày 25.1, thống kê chưa đầy đủ đến 14 giờ đã có trên 40 con trâu, bò và nghé chết vì rét. Mấy mươi năm qua, chưa khi nào thời tiết ở Sa Pa "cực đoan" như đợt này. Nhiệt độ đêm 24.1, ở ngay thị trấn xuống tới -3,8oC. Ở các xã vùng cao, tuyết vẫn đóng dày. Biện pháp duy nhất để cứu đàn gia súc là sơ tán, đưa xuống vùng thấp tránh rét. Thống kê ở các xã vùng cao H.Sa Pa đang có trên 1.000 con trâu, bò phải sơ tán xuống địa bàn giáp ranh H.Bát Xát và khu vực thuộc H.Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Cũng theo ông Thành, đến chiều 25.1, toàn H.Sa Pa có gần 200 ha hoa màu chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán vẫn bị vùi lấp trong tuyết. Trước thiệt hại do mưa tuyết tăng lên từng ngày, UBND H.Sa Pa tiếp tục thống kê để đề xuất UBND tỉnh Lào Cai có chính sách hỗ trợ người dân.
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, tính đến 16 giờ cùng ngày, toàn tỉnh có gần 200 con gia súc chủ yếu là trâu, bò, ngựa bị chết rét, tính cả thiệt hại về diện tích hoa màu đã lên tới gần 30 tỉ đồng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16 giờ ngày 25.1, toàn tỉnh này có 59 con trâu, nghé, 23 con bò, 112 con dê, 1 con heo bị chết rét. Thiệt hại tập trung ở các huyện Bình Liêu, Uông Bí, Tiên Yên, Móng Cái, Ba Chẽ.
Ghi nhận của Thanh Niên đến trưa 25.1, TT.Sa Pa vẫn còn tuyết rơi lất phất. Nhiều mái nhà dân, trụ sở hành chính của UBND huyện, tuyết phủ dày. Dọc con đường từ thị trấn lên Thác Bạc, đèo Ô Quý Hồ trồng hoa, rau chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, tuyết đóng chặt thành từng mảng. Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, cho biết chiều 25.1 nhiệt độ đo tại TT.Sa Pa đã "nhích" lên nhưng vẫn ở mức -2,5oC. "Dự báo ít nhất trong 2 - 3 ngày nữa tuyết mới bắt đầu tan ở TT.Sa Pa, còn trên vùng núi cao thì chưa thể nói trước được", ông Hải nói.
Phan Hậu - Trần Hồ - Linh Linh
Theo Thanhnien
Băng giá xuất hiện ở các huyện miền núi Nghệ An Nhiệt độ giảm sâu trong đợt lạnh kỷ lục khiến nhiều vùng núi cao tại Nghệ An xuất hiện băng tuyết. Theo thông tin của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, vào ngày 24/1 và 25/1, thời tiết tại Nghệ An trở nên khắc nghiệt hơn do chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh có cường độ mạnh....