Thợ cưa cây một tay kỳ tài ở miền Tây
Chỉ với một bàn tay, suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Đấu ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, Hậu Giang, hành nghề cưa cây thuê khắp các tỉnh ĐBSCL. Giờ đây, ở tuổi 68, ông Đấu vẫn “treo mình” trên cây vì không thể bỏ nghề.
40 năm cưa cây, hơn 60 vết sẹo
Ông Đấu sinh ra trong thời kỳ bom đạn nên mới 14 tuổi, ông đã tự nguyện đăng ký tham gia đi lính theo tiếng gọi của đất nước. Ông Đấu nhớ lại: “Năm1967, tôi tham gia trận đánh chi khu Ngã Năm, trong trận đánh ấy, lực lượng vũ trang chủ lực về kết hợp với du kích và bộ đội địa phương mai phục từ 20h đêm đến 3h sáng mới nổ súng, cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân ta và địch bị tổn thất rất nhiều…”.
Và chính từ trận đánh tiên phong ấy, ông Đấu bị pháo 105 của Mỹ bắn phải nên mất đi một cánh tay, nhưng vì lòng yêu nước nên ông vẫn tiếp tục chiến đấu sau khi được chữa trị ở đơn vị.
Trở về quê với thân thể không còn nguyên vẹn và đối mặt với cuộc sống không lương, không ruộng vườn, chỉ được trợ cấp 20 giạ lúa mỗi năm chưa đủ để có được bữa cơm no bụng hàng ngày, ông Đấu phải ra sức làm mọi việc nhưng rồi sức lực có hạn nên ông không trụ nổi với nghề nông. Mãi đến khi nhận thấy việc cưa cây có thể giúp gia đình ông thoát nghèo, ông mới quyết định gắn bó với nghề cưa cây, xẻ gỗ.
Dù bị mất một bàn tay nhưng ông Đấu hành nghề cưa cây suốt 40 năm qua
Ông Đấu cho biết: “Chọn được cái nghề đã khó nhưng thực hiện được càng khó hơn. Để có được số tiền mua máy cưa tôi phải chạy hỏi khắp xóm mới đủ 3 triệu đồng, đi lên tận Sài Gòn mới mua được cái máy cưa cây. Khi có máy, tôi tập tành cưa, vì có 1 tay nên ban đầu cũng trầy trật lắm! Nhưng do tôi “luyện” nhiều nên rồi cũng quen, đường cưa chính xác, bà con thuê nhiều hơn nên sau 1 năm là tôi trả xong số nợ vay mua máy cưa”.
Vì miếng cơm, manh áo, từ năm 1978 vợ chồng ông Đấu phải sống xa nhau. Vợ ông cùng đàn con sống tạm bợ trên mảnh đất nhờ. Còn ông hàng ngày phải rong ruổi khắp các tỉnh ĐBSCL để cưa cây. Từ đó, ông nhận ra rằng mình không thể sống mà không làm nghề cưa. “Mỗi khi ra đồng phụ giúp ai làm việc ruộng vườn… mà nghe tiếng máy cưa là không tài nào chịu nổi, phải vội về nhà kiếm cái mà cưa hay đợi người đến thuê làm”, ông Đấu nói thêm.
Biệt tài cưa cây của ông Đấu vang khắp các tỉnh ĐBSCL
Video đang HOT
Khi tận mắt chứng kiến cảnh người thợ cưa một tay làm nghề, chúng tôi ai cũng khâm phục. Ông không chỉ giỏi về việc leo trèo mà còn khéo léo trong từng vết cắt. Trong cái nắng như đổ lửa mà được xem cảnh ông cưa cây dừa thì không khỏi ngạc nhiên. Trước tiên, ông tiến hành cưa bẹ dừa, rồi củ hủ, thân và đến tận gốc. Từng đoạn dừa được cắt ngọt lịm và hạ xuống dễ dàng và ông được xem là “khắc tinh” của các loại cây vườn.
Ông Mai Văn Dùng, cùng làm nghề cưa gỗ cho biết: “Đối với ông Đấu, cây lớn, cây bé, cây cao, cây thấp… ông Đấu không từ chối cây nào. Nhiều cây gỗ cao vời vợi mà mấy thợ cưa lành lặn khác không dám leo lên để cưa, còn ông thì trèo lên dễ dàng, mau lẹ”.
68 tuổi vẫn “treo mình” trên cây
Ở tuổi 68 nhưng thịt da ông Đấu vẫn còn “đỏ au”, sức khỏe dẻo dai… Bởi thế lúc này có ai thuê cưa cây ông vẫn sẵn sàng nhận, mang máy cưa đi làm ngay. , mặc dù kinh tế gia đình hiện tại của ông Đấu tương đối ổn định. Giải thích về điều này, ông Đấu chia sẻ: “Với tôi nghề cưa cây bây giờ không chỉ là “cần câu cơm” mà là niềm đam mê của tôi nữa. Đôi lúc tôi cũng không sao giải thích được điều này, chắc tôi bị “nghiện” tiếng máy cưa… hoặc cũng là cách tôi nhớ các chiến hữu của mình đã ngã xuống cũng vì cái nghề này!”
Theo ông Đấu kể lại khi ông cũng 20 người thợ cưa lên miền Đông cưa cây thuê cho doanh nghiệp vào khoảng những năm 1976 – 1978. Nhưng sau này khi trở về chỉ còn 7 người, đa phần bị cây ngã, cây đâm… Vì hợp đồng khai thác và gia đình khó khăn nên đội cưa cây của ông cố gắng làm.
Giờ đây ở tuổi 68 ông Đấu vẫn còn “treo mình” trên cây vì không thể bỏ nghề.
Nghề nào cũng có hiểm nguy và nghề cưa gỗ chỉ cần một sơ xuất nhỏ là đưa người thợ cưa vào chỗ chết. Nhưng rồi với tính cần cù, chịu khó học hỏi, tự kinh nghiệm trong nghề mà giúp ông Đấu trụ vững với nghề cưa cây cho đến ngày hôm nay.
Đã hơn 40 năm làm nghề cưa cây, sử dụng qua 60 chiếc máy cưa, hiểm nguy, gian khổ… Tuy nhiên, hiện nay ông Đấu vẫn gắn bó với cái nghề, dù kinh tế gia đình khá giả, con cái có nghề nghiệp ổn định.
Nguyễn Hành – Nhân Nguyễn
Theo Dantri
Thủ khoa Mỹ, thủ khoa Việt và cánh cửa cơ hội
Bài toán đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không tìm ra một cơ chế tốt hơn cho trọng dụng và bồi dưỡng hiền tài?
Con trai tôi năm nay vào lớp 11 tại Mỹ, như vậy chỉ còn 2 năm nữa cháu học xong trung học. Đại học đang là cái đích lớn không chỉ cho cháu mà cho cả gia đình tôi. Vì thế, mọi thông tin về thi cử ở cả Mỹ và VN đều được chúng tôi rất quan tâm, đặc biệt là về các thủ khoa đại học.
Năm nay, gia đình tôi đón nhận những thông tin khác nhau về các thủ khoa ở VN và Mỹ, khiến chúng tôi phải suy nghĩ khá nhiều.
Từ chuyện thủ khoa trung học Mỹ...
Vào tháng 5/2014, trường trung học Riverside Milotary Academy của con tôi tại Mỹ làm lễ tốt nghiệp cho các học sinh lớp 12 và long trọng thông báo về các trường hợp xuất sắc, bao gồm cả Thủ khoa và Á khoa.
Á khoa của trường năm nay là một học sinh Mỹ, tên là Harrison Summerour. Cậu là một học sinh toàn diện. Thành tích học tập của cậu luôn đạt điểm 4.0 (điểm 10/10 theo thang điểm Mỹ). Không những vậy, cậu còn là một nhà lãnh đạo trẻ tài năng, là chỉ huy trưởng của 470 học sinh trong trường. Cậu còn là một cầu thủ bóng bầu dục và một đô vật "đáng gờm", cậu cũng biết lái máy bay (vì trong trường có dạy).
Mong muốn trở thành thủy thủ hay phi công chuyên nghiệp, cậu nộp đơn vào Học viện Hải quân và Học viện Không quân Mỹ. Đây là những trường đại học rất khó vào, vì ngoài hàng loạt tiêu chuẩn cao còn cần có thư đề cử của một đại biểu Quốc hội Mỹ. Mỗi năm, một đại biểu sẽ chỉ viết thư giới thiệu tối đa cho 5 trường hợp. Harrison đã vượt qua được vòng này và cả hai đại học đều nhận cậu với học bổng toàn phần. Cuối cùng cậu chọn theo học Học viện Không quân Mỹ, với học bổng lên đến 500.000 USD.
Ảnh minh họa
Thủ khoa của trường là Do Yeun Kim, một cậu bé đến từ Seoul, Hàn Quốc. Ba năm liền cậu luôn là Thủ khoa với thành tích học tập xuất sắc. Cậu luôn đạt điểm 4.0 và theo học tất cả các lớp khó nhất trong trường như lớp Honor, AP (dự bị đại học). Cậu cũng đoạt học bổng danh giá của Mỹ là National Merit Scholarship, bởi ngoài khoản tiền do quỹ trao tặng, học sinh còn có thể được nhận thêm học bổng từ các đại học và các công ty bên ngoài.
Ngoài thành tích học tập, Do Yeun Kim còn là một nghệ sĩ kèn Oboa tài năng và là ứng viên Chương trình Danh dự của Thống đốc tiểu bang Georgia. Với tấm bằng thủ khoa và thành tích lừng lẫy, cậu chỉ còn việc đau đầu suy nghĩ chọn trường đại học nào để vào học với học bổng toàn phần hàng vài trăm ngàn USD. Bởi hàng loạt trường danh tiếng hàng đầu nước Mỹ đã gửi thư chấp thuận cho cậu theo học.
Đây chỉ là các thủ khoa của một trường trung học. Vì ở Mỹ không có học sinh thủ khoa đại học như ở VN nên thật khó so sánh. Nhưng chỉ có một điều rất dễ nhận thấy, người Mỹ coi trọng tài năng. Và hễ có tài năng có thể cống hiến cho xã hội là sẽ rất dễ có tiền đi học, đi nghiên cứu, và có thu nhập cao khi đi làm. Vì vậy, cạnh tranh để đạt tiêu chuẩn thủ khoa trung học và vào được các đại học danh tiếng là một cuộc đua tranh để chứng tỏ năng lực bản thân của các học sinh trung học Mỹ.
Và đây cũng là cách thức hữu hiệu để gia đình các học sinh đang khó khăn thoát khỏi gánh nặng chi phí đại học (khoảng 50.000 USD/năm). Tiền học phí này là do các đại học cấp. Tiền do trường tự quyên góp từ các cựu học sinh và phụ huynh cũng như các nhà hảo tâm. Càng là trường danh tiếng, số tiền này lại càng lớn. Chẳng hạn, những trường như Harvard đảm bảo có đủ tiền cấp cho tất cả những sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn đậu vào trường có thể theo học.
...đến chuyện chuyển thủ khoa đại học VN
Trong khi đó, thông tin về nhiều em học sinh trung học của VN năm nay đậu thủ khoa mà gia đình không có tiền cho đi học khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Ví như tình cảnh của em Nguyễn Thùy Dương - học sinh chuyên Sử trường chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) trở thành thủ khoa khối C, ĐH Luật Tp. HCM hay cháu Trần Văn Cường, THPT Trần Phú, Hà Tĩnh vừa trở thành thủ khoa của ĐH Bách khoa TP.HCM với 28,25 điểm.
Nhận được tin con đậu thủ khoa, chưa hết vui mừng, gia đình các em đã phải lo chạy tiền cho con đi học. Họ đã phải nghĩ đến cách đem sổ đỏ đi cầm cố, vay mượn tiền. Tình trạng này không phải chỉ năm nay, mà nhiều năm đã tái diễn, ngay cả với thủ khoa các trường cực kỳ khó thi đậu như đại học Y khoa HN, đại học Dược HN, v.v...
Mặc dù theo tôi biết, sau khi báo chí đưa tin, nhiều người kêu gọi, cuối cùng nhiều thủ khoa đại học nghèo cũng sẽ có được những khoản quyên góp, từ thiện từ các nhà hảo tâm, và chật vật co kéo để đi học. Nhưng bài toán đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không tìm ra một cơ chế tốt hơn cho trọng dụng và bồi dưỡng hiền tài?
Chẳng hạn, thay vì hàng năm kêu gọi lòng hảo tâm, tại sao các trường đại học không chủ động tìm kiếm, phát hiện và dành học bổng cho các học sinh có thành tích xuất sắc? Bởi đó thực ra cũng là một cách đầu tư hiệu quả cho tài năng.
Một số tiền chừng 2 tỷ đồng đã có thể đủ cho 10 học sinh nghèo đậu trong top 10 của một đại học có đủ chi phí học tập. Nếu mỗi trường đại học VN hiện nay có một cơ chế tốt trong việc thu hút các khoản tiền tài trợ học phí tương tự cách của các đại học Mỹ, hàng năm chúng ta sẽ không còn thấy những trường hợp đau lòng đỗ thủ khoa đại học danh tiếng bậc nhất mà vẫn có nguy cơ... thất học.
Theo Nguyễn Anh Thi/Báo Vietnamnet