Thổ Châu hòn đảo bị bắt cóc Kỳ 4: Đảo xương người
Khi giúp quân đội Campuchia canh giữ quần đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam mới phát hiện một sự thật đau lòng: mỗi gốc cây trên đảo đều có xương người. Từ đây, những bí ẩn về hòn đảo xương người này dần được phơi bày.
Ông Hoàng Xuân Kỳ viết thư tay gửi gắm cho người quen tại Campuchia để giúp phóng viên Tuổi Trẻ tìm ra nhân chứng vụ mất tích của trên 500 đồng bào Thổ Châu – Ảnh: TIẾN TRÌNH
Vùng biển hắc ám
Giữa cuối tháng 5-1975, sau khi bị đánh bật khỏi các đảo của Việt Nam, quân Khmer Đỏ vẫn cố thủ ở các quần đảo phía Nam Campuchia như quần đảo Poulo Wai, quần đảo Koh Tang… để tiếp tục tác oai tác quái. Chúng được trang bị hỏa lực mạnh để nhanh chóng biến khu vực phía Nam Campuchia trở thành vùng biển chết chóc.
Quân Khmer Đỏ dùng tàu đuổi bắt tàu thuyền qua lại, từ tàu cá, tàu buôn… Nhiều tàu của thuyền nhân Việt Nam vượt biên đã bị chúng chặn bắt, cướp bóc, hãm hiếp và sát hại. “Không ai lọt vào tay quân Khmer Đỏ mà sống sót trở về” – một cựu binh Campuchia nói.
Một trong những sự kiện cướp bóc do quân Khmer Đỏ tiến hành được cả thế giới biết đến lúc đó là khi họ chặn bắt tàu hàng Mayaguez của Mỹ. Hành động của Khmer Đỏ khiến Mỹ giận dữ điều hai đại đội thủy quân lục chiến đi giải cứu tàu Mayaguez.
Những ngày nằm trong sự kiểm soát của quân Khmer Đỏ, vùng vịnh phía Nam Campuchia trở thành vùng biển hắc ám. Nó che giấu bao nhiêu cái chết của những thường dân vô tội khi sa vào tay quân Khmer Đỏ.Trong trận đánh cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương, lịch sử tiếp tục ghi nhận thất bại của quân Mỹ: lực lượng giải cứu bị sa vào trận địa hỏa lực của quân Khmer Đỏ, khiến ba trực thăng chở quân Mỹ bị bắn rơi. Trong trận đánh chớp nhoáng này, 41 quân Mỹ thiệt mạng, 3 người mất tích và 50 người khác bị thương ở khu vực đảo Koh Tang.
Vĩnh viễn không ai biết được có bao nhiêu người bị quân Khmer Đỏ sát hại rồi thả xác xuống biển, cũng chưa ai đếm được có bao nhiêu người bị chôn vùi trên các hòn đảo ở đây trong những ngày bị quân Khmer Đỏ kiểm soát. Chỉ biết chắc một điều rằng trong số những sinh linh chết thảm ấy, có không ít là thường dân Việt Nam.
Một sĩ quan quân đội Campuchia cho biết sau khi có tin Puolo Wai thất thủ trước quân đội Việt Nam, quân Khmer Đỏ đóng trên quần đảo Koh Tang gần đó đã co cụm lại. Sợ quân Việt Nam sẽ tiến đánh tiếp Koh Tang, Khmer Đỏ đã tăng cường nhiều hỏa lực phòng thủ cho quần đảo này.
Quần đảo Koh Tang nằm ngoài khơi phía Nam của Campuchia, gần vùng biển tiếp giáp với Việt Nam – Đồ họa: V.CƯỜNG
Ký ức nhói lòng
Sau khi giải phóng các đảo phía Nam Campuchia khỏi bàn tay quân Khmer Đỏ, bộ đội Việt Nam được Chính phủ Campuchia nhờ ở lại giúp bảo vệ các hòn đảo này, để phòng quân Khmer Đỏ quay lại tái chiếm.
Khi đặt chân lên đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam đã chứng kiến một khung cảnh khiếp đảm: tử thi, xương người la liệt. Cả hòn đảo rộng lớn chẳng khác nào một bãi tha ma. Một cựu sĩ quan có thời gian công tác tại Koh Tang nói rằng những hình ảnh chết chóc đã ám ảnh không ít bộ đội Việt Nam những ngày đứng chân trên đảo, nhất là những người trẻ.
Video đang HOT
Đại tá Hoàng Xuân Kỳ (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng ủy Vùng 5 hải quân) nói: “Đã chừng ấy năm rồi nhưng hình ảnh về Koh Tang cứ hiển hiện với tôi trong giấc ngủ”. Đại tá Kỳ kể năm 1980, ông là chính trị viên tiểu đoàn 562 – Vùng 5 hải quân, được điều động sang giúp bạn bảo vệ Koh Tang.
Dù trước đó đã nghe nói về những gì Khmer Đỏ gây ra trong thời gian chúng chiếm hòn đảo này, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì sự thật “ngoài sức tưởng tượng” của ông. “Một người bình thường không thể nào tưởng tượng ra con người có thể hành xử với đồng loại dã man đến thế – ông Kỳ nhớ lại – Chạy dài ven bãi biển gần cổng doanh trại lúc ấy có tám cây dương cổ thụ.
Trên mỗi cây dương đều có treo lơ lửng các dây thòng lọng do quân Khmer Đỏ dùng để treo cổ những người bị chúng bắt được. Còn hàng dừa, hướng nhìn về đất liền Kampongsom, hầu như gốc nào cũng có sọ người. Mỗi gốc dừa có ít nhất một, hai đầu lâu. Có những gốc dừa chúng tôi đếm đến chín đầu lâu. Khi đào xuống đất quanh các gốc dừa này, chỗ nào cũng có xác người” – ông Kỳ rùng mình.
Trung tá, bác sĩ Vũ Văn Thành, làm nhiệm vụ trên đảo Koh Tang từ năm 1985 – 1989, nhớ lại: “Lúc tôi ra đảo, chứng kiến các gốc dừa phía mé biển, mỗi gốc dừa bốn hướng đều có bốn hố, mỗi hố rộng 2m. Bọn Pol Pot đào để vùi lấp xác người dưới đó.
Tôi và anh em đào lên đem chôn cất đàng hoàng. Mỗi hố chúng tôi đem lên hai bao tải xương người. Có những hố nạn nhân chết trong tư thế hai ngón tay, hai ngón chân cái bị trói chặt, ngồi co quắp, xương đầu bị bể từ phía sau. Có nhiều hố có cả xương trẻ em… trong túi áo người chết còn có đồng xu tiền Việt Nam”.
Một cựu sĩ quan có thời gian công tác trên đảo Koh Tang nói rằng khi ra giúp bạn tiếp quản đảo Koh Tang, ông bắt gặp trong những hiện vật để lại của những nạn nhân, có cả những thẻ căn cước của cư dân Thổ Châu do chính quyền VNCH cấp trước đây.
Điều này nói lên rằng đã có cư dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ đưa về Koh Tang sát hại. Điều này trùng khớp với lời kể của ông Tư Sĩ, một cựu ngư dân Thổ Châu, người đã may mắn thoát được khi quân Khmer Đỏ dẫn giải cư dân trên đảo về hướng vùng biển Campuchia.
Ông Sĩ nói trước ngày quân đội Việt Nam giành lại Thổ Châu, Khmer Đỏ đã lùa dân, nói là đến một hòn đảo nào đó thuộc Campuchia nhưng ông không biết rõ đảo nào.
Sự thật qua lời những nhân chứng càng củng cố thêm giả thuyết về số phận người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc. Chúng đã đưa họ đến quần đảo Koh Tang rồi sát hại, vùi xác ở đây. Tuy nhiên, ngoài những lời kể của các nhân chứng Việt Nam, vẫn chưa có sự thừa nhận nào từ phía Campuchia, nhất là những kẻ từng tham gia chuyện bắt cóc, gây nợ máu này.
Theo Tuổi Trẻ
Thổ Châu Hòn đảo bị bắt cóc: Cuộc trao đổi thất bại
Đã có một thỏa thuận lấy tù binh Khmer Đỏ chiếm đảo VN để đổi lấy dân thường VN bị chúng bắt cóc. Thế nhưng, do Khmer Đỏ tráo trở nên không một người dân nào được may mắn trở về.
Thiếu tướng Lê Xã Hội (Chín Hội), nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng QK9, người trực tiếp đưa các tù binh Khmer Đỏ sang Campuchia theo thỏa thuận trao đổi, cho biết ông cực kỳ thất vọng. Nỗi thất vọng này vẫn còn theo ông đằng đẵng hơn 40 năm trời.
Giao tranh ở Poulo Wai
"Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết. Mình chiến thắng nhưng cũng không có người dân nào trở về. Đánh Thổ Châu rồi đánh Poulo Wai cũng vậy. Chúng đã đem dân đi và giết từ trước đó rồi" - trong buổi chiều tháng 6, vị tướng già nói về những điều mà đến giờ ông vẫn canh cánh bên lòng.
Sơ đồ các mũi hành quân giải phóng quần đảo Poulo Wai - Nguồn: QK9 - Đồ họa: N.KH
Sau trận đánh ba ngày, ngày 27-5-1975, QĐNDVN đã giải cứu được Thổ Châu, diệt gần 200 tên, bắt sống trên 300 quân Khmer Đỏ. Thế nhưng, nhiệm vụ giải cứu trên 500 dân Thổ Châu đã không thành, khi trước đó quân Khmer Đỏ đã bắt cóc toàn bộ cư dân trên đảo dời đi nơi khác.
Lúc này lại có tin quân Khmer Đỏ mang toàn bộ dân Thổ Châu về hướng Poulo Wai.
Poulo Wai là quần đảo với hai đảo lớn, còn được Việt Nam gọi là Hòn Ông và Hòn Bà. Là đảo cực nam Campuchia cách Rạch Giá 220km, cách cảng An Thới (Phú Quốc) 113km về hướng tây. Trước 30-4-1975, quần đảo này do quân đội VNCH và quân đội Cộng hòa Khmer đóng giữ.
Sau 17-4-1975, sau khi đánh thắng quân đội Cộng hòa Khmer, Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm Poulo Wai và tàn sát hết quân của VNCH và Cộng hòa Khmer đóng tại đây. Chúng đưa hai trung đoàn ra đồn trú, được trang bị hỏa lực mạnh, lại được chi viện bởi lực lượng từ đảo Koh Tang gần đó.
Chiều 31-5-1975, các tàu thê đội 1 (tiểu đoàn 309 và các phân đội trực thuộc) rời Phú Quốc hành quân về Poulo Wai. Tuy nhiên, cuộc hành quân đã gặp bất lợi do thời tiết xấu, phải đến bốn ngày sau mới được tiếp tục.
Ngày 5-6-1975, quân Việt Nam nổ súng tấn công quân Khmer Đỏ ở hai đảo Hòn Ông và Hòn Bà. Quân Khmer Đỏ kháng cự quyết liệt. Trong 10 ngày vây đánh, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt hai tiểu đoàn quân Khmer Đỏ, bắt 320 tù binh... Tuy nhiên, để chiếm được Poulo Wai, chúng ta đã hi sinh 18 người, bị thương 84 cán bộ chiến sĩ (nguồn: QK9).
"Quân mình đã đánh quyết liệt để giải cứu các đảo bị chúng chiếm đóng và giải cứu dân thường. Nhưng chúng đã đem dân đi và giết hết Thiếu tướng Lê xã Hội
Không tìm thấy dân
Thế nhưng tại Poulo Wai, quân đội của chúng ta đã không tìm thấy bóng dáng người dân VN nào bị chúng bắt cóc.
"Không chỉ có dân ở Thổ Châu, mà dân Việt Nam sinh sống trên đảo ở Poulo Wai cũng biến mất. Trước năm 1975, chính quyền VNCH đã đưa dân ra ở đó. Họ sống bằng nghề đánh cá và di cư theo mùa, theo sườn đông và tây đảo" - tướng Hội nhớ lại qua khai thác tù binh, ông biết chúng đã đem toàn bộ dân đi giết. Tuy nhiên, chừng nào chưa thấy chứng tích thì vẫn chưa nguôi hi vọng.
Là người biết tiếng Khmer, ông Chín Hội kể lại các tù binh Khmer Đỏ khai chính quyền Campuchia dân chủ (Khmer Đỏ) đã rắp tâm đánh chiếm các đảo trên biển Tây từng do VNCH kiểm soát. Sau khi chiếm các đảo này, chúng thủ tiêu toàn bộ dân cư để xóa dấu tích chủ quyền của Việt Nam, ngụy tạo chứng cứ nhằm đối phó khi có đấu tranh pháp lý.
Số tù binh Khmer Đỏ bị bắt ở hai trận đánh Thổ Châu và Poulo Wai tổng cộng trên 600 tên. Ban đầu tất cả được đưa về Phú Quốc. Sau có lệnh di chuyển số tù binh này về thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang).
"Tôi hỏi: tụi bây đem dân đi đâu mất biệt? Chúng khai: đưa sang vùng biển Campuchia. Tôi hỏi chúng bắt đi bao nhiêu dân? Chúng khai trên 500 người... Tất cả đều bị sát hại", ông Chín Hội trầm giọng.
Trao đổi bất thành
Thiếu tướng Lê Xã Hội
Thời điểm năm 1975, thiếu tướng Lê Xã Hội đang là phó phòng tác chiến QK9. Ông nói lúc ấy việc quân Khmer Đỏ thủ tiêu trên 500 dân Việt Nam chỉ có các hàng binh thừa nhận. Còn nhà cầm quyền cứ lấp lửng về số phận các cư dân này. Cho nên, đã có một thỏa thuận là phía Việt Nam đem 600 tù binh Khmer Đỏ để đổi lấy trên 500 dân Việt Nam bị bắt cóc.
Ban đầu phía Khmer Đỏ đã đồng ý việc trao đổi này. Địa điểm trao đổi được xác định là tại Tứk Mía, thuộc tỉnh Kampot (giáp với thị xã Hà Tiên, Kiên Giang).
"Tôi được lệnh đưa các tù binh sang Campuchia để đổi lấy cư dân Thổ Châu. Lệnh là khi nào mình có đủ dân thì mới trao tù binh Khmer Đỏ. Trước đó, tù binh Khmer Đỏ được giáo dục không được gây hấn với Việt Nam, phải coi Việt Nam là bạn. Phía Việt Nam còn cấp quân trang mới, cho thêm một bộ đồ, balô, mùng, giày, võng, một "ruột ngựa" chứa đầy gạo" - ông Chín Hội kể.
Kể đến đây, giọng tướng Hội bỗng rưng rưng: "Nhắc chuyện đó tới giờ tôi vẫn còn thấy đau đớn... Tôi không sao quên được. Buổi sáng mình đưa tù binh đi, hàng ngàn người dân ra đường tiễn. Người ta mong đợi mình đưa thân nhân của họ trở về... Vậy mà" - tướng Hội thở dài.
Khi quân Việt Nam đưa các tù binh đến địa điểm hẹn trước với Khmer Đỏ thì không thấy bóng dáng người dân Việt Nam nào. Lúc này quân Khmer Đỏ chối bay việc bắt cóc dân thường trên đảo Thổ Châu.
"Chúng nói không bắt người dân Việt Nam nào cả - Ông Hội tiếp - Vì vậy chúng tôi tiếp tục đấu tranh, không đồng ý thả tù binh cho chúng".
Tin Khmer Đỏ tráo trở được báo về Việt Nam. Ông Hội nói Bộ Tư lệnh QK9 không chấp nhận thả tù binh Khmer Đỏ. Phái đoàn Việt Nam ban đầu vẫn giữ các tù binh và tiếp tục đấu tranh với Khmer Đỏ để đòi dân. Nhưng sau ba ngày kỳ kèo, ông Hội nói có lệnh từ trung ương phóng thích toàn bộ số tù binh Khmer Đỏ dù không đưa được người dân nào trở về!
Về lại bên đây biên giới, phái đoàn trao đổi gặp người dân đứng hai bên đường chờ đợi. Khi biết sự thật tất cả người dân Thổ Châu đã bị giết, đoàn người chờ đợi đã tột cùng thất vọng. Họ tức giận đòi đập xe của phái đoàn.
Những lời oán trách tuôn ra: "Dân mình thì bị chúng giết hại. Còn bọn sát nhân thì mình lại phóng thích sau khi cho ăn ngon mặc ấm...".
Ông Hội nói trong đám tù binh có tên tiểu đoàn trưởng mang tên Việt Nam là Dân. Chúng khai đã giết dân Việt Nam theo lệnh của cấp trên.
Ngày 27-5-1975, Bộ tư lệnh Tiền phương đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn bộ binh 1 (lúc này do ông Phạm Văn Trà làm trung đoàn trưởng) tiến công Poulo Wai, giải cứu dân thường khỏi Khmer Đỏ. Kế hoạch là hợp đồng tác chiến giữa các binh chủng hải - lục - không quân, sẽ đánh chiếm Poulo Wai trong vòng một, hai ngày.
So với trận đánh Thổ Châu, trận Poulo Wai lực lượng của ta đã được trang bị hỏa lực mạnh, được chi viện 12 máy bay ném bom A37, 4 trực thăng vũ trang, 2 máy bay trinh sát L-19, 2 máy bay CH 47, 1 máy bay trực thăng cứu thương; hải quân có 11 tàu PCF, 10 tàu LCM, 3 tàu cao tốc, 3 tàu vận tải
Theo Tuổi Trẻ
Thổ Châu Hòn đảo bị bắt cóc Tháng 5-1975, lợi dụng quân đội Việt Nam vừa trải qua những trận đánh lớn để thống nhất đất nước, Khmer Đỏ đã đưa quân chiếm đóng quần đảo Thổ Châu (Kiên Giang). Cha con ông Tư Sĩ, những người hiếm hoi thoát chết khỏi nanh vuốt Khmer Đỏ - Ảnh: TIẾN TRÌNH Trên 500 người dân đảo bị chúng bắt cóc đưa...