Thịt ôi, cá ươn vào quán ăn
Để thu được lãi cao, nhiều quán ăn đã mua những thức ăn ôi hỏng, kém chất lượng về chế biến.
Gần 12 giờ trưa, bám theo hai chị em Lan và Phương, chủ quán cơm P.N (đường Trung Văn, H.Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi đến một khu chợ thịt lợn tại con ngõ dẫn từ đường Phan Đình Phùng ra đường Quang Trung (Q.Hà Đông, Hà Nội). Trời nắng chang chang, gần 30 hàng bán thịt lợn bán tràn lan ở vỉa hè đang ra rả chào hàng. Nhiều chủ hàng sỗ sàng, sấn sổ lao ra, ấn cả miếng thịt vào mũi cho khách ngửi, chứng thực là thịt còn tươi, ngon. Tại khu chợ này, thịt lợn bày bán chiếm đến 80% hàng hóa, tất cả đều được bày bán trên những manh tải trải trên nền đất. Phần còn lại là các thực phẩm khác như thịt gà, rau, cá… với điểm chung là đều đã chết, ươn. Những người bán hàng luôn tay xua đuổi ruồi nhặng bu đậu đen những miếng thịt nhợt nhạt, nhầy nhớt.
Chợ tạm này còn có tép nát… – Ảnh: Lê Hồng Quân
Hàng ế, hàng thải
Video đang HOT
Vừa dừng xe, hai chị em chủ tiệm cơm P.N được một đám gần chục người cả nam cả nữ tay lăm lăm chân giò, tảng thịt quây kín chào mua thịt giá rẻ. “Họ nhận ra khách quen đấy, vì làm quán cơm thường mua nhiều nên tranh nhau mời”, chị Thảo bán kem ở đầu chợ cho chúng tôi biết. Theo chị Thảo, khu chợ này thường họp từ khoảng 10 giờ 30 phút và chỉ tan khi hết sạch hàng, thường là giữa buổi chiều. Nguồn thịt lợn bán ở chợ này chủ yếu là hàng ế, thải từ khắp các chợ nội thành Hà Nội đổ về. Nhiều hôm còn có cả thịt lợn ốm, chết. Khi bán lợn ốm, chết để giả làm thịt lợn ế từ các chợ chuyển về, các tư thương thường chia thịt ra làm nhiều mảnh nhỏ, bỏ vào bao tải, mỗi lúc mang đến vài cân, bán hết lại gọi điện cho người mang đến. “Bán kem ở đây mấy năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi mua thịt ở đây, ghê lắm, phải đi chỗ khác mua, ăn ít còn hơn ăn nhiều”, chị Thảo chia sẻ. Theo chị, khách hàng quen thuộc nhất của những khu chợ chuyên bán đồ ế, ôi này là những quán cơm bình dân, nhà bếp tập thể, hàng phở, hàng bánh mì doner kebap, bún chả, những người thu nhập thấp như công nhân…
Gần 13 giờ, việc mua bán của chị em cô Lan và Phương hoàn thành, với hơn chục cân thịt, mỡ; thịt nạc giá 75.000 đồng/kg. Chúng tôi tiếp tục hành trình với một người phụ nữ đi xe đạp, dáng người nhỏ, mặt bịt khăn kín, đội nón, chừng gần 50 tuổi, mua 4 chiếc chân giò lợn với giá chỉ 100.000 đồng cùng nhiều xương ống, xương sườn lợn. Người phụ nữ đi về hướng khu đô thị Văn Quán (Q. Hà Đông, Hà Nội) rồi rẽ vào một con đường hẹp dẫn sang địa phận huyện Thanh Trì, về một quán “cháo lòng, tiết canh, bún phở” tại đội 8, thôn Yên Xá, xã Tân Triều. Theo người dân sống ở khu vực này thì đây là quán bán đồ ăn sáng, khá đông khách.
Chị Thảo bán kem, vừa lấy kem cho chúng tôi vừa bảo, thỉnh thoảng cũng thấy công an đến đuổi chợ, nhưng sau khi họ đi khỏi thì đâu lại hoàn đấy.
Bao nhiêu cũng có
Ngày thứ 3 liên tiếp đến khu chợ chuyên bán đồ ôi ở Hà Đông, trong vai chủ quán cơm đi tìm nguồn hàng giá rẻ, chúng tôi được một người đàn ông to béo, chừng hơn 40 tuổi, tên Chiến vỗ vai bảo, đã đến đúng chỗ cần tìm. Anh này khoe chuyên bán buôn thịt cho các hàng ăn, số lượng bao nhiêu cũng đáp ứng được. “Cứ tiền trao, cháo múc thì bao nhiêu cũng được, loại nào cũng có, đảm bảo giá rẻ”, ông Chiến khẳng định.
Ấn tay vào miếng thịt nửa mỡ nửa nạc, vàng ệch đã se khô cứng bề mặt trên tay ông Chiến, chúng tôi thấy vết ấn lõm sâu xuống mà không có độ đàn hồi. Đưa lên ngửi, chúng tôi suýt ọe vì mùi hôi nồng xông vào mũi.
Đảo qua một vài hàng khác, không khó để chúng tôi nhận ra đây là loại thịt lợn ế ôi hoặc bị bệnh vì cầm miếng thịt nào lên nếu không thấy nhầy nhớt, sặc mùi tanh hôi thì cũng không có độ đàn hồi như thịt ngon. “Chú mày khó tính quá đấy, đã đến đây mua loại hàng này lại còn kén chọn”, ông Chiến phàn nàn.
Hai chị em Lan, Phương mua thịt ở chợ thịt lợn ôi thuộc địa bàn phường Quang Trung (giáp đường Quang Trung) – Ảnh: Lê Hồng Quân
Điệp khúc kêu khó!
Thừa nhận là có tình trạng bán thịt ôi trên địa bàn nhưng chưa bao giờ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, ông Cấn Xuân Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y quận Hà Đông, cho biết đã nhiều lần xử lý những người bán thịt ở chợ tạm trên địa bàn phường Quang Trung, nhưng hôm nay xử lý thì mai vẫn tiếp diễn. “Ngày nào cũng phải có lực lượng liên ngành chốt ở đây thì mới giải quyết triệt để được. Tới đây, chi cục sẽ có văn bản gửi UBND quận xin ý kiến chỉ đạo xử lý triệt để khu chợ tạm này. Theo cá nhân tôi, thực phẩm bán ở khu chợ tạm này cơ bản không đảm bảo an toàn vệ sinh vì ngay vị trí bán đã không đảm bảo. Nhìn bằng mắt thường đã thấy thịt không đảm bảo chất lượng. Người dân không nên tham rẻ mua thịt ở đấy”, ông Bình nói.
Còn đại diện Công an phường Quang Trung khẳng định sẽ kiên quyết dẹp bỏ khu chợ tạm bán thịt ôi ế tồn tại trên địa bàn, nhưng cũng thừa nhận “không phải việc dễ”. Công an phường đã nhiều lần ra quân dẹp chợ, nhất là từ tháng 3 năm nay, đã phân công lực lượng cắm chốt tại khu vực họp chợ tạm. “Đã có lần chúng tôi giữ xe, giữ hàng, nhưng cứ nhằm lúc lực lượng nghỉ ăn trưa là những người này lại họp tranh thủ bán chốc lát. Khi có lực lượng đến, những người bán hàng lại chạy”, vị đại diện này nói. Cũng theo Công an phường Quang Trung, rất khó để nắm bắt số lượng người bán và số hàng bán ở khu chợ tạm này vì những người bán hàng thay đổi từng ngày.
Theo Thanh Niên