Thịt kho ruốc sả
Mùa hè, bữa cơm chỉ cần một món mặn, ăn với bát canh rau, mấy quả cà muối, là đủ. Ai cũng nói vậy.
Nhưng cái món mặn ấy, kể ra cũng phiền, nếu cứ quanh đi quẩn lại thịt lợn kho kho, rán rán với ba chỉ rang cháy cạnh.
Thử làm món thịt kho ruốc sả theo cách miền trung, đổi vị, cực dễ làm và cũng rất dễ ăn.
Công thức:
- 0.5 gr thịt ba chỉ.
Video đang HOT
- Hàng tím, tỏi, 3 cây sả.
Thịt luộc sơ với nhúm muối, mấy lát hành tím rồi mới đem thái. Luộc như vậy giúp miếng thịt định hình, khi thái sẽ vuông vức, ngon mắt.
- Cắt miếng thịt vừa ăn.
- Cho lên chảo, đảo nhỏ lửa cho thịt săn lại và ra bớt mỡ.
- Cho hành tỏi sả băm nhuyễn.
- Hòa 1 thìa mắm ruốc, 4 thìa nước mắm, 1 thìa đường, đánh tan, cho vào đảo với thịt.
- Hạ nhỏ lửa đun liu riu một lúc. Miếng thịt trong, đậm, thơm lừng.
(Rất ngon nếu dùng nước mắm nguyên chất và ruốc thơm Thuyền Nan, nếu không có thể thay bằng mắm ruốc Huế).
Bánh tráng mắm ruốc
Có những ngày thong dong tìm đến các quán ăn vặt để thưởng thức món bánh tráng mắm ruốc, tôi chợt thấy mình như được trở lại thời học sinh.
Ừ thì bởi, món bánh tráng mắm ruốc dân dã, đậm đà là món ăn hấp dẫn, gắn bó với không biết bao thế hệ học trò xứ Quảng quê tôi.
Người Quảng quê tôi đã tạo ra nhiều món ngon dân dã từ chiếc bánh tráng, mà không phải nơi nào cũng có. Bánh tráng xuất hiện trong rất nhiều món ăn, từ bánh tráng quấn rau sống, bánh tráng đi kèm với tô bún bò, giò; rồi món bánh tráng ướt, bánh tráng rập... Nhưng món ngon làm từ bánh tráng, khiến bao thế hệ học trò quê tôi lưu luyến nhất, có lẽ là món bánh tráng mắm ruốc cay cay, mặn mòi.
Những quầy bánh tráng mắm ruốc ở chợ đêm sông Trà đã trở thành địa chỉ thân thuộc của những người trót yêu món ăn dân dã này
Không cao sang, cầu kỳ, những quán bán bánh tráng mắm ruốc ở Quảng Ngãi khá bình dị. Đôi khi, người bán chỉ cần tận dụng một khoảnh sân, một góc phố để đặt một lò than hồng, dăm bộ bàn ghế... vậy mà, vẫn lôi cuốn thực khách xa gần.
Những quán bánh tráng mắm ruốc của cô Lượm, cô Thuần, cô Ngân... ở khu vực chợ đêm dọc sông Trà Khúc luôn là địa chỉ "họp mặt" quen thuộc vào mỗi buổi chiều của lũ học trò chúng tôi ngày ấy. Hình ảnh chiếc bánh tráng tròn xoe, được phủ lên bề mặt một lớp mắm ruốc sóng sánh và một lớp hẹ sẻ xanh rì... cắn vào nghe giòn tan, đã trở thành một phần ký ức của tuổi học trò.
Muốn làm ra được chiếc bánh tráng mắm ruốc ngon, quan trọng nhất là ở khâu làm mắm ruốc. Để mắm ruốc giảm bớt đi vị mặn chát, người ta trộn thêm nước đường, tương ớt vào mắm cho vừa ăn, rồi quết thật đều lên bánh tráng. Vừa quết, vừa trở bánh tráng thật đều tay trên than hồng từ 2-3 phút, đến khi chiếc bánh tráng nóng giòn, thì rải lên đó ít hành phi và hẹ sẻ - một loại hẹ xứ Quảng thơm ngon khó có loại hẹ nào sánh bằng.
Mỗi lần thèm bánh tráng mắm ruốc, tôi lại phì cười nhớ đám bạn thời cấp 3 nhí nhố ngày xưa. Thời học sinh chẳng có nhiều tiền, nên lần nào đi ăn vặt, cả nhóm cũng rủ nhau đi ăn bánh tráng mắm ruốc. Cùng ăn, cùng ríu rít biết bao câu chuyện không đầu, không cuối, rồi cùng nhau uống trà đá, chứ chẳng có nhiều tiền để uống nước ngọt, nước đậu nành, rau má như bây giờ.
Là món ăn gắn với quãng đời học sinh, nên khi vào miền Nam học đại học, có hôm nhớ mùi bánh tráng mắm ruốc đến nao lòng, tôi mới thấm được rằng, khó có món ăn nào sánh bằng hương vị chân chất của món ăn quê nhà. Chả thế mà, những người bạn đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh của tôi, thi thoảng lại nhớ món bánh tráng mắm ruốc quê nhà, nhưng tìm mãi ở TP.Hồ Chí Minh hoa lệ, mà vẫn không thấy được nơi nào làm ra được chiếc bánh tráng đúng vị quê hương. Thế nên, cứ mỗi dịp về quê, bạn lại rủ tôi đi thong dong, nhâm nhi món ăn thuở học trò. Vừa bẻ những miếng bánh tráng mắm ruốc giòn tan, vừa cười hồn nhiên ôn lại những chuyện ngày xưa..
Đổi món với bún suông Có những ngày bỗng dưng lại chán cơm, chỉ muốn ăn những món có nước, mềm mềm cho... dễ nuốt. Hôm nay cũng vậy, "khó ở" trong người nên đi chợ mua nguyên liệu nấu món bún suông. Bún suông hay còn gọi là bún đuông, vì nguyên liệu chính là tôm quết thành chả và được tạo hình như những con đuông...