Thịt heo giảm nhiệt
Theo dự đoán của nhiều người, thịt heo sẽ “leo dốc” thời điểm giáp tết do sức mua tăng, thế nhưng những ngày gần đây, thịt heo đã hạ giá làm yên lòng các bà nội trợ.
Thịt heo giảm giá, người Sài Gòn tranh thủ mua ăn Tết ảnh: U.P
Trưa ngày 5/2, tại chợ Hòa Bình (Q.5, TPHCM), khá đông khách hàng chọn mua thịt heo về ăn Tết. “Heo giảm giá bất ngờ. Cụ thể ba rọi 150.000 đồng/kg, sườn non 160.000 đồng, nạc đùi 127.000 đồng/kg… So với hồi đầu tuần, giá này giảm từ 3.000-15.000 đồng/kg. Tranh thủ lúc này tôi mua gần chục ký để dành chế biến món ăn ngày Tết” – chị Thu Trang (40 tuổi, giáo viên mầm non) nói.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Cty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, lượng heo đã tăng thêm 500 con/ngày so với hồi tháng 1. Trong đêm 5/2, heo về chợ này tăng vọt lên 5.762 con (cao nhất từ đầu năm 2021 tới nay). Nguồn cung dồi dào nên giá heo ở chợ cũng giảm theo. Hiện giá heo mảnh giảm từ 8.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 1, còn 90.000-100.000 đồng/kg; thịt heo pha lóc các loại cũng giảm đáng kể như sườn non hiện có giá 155.000 đồng/kg, đùi 100.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng), nạc 105.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng), cốt lết 85.000 đồng/kg (giảm 15.000 đồng)…
Trước đây, heo hơi được dự báo sẽ chạm ngưỡng 90.000 đồng/kg thời điểm cận tết, nhưng hiện nay đã rời khỏi mốc 80.000 đồng và chỉ có giá từ 77.500-78.500 đồng/kg. Lý giải điều này, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, do các doanh nghiệp đã hoàn thành công việc chế biến hàng Tết nên họ không mua heo nhiều như trước. Kế đến là dịch COVID-19 bùng phát trở lại làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ; học sinh, sinh viên nghỉ học sớm, nhiều nhà máy cũng cho công nhân nghỉ sớm đã khiến lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể. “Nguồn cung heo từ thiếu hụt chuyển sang dư thừa, đã kéo giá heo lại quay đầu giảm đáng kể và sẽ còn giảm tiếp” – ông Đoán dự báo.
Ngoài ra, theo giới thương lái, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở miền Bắc và nhiều tỉnh thành khác, hộ chăn nuôi lo sợ đã đua nhau bán tháo heo ra làm cho nguồn cung trở nên dư thừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng công suất, tăng đàn với số lượng “khủng” cũng góp phần giảm nhiệt giá heo ngay thời điểm Tết.
Tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp mới đây tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng khẳng định, hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết rất dồi dào, phong phú, giá bán ổn định. Thịt heo là mặt hàng khiến Thành phố lo lắng nhất, đến thời điểm này có thể yên tâm hơn. Đối với nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt và trứng gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến cũng được các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 30%-40% so với kế hoạch thành phố giao, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng và tăng giá đột biến.
Bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán Tân Sửu đã đến gần, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ chăn nuôi lợn vẫn đang đẩy mạnh sản xuất, tăng đàn để kịp thời cung cấp đủ nguồn thịt lợn phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường trong dịp này.
Người dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai) kiểm tra đàn lợn trước khi xuất chuồng.
Tại Đồng Nai, địa phương được xem là "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước, hiện tổng đàn lợn là hơn 2,2 triệu con, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Những ngày này, hộ gia đình anh Phạm Minh Khoa, chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Vĩnh Cửu đang tiến hành xuất bán lứa lợn hơn 2.500 con. Để có số lượng lợn lớn, xuất bán đúng thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ nhiều tháng qua, gia đình anh đã thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn dịch bệnh, như: tiêm phòng vắc-xin, sát trùng chuồng trại ba lần/ngày, từ đó lợn phát triển khỏe mạnh, tăng trọng đều. Với mức giá bán lợn hơi tại chuồng ở mức từ 80.000 đến 83.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu được hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, thực tế những hộ gia đình chăn nuôi lợn quy mô lớn như anh Khoa ở Đồng Nai không nhiều, bởi thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn, buộc phải ngưng chuồng đến nay. Do vậy, nguồn cung cấp lợn ra thị trường của các hộ dân chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là từ trang trại của các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn. Theo Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam Nguyễn Trọng Trí, hiện số lượng lợn của công ty khá ổn định, doanh nghiệp đã có phương án ổn định giá lợn hơi cung ứng cho thị trường một cách phù hợp nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tiến hành mở rộng hơn 40 điểm bán bình ổn giá thịt lợn trên địa bàn Đồng Nai. Tương tự, nhiều công ty chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng cho biết, nguồn lợn hiện khá dồi dào, tăng khoảng 20% so với thời điểm này năm ngoái. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Cao Tiến Sỹ nhận định: Với nguồn cung cấp lợn dồi dào, nhất là ở các trang trại quy mô lớn trên địa bàn sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân trong tỉnh, cũng như một phần của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở phía nam. Chỉ riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày lượng lợn từ Đồng Nai cung cấp hơn 7.000 con, chiếm khoảng 75% lượng lợn xuất chuồng trong ngày.
Còn tại Hà Nội, một trong những địa phương có số dân đông, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết khá lớn, riêng mặt hàng thịt lợn là 56.700 tấn. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện tổng đàn lợn của thành phố đạt 1,4 triệu con. Với tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, không bị thiếu hụt thực phẩm. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thỉnh (chủ trang trại nuôi lợn ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) chia sẻ, từ nay đến những ngày áp Tết, giá lợn hơi có thể sẽ tăng, nhưng không cao như Tết năm 2020, khoảng hơn 80.000 đồng/kg.
Ở Nghệ An, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Đức Quỳnh cho biết, tính đến hết tháng 12-2020, Nghệ An đã tăng đàn được hơn 87.000 con lợn. Trong đó, tái đàn, tăng đàn ở các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn là hơn 55.000 con và tại các hộ chăn nuôi nông hộ và gia trại được gần 32.000 con. Tổng đàn lợn của tỉnh đạt khoảng một triệu con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt gần 261.000 tấn, tăng hơn 5% so cùng kỳ năm 2019. Có được kết quả đáng mừng này là do các trang trại đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử như cụm trang trại chăn nuôi lợn ở xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp) của Tập đoàn Masan hiện có tổng đàn lợn là 125.000 con. Kế đến là các trang trại nuôi lợn của các công ty C.P, Tiến Thành khoảng 25.000 con/đơn vị... Không chỉ có vậy, nhiều nơi ở Nghệ An khuyến khích người dân đầu tư trang trại chăn nuôi lợn thay cho việc nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, nhất là sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Điển hình như huyện Thanh Chương hiện có 300 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn; trong đó có nhiều điểm có quy mô hơn 1.000 con. Hiện tổng đàn lợn ở Thanh Chương là hơn 97.000 con. Yên Thành là huyện đứng thứ 2 với gần 87.000 con, trong đó 23.000 con lợn nái cùng 58 trang trại chăn nuôi lợn. Tiếp đó là các huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nam Đàn... Nhờ tái đàn, tăng đàn kịp thời, nên Nghệ An đã chuẩn bị được hơn 250.000 con lợn thịt với sản lượng khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi cung cấp cho thị trường trong dịp này. Cùng với đó, trang trại chăn nuôi lợn của Tập đoàn Masan ở Quỳ Hợp cũng dự kiến xuất chuồng hơn 17.000 con lợn thịt để cung cấp cho nhà máy chế biến thịt lợn Meat Hà Nam ở tỉnh Hà Nam đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân.
Còn tại Hà Nam, một trọng điểm chăn nuôi ở miền bắc, đến nay tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt 355.000 con, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 67.700 tấn. Để đáp ứng nhu cầu về thịt lợn tăng vào dịp Tết, cách đây hai, ba tháng, các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã chủ động tăng khoảng 20% tổng đàn so với các thời điểm trước đó. Hiện nhà máy chế biến thịt lợn Meat Hà Nam của Tập đoàn Masan (đóng trên địa bàn tỉnh) đã tăng cường công suất hai tổ hợp chế biến thịt lợn các loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với sản lượng tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Ngoài sản phẩm thịt mát chủ lực, nhà máy còn đưa ra thị trường thêm nhiều loại sản phẩm thịt chế biến khác như giò chả, xúc xích... Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng: Giữ được tổng đàn lợn và có đủ nguồn cung lợn thịt trong dịp này là nhờ sự chủ động từ các hộ chăn nuôi và trang trại. Theo đó, người dân tiếp tục duy trì được số lượng đàn lợn nuôi trong chuồng; giữ được đàn lợn nái hiện có, tạo nguồn con giống bảo đảm, đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; góp phần bình ổn giá cho địa phương, khu vực và cả nước trong dịp Tết Tân Sửu cũng như thời gian tới.
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tổ chức tái đàn, tăng đàn đạt hiệu quả cao. Đến nay tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 27 triệu con. Từ thực tế nêu trên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, với tốc độ tái đàn, tăng đàn của các địa phương như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn cho Tết Tân Sửu sẽ bảo đảm dồi dào, giá cả ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và tiêu dùng, không có sự tăng giá đột biến.
Nghịch lý: Giá rẻ, gia cầm vẫn ế Giữa năm 2019, đàn gia cầm cả nước có xu hướng tăng mạnh với kỳ vọng bổ sung cho nguồn thịt lợn bị thiếu hụt bởi ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi. Việc tăng đàn quá nóng đã khiến giá các sản phẩm gia cầm xuống thấp trong thời gian dài, kéo theo nhiều hộ nông dân thua lỗ nặng nề. Thế...