Thịt chua Thanh Sơn
Nếu nói đến đặc sản của vùng trung du Phú Thọ thì không thể không nhắc tới món thịt chua Thanh Sơn – món ăn của người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ.
Đây là cách chế biến để tích trữ, bảo quản thức ăn của bà con dân tộc. Về sau, món ăn được biết đến và phổ biến rộng rãi nhờ mùi vị thơm ngon đặc biệt.
Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng đó lại là một nghệ thuật và đòi hỏi phải lựa chọn nguyên liệu cẩn thận. Thịt chua Thanh Sơn được chế biến từ thịt lợn lửng thả tự nhiên nên thịt rất săn chắc và thơm ngon. Người ta chọn phần thịt ba chỉ, mông sấn, nạc vai, sau khi sơ chế, thái thịt thành những miếng mỏng để ướp gia vị. Một nguyên liệu khá quan trọng và là yếu tố quyết định sự thơm ngon của thịt chua đó là thính gạo. Nói là thính gạo nhưng cũng cần thêm ngô, đậu xanh theo tỷ lệ nhất định. Và người rang thính phải là người cẩn thận và có kinh nghiệm đảm bảo thính chín đều, không cháy, thơm ngon và có màu vàng hấp dẫn. Thêm nữa, không thể thiếu lá ổi bánh tẻ.
Video đang HOT
Sau khi thịt được đem tẩm ướp gia vị cho vừa vặn, rắc thính và trộn thật đều sao cho thính phủ và ngấm đều vào các miếng thịt, người ta đem thịt đã ướp cho vào ống nứa đã chuẩn bị trước đó, lèn chặt, rồi cho lá ổi lên trên, lại nén chặt bằng hai nẹp tre gài chéo. Những ống nứa đựng thịt chua được để ở nơi thoáng đãng, khô ráo, sau 5 – 7 ngày là có thể mang thịt chua ra dùng, nhưng với thời tiết mùa hè thì chỉ 3 – 4 ngày là thịt đã lên men và mang ra thưởng thức được.
Món thịt chua Thanh Sơn được ăn kèm với các loại lá sung, mơ tam thể, đinh lăng, lộc vừng… Thịt chua khi bày ra đĩa sẽ có màu vàng đặc trưng của thính gạo, mùi thơm hấp dẫn thực khách. Gắp một miếng thịt chua xếp vào lá, cuốn lại, chấm với tương ớt, cho vào miệng và từ từ cảm nhận, ta thấy vị chua dịu, vị bùi cùng chút cay cay lan tỏa ra đầu lưỡi. Thưởng thức thịt chua cùng một chút bia lạnh sẽ thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Thịt chua Phú Thọ
Thịt chua là món ăn sử dụng thịt lợn ướp trong thính gạo để làm thành phẩm chín tự nhiên, thịnh hành như một loại đặc sản địa phương trong ẩm thực tại vùng trung du Bắc Bộ Việt Nam, đặc biệt nổi tiếng tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Thịt chua là món ăn truyền thống của người Mường huyện Tân Sơn và Thanh Sơn. Trước đây người dân địa phương thường dùng món thịt chua trong dịp lễ tết. Đây là món ăn có hương vị thơm ngon và vị chua nhẹ rất đặc biệt. Với nhiều ưu điểm nên từ đầu những năm 2000 của thế kỷ 21, một vài thương nhân ở Phố Vàng (thị trấn Thanh Sơn) đã học cách làm thịt chua của người bản địa để bán ở khu vực thị trấn. Sau khi thịt chua có mặt tại thị trường đã có rất nhiều người thưởng thức, và "tiếng lành đồn xa" nên người dân phố huyện thường dùng thịt chua làm quà mỗi khi có dịp đi xa. Cũng nhờ đó mà món thịt chua được nhiều người học làm và trở thành mặt hàng kinh doanh của rất nhiều người dân thị trấn và họ thường lấy tên gia đình mình để làm mác mặt hàng kinh doanh.
Thịt chua là món ăn truyền thống của người Mường huyện Tân Sơn và Thanh Sơn (Phú Thọ) (Ảnh: TL)
Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một nghệ thuật, và nó thể hiện qua sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác, nghiêm ngặt. Thịt lợn để làm món thịt chua phải là loại lợn lửng được người Mường nuôi tự nhiên, quanh năm ăn củ và trái cây rừng, loại thịt lợn bán ngoài thị trường không thể cho ra món thịt chua thơm mát, béo ngậy và khô ráo được, bởi loại thịt này chứa nhiều nước nếu làm sẽ không đạt chất lượng. Loại lợn này thường chỉ nặng từ 15kg - 30kg, thịt ít mỡ và rất thơm, người ta sẽ chọn vùng nạc vai, nạc mông và nạc thăn được sơ chế sạch đem thui chín cùng các loại lá thơm sau đó thái ra thành từng lát nhỏ, ướp cùng thính. Thính được làm từ bột ngô, bột gạo, bột đậu xanh rang vàng. Khâu rang thính phải đảm bảo được yêu cầu thính chín kỹ, vàng thơm và không bị cháy, sau đó xay nhỏ. Thịt được trộn đều với thính sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt.
Người Mường sẽ chuẩn bị những ống nứa to rửa sạch, để khô, lót lá ổi xuống dưới rồi cho thịt đã được ướp thính vào, đậy lớp lá ổi lên trên bề mặt và nút chặt miệng ống lại. Khi làm xong người ta thường treo lên hoặc bảo quản ở những nơi cao ráo, thoáng đãng. Thời gian đảm bảo cho thịt lên men và dùng được là từ 04 - 05 ngày vào mùa hè, từ 05 - 07 ngày vào mùa đông.
Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng khâu chọn lọc nguyên liệu cần rất kỹ càng và cẩn thận (Ảnh: TL)
Sản phẩm cần được bảo quản ở nhiệt độ ngăn mát của tủ lạnh để hãm bớt độ chua nếu chưa sử dụng ngay. Thời gian sử dụng trong khoảng từ 15 ngày đến 30 ngày (khi đã đủ độ chín, ăn sớm sẽ càng ngon). Nếu kéo dài thời gian, sản phẩm không bị hỏng nhưng sẽ bị chua quá.
Yêu cầu của một thành phẩm đảm bảo chất lượng là khi ăn phải khô, tơi, chín đều, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng. Khi ăn thịt chua người ta thường ăn kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm .v.v... chấm kèm với tương ớt thêm chút hạt tiêu... thì mới cảm nhận được hết hương vị khá độc đáo, mới lạ từ món ăn đem lại. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, món thịt chua vừa tới ăn kèm các loại rau gia vị, nhắp thêm với một chút rượu hoặc bia thì quả là hấp dẫn và tuyệt vời ...
Nguyễn Huyện
Điểm danh những quán bún ốc ngon nức tiếng Hà thành Bún ốc ngon Hà Nội hầu hết là những quán nhỏ ở vỉa hè, trong hẻm nhưng lúc nào cũng đông khách nhờ nước dùng ngọt thơm, ốc bùi ngậy và hương vị khó quên. Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon nức tiếng xa gần, trở thành món 'tủ' của người dân thủ đô và là nỗi nhớ cháy bỏng của...