Thịt Gà Khìa Nước Dừa Món Ăn Đặc Trưng Của Phương Nam
Ở nước ta, gà là món ăn có mặt trong mọi gia đình, dù giàu, dù nghèo, nhất là những ngày giỗ chạp, cưới hỏi, lễ Tết… mâm cỗ thịt gà thêm đậm đà và lý thú. Gà còn là nguồn thực phẩm ngon, bổ dưỡng mà đa số nông thôn Nam bộ gần như nhà nào cũng có nuôi. Hình ảnh đàn gà đầy sân, biểu tượng cho ấm no và hạnh phúc. Người nội trợ khéo tay có thể biến gà thành nhiều món đa dạng: Gà luộc, gà quay, gà chiên, gà nấu cà ri …
Ở Nam bộ, món “gà khìa nước dừa” vô cùng hấp dẫn. Muốn thực hiện món ăn đặc sắc này, phải chọn loại gà mái tơ cỡ một ký là vừa (loại gà ta) cùng với nước dừa tươi, tỏi băm nhuyễn, dầu đậu nành, mật ong, tiêu, muối. Sau khi làm gà xong, mổ ra, rửa sạch để cho ráo nước, ướp muối, nước tương, tỏi, hòa mật ong đều khắp thân gà cho thấm khoảng 15 phút. Bắc chảo lên bếp phi mỡ tỏi đến khi bốc mùi thơm, để gà vào xào cho vàng và săn thịt rồi đổ nước dừa vô xâm xấp đậy nắp kín, đun lửa liu riu, khi nước dừa cạn dần, thịt gà mềm là được.
Dĩa thịt gà khìa nước dừa có màu cánh gián bóng loáng đẹp mắt, xung quanh được điểm xuyết các sắc màu tự nhiên của dưa cải chua, ngó sen, xà lách. Cần nhất thưởng thức món gà khìa nước dừa còn nóng mới ngon, vị đậm ngọt của thịt và mềm mại không khô khốc như gà quay, vừa hòa quyện hương thơm nước dừa với mùi chua cay ngọt giòn của dưa cải, ngó sen. Ăn vào không bao giờ quên món ẩm thực đặc trưng của phương Nam.
Video đang HOT
Mỗi miền, đều có món gà đặc trưng, như ở miền Bắc thì thường ăn gà luộc rắc lá chanh thái nhỏ, chấm muối tiêu ớt. Còn ở miền Trung có món cơm gà Huế giàu dinh dưỡng độ đạm cao, ăn chén cơm gà có cảm giác sảng khoái với mùi vị đậm đà của thịt và xương gà tiết ra thấm đượm từng hạt cơm.
Tóm lại, món thịt gà biểu trưng của ba miền rất dung hợp và hấp dẫn vì trong 100 gram thịt gà có 20,5 đến 22,5 gram protit, cao hơn các loại gia cầm thông dụng khác với đầy đủ tỷ lệ cân đối giữa các axít cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Riêng món gà khìa nước dừa phương Nam lai rai với rượu đế Nàng Hương là hết ý, vừa thưởng thức vừa cảm nhận sự giao hòa của đất trời, cỏ cây, sông nước, mới thấy hết cái ngon, cái đẹp tình người Nam bộ.
Theo Amthuc.com.vn
Chả rươi Hà Nội
"Tháng 9 đôi mươi, tháng mười mùng 5" - câu ca nhắc người Hà Nội tìm ăn chả rươi - món ăn đặc trưng thu xứ Bắc đã thành "thông lệ".
Đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ" (tùy bút Vũ Bằng)...
Rươi là sinh vật sống vùng nước lợ chỉ xuất hiện cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi những ngày nắng dài bất chợt mưa tầm tã hay mưa nhiều bỗng một ngày nắng hửng. Các cụ bảo thời tiết tháng 9 đỏng đảnh như cô gái tuổi đôi mươi, lúc nắng như giữa mùa hè, lúc lại se lạnh tưởng đã sang đông, nhờ chính cái thời tiết ấy mà rươi chui ra khỏi đất lên mùa sinh sôi. Vì vậy món ngon rươi mang lại cũng tựa như rét nàng Bân tháng 3, chỉ đôi ngày nhưng làm người ta ngóng đợi như một dịp hiếm có.
Trên phố cổ Hà Nội giờ còn phố Hàng Rươi là dấu ấn một thời chốn kẻ chợ theo những mùa rươi về. Giờ người ta không bán rươi ở đó nhưng mỗi mùa cuối thu se lạnh, người Hà Nội lại cố ăn ít nhất một bữa chả rươi cho thỏa nỗi nhớ, như Vũ Bằng đã nói: "Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà lỡ việc, vì rươi không phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu.
Cả một năm chỉ mấy ngày có rươi thôi. Mà những ngày có rươi đó nếu bà không mua nhanh lên thì hết đấy. Cả mùa không được ăn một miếng rươi vào miệng, không những bà ân hận mà người chồng yêu quý của bà lại làu nhàu".
Người nhìn không quen mắt sẽ thấy sợ, bởi con rươi hồng hồng xanh đỏ, nhớt nhớt lại dính bùn đất. Nhưng chính loại rươi nhìn còn xanh xanh nhạt mới là rươi tươi. Khi mùa rươi về, khắp các hàng các chợ đều bán rươi. Từ miền biển các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... rươi theo về tận thủ đô thỏa thú ăn ngon của người Hà thành.
Khi nói đến rươi người ta nhớ ngay tới món chả rươi. Cái vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn đúc trứng gà và hương thanh thanh của vỏ quýt cộng húng thơm hấp dẫn đến độ ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Muốn có món chả rươi ngon phải lựa những con còn tươi, chọn những con bơi bên trên màu xanh nhạt, những con chuyển màu đen hay đỏ đều là con ươn, ăn không ngon bằng. Rươi mua về sơ chế đơn giản bằng cách cho vào nước nóng già gọi là "làm lông" rươi. Lấy đũa khuấy đều cho lông rươi và những rác bẩn rụng hết, sau đó giội qua nước lạnh cho sạch đất.
"Làm lông" rươi rất quan trọng bởi nếu không sạch khi ăn sẽ bị rặm, thậm chí lạo xạo cát nếu làm không cẩn thận. Chỉ dùng nước nóng già chứ không phải nước đã sôi vì nước sôi làm rươi vỡ bụng, bao nhiêu chất đạm, chất bổ ngon nhất trong rươi cũng theo nước trôi hết.
Rươi làm sạch lông cho vào bát dùng đũa đánh, khi thịt rươi đã nhuyễn đập trứng và cho thịt lợn xay vào đánh thật đều. Chả rươi không thể thiếu vỏ quýt. Không biết tự bao giờ các bà các mẹ tìm ra cách "se duyên" vỏ quýt với thịt rươi, chỉ biết rằng cái vị thanh thanh, đăng đắng của vỏ quýt làm dậy mùi món chả, lại bớt đi phần đạm khó tiêu của rươi.
Chả rươi ăn nóng với nước mắm chanh ớt
Tháng 9, tháng 10 cũng là mùa quýt miền Bắc vào vụ. Dùng vỏ quýt tươi hoặc ăn quýt dành vỏ phơi khô đợi đến ngày có rươi mang ra làm chả. Rươi thiếu vỏ quýt coi như mất đi một nửa vị ngon nhưng cũng chỉ cho vài lát thái chỉ thật nhỏ, bởi cho nhiều món rươi sẽ mang vị đắng.
Hỗn hợp rươi sau khi đánh nhuyễn cho thêm chút ớt và gia vị rồi bắc chảo lên rán. Rán chả rươi cần nhỏ lửa, tốt nhất dùng bếp than tổ ong hoặc lửa liu riu để món rươi nóng đều, chín giòn vàng bên ngoài nhưng phần trong thịt vẫn mềm béo. Nhớ mỗi lần mẹ làm món chả rươi, bố nhấp miếng rượu chả rươi ngọt lịm, con hít hà ăn mãi không thấy no cơm.
Món chả rươi đúng vị Hà thành phải ăn nóng, chấm với nước mắm pha chanh ớt, nhấn nhá thêm vài cọng húng thơm hay rau mùi thật không gì thú bằng.
Rươi sống dưới đất vùng nước lợ miền Bắc, thường chui lên mặt đất vào những mùa mưa nắng
thất thường cuối tháng 9 đầu tháng 10.
Đây cũng là lúc rươi vào vụ và chỉ có một lần trong năm. Thịt rươi nhiều chất đạm, ăn rất bổ và thường được chế biến thành những món chả rươi, rươi hấp, xáo, đúc trứng... Tuy nhiên do hàm lượng đạm cao nên những người mới ốm dậy, phụ nữ mang thai không nên ăn.
Muốn thưởng thức món chả rươi Hà thành, bạn có thể lên phố Hàng Lược, Chả Cá, Gia Ngư - có nơi bán rươi quanh năm. Nhưng để được ăn đúng món rươi tươi chính vụ nên tìm tới địa điểm đó khi mùa rươi về.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Bắp cải ủ chua: Món ăn may mắn Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu bắp cải chua không chỉ đơn thuần là món ăn ngon, có hương vị độc đáo mà còn được xem như là một món ăn mang lại may mắn. Cách chế biến món bắp cải chua cũng khá quen thuộc với người Việt. Nó cũng tương tự như khi ta muối cà,...