Thiếu vốn và đất, chăn nuôi khó “đi” theo quy hoạch
Theo quy hoạch nông thôn mới, sau dồn điền đổi thửa, mỗi xã ở Hà Nội có từ 1 – 2 khu chăn nuôi tập trung, tuy nhiên việc triển khai chủ trương này đang gặp khó khăn do quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn vốn của thành phố còn nhiều hạn chế.
Muốn làm lớn cũng khó
Để tạo đà cho chăn nuôi phát triển, ngày 25.2.2013, UBND TP.Hà Nội đã ra Quyết định 1835 phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, sẽ nâng cấp, mở rộng quy mô, xây dựng mới một số khu chăn nuôi tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mê Linh, Sóc Sơn. Ngoài ra, mỗi xã đều quy hoạch từ 1 – 2 khu chăn nuôi tập trung.
Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã hình thành 15 xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm với 1.637 trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tuy nhiên, khảo sát thực tế ở cơ sở cho thấy, quy hoạch chăn nuôi ở một số địa phương mới chỉ dừng ở mức khoanh vùng chăn nuôi mà chưa đầu tư cơ sở hạ tầng nên hiệu quả thấp, quản lý khó khăn.
Nuôi bò sữa tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: T.L
Nguyên nhân là do các dự án chăn nuôi đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn nhưng các địa phương đều trông chờ vào ngân sách thành phố hỗ trợ nên khó thực hiện. Đối với nông hộ, việc đầu tư phát triển chăn nuôi cũng rất khó khăn do thiếu vốn. Theo ông Nguyễn Văn Hải – chủ trang trại chăn nuôi ở xã Hữu Văn (Chương Mỹ), để đầu tư xây dựng trang trại nuôi 700 con lợn, nông dân phải chi từ 1,5 – 2 tỷ đồng, nhưng vay vốn ngân hàng rất khó khăn, vay ngoài thì lãi suất rất cao…
Bên cạnh những khó khăn về vốn, đất đai cũng đang là rào cản lớn khiến việc chăn nuôi tập trung xa khu dân cư khó thực hiện. Sau dồn điền đổi thửa, tuy một số địa phương đã dành quỹ đất cho chăn nuôi tập trung nhưng lại đối mặt với nghịch lý: Nhiều hộ có đất thì không có khả năng tài chính, không có kinh nghiệm chăn nuôi, trong khi một số hộ có vốn lại không có đất…
Ông Hoàng Văn Thám – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 7 khu chăn nuôi tập trung, trong đó huyện phê duyệt 6 khu, thành phố phê duyệt 1 khu ở xã Thanh Bình – Trung Hòa, diện tích 53ha. Tuy nhiên, các khu chăn nuôi tập trung này vẫn đang rất bề bộn: Đường mới chỉ rải đá cấp phối; hệ thống điện hầu hết chưa được đầu tư vì theo quy định của ngành điện, mỗi khu phải có 30 trang trại trở lên mới được lắp trạm biến thế. Vì vậy, nông dân phải tự kéo đường điện từ khu dân cư ra để phục vụ sản xuất khiến chi phí bị đội lên cao gấp 2-3 lần…
Cần đồng bộ các giải pháp
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, trước mắt các huyện cần công khai các khu quy hoạch chăn nuôi đã được thành phố phê duyệt để người dân biết, đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường cho người chăn nuôi; khuyến khích các hộ tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, quy mô lớn, gắn với hệ thống giết mổ, chế biến công nghiệp. Các địa phương cần hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn để thu hút các cá nhân, tập thể có năng lực tham gia.
“Nhà nước nên có chính sách cho những hộ có đất, nhưng không có nhu cầu chăn nuôi được phép chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng giá trị đất cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi trong thời hạn ít nhất 20 năm. Đối với các khu đất trũng, đất quỹ 2 do cấp xã quản lý, đất trồng lúa kém hiệu quả nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi, cũng cần có chính sách cho thuê lâu dài hơn (không phải 5 năm như hiện tại) để các hộ có thời gian đầu tư xây dựng trang trại và quay vòng vốn” – ông Đăng nói.
Theo Danviet