Thiếu vốn, thiếu đất cản trở trang trại “cất cánh”
Quy mô đất đai nhỏ, thời hạn sử dụng đất ngắn, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng thấp… là những khó khăn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế trang trại. Đó là những đánh giá được nêu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và bền vững” diễn ra hôm 20.7
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp Sở NNPTNT Hưng Yên tổ chức.
Vẫn khó “cởi nút thắt” cho đầu tư
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có 29.600 trang trại. Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp trong các vùng cả nước và đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Nhiều mô hình trang trại đã phát huy được lợi thế của vùng, địa phương, cho doanh thu từ 1-3 tỉ đồng/năm; một số mô hình cho doanh thu từ 5-10 tỷ đồng/năm, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế từng vùng còn có sự chênh lệch về cơ cấu và phân bố mô hình trang trại, mà nguyên nhân chủ yếu là những khó khăn về điều kiện đất đai, vốn đầu tư.
Các đại biểu tham quan mô hình trang trại trồng nhãn của gia đình ông Bùi Xuân Tám ở xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên. Ảnh: Xuân Thắng
Tại diễn đàn này, nhiều ý kiến của các chủ trang trại bày tỏ băn khoăn bởi vướng “nút thắt”, nhất là tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giấy chứng nhận trang trại (GCNTT) làm căn cứ để ngân hàng cho vay vốn; hoặc chỉ được vay với số vốn quá ít không đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bính – Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Kinh tế trang trại đã tạo điều kiện cho nông dân Nghệ An giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 gia trại, trang trại, trong đó 884 trang trại đạt tiêu chí theo thông tư 27/2011 của Bộ NNPTNT”. Tuy nhiên, do nhiều cơ sở xuất phát điểm kinh tế thấp, vốn tự có không nhiều, diện tích đất trang trại sử dụng mới có khoảng gần 50%, còn lại là đất thuê, đấu thầu, nhận khoán… không được cấp GCNQSD đất trang trại nên không vay được vốn tín dụng ngân hàng và do đó không yên tâm đầu tư phát triển trang trại”. Ông Bính kiến nghị: “Bộ NNPTNT sớm tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh thời hạn cho thuê đất làm trang trại, bảo đảm ổn định lâu dài để chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp yên tâm đầu tư”.
Ông Đoàn Minh Chiến (Bình Dương) có 30 năm làm kinh tế trang trại và là một điển hình nông nghiệp được cả địa phương biết đến, nhưng vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Chiến lo lắng: “Có những gói hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước rất lớn, nhưng trang trại của tôi và một bộ phận lớn các hộ nông dân nói chung vẫn khó dựa được vào hỗ trợ này. Để làm kinh tế trang trại, chủ yếu chúng tôi vẫn phải tự bơi”.
Video đang HOT
Giống như trường hợp ông Chiến, nhiều chủ trang trại khác cũng gặp khó khi muốn vay vốn ngân hàng nhưng theo qui định lại không được thế chấp đất đai bằng GCNQSD đất 50 năm. Trang trại rau sạch Song Hành của bà Nguyễn Thị Hoàn tại Quảng Ninh đã bước sang năm thứ 8 sản xuất rau sạch là một ví dụ. Bà Hoàn cho biết: “Để thế chấp vay vốn phải có GCNQSDĐ, nhưng không phải loại GCNQSDĐ 50 năm mà phải là loại đất khác, sử dụng ổn định lâu dài. Trong khi thực tế với doanh nghiệp làm dự án chỉ có duy nhất loại GCNQSDĐ 50 năm”.
Tạo thuận lợi vay vốn, nâng quy mô sản xuất
Việc cấp GCNQSDĐ, GCNTT làm quá chậm, theo thống kê sơ bộ hiện mới có hơn 20% số trang trại được cấp GCNQSDĐ. Đây đang là trở ngại, làm nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính cũng chưa dám đầu tư lớn”.
TS Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn này có sự tham gia của trên 180 đại biểu tham dự đến từ các cục, vụ, viện, thuộc Bộ NNPTNT, các sở ngành, Hội Nông dân, Hội làm vườn, doanh nghiệp, chủ trang trại và đại diện nông dân của 16 tỉnh/thành phố. Đã có nhiều tham luận, phát biểu và đề xuất giải pháp cùng phần trả lời của các nhà khoa học, nhà quản lý giải đáp cho hơn 20 câu hỏi của các hộ nông dân.
Tổng hợp các ý kiến và kết luận bế mạc diễn đàn, TS Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nêu 5 giải pháp: Đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định về kinh tế trang trại, làm cơ sở xây dựng chính sách cho trang trại. Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại ở cấp huyện như cấp giấy chứng nhận trang trại, tìm kiếm thị trường nông sản, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất trang trại để khuyến khích trang trại phát triển. Khuyến khích thành lập hợp tác xã kiểu mới mà thành viên là các chủ trang trại cùng nhóm sản phẩm.
Đặc biệt là khuyến khích tích tụ ruộng đất, nâng cao qui mô sản xuất, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ có cơ hội xây dựng phát triển kinh tế trang trại. Đẩy nhanh tiến trình công nhận kinh tế trang trại từ cấp chính quyền địa phương để các trang trại có đủ điều kiện vay vốn sản xuất với lãi suất thấp. Xây dựng và thực thi tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài trang trại, bảo hiểm và hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh…
Bên cạnh đó, cơ quan khuyến nông cần tạo điều kiện cho chủ trang trại tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất của trang trại… /.
Theo Danviet
Người thanh niên Điện Biên làm giàu thành công từ trang trại
Với mô hình trang trại khép kín, trang trại của Phạm Anh Dũng mỗi năm cho thu nhập ổn định trên 900 triệu đồng, tạo nhiều việc làm cho bà con.
Theo đuổi giấc mơ làm chủ trang trại từ nhỏ, Phạm Anh Dũng (sinh năm 1983) đã trở thành một trong những thanh niên trẻ tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Điện Biên. Đến nay, mô hình trang trại của anh đã cho thu nhập ổn định hơn 900 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra anh Dũng còn giúp cho hàng chục hộ khác trên địa bàn có công ăn việc làm, tư liệu sản xuất để xóa đói giảm nghèo.
Mỗi tháng Phạm Anh Dũng xuất đều từ 5 đến 6 tạ thỏ thịt.
Sau khi Tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực Sơn Tây, Hà Nội, trải qua nhiều năm bôn ba làm đủ mọi nghề để kiếm sống, Phạm Anh Dũng đã xin được vào làm ở một cơ quan nhà nước với công việc có thể nói là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng với ước mơ ấp ủ, làm chủ trang trại từ nhỏ, Dũng đã quyết định bỏ việc để theo đuổi đam mê của mình.
Thời gian đầu, anh Dũng đi khắp các tỉnh thành, tìm đến các cơ sở, trang trại chăn nuôi, trồng trọt điển hình để học hỏi kỹ thuật cách thức nuôi trồng, mày mò hướng đi cho riêng mình. Năm 2013, trở lại quê hương, trên mảnh đất có sẵn của gia đình, anh bắt đầu xây dựng trang trại, với số vốn 500 triệu vay ngân hàng.
Nhận thấy gấc và đinh lăng là 2 loại cây trồng có thể phù hợp với thổ nhưỡng ở Điện Biên, lại có khả năng cho kinh tế cao, anh Dũng đã quyết định chọn 2 giống cây này làm cây trồng chủ lực cho trang trại của mình. Tuy nhiên, khi gấc bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc anh vấp phải những khó khăn lớn trong lần đầu khởi nghiệp của mình.
"Trồng gấc được hơn 1 năm tính ra cũng thu được hơn 10 tấn nhưng khâu vận chuyển tiêu thụ rất vất vả, vì số lượng ít, gấc lại không chín đồng loạt nên mình quyết định bỏ gấc giữ lại đinh lăng. Sau đó mình tìm hiểu về vật nuôi nhận thấy con gà thịt, gà đẻ và chim bồ câu và con thỏ có lợi thế nên đã lại xây dựng lại trang trại nuôi", Phạm Anh Dũng chia sẻ.
Cuối năm 2015, anh Dũng tiếp tục bắt tay cải tạo lại trang trại, xây dựng theo mô hình vườn chuồng khép kín, mạnh dạn mở rộng thêm diện tích trồng cây đinh lăng, với hơn 7.000 mét vuông, nuôi thêm bồ câu, gà, vịt, ngan, thỏ. Do chưa từng học qua một lớp thú y nào nên hễ con vật nuôi nào bị bệnh, anh tra kiến thức trên mạng để tìm hiểu nguyên nhân và các chữa trị. Mò mẫm từng chút một, bỏ qua những áp lực từ phía gia đình, cuối cùng anh đã gặt hái được thành công trên chính nông trại của mình.
Hiện tại, trang trại của anh Dũng đã có hơn 1,5 ha chăn nuôi khép kín, với hệ thống tưới nước, xử lý chất thải xây dựng theo quy trình hiện đại; hơn 1.000 đôi bồ câu mỗi tháng cho xuất từ 700 - 800 con; riêng thỏ xuất đều thịt trung bình từ 5 - 6 tạ và khoảng 2.000 con giống mỗi tháng.
Ngoài ra, mỗi năm gà, vịt nuôi thịt cũng xuất ra thị trường trung bình 12 tấn và 7.000 mét vuông Đinh Lăng cho thu hoạch đều trên 15 tấn. Tổng thu nhập trừ mọi chi phí, mỗi năm trang trại đưa về hơn 900 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh Dũng còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng và cung cấp, hỗ trợ cho nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt khác trên địa bàn về giống, phương pháp, kỹ thuật, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.
"Mình vẫn muốn tổ chức liên kết các trại với nhau để việc chăn nuôi trở thành quy mô lớn như vậy mới bền vững. Hiện tại, bà con xung quanh ai có ý tưởng chăn nuôi hoặc trồng trọt, nhất là về cây đinh lăng mình sẵn sàng giúp đỡ tạo dựng tổ hợp", anh Dũng chia sẻ ý định.
Với những thành tích đáng ghi nhận, năm 2016, Phạm Anh Dũng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của toàn quốc và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Trang trại của anh Dũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động trong khu vực.
Nói về Phạm Anh Dũng, bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết, Hội đánh giá rất cao hội viên Phạm Việt Dũng sản xuất, kinh doanh làm giàu và giúp đỡ được nhiều hộ tạo công ăn việc làm thoát nghèo. Anh Dũng đã giúp cho 4 lao động có việc làm thường xuyên, 16 lao động thời vụ và giúp được 5 - 10 hộ vươn lên thoát nghèo.
Phạm Anh Dũng chia sẻ, trong thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích của mình thêm 1 ha nữa để trồng thêm cây dược liệu quý, chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, phát triển hệ thống nuôi trồng theo mô hình nông nghiệp sạch tiêu chuẩn VietGAP....
Mục tiêu cao nữa là Dũng muốn giúp đỡ người dân địa phương phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi, để tạo thành tổ hợp chăn nuôi, liên kết giữa các trang trại tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, nhằm phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người nông dân và cung cấp cho người tiêu dùng những nông sản chất lượng cao.
Với tinh thần "cháy" hết mình vì đam mê tuổi trẻ, ý chí dám nghĩ, dám làm của người nông dân Việt Nam xuất sắc, tin rằng Phạm Anh Dũng có thể sớm đạt được những mục tiêu của riêng mình.
Theo Vũ Lợi (VOV-Tây Bắc)
Ninh Bình xin Thủ tướng "cứu" nhà máy 12.000 tỷ đồng đang "sống dở chết dở" Nguồn tin của Dân trí cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp gỡ khó khăn cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tiếp lỗ và hiện đang trong tình trạng "sống dở chết dở". Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than...