Thiếu Văn Lâm không phải nỗi lo của HLV Park
Bài học từ quá khứ cho thấy mỗi khi tuyển Việt Nam thiếu vắng trụ cột, HLV Park Hang-seo sẽ lập tức tìm được giải pháp thay thế.
Lần đầu tiên sau 3 năm dẫn dắt tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo không còn Đặng Văn Lâm trong khung gỗ. Cựu thủ môn CLB Hải Phòng được trọng dụng từ trận gặp Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019, sau đó chiếm luôn suất bắt chính.
Cùng với Văn Lâm, tuyển Việt Nam giữ sạch lưới trên 50% số trận ở 3 giải đấu, gồm AFF Cup (62,5%), Kings Cup (50%) và vòng loại World Cup (80%). Asian Cup là giải đấu tuyển Việt Nam thủng lưới nhiều nhất, nhưng Văn Lâm vẫn chơi rất hay.
Mọi chiến lược gia đều lo lắng khi thiếu một cầu thủ như vậy. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu HLV Park đối diện với cảnh vắng trụ cột.
Văn Lâm bắt chính ở mọi giải đấu cấp độ ĐTQG dưới thời HLV Park Hang-seo. Thủ môn Việt kiều giữ sạch lưới quá nửa số trận ở hầu hết giải đấu nói trên. Ảnh: Minh Chiến.
Lời giải cho bài toán Văn Lâm
HLV Park Hang-seo đã lường trước khả năng Văn Lâm không thể góp mặt. Ở đợt tập trung tháng 5, ông gọi 4 thủ môn và có nửa tháng để đánh giá năng lực học trò. Trước ngày lên đường, khi biết tin Văn Lâm hoãn ngày sang UAE, HLV Park lập tức đưa Nguyễn Văn Hoàng vào danh sách.
“Vé vớt” của Văn Hoàng cho thấy HLV Park luôn có kế hoạch dự phòng. Trong tay chiến lược gia người Hàn Quốc là Nguyễn Văn Toản, Bùi Tấn Trường và Nguyễn Văn Hoàng. Ngoại trừ Văn Hoàng, hai cái tên còn lại từng bắt chính ở cấp độ quốc tế.
Tấn Trường là một trong không nhiều thủ môn kinh qua đủ 3 cấp độ: U19, U23 và tuyển Việt Nam. Cựu thủ thành Đồng Tháp bị chỉ trích trong quá khứ, nhưng việc điền tên Tấn Trường vào danh sách đi UAE cho thấy HLV Park Hang-seo có niềm tin với học trò. Niềm tin ấy độc lập hoàn toàn với sự vắng mặt của Văn Lâm và không bị tác động bởi sai lầm của Tấn Trường trước đây.
“Xét về phong độ, thể hình, kinh nghiệm của Tấn Trường, anh là lựa chọn rất tốt hiện nay. Tuổi 35, các vị trí khác sẽ gặp khó, nhưng thủ môn thì khác. Ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Tấn Trường đang chứng minh được giá trị ở CLB Hà Nội. Tấn Trường từng bắt ở các giải lớn. Dù những trận đấu ấy diễn ra từ 8, 9 năm trước, nhưng thủ môn này vẫn có độ va chạm và kinh nghiệm.
BLV Quang Huy và Quang Tùng nhận định thủ môn Tấn Trường có cơ hội bắt chính cho tuyển Việt Nam trong phần còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022. Ảnh: Y Kiện.
Sự xuất hiện của Tấn Trường gần giống màn trở lại của Nguyễn Anh Đức. Hai cầu thủ này khác nhau về vị trí, nhưng đều là gừng càng già càng cay, tức là ở điểm cuối sự nghiệp, họ mới đạt tới sự hoàn thiện.
Video đang HOT
Tấn Trường trước đây có vấn đề về tâm lý, song hiện tại, có thể thủ môn này sẽ khắc phục được thiếu sót. Chúng ta nên nói đến những thứ tích cực, đừng lo lắng về quá khứ. Khi ban huấn luyện đã tin tưởng Tấn Trường, nghĩa là họ có giải pháp”, BLV Ngô Quang Tùng phân tích với Zing .
BLV Vũ Quang Huy cũng đánh giá: “Ban huấn luyện đã lường trước sự vắng mặt của Văn Lâm. Tuyển Việt Nam có lực lượng thủ môn tốt. Bên cạnh Văn Lâm, các thủ môn còn lại có phong độ tốt và tập luyện khá kỹ lưỡng. Cuộc đua sẽ diễn ra giữa Tấn Trường và Văn Toản. Tấn Trường có kinh nghiệm, phong độ tốt, thể hình lý tưởng và phát bóng cực ổn”.
Các HLV trên thế giới thường thuộc về một trong hai trường phái huấn luyện. Một là đứng ngoài quan sát toàn cục, trao việc huấn luyện chuyên môn cho trợ lý. Hai là trực tiếp tham gia vào từng bài tập trên sân. HLV Park là trường hợp đặc biệt, khi ông giao việc giám sát chuyên môn cho trợ lý, nhưng vẫn “can thiệp” để điều chỉnh động tác cho học trò khi cần, kể cả vị trí thủ môn, vốn đòi hỏi việc huấn luyện chuyên biệt.
Ở U22 Việt Nam, HLV Park từng dành tới 5 phút để dạy thủ môn Y Êli Niê cách bắt bóng bổng đúng động tác. Trong buổi tập đầu tại UAE, ông Park phản ứng rất mạnh khi thấy Văn Hoàng xử lý hỏng ở tình huống bóng bổng. Chiến lược gia người Hàn Quốc yêu cầu sự tỉ mỉ tối đa ở kỹ thuật của các học trò, dù là buổi tập.
Vị trí thủ môn càng được HLV Park quan tâm hơn, khi sai lầm ở vị trí này, đơn giản là không thể sửa chữa. Do đó, để có mặt tại UAE, Tấn Trường, Văn Toàn và Văn Hoàng đã vượt qua quá trình sàng lọc kỹ lưỡng và được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, bất chấp cả ba đều có khuyết điểm riêng. Việc không có người gác đền số 1 có khi lại là điềm lành, bởi khi cơ hội ra sân được chia đều, những thủ môn còn lại có động lực cố gắng hơn, đồng thời luôn ở trạng thái sẵn sàng.
HLV Park Hang-seo đã lường trước sự vắng mặt của Văn Lâm, nên gọi tới 3 thủ môn (chưa tính Văn Lâm) sang UAE. Tấn Trường, Văn Toản, Văn Hoàng đều là những gương mặt tiềm năng để thay thế. Ảnh: Y Kiện.
Thầy Park luôn có phương án
Ởcác giải lớn, HLV Park Hang-seo thường tin tưởng vào một bộ khung duy nhất. 5 trận đầu ở vòng loại World Cup 2022, ông dùng một đội hình, chỉ thay đổi trong trường hợp bất khả kháng như trụ cột chấn thương hoặc suy giảm thể lực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ông Park chỉ có một lựa chọn.
Thực tế quá khứ chứng minh: mỗi khi các cầu thủ đội hình chính gặp vấn đề, ban huấn luyện tuyển Việt Nam luôn có giải pháp thay thế. Đôi khi, cầu thủ thế vai còn chiếm luôn suất đá chính của người cũ.
Ở VCK U23 châu Á 2018, Đoàn Văn Hậu dính chấn thương ở vòng bảng, HLV Park lập tức đẩy Vũ Văn Thanh sang cánh trái, rồi tạo cơ hội cho Phạm Xuân Mạnh đá lấp vào vị trí của Văn Thanh. U23 Việt Nam vẫn chơi trơn tru, thuận lợi khi vượt qua U23 Iraq, U23 Qatar để tạo nên lịch sử.
Tại ASIAD, Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương ngón chân cũng ở vòng bảng. Lương Xuân Trường tái xuất, đá cặp với Nguyễn Quang Hải ở tuyến giữa. Khi Trần Đình Trọng không góp mặt, Văn Hậu được kéo về đá trung vệ, còn Đức Huy đá thay ở cánh trái.
Đến AFF Cup, chấn thương của Văn Thanh vô tình trở thành cơ hội để Nguyễn Trọng Hoàng được trọng dụng. Từ vị trí tiền vệ biên, Trọng Hoàng đá hậu vệ và tỏa sáng rực rỡ, để rồi giành danh hiệu Quả bóng Đồng năm 2019.
HLV Park khai phá được Trọng Hoàng cho vị trí chạy cánh phải sau khi Văn Thanh dính chấn thương. Ảnh: Minh Chiến.
Tương tự, Đình Trọng phải phẫu thuật trước Asian Cup 2019, nhưng tuyển Việt Nam vẫn vào tới tứ kết nhờ “đá tảng” Quế Ngọc Hải ở trung tâm hàng phòng ngự. Ở vòng loại World Cup 2022, HLV Park cũng mất một cầu thủ quan trọng là Phan Văn Đức (chấn thương). Ông lựa chọn Nguyễn Văn Toàn thay thế.
Ở vị trí tiền đạo cánh, Văn Toàn đá tròn vai, làm tốt vai trò khuấy đảo để mở ra khoảng trống cho đồng đội. Văn Đức đã bình phục chấn thương và có 5 bàn ở V.League, nhưng cơ hội của anh và Văn Toàn là 50-50. Nguyễn Tiến Linh cũng bước ra ánh sáng sau khi Anh Đức từ giã đội tuyển. Các vị trí đều có sự tiếp nối và sở hữu ít nhất hai nhân tố với chất lượng đồng đều.
Nhờ đâu mà tuyển Việt Nam có những phương án thay thế hoàn hảo khi trụ cột dính chấn thương? Câu trả lời nằm ở sự chuẩn bị.
Tuyển Việt Nam chỉ đá trung bình 2, 3 giải lớn mỗi năm, với khoảng 3 đợt tập trung dài hạn. Ngoài quãng thời gian cầm quân chinh chiến, HLV Park Hang-seo và các trợ lý luôn dày công nghiên cứu màn trình diễn của các cầu thủ để lên phương án dự phòng cho mọi vị trí trên sân.
Trả lời phỏng vấn giữa năm 2020, HLV Park khẳng định có trong tay 100 lựa chọn, được sàng lọc, đánh giá rất kỹ. Đều đặn mỗi tuần, ông, các trợ lý Lee Young-jin, Kim Han-yoon hay Park Sung-gyun lại chia nhau đến các sân bóng để theo dõi màn thể hiện của những cái tên cụ thể.
Ở mùa 2020 và nửa đầu mùa 2021, ban huấn luyện tuyển Việt Nam đã phân tích 218 trận đấu. Nhờ mẫu phân tích lớn, nên ê-kíp của HLV Park Hang-seo hiếm khi bỏ sót nhân tài.
HLV Park Hang-seo cũng thường tập trung đội tuyển ngắn hạn ở nhiều đợt trong năm, mỗi đợt gọi số cầu thủ nhiều hơn gấp rưỡi danh sách chính thức, nhằm tạo động lực cho các vị trí, có thêm con người để thử nghiệm, và quan trọng hơn, là có thêm số liệu và đánh giá trong “kho tàng” dữ liệu cầu thủ ông đang âm thầm xây dựng. Nhờ vậy, tuyển Việt Nam hiếm khi bị động trước biến cố lực lượng.
Tuy nhiên, không phải ở khu vực nào, HLV Park cũng dồi dào nhân sự thay thế. Tuyến phòng ngự mang đến nỗi lo khi trong đợt tập trung này, số gương mặt mới không nhiều. Lê Văn Xuân, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Thanh Thịnh đều giàu tiềm năng, nhưng khó thay thế các trụ cột trong tương lai gần. Ngoài ra, khoảng trống Đỗ Hùng Dũng để lại ở tuyến giữa không hề nhỏ.
Các tiền vệ hiện tại không có sức chiến đấu, nguồn năng lượng dồi dào và đa năng như Hùng Dũng. HLV Park nhiều khả năng phải xoay đội hình về 3-5-2, tăng số lượng tiền vệ trung tâm để khỏa lấp thiếu sót. Dù vậy, hãy cứ tin HLV Park sẽ có giải pháp, dù Văn Lâm, Hùng Dũng hay cầu thủ nào. Ngôi sao là khả biến, chỉ có năng lực và sức mạnh tập thể là bất biến.
V.League: Những cựu binh bất ngờ 'tái xuất' sân cỏ
Trong những mùa giải gần đây, V.League chứng kiến không ít cầu thủ trở lại thi đấu sau quãng thời gian chia tay sân cỏ chuyên nghiệp.
1. Đoàn Việt Cường
Đoàn Việt Cường. Ảnh: Đức Đồng
Tại giai đoạn lượt về V.League 2017, CLB TP.HCM đã gây bất ngờ lớn với giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá nước nhà khi đăng ký cựu tuyển thủ Đoàn Việt Cường vào danh sách thi đấu. Sở dĩ, cầu thủ người Đồng Tháp "tái xuất" sân cỏ sau 3 năm làm những công việc khác là từ gợi ý của người đồng đội cũ ở Đội tuyển Việt Nam, Lê Công Vinh. Thời điểm đó, Lê Công Vinh đang giữ vị trí quyền Chủ tịch CLB TP.HCM.
2. Phùng Văn Nhiên
Phùng Văn Nhiên (áo đỏ). Ảnh: M.C
Tương tự trường hợp của Đoàn Việt Cường, Phùng Văn Nhiên cũng trở lại thi đấu chuyên nghiệp sau quãng thời gian "treo giày" (hơn 2 năm). Đội bóng đón chào sự "tái xuất" của cầu thủ sinh năm 1982 chính là Nam Định. Trước khi gặt hái nhiều thành công trong màu áo HAGL (2009 - 2014) và Hải Phòng (2015 - 2017), Phùng Văn Nhiên là sản phẩm của lò đào tạo Nam Định và từng thi đấu cho đội bóng thành Nam trong giai đoạn 2002 - 2008.
3. Nguyễn Anh Đức
Nguyễn Anh Đức trong màu áo Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Kết thúc mùa giải 2019, Nguyễn Anh Đức nói lời chia tay B.Bình Dương. Những tưởng, tiền đạo có biệt danh là Đức "Etoo" sẽ giã từ sự nghiệp thi đấu để chuyển tập trung vào công việc kinh doanh (đồ thể thao và sân bóng nhân tạo). Tuy nhiên, ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải 2020, Nguyễn Anh Đức bất ngờ đầu quân cho HAGL. Và hiện tại, chân sút sinh năm 1985 đang thuộc biên chế Long An, đội bóng đang thi đấu ở giải hạng Nhất.
4. Âu Văn Hoàn
Âu Văn Hoàn. Ảnh: CLB SHB Đà Nẵng
Cách đây ít ngày, hậu vệ cánh phải Âu Văn Hoàn đã quyết định "tái xuất" sân cỏ để khoác áo Hải Phòng trong phần còn lại của mùa giải 2021. Được biết, đích thân tân Chủ tịch Văn Trần Hoàn và HLV trưởng Phạm Anh Tuấn đã trực tiếp thuyết phục cầu thủ sinh năm 1989 đầu quân cho đội bóng đất Cảng với bản hợp đồng đến hết mùa giải năm nay. Như vậy, Hải Phòng là đội bóng thứ 5 mà Âu Văn Hoàn thi đấu, sau SLNA , B.Bình Dương, CLB TP.HCM và SHB Đà Nẵng.
Chắc chắn là trong thời gian tới sẽ có thêm những cầu thủ trở lại thi đấu sau khi nói lời giã từ sân cỏ, giống như Đoàn Việt Cường, Phùng Văn Nhiên, Nguyễn Anh Đức và Âu Văn Hoàn. Đúng là trong bóng đá, mọi chuyện đều có thể xảy ra./.
Không ngán đối thủ nào nhưng đây là yếu tố đội tuyển Việt Nam e ngại nhất Chướng ngại mà thầy trò HLV Park cần vượt qua tại Vòng loại World Cup 2022 sắp tới không chỉ đến từ các đối thủ mà còn từ trọng tài. Tuyển Việt Nam từng nhận bất lợi từ trọng tài Đội tuyển Việt Nam đang tích cực tập luyện hướng tới vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Mục tiêu của...