Thiếu vắc xin dịch vụ: Bộ Y tế lên tiếng
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết vắc xin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ.
Thời gian qua, dư luận không khỏi lo lắng trước thực trạng thiếu vắc xin dịch vụ trên phạm vi cả nước.
Tại hầu khắp các điểm tiêm chủng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đồng loạt xảy ra tình trạng “cháy” vắc xin dịch vụ, đặc biệt là các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1, thủy đậu…
Nhiều phụ huynh phải xếp hàng từ 4h sáng để mua vắc xin. Nhiều người đổ lỗi do các điểm tiêm chủng thiếu trách nhiệm, không lên kế hoạch dự trù vắc xin…
Cảnh người dân Hà Nội xếp hàng từ mờ sáng để chờ mua vắc xin dịch vụ. Ảnh: GĐVN
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế: “Vắc xin dịch vụ được điều tiết do thị trường. Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc xin dịch vụ về Việt Nam”.
Ông Đạt cho biết thêm, khác với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu.
Do vắc xin không thể để lâu, theo đó chỉ khi các cơ sở tiêm chủng đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng và các hãng mới bắt tay vào sản xuất.
Điều này khiến độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên đến khi vắc xin về cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng, gây ra hiện tượng khan hiếm cục bộ vắc xin.
Trước thực trạng trên, ông Đạt cho rằng người dân không nên quá lo lắng, các phụ huynh có thể đưa con đi tiêm vắc xin miễn phí thay cho vắc xin dịch vụ.
Video đang HOT
“Việt Nam luôn có đủ các loại vắc xin có khả năng phòng bệnh tương tự như các loại vắc xin dịch vụ và hiện đang được tiêm miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc. Tất cả vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều đã được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn”, ông Đạt khẳng định.
Ông Đạt cho biết thêm, Bộ Y tế đang tích cực làm đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắc xin phòng bệnh do rota virus và vắc xin phòng bệnh do phế cầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Căn cứ vào tình hình vắc xin dịch vụ hiện tại, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho hay, đã chỉ đạo các Sở Y tế căn cứ vào lượng vắc xin hiện có để thu gọn lại còn một số điểm tiêm, tránh tình trạng tiêm mũi 1 nhưng lại không có mũi 2, 3 hoặc tiêm nhầm mũi, đồng thời phải tuyên truyền để người dân tập trung vào các điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí cho đủ mũi.
Ông Phu dẫn chứng, qua giám sát dịch sởi, ho gà… thời gian qua cho thấy, hầu hết các trường hợp mắc là do không được tiêm, hoãn tiêm hoặc chờ tiêm. Điều này rất nguy hiểm, vì chỉ cần chậm 1-2 tháng là trẻ đã mắc bệnh rồi.
Theo Vietnamnet
Vắc xin nào cũng hết do 'nước đến chân mới nhảy'?
Tình trạng khan hiếm vắc - xin lại xảy ra, không chỉ vắc - xin 5 trong 1, 6 trong 1, nay cả vắc - xin thủy đậu cũng hết hàng.
Vắc - xin nào cũng hết
Theo ghi nhận của phóng viên tại TP.HCM, ngày 9/3, vắc - xin bị thiếu cục bộ tại các bệnh viện, và nếu có hàng thì lập tức hết ngay do nhu cầu của người dân quá lớn.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cập nhật tới ngày 7/3 đang hết các loại vắc xin như: 6 trong 1, viêm não Nhật Bản, mô cầu, 5 trong 1, phế cầu, cúm.
Bệnh viện An Sinh vắc - xin thủy đậu vừa có đã hút hàng - Ảnh: Thanh Huyền.
Số lượng vắc - xin cập nhật tới ngày 9/3 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1: đang hết vắc xin thủy đậu, 5 trong 1, 6 trong 1.
Tương tự, khoa Nhi của Bệnh viện FV cũng cho biết vắc - xin thủy đậu đã hết sạch, dự tính sớm nhất phải tháng 5 - 6 mới có lại.
Vắc - xin dịch vụ tại Bệnh viện An Sinh không tránh khỏi hút hàng, 5 trong 1 và 6 trong 1 hết sạch, thủy đậu có nhưng nhân viên y tế dặn phụ huynh nhanh chân, kẻo hàng về sẽ hết ngay.
Khảo sát giá chích ngừa vắc - xin thủy đậu tại các bệnh viện rất cao và khá chênh lệch. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 trên 500 ngàn/liều, còn tại Bệnh viện FV và An Sinh giao động từ trên 700 ngàn tới hơn 800 ngàn đồng/liều (chưa kể tiền khám trước khi chích).
Mặc dù giá vắc - xin đắt đỏ nhưng cứ nay đủ, mai thiếu khiến phụ huynh chấp nhận tốn tiền vẫn không khỏi lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ tại quận 10, TP.HCM chia sẻ: Bé nhà mình 13 tháng, đủ tuổi chích vắc - xin thủy đậu. Mình đã liên hệ với các bệnh viện tư như Hạnh Phúc, FV nhưng tình trạng khan hiếm của họ còn hơn cả viện công. Đang dịch thủy đậu mình lo lắm, chỉ sợ không kịp chích ngừa, bé nhiễm bệnh thì nguy hiểm."
Chị Trần Thị Trang, ngụ tại đường Lý Tự Trọng, Q 1, TP.HCM vừa chích xong vắc - xin thủy đậu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho con, nghĩ lại còn thấy sợ: "Từ 12 tháng tuổi đã chích được thủy đậu, mà nay con mình 15 tháng mới chích xong. May nhà gần bệnh viện, nghe tin có vắc - xin cái bế con vào ngay, không cũng chẳng biết chỗ nào còn vắc - xin mà tìm."
Nếu như vắc - xin thủy đậu khan hiếm cục bộ thì vắc - xin 5 trong 1, 6 trong 1 dịch vụ kể như...sạch sành sanh, chưa biết khi nào có lại.
Chung suy nghĩ với bác sĩ Trương Hữu Khanh, một bác sĩ tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 giải thích về hiện tượng vắc - xin liên tục cháy hàng: "Nói do tâm lý e ngại chất lượng vắc - xin trong chương trình làm vắc - xin dịch vụ ( 5 trong1, 6 trong 1) cháy hàng cũng chưa hẳn đúng. Chẳng hạn như vắc - xin thủy đậu, không nằm trong chương trình quốc gia nhưng người dân có chịu chích cho con theo lịch đâu. Chờ đến khi dịch nổi lên mới cuống cuồng đưa con đi chích, khiến nhà cung ứng không lường trước được, gây ra khan hiếm thế này...".
Phụ huynh bế con chờ chích vắc - xin dịch vụ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Thanh Huyền.
Trước thông tin từ vài bệnh viện tư cho rằng số lượng vắc - xin dịch vụ của mình bị hạn chế, dẫn tới cơn sốt vắc - xin, hoặc các bệnh viện công được ưu tiên hơn nên ảnh hưởng tới nguồn cung ứng vắc - xin của đơn vị mình, một chuyên gia về vắc - xin đã giải thích rõ.
Theo vị chuyên gia này, khi nhà cung ứng còn nhiều vắc - xin, bệnh viện nào muốn nhập bao nhiêu cũng được, còn lúc một số mặt hàng khan hiếm thì đương nhiên phải ưu tiên cho các đối tác lớn trước, số còn lại mới phân bổ cho các bạn hàng nhỏ còn lại.
Ví dụ Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, Viện Pasteur luôn nhập được số lượng vắc - xin dịch vụ nhiều hơn các bệnh viện tư bởi họ là khách hàng lớn, tiềm năng hơn...Có thể nói đây là bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tóm lại, để con mình không rơi vào trạng thái phải chờ vắc - xin, các bác sĩ khuyên phụ huynh hãy cho con chích ngừa đúng lịch tiêm chủng.
Cung ứng vắc xin miễn phí tại các điểm tiêm dịch vụ
Chiều 9/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu các cơ sở y tế của Nhà nước có tổ chức tiêm chủng dịch vụ phải dùng vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tương ứng với loại vắc - xin mà cơ sở đó tiêm dịch vụ.
Đồng nghĩa, tại các điểm tiêm dịch vụ nếu có tiêm vắc - xin 6 trong 1, 5 trong 1 dịch vụ thì cũng phải cung ứng cả vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 miễn phí thuộc chương trình TCMR.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ, yêu cầu các cơ sở khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ Y tế trước ngày 31/3.
Theo Bộ Y tế, hiện tại việc cung cấp vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 và 5 trong 1 của công ty Glaxo SmithKline và Sanofi Pasteur bị gián đoạn, gây ra tình trạng "cháy" vắc- xin dịch vụ cục bộ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Theo báo cáo, số lượng vắc -xin dịch vụ dự kiến trong năm 2015 rất hạn chế, với khoảng 30.000 liều vắc xin Hexa-infarix (bằng 1/10 năm 2014) và khoảng 250.000 liều vắc -xin Pentaxim (với số liều tương đương năm 2014).
Việc gián đoạn trong cung cấp 2 loại vắc -xin này đã gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến tâm lý chờ đợi tiêm vắc -xin dịch vụ, tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong khi trên thực tế, các vắc- xin phòng bệnh tương tự thuộc chương trình TCMR luôn được Bộ Y tế bảo đảm đầy đủ.
Theo Vietnamnet
Bắc Ninh: Tiêm nhầm vaccine cho 31 phụ nữ có thai Cán bộ y tế Trung tâm Y tế Từ Sơn, Bắc Ninh đã tiêm vaccine DPT (Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván) thay vì tiêm chủng vắc xin AT Uốn ván) cho 31 phụ nữ có thai. Trung tâm Y tế thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ Y tế có...