Thiếu tướng Phan Anh Minh: Hành vi của chủ quán Xin Chào nguy hiểm
Thiếu tướng Minh khẳng định: “Căng tin Công an huyện Bình Chánh và quán cà phê trên hoàn toàn khác nhau, phục vụ đối tượng khác nhau…”.
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP.HCM chủ trì cuộc họp thông tin với báo giới về việc Công an huyện Bình Chánh xử phạt ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ Bình Tân, TP.HCM chủ quán cà phê Xin Chào) 17 triệu đồng sau đó tiếp tục ra quyết định khởi tố hình sự hành vi “kinh doanh trái phép” vào sáng 21/4.
Tại đây, rất nhiều câu hỏi được PV đặt ra cho phía Công an TP.HCM. Trong đó có câu hỏi về việc hành vi của ông Tấn có nguy hiểm hay không mà chỉ trong vài ngày Công an huyện Bình Chánh liên tục kiểm tra và xử phạt cơ sở trên?.
Trả lời về việc này, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói: “Hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất là nóng, trong kế hoạch tấn công tội phạm vừa rồi, cũng như cao điểm của Bộ Công an và ban chỉ đạo liên ngành quốc gia. Công an TP.HCM đều có giao chỉ tiêu về xử lý các vi phạm. Mỗi hành vi đều có hình thức xử lý khác nhau, trong đó có hành vi kinh doanh trái phép. Chúng ta phải khách quan thừa nhận hành vi của ông Tấn chưa gây ra hậu quả gì. Trong khi điều 159 Bộ luật hình sự (tội kinh doanh trái phép) thì hành vi này xử phạt rất thấp.
Tính chất nguy hiểm nhất trong hành vi này là ông Tấn đã nhận thức được rằng mình chưa đủ điều kiện để kinh doanh và phải tạm dừng để bổ túc lại hiểu biết và giấy phép kinh doanh. Nhưng ông Tấn biết nhưng vẫn cố ý”.
Thiếu tướng Phan Anh Minh nói rằng hành vi của ông Tấn là nguy hiểm.
“Tôi thừa nhận hành vi của ông Tấn là có nguy hiểm, nhưng tính chất và mức độ nó rất là thấp theo với điều luật quy định. Điều luật áp dụng hình phạt không cách ly ra khỏi xã hội”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói.
Trao đổi về việc có hay không sự cạnh tranh và lạm quyền trong vụ việc, khi quán cà phê của ông Tấn mở ra trở thành “đối thủ” với căng tin của Công an?.
Thiếu tướng Minh khẳng định: “Căng tin Công an huyện Bình Chánh và quán cà phê trên hoàn toàn khác nhau, phục vụ đối tượng khác nhau. Các số khác bên ngoài xã hội không được vào căn tin Công an. Trong khi đó, căng tin là đấu thầu và Công an Bình Chánh không hề có lợi lộc gì”.
Video đang HOT
Nhiều phóng viên đặt câu hỏi xoanh quanh việc Công an huyện Bình Chánh có làm đúng, hay đang bức ép quán cà phê của ông Tấn
Ngoài việc trên, Công an TP.HCM cũng đang xem lại cách làm việc khuôn khổ và quá gấp rút của Công an huyện Bình Chánh về việc liên tục kiểm tra quán của ông Tấn.
Đặc biệt, Thiếu tướng Minh nói, ông đã phê phán Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh trong việc ông này trả lời rằng “Xử lý nhanh trong việc này vì lý do sợ cò bao vây Công an Bình Chánh thông qua cơ sở này”.
“Tôi đã nói với đồng chí ấy là không nên, muốn ngăn ngừa cò phải dùng giải pháp khác, không vì lý do ngắn ngừa cò mà xử lý cơ sở kinh doanh không có căn cứ pháp luật”, Thiếu tướng Minh cho hay.
Công an TP.HCM đang khẳng định sẽ xem xét và xử lý nếu Công an Bình Chánh có sai phạm
Như báo điện tử Người Đưa Tin đã đưa trước đó, anh Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) khai trương quán cà phê “Xin chào” tại khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM (đối diện Công an huyện Bình Chánh) vào ngày 8/8/2015.
Ngày 13/8/2015 trong lúc quán của anh Tấn đang kinh doanh thì có 2 Công an huyện Bình Chánh tới tìm và đòi kiểm tra “giấy phép kinh doanh”. Tuy nhiên, tại thời điểm trên anh Tấn chưa nhận được giấy phép kinh doanh nên đã bị lập biên bản xử lý về hành vi “Hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Sau đó, anh Tấn đã lên UBND huyện Bình Chánh làm thủ tục đăng ký về việc kinh doanh đồ ăn và nước giải khát và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, anh Tấn mang số giấy tờ trên lên bổ sung nhưng vẫn bị Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng về hành vi “kinh doanh không phép”.
Tuy nhiên, điều khiến anh Tấn không hiểu rõ là ngoài việc trên biên bản ghi phạt “không đăng ký kinh doanh” trước đó được lập thì theo văn bản có chữ ký của trưởng Công an huyện thì anh Tấn còn bị phạt thêm 4 lỗi khác (theo Nghị định 178/2013/NĐ/CP) nên dẫn đến số tiền phạt là 17 triệu đồng. Trong khi theo Nghị đinh 185/2013/NĐ-CP anh Tấn chỉ bị phạt hành vi là 7,5 triệu đồng.
Quán cà phê Xin Chào, nơi Công an huyện Bình Chánh cho rằng bị cò bao vây.
Tới ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh lại tới kiểm tra cơ sở của anh Tấn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua kiểm tra, lực lượng Công an huyện đã lập biên bản lần 2 với anh Tấn về hành vi là “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”.
Ngay lập tức, anh Tấn đã giải thích rằng gia đình mình đã ngưng kinh doanh ăn uống, hiện tại chỉ bán nước giải khát nhưng lực lượng chức năng vẫn không chấp nhận.
Từ những biên bản trên, Công an huyện Bình Chánh đã cho rằng anh Tấn đã tái phạm “kinh doanh không phép” và quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với anh Tấn về tội “Kinh doanh trái phép” theo Điều 159 Bộ luật Hình sự.
Công an đã chuyển hồ sơ qua VSK nhân dân huyện và được thông qua. Tuy nhiên TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã có quyết định trả hồ sơ yêu cầu cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh điều tra bổ sung vụ ông Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố về việc chậm đăng ký kinh doanh.
Phùng Sơn – Mỹ Linh
Theo_Người Đưa Tin
Đừng tự biến mình thành "một đạo luật" khô khốc
Vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn - một người kinh doanh mặt hàng ăn uống nhỏ lẻ tại huyện Bình Chánh (TP. HCM) bị khởi tố về hành vi "Kinh doanh trái phép", đã nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn đọc.
Vụ án kinh điển
Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, câu chuyện ông Nguyễn Văn Tấn - một người kinh doanh mặt hàng ăn uống nhỏ lẻ tại huyện Bình Chánh (TP. HCM) bị khởi tố, điều tra về hành vi "Kinh doanh trái phép" làm ông nhớ lại một vụ án khá nổi tiếng, liên quan đến khái niệm "Lẽ công bằng" - một quan niệm pháp lý mang tính nhân bản, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong giới luật học Phương tây.
Đó là vụ án "Cô Ménard ăn cắp bánh mỳ", xảy ra tại nước Pháp vào thế kỷ XIX. Cô Ménard có con nhỏ nhưng không chồng, nên vụ án còn được gọi là vụ án "Cô gái - mẹ".
Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP. HCM)
Trong cơn túng quẫn và đói khát của cả hai mẹ con, Ménard đã đập vỡ cửa kính của một cửa hiệu, để ăn cắp bánh mỳ và bị bắt đưa ra toà. Chánh án Magnaud của Toà tiểu hình Château - Thierry, ngày 4 tháng 3 năm 1898 đã tha bổng Ménard với lập luận trong bản án như sau:
"Thật đáng tiếc rằng, trong một xã hội được tổ chức chu đáo, lại có một thành viên của xã hội ấy, mà nhất là một người làm mẹ của một gia đình, có thể thiếu bánh mỳ để ăn mà không phải do lỗi của chính mình. Khi một trường hợp như vậy xảy ra và được xác định rõ như trường hợp của cô Ménard, Thẩm phán có nghĩa vụ phải giải thích một cách nhân đạo những quy định thiếu mềm dẻo của luật pháp; sự bần cùng và đói khát có thể làm cho con người mất đi một phần của tự do ý chí, và cũng có thể, trong một chừng mực nào đó, làm giảm đi nơi người này khái niệm về cái đúng và cái sai; một hành vi thông thường đáng trách cứ, sẽ trở nên không đáng trách khi người vi phạm chỉ hành động vì nhu cầu khẩn thiết, phải tìm cho mình một miếng ăn thuộc nhu yếu phẩm hàng đầu...".
Mặc dù sau đó, với quan điểm bảo thủ, Toà thượng thẩm Amiens đã không chấp nhận lập luận trên của Toà tiểu hình, nhưng cũng nhận định rằng, Ménard không có ý chí gian xảo, nên đã chấp nhận việc tha bổng bị cáo.
Đừng vô cảm đến lạnh lùng
Tất nhiên, vụ việc của ông Tấn không hoàn toàn giống trường hợp của cô Ménard, và luật pháp của ta cũng không cho phép những người thừa hành công vụ trong lĩnh vực tư pháp, được phép xử lý vụ việc theo cảm tính, "lương tri" hay nói rộng hơn là một ý niệm về "lẽ công bằng xã hội", mà bỏ qua các quy định của pháp luật nói chung.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây chính là sự mềm dẻo trong cách hiểu và cách vận dụng luật pháp. Tức là, làm sao để luật pháp luôn được thực thi một cách thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, chứ không phải chỉ biết dùng nó như một "thước đo" để chụp lên bất kỳ một thân phận hay hành vi nào, khả dĩ được xem là có dấu hiệu tội phạm.
Nhất là trong trường hợp này, bản thân ông Tấn không cố tình trốn tránh việc đăng ký kinh doanh, mà chỉ đang trong thời gian chờ đợi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc cấp phép theo quy định của pháp luật, thì việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, lại càng tỏ ra không thuyết phục, nếu không muốn nói là quá khiên cưỡng và máy móc.
Xi Rê On - một luật sư và là nhà hùng biện nổi tiếng thời La mã cổ đại, từng nói: "Quan toà là một đạo luật biết nói, còn đạo luật là một vị quan toà im lặng". Mong rằng, những người thừa hành công vụ trong lĩnh vực tư pháp, hãy luôn là "một đạo luật biết nói", đừng bao giờ tự biến mình thành "một đạo luật" khô khốc, chỉ vì sự "im lặng", máy móc và vô cảm đến lạnh lùng.
Thanh Thắng
Theo_Người Đưa Tin
Nếu truy tố sai chủ quán phở, ai phải chịu trách nhiệm? Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. (Khoản 1, Điều 293 Bộ luật hình sự). Mấy ngày nay dư luận đang xôn xao về việc chủ quán phở, cà phê bị khởi tố về tội Kinh doanh trái phép...