Thiếu tướng Lê Mã Lương: “Tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ”
“Chiến tranh đã lùi xa, không người Việt Nam nào lại không biết trân trọng giá trị hòa bình, bởi dân tộc ta đã phải chịu quá nhiều đau thương mất mát…Ngày nay tôi đánh giá cao thế hệ trẻ, thanh niên Việt Nam về lòng tự tôn dân tộc”, Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chia sẻ với phóng viên Dân trí về những trận đánh khốc liệt của năm tháng chiến tranh và về thế hệ trẻ ngày nay.
Thiếu tướng Lê Mã Lương: “Tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương nói, dân tộc Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát của chiến tranh. Trên thế giới chưa có một dân tộc nào phải chịu đựng chiến tranh khốc liệt liên tục, chạy dài như thế. Sau 30 năm chiến tranh giải phóng, tính từ năm 1945 đến năm 1975 khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta lại bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc 12 năm, suốt từ năm 1976 đến năm 1988.
Trên thế giới này chỉ có Việt Nam là nước duy nhất chịu một cuộc chiến tranh kéo dài đến 42 năm như vậy. Do đó, có lẽ không ai như người lính chúng tôi cực kì khát khao hòa bình, luôn luôn mong muốn có hòa bình và góp phần vào sự hòa bình vững chắc của thế giới, châu Á cũng như trong khu vực.
“Về thế hệ trẻ ngày nay, tôi đánh giá cao ở trí tuệ, tinh thần vượt khó và ở góc độ nào đấy tôi đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của họ. Điều đó ít nhiều được thể hiện cụ thể qua sự kiện Trung quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014…
Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày khi chúng ta sống trong môi trường hòa bình, thì ở đâu đó vẫn có những cái hiềm khích cá nhân, nhưng khi phải giải quyết những vấn đề lớn, lợi ích chung của dân tộc thì người dân Việt Nam luôn gạt bỏ hết những cái hiềm khích riêng tư. Đó là tinh thần, truyền thống bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam”, Thiếu tướng Lê Mã Lương bày tỏ.
Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, có nhiều người cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay còn lơ là truyền thống, lịch sử Việt Nam, nhưng không phải như vậy. “Khi đất nước có họa xâm lăng hay khi đất nước có thiên tai hỏa hoạn thì sự liên kết chặt chẽ của dân tộc ta rất là tuyệt vời. Vì thế ai đó chớ có đánh giá rằng, nếu có chiến tranh xảy ra thì hệ trẻ bây giờ không bằng thế hệ ngày xưa. Thế hệ trẻ ngày nay không những được như ngày xưa mà sẽ hơn ngày xưa rất nhiều… Trong lịch sử của dân tộc ta thì cứ mỗi thế hệ qua đi, thế hệ sau tiếp nối lại nổi lên khát khao hòa bình, đồng thời cũng khẳng định lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.”, Thiếu tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh.
Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng ở tuổi 21
Nhắc tới Thiếu tướng Lê Mã Lương, người ta không chỉ nhắc về một vị Tướng đã đi vào lịch sử bởi những chiến công hiển hách mà người ta còn nhớ đến một vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở tuổi 21 với câu nói nổi tiếng:”Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Câu nói đó đã từng trở thành khẩu hiệu của không biết bao thế hệ thanh niên luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc thời bấy giờ.
Video đang HOT
Thiếu tướng Lê Mã Lương sử dụng khẩu súng mà ông đã tước được từ tay địch để đánh địch. (Ảnh, tư liệu).
Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ, ông là người quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố hy sinh trong cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, còn mẹ đã ở vậy tần tảo nuôi anh em ông khôn lớn.
Vốn là con liệt sỹ, ông được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng đúng vào năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, năm 1967, khi mới 17 tuổi, học cấp III, ông đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 huyền thoại.
Sau những ngày huấn luyện khẩn trương, tháng 12/1967 Lê Mã Lương được lệnh vào chiến trường Quảng Trị. Ngày tiễn con ra trận, mẹ ông nuốt nước mắt dặn dò: “Con ra đi cố gắng rèn luyện cho bằng anh, bằng em, đừng lo cho mẹ. Cho dù gian khổ đến đâu con cũng phải cố gắng hết mình để chiến đấu vì Tổ quốc, vì niềm tự hào của gia đình và nhân dân…”
Anh hùng Lê Mã Lương tâm sự: “Lời căn dặn đó của mẹ tôi luôn là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với tôi, để tôi có thêm nhiều sức mạnh, ý chí và nghị lực để vượt qua những vất vả, gian khổ nhất của một người lính cụ Hồ. Có thể nói, trong cuộc chiến đấu này, không ai có thể hiểu chiến tranh hơn những người mẹ và mẹ tôi đã từng phải chịu nỗi đau khi mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần tiễn đưa này, cũng có thể là lần mẹ tôi sẽ mất đi tiếp đứa con của mình. Nhưng mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhập và luôn động viên tôi chiến đấu làm sao cho xứng với anh linh của bố – một thế hệ bộ đội cụ Hồ mẫu mực. Và đó cũng là sự hy sinh vĩ đại của không chỉ mẹ tôi mà còn của tất cả những người phụ nữ Việt Nam”.
Từ 1968 đến năm 1974, Lê Mã Lương đã tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh ác liệt ở đường 9 Nam Lào, Lao Bảo, Cửa Việt, Quảng Nam, Đà Nẵng… Trong trận Làng Vây ngày 6/2/1968, một cứ điểm hùng mạnh ráp biên giới Việt Lào, do một tiểu đoàn biệt kích và một trung đội Mỹ làm cố vấn kỹ thuật, chuyên môn án ngữ, ông đã bị thương và phải chuyển ra Bắc điều trị và đó là những tháng ngày khó khăn nhất đối với ông khi ở ngoài kia, các đồng đội của ông vẫn đang miệt mài đánh giặc.
Sau khi điều trị xong vết thương, ông tiếp tục xung phong ra trận, ông tiếp tục bước vào những trận đánh ác liệt hơn với quân đội Mỹ ở cứ điểm Tà Cơn, rồi những trận đánh năm 1970 – 1971 mà ông tham gia ở đường 9 Nam Lào. Sau đó ông bị thương nặng và hỏng mắt trái.
Sau 8 tháng điều trị, ông được ở lại hậu phương và cử đi học nước ngoài nhưng ông vẫn kiên quyết xin trở về đơn vị. Tháng 8/1969, trên đường hành quân tại dốc Pa Trang (Tây Khe Sanh), đơn vị của ông đụng độ với bọn thám báo Mỹ. Chỉ sau một tiếng rưỡi quần thảo, Lê Mã Lương tiêu diệt 14 tên Mỹ. Qua 14 trận đánh lớn, ông đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công, diệt 53 tên Mỹ, bắn cháy 1 xe tăng, máy bay, trực thăng HU-1A của địch.
Với những chiến công đó, ngày 20/9/1971, ông được vinh dự được tuyên dương Anh hùng quân đội khi mới 21 tuổi. Sau năm 1975, Lê Mã Lương còn tham gia diệt trừ bọn phỉ Phun-rô tại Tây Nguyên, lên chiến trường biên giới phía Bắc… Khi đất nước hòa bình, ông học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội mà năm xưa đã bỏ dở để lên đường chiến đấu. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 2006, ông chính thức được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng.
Tuấn Hợp (ghi)
Theo Dantri
Xây cảng nổi... TQ tham vọng thực hiện vùng cấm bay?
Nếu điều đó xảy ra, chúng ta muốn đi thông qua đường hàng không, lãnh hải này phải xin phép Trung Quốc trên chính vùng biển chủ quyền của Việt Nam...
"Xây cảng nổi và hàng loạt các công trình trái phép khác ở Hoàng Sa, Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc leo thang thực hiện tham vọng vùng cấm bay...", tướng Lê Mã Lương nhận định.
Liên quan đến thông tin Trung Quốc đang phát triển nhiều cảng nổi để hỗ trợ cho quá trình cải tạo đất trái phép ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam mà hãng tin IHS Jane"s dẫn lời quan chức từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tàu biển Trung Quốc (CSSRS) cho biết, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về mục đích và tham vọng của Trung Quốc tại các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phiên bản đồ họa của những cảng nổi này được trình chiếu tại triển lãm Shiptec China 2014.
- Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng cảng nổi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Thiếu tướng nhận định gì về hành động này của Trung Quốc?
- Trung Quốc xây dựng cảng nổi ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy tình hình biển Đông ngày càng nghiêm trọng. Trung Quốc ngày càng lấn tới. Hành động này dẫn đến nguy cơ mà nhiều người không lường trước được. Bởi việc xây dựng cảng nổi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc sẽ thực hiện âm mưu biến các bãi đá san hô thành đảo nhân tạo, thậm chí thành những căn cứ quân sự lớn. Khi hoàn thành, các đảo này sẽ nối với nhau thành hệ thống các đảo quân sự, rút ngắn khoảng cách 1000 km từ đảo Hải Nam đến Trường Sa. Đồng thời, việc làm này tạo điều kiện cho các máy bay trực sẵn thành tổ hợp quân sự cực lớn, khống chế Biển Đông. Hơn nữa, việc triển khai nhiều cảng nổi, Trung Quốc có thể xây dựng hàng loạt các khu định cư ở các đảo do nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa. Qua đó, Trung Quốc sẽ làm mạnh hơn yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thao túng, làm những chuyện lớn, chứ không dừng lại ở việc biến các bãi san hô thành đảo nhân tạo.
- Hành động này của Trung Quốc nếu thực hiện thành công thì không chỉ vùng biển chủ quyền của Việt Nam, mà các nước khu vực có chung lãnh hải trên Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề thế nào?
- Chắc chắn khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ khống chế các nước liên quan đến Biển Đông, điều này là rõ ràng bởi bản thân Trung Quốc đang tranh chấp nhiều địa danh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trực tiếp là Việt Nam thì chúng ta đã bị mất một số đảo. Những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc từng chiếm đóng, chứ không phải là các quần đảo tranh chấp. Vì vậy, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc trên hai quần đảo này cũng đều là bất hợp pháp. Đó là những hành động phi pháp mà ta đã lên án từ lâu.
- Việc xây dựng cảng nổi tại Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với hàng loạt các hoạt động xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma bao gồm xây đường băng và trạm radar nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông, đã chứng tỏ Trung Quốc vẫn đang thực hiện âm mưu độc chiếm bá quyền Biển Đông, Thiếu tướng có thể nói rõ hơn về âm mưu này?
- Từ Gạc Ma vào TP HCM chỉ 800 km, đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của mình. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Nếu hoàn thành thì sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của ta. Bởi vì nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma, Phú Lâm, đảo Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10, mà không phải tiếp dầu ở trên không. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc lắp đặt các trạm radar để kiểm soát vùng không lưu. Nếu lắp đặt hệ thống radar, Trung Quốc có thể nắm được hoạt động của tàu ngầm Việt Nam và bộ đội của ta trên các đảo của Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Những hành động trái phép thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp dư luận quốc tế; phản ánh bản chất cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc; thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, mở đường ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương để thực hiện mưu đồ đế quốc biển.
Nguy hại hơn, rất có thể, khi thực hiện xong những âm mưu trên, Trung Quốc sẽ thực hiện vùng cấm bay, khi đó chúng ta muốn đi thông qua đường hàng không, lãnh hải này phải xin phép Trung Quốc trên chính vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hành động này cũng giống như việc Trung Quốc đã từng làm với Nhật Bản ở đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
- Việt Nam cần làm gì trước những hành động trên của Trung Quốc?
- Thời gian qua, chúng ta đấu tranh theo phương pháp mềm mỏng nhưng Trung Quốc lại càng ngang nhiên thực hiện những hành động trên. Chúng ta phải nhìn nhận những hành động của Trung Quốc không phải bình thường mà rất bất bình thường. Việc lấy lại những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ, bây giờ mà chúng ta không kiên quyết lấy lại thì đến đời con cháu, chúng ta cũng khó mà lấy lại. Việt Nam phải đấu tranh ngoại giao, làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thắt chặt khối đoàn kết toàn dân, quyết liệt trên con đường ngoại giao để Trung Quốc phải chùn bước trong hành trình thực hiện những âm mưu sai trái. Cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị các phương án khi thấy dấu hiệu nguy hiểm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Mã Lương về cuộc đối thoại trên!
Hải Ninh
Theo_Kiến Thức
Tướng Lê Mã Lương: "Trung Quốc không để xảy ra chiến tranh với Việt Nam" "Trung Quốc sẽ không để xảy ra chiến tranh vào thời điểm này vì sẽ rất bất lợi cho tình hình của họ", thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định. Dư luận trong và ngoài nước đang đặc biệt quan tâm đến tình hình Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam...