Thiếu tướng Lê Mã Lương: “10 phút gặp Đại tướng, tôi ấn tượng cả đời”
Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thiếu tướng Lê Mã Lương đã xúc động kể lại nhiều hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc giao lưu trực tuyến sáng 23/8 tại Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Thứ Hoàng – Nam 21 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, nếu có ý tưởng về việc lập một bảo tàng riêng về sự nghiệp, con người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì với cương vị từng là GĐ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ông thấy có đủ lượng tư liệu lịch sử để thực hiện việc này không và ý tưởng này có khả thi không?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Ý tưởng của bạn rất hay. Tôi cũng đã từng nghĩ đến bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng khá phong phú, đa dạng. Có thể lập một bảo tàng riêng về Đại tướng với hàng vạn hiện vật.
Ánh Nga – Nữ 33 tuổi
Thiếu tướng Lê Mã Lương từng nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, còn với Thiếu Tướng, câu nói nào của Tướng Giáp khiến ông khắc cốt ghi tâm và tại sao?
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nhà báo Bùi Ngọc Hải, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tá Trần Hồng, thầy giáo dạy sử Trần Trung Hiếu trong buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Trí thức trẻ vào sáng ngày 23/8. Ảnh: Hoàng Hiển
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một cuộc gặp với các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, Đại tướng nói:”Hôm nay chúng ta gặp được nhau tại đây là quý lắm rồi!”. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Đại tướng. Nó thể hiện tính nhân văn quân sự, văn hoá của một nhà cầm quân lỗi lạc. Điều đó chứng tỏ Đại tướng rất quan tâm đến sinh mệnh chính trị, đến giá trị sống của con người.
Hoàng Hải – Nam 32 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, biết ông từng làm Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam rất nhiều năm trước khi về nghỉ hưu. Vậy trong bảo tàng hiện nay có còn lưu giữ kỷ vật gì gắn liền với ngày thành Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của vị Đại tướng yêu quý của chúng ta ạ?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Trong số hàng vạn hiện vật ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thì có hàng chục hiện vật liên quan đến 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và hiện vật liên quan đến trận đánh Khay Phắt 23/12/1944 và trận Nà Ngần 25/12/1944. Trong đó, có những khẩu súng kíp, thanh mã tấu, nồi cơm, bát ăn… của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những khẩu súng mà Đội thu được trong 2 trận đánh Phay Khắt, Nà Ngần.
Nguyễn Trọng Phú – Nam 53 tuổi
Thưa thiếu tướng Lê Mã Lương, trong chiến dịch Điện Biên Phủ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”. Có phải tư tưởng quyết thắng đồng thời hạn chế sự hy sinh của người lính đã đưa Đại tướng đến quyết định quan trọng này? Và theo ông thì tính thời đại của quyết định đó như thế nào?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Theo tôi đó là 1 quyết định chính xác. Nhưng phải là những con người có tầm vóc lịch sử, có trí tuệ cao siêu, bản lĩnh kiên cường, tính độc lập cao và dám chịu trách nhiệm trước sinh mệnh của những người lính mới thể hiện được 1 quyết định sáng suốt như vậy. Đó chính là bài học cho thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong chống Mỹ. Khi bước vào những trận đánh, điều trước tiên là quyết tâm giành chiến thắng và tiết kiệm xương máu người lính đến mức tối đa. Đó chính là bài học mà chúng tôi đã rút ra được từ Đại tướng.
Video đang HOT
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương. Ảnh: Hoàng Hiển
Trần Thúy Loan – Nữ 21 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, xin ông chia sẻ một vài câu chuyện thú vị trong quá trình bảo quản và trưng bày các hiện vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam? Ông có kỷ niệm nào đặc biệt với các vị khách tham quan những hiện vật này không?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong số hàng vạn hiện vật thì có hàng chục hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó đặc biệt có khẩu súng ngắn mà Bác Hồ đã tặng cho Đại tướng năm 1945 và chiếc áo khoác Đại tướng đã dùng suốt từ năm 1946. Với những hiện vật này, việc bảo quản gặp rất nhiều khó khăn vì khí hậu Việt Nam độ ẩm cao, trong khi đó hiện vật đã có tuổi thọ đến nửa thế kỷ. Tuy nhiên bảo tàng đã khắc phục khó khăn, bằng những thiết bị kỹ thuật bảo quản mới nên những hiện vật của Đại tướng vẫn giữ được nguyên trạng và được khách tham quan ghi nhận.
Năm 2005, trong một lần tiếp xúc với nhà sử học người Mỹ – ông vốn là 1 lính thuỷ đánh bộ Mỹ mà tôi đã từng chạm trán đơn vị của ông ở Quảng Trị năm 1968 – khi tôi giới thiệu những hiện vật của Đại tướng, ông rất ngạc nhiên là những hiện vật này vừa có giá trị cao về mặt văn hoá về khoa học, vể lịch sử và nhân văn vẫn còn nguyên vẹn.
Trần Gia Linh – Email: Forever07us@gmail.com
Khi đương chức, trên cương vị Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự, ông đã quan tâm thế nào đến việc sưu tập tư liệu, kỷ vật về tướng Giáp? Còn tư liệu, kỷ vật nào liên quan đến Đại tướng mà ông muốn nhưng chưa tìm được? Ngoài ra, ông có nhớ một kỷ niệm đặc biệt nào khi gặp Đại tướng?
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Trong hơn 1 thập kỷ tôi làm công tác quản lý bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – 1 trong 7 bảo tàng quốc gia Việt Nam – điều tôi quan tâm nhất là tập hợp, sưu tầm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có những hiện vật đã trở thành những bộ sưu tập như sách Đại tướng viết và sách viết về Đại tướng; hình ảnh Đại tướng với lực lượng vũ trang, hình ảnh Đại tướng với Bác Hồ…
Tuy nhiên, có 1 hiện vật mà cho đến hiện nay, bảo tàng vẫn chưa sưu tầm được đó là lá thư của bà Nguyễn Thị Quang Thái – vợ Đại tướng – gửi cho Đại tướng trước khi bước vào hoạt động bí mật. Lá thư đó hiện nay vẫn đang ở Văn phòng Đại tướng.
Về kỷ niệm với Đại tướng thì tôi còn nhớ: Tháng 4/1971 sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi được điều về Bộ Tư lệnh mặt trận để báo cáo thành tích. Tại Sở chỉ huy, tôi đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10 phút. Cuộc gặp ấy đã để lại cho tôi ấn tượng suốt cuộc đời mình về 1 nhà cầm quân lừng danh thế giới, một nhà văn hoá lớn nhưng hết sức bình dị.
Theo Soha
Thầy giáo Lịch sử vượt 300 cây số trong đêm để mừng tuổi 103 của đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thầy Trần Trung HIếu đã đứng bắt xe dưới trời mưa lúc 23 giờ, đi gần 300 cây số để kịp tới tham dự buổi giao lưu đặc biệt này.
Sáng qua, ngày 23/8/2013, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giao lưu trực tuyến nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 103 tuổi".
Khách mời tham gia chương trình là các vị tướng lĩnh cao cấp, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và một số chuyên gia đã có nhiều năm gắn bó, cộng tác và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH.
Nhận được lời mời từ báo Trí thức Trẻ và ý kiến của Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc, thầy giáo Trần Trung Hiếu (giáo viên môn Lịch sử - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An) đã vượt gần 300 cây số để có mặt tại buổi gặp gỡ và giao lưu các vị tướng lĩnh cao cấp, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đã có nhiều năm gắn bó, cộng tác và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng bước sang tuổi 103.
Được biết, thầy giáo Trần Trung Hiếu là một giáo viên dạy sử và đam mê nghiên cứu lịch sử, đặc biệt ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đã có một số bài viết về nhân vật lịch sử này
Thầy Trần Trung Hiếu (áo trắng) trong buổi giao lưu cùng các vị tướng, nhà nghiên cứu lịch sử trong buổi giao lưu sáng ngày 23/8 tại tòa soạn báo Trí thứ trẻ
- Thưa thầy, thầy có thể cho biết lý do tại sao quyết định vượt 300 cây số trong đêm để tới buổi giao lưu này?
Tôi là một nhà giáo, đồng thời là một người thích nghiên cứu, tìm tòi Lịch sử. Trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử, tôi đã có một thời gian khá dài nghiên cứu về cuộc đời và hoạt động của Đại tướng Giáp, thấy được vai trò của Đại tướng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thời hiện đại.
Tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng và những vị tướng có mặt tại đây đã cùng cộng sự với Đại tướng để làm nên một phần lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó chính là lý do khiến tôi có mặt tại cuộc giao lưu trực tuyến này.
- Thầy có thể chia sẻ một chút hành trình 300 km của mình để tới buổi gặp gỡ và giao lưu cùng các vị tướng lĩnh mừng tuổi 103 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Trong cuộc giao lưu này thì tôi là người đến đây với quãng đường xa nhất. 23h tối qua tôi đứng dưới đường bắt xe ô tô và trời mưa. Đến Hà Nội vào khoảng 5 giờ sáng.
Tuy nhiên vì trong cuộc gặp mặt này tôi sẽ được lắng nghe những lời chia sẻ của vị tướng lĩnh cao cấp, các nhà nghiên cứu lịch sử về những điều mà có thể lâu nay báo chí chưa nói về một vị đại tướng, một người anh cả của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Cho nên dù đường xa nhưng tâm lý và tinh thần của tôi rất phấn khởi.
- Thầy muốn gửi gắm điều gì tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày đặc biệt này?
Tôi nghĩ rằng báo Trí thức Trẻ đã phối hợp với các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu lịch sử để có một cuộc giao lưu đặc biệt này. Đây là một món quà tinh thần rất ý nghĩa để chúc mừng Đại tướng bước sang tuổi 103.
Đến thời điểm này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, của quân đội Việt Nam thọ 103 tuổi. Và cũng là người học trò xuất sắc duy nhất của Hồ Chủ tịch vẫn còn sống.
Dưới góc độ cá nhân, tôi mong muốn Đại tướng sống thọ, sống khỏe để có thể có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử nước nhà.
Thầy Nguyễn Trung Hiếu trong buổi giao lưu trực tuyến nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 103 tuổi
- Được biết, trước khi trở thành vị tướng lĩnh lừng lẫy của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một giáo viên dạy Sử...
Khi tìm hiểu về Đại tướng với nhiều câu nói nổi tiếng, với những quyết định sáng suốt, tôi tâm đắc nhất là câu: "Nếu không có chiến tranh, tôi đã là một thầy giáo dạy Sử".
Cho dù sau này, lịch sử có nhiều biến động, tình hình kinh tế - chính trị có những bước phát triển khác nhau nhưng trong nhận thức, tư duy, tầm nhìn của những người yêu sử, dạy sử luôn nhớ Võ Nguyên Giáp như một vị tướng lừng danh, như một thầy giáo dạy sử đáng kính.
Tôi nghĩ là trong quá trình thầy Võ Nguyên Giáp dạy sử đã tích lũy cho mình những kiến thức lịch sử, được nghiên cứu những cuốn sách mang tính từ điển về nghệ thuật quân sự của thế giới: Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ .. và vận dụng nó một cách sáng tạo vào trong bối cảnh lịch sử Việt Nam.
- Dưới vai trò là một giáo viên dạy Sử, thầy đã mang nhân vật Tướng Giáp huyền thoại đến với các em học sinh như thế nào?
Đối với phần lịch sử Việt Nam hiện đại từ cách mạng Tháng Tám đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn trong đó gắn liền với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cả 2 cuộc kháng chiến đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều đóng vai trò là Tổng tư lệnh. Được xem như là Đại tướng của nhiều vị tướng, người thầy của nhiều người thầy, chuyên gia của nhiều chuyên gia về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
Tôi thường lồng hình ảnh của Đại tướng vào bài giảng thông qua việc giới thiệu cho học trò sơ lược về tiểu sử, gia đình và những quyết định sáng suốt của Đại tướng.
Trong quá trình giảng dạy môn lịch sử, đặc biệt ở 2 chiến dịch quan trọng kết thúc cho 2 cuộc kháng chiến là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh tôi đều nhấn mạnh vai trò lịch sử của Đại tướng thông qua những quyết định sáng tạo, bất ngờ và chính những quyết định đó đã làm thay đổi cục diện của cuộc kháng chiến.
Thứ 2, trong quá trình dạy những kiến thức lịch sử thế giới có liên quan tới nhiều vị tướng, tôi thường xuyên liên hệ, đối chiếu với các danh tướng nổi tiếng của Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ lịch sử thế giới soi vào lịch sử Việt Nam đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh để thấy được những thắng lợi mang tính chiến lược về mặt quân sự trong 2 cuộc kháng chiến đều gắn liền với vai trò cá nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là Tổng tư lệnh.
Năm 1984, Hội Khoa học Hoàng gia Anh đã tổ chức bình chọn 10 vị tướng lừng danh nhất thế giới từ cổ chí kim. Đất nước ta có 2 vị tướng lọt vào top 10 đó là tướng Trần Hưng Đạo và tướng Võ Nguyên Giáp.
Với tài năng, tầm nhìn và tư duy chiến lược của mình dưới sự chỉ đạo của Hồ chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng đã đánh bại 10 vị tướng khác của Pháp và Mỹ. Một dân tộc nhỏ đánh bại 2 cường quốc lớn, một vị tướng đánh bại 10 vị tướng.
- Dưới tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử, thầy nhận xét thế nào về nhân vật lịch sử đặc biệt này của dân tộc này?
Nếu như cho tôi được nhận xét về Đại tướng thì tôi xin nhận xét ngắn gọn như thế này: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của những quyết định lịch sử, và giá trị của những quyết định đó đã làm thay đổi cục diện lịch sử.
Điều may mắn là trong những trận đánh mang tính quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyệt đối tin tưởng và giao toàn quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nhận trách nhiệm đó là nhận trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân và đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một vị tướng Tổng tư lệnh.
- Học sinh của thầy đón nhận những kiến thức lịch sử đó như thế nào? Có nhiều học sinh biết đến và tìm tòi về Đại tướng cũng như những công trạng lẫy lừng đó hay không?
Trong nhiều năm gần đây có một thực tế đáng buồn là nhiều em có xu thế chán Sử. Một số em thích Sử nhưng không thi Sử vì sợ điểm thấp, sợ khó làm bài. Đó là một thực tế. Lỗi đó không phải là của học trò, mà là lỗi của cả một hệ thống, của cả ngành giáo dục.
Bởi sự quan tâm chưa đúng mực và đánh giá chưa đúng tầm cái vị thế, vai trò của môn Sử đối với việc giáo dục lòng yêu nước và một thói quen rất quan trọng đối với tuổi trẻ là cần phải biết ghi ơn những gì mà lịch sử đã làm nên, những điều cha ông ta đã xây dựng.
Bây giờ học Sử, khi nói về Tướng Giáp thì học trò cũng chỉ biết đó là một vị chỉ huy nổi tiếng. Còn cái sự nổi tiếng, vì sao nổi tiếng thì học trò lại không biết.
Bởi thế tôi thiết nghĩ trách nhiệm lý giải cho học trò những vai trò xuất sắc, những đóng góp đặc biệt của Đại tướng phải thông qua những người thầy dạy sử, những bài học lịch sử cụ thể.
Cảm ơn những chia sẻ của thầy trong cuộc trò chuyện!
Theo SoHa
Quần soóc đi làm - có đứng đắn không? "Đứng đắn, lịch sự... đôi khi không phải ở quần áo mà hình thành từ phong cách của từng người". Đó là ý kiến của Nhà thiết kế Đức Hùng, sau khi khampha.vn đăng tải loạt bài "mặc quần soóc đi làm". Là nhà thiết kế thời trang, ông nghĩ sao về đề xuất mặc quần soóc đi làm của ĐBQH Dương Trung...