Thiếu thuốc độc, Mỹ muốn xử bắn tù nhân
Nhiều bang của Mỹ đang đề xuất xử bắn tù nhân khi tình trạng khan hiếm thuốc độc xử tử ngày càng nghiêm trọng.
Các chính trị gia ở ít nhất 2 bang của Mỹ đang không thể nào mua được thuốc độc để xử tử tù nhân đã thừa nhận rằng họ sẽ phải xét đến khả năng giải quyết tử tù bằng hình thức xử bắn, một hình thức hành hình đã bị bãi bỏ ở nhiều nước trên thế giới.
Trước đây, Mỹ thường mua các loại thuốc độc không gây đau đớn của châu Âu để xử tử tù nhân trong nước. Tuy nhiên, gần đây các nhà máy sản xuất dược phẩm ở châu Âu đã tẩy chay sản phẩm này vì lý do đạo đức, khiến tình trạng thiếu hụt thuốc độc xử tử ở Mỹ ngày càng nghiêm trọng.
Một phòng thi hành án tử hình bằng thuốc độc ở Mỹ
Để giải quyết tình trạng này, một số bang vẫn duy trì án tử hình ở Mỹ đã buộc phải sử dụng một số loại thuốc độc hiện có chưa qua kiểm nghiệm thực tế để pha chế thành một loại thuốc độc hành hình mới sử dụng cho các tử tù.
Tuy nhiên, phương pháp sử dụng hỗn hợp giữa thuốc giảm đau và thuốc gây mê này đang bị chỉ trích dữ dội khi một tử tù phạm tội hiếp dâm và giết người ở bang Ohio bị tiêm loại thuốc này đã quằn quại đau đớn và ngắc ngoải suốt 15 phút mới chết. Đây là lần đầu tiên loại thuốc độc này được sử dụng ở Mỹ, và nó ngay lập tức gây ra làn sóng phản đối trong dư luận nước này khi họ cho rằng nó là biện pháp trừng phạt quá dã man và khác thường.
Trước tình hình đó, chính quyền bang Missouri đang đề xuất một quy định mới để giải quyết vấn đề này thông qua việc thi hành án tử hình bằng biện pháp xử bắn.
Tử tù Dennis McGuire đã vật vã suốt 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc mới chết
Ông Rick Brattin, người đại diện cho bang Missouri cho biết nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang này đã ủng hộ biện pháp xử bắn vì hiện các nạn nhân đang phải chờ đợi kẻ thủ ác đền tội quá lâu, và biện pháp xử bắn sẽ đẩy nhanh quá trình thi hành án.
Ông Brattin nói: “Nhiều người chắc sẽ nghĩ đến hình ảnh những năm 1850, khi đội thi hành án xếp hàng để xử bắn tử tù, tuy nhiên thực tế là cái chết đối với ai cũng như nhau. Không thể nói rằng xử bắn là ít nhân đạo hơn tiêm thuốc độc. Nếu tôi phải lựa chọn, tôi sẽ chọn việc xử bắn hơn là tiêm thuốc độc.”
Video đang HOT
Hiện luật của bang Missouri cho phép xử tử hình bằng hơi ngạt, song biện pháp này đã không được sử dụng kể từ năm 1965.
Hiện trên toàn lãnh thổ nước Mỹ chỉ có bang Utah là vẫn duy trì hình thức xử bắn, và họ đã bắn 3 tử tù kể từ năm 1977 đến nay. Tuy nhiên bang này cũng đang dần dần loại bỏ hình thức xử bắn, khiến các nghị sĩ càng đau đầu hơn với câu hỏi làm thế nào để giải quyết vấn đề khan hiếm thuốc độc.
Phòng xử bắn tử tù ở bang Utah, Mỹ
Thượng nghị sĩ Bruce Burns của bang Wyoming đang nỗ lực vận động bang này áp dụng hình thức xử bắn nếu tình trạng khan hiếm thuốc độc vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện luật của Wyoming quy định tử tù sẽ bị xử tử bằng hơi ngạt nếu không có cách nào mua được thuốc độc. Hiện đề xuất của ông Burns sẽ được đưa ra xem xét trong phiên họp hội đồng bang vào tháng 2 tới đây.
Ông Burns cho biết: “Tôi cho rằng việc xử tử bằng hơi ngạt là quá man rợ, thế nên tôi ủng hộ việc xử bắn giống như ở bang Utah. Lý do khiến tôi ủng hộ việc xử bắn vì nó là biện pháp xử tử rẻ tiền nhất hiện nay, rẻ hơn rất nhiều so với việc xây dựng một phòng hơi ngạt.”
Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu án tử hình Yet Dieter lại cho rằng việc thi hành án bằng hình thức xử bắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy “lợi bất cập hại”.
Ông nhận định: “Tôi cho rằng nhiều tòa án sẽ bị ảnh hưởng bởi hình thức thi hành án mà họ cho là dã man và khác thường này. Tôi cho rằng sẽ có nhiều vụ án bị trì hoãn để xem xét và cuối cùng sẽ được chuyển lên Tòa án Tối cao, và điều đó là rất bất thường.”
Theo RT
Tranh cãi về vụ xử tử dài 20 phút ở Mỹ
Dennis McGuire thở hổn hển và phải mất hơn 20 phút sau khi bị tiêm thuốc độc mới tử vong. Gia đình tử tù này lên án đây là một sự tra tấn, bởi loại thuốc hỗn hợp dùng để tử hình Dennis chưa bao giờ được thử nghiệm ở Mỹ.
Tử tù Dennis McGuire và nạn nhân Joy Stewart bị y cưỡng hiếp rồi đâm chết năm 1989. Ảnh: UPI
Dennis McGuire, một tội phạm giết người ở bang Ohio, Mỹ, vừa bị xử tử hôm 16/1. Allen Bohnert, luật sư của ông, mô tả cái chết này là một "sự thử nghiệm thất bại và đau đớn".
Theo AP, tuần trước, ông Bohnert đã cố gắng ngăn cuộc xử tử thân chủ và lập luận rằng phương pháp chưa được thử trước này có thể dẫn đến một hiện tượng y khoa gọi là "đói không khí", khiến tử tù bị "đau đớn và kinh hãi" khi nỗ lực giành lấy từng hơi thở.
Con trai của McGuire, cũng tên là Dennis, và con gái Amber, hôm qua tuyên bố sẽ khởi kiện về cái chết của cha mà họ cho rằng chẳng khác gì một hình thức tra tấn.
McGuire, 53 tuổi, đã hít thở rất mạnh suốt một trong những vụ hành hình dài nhất kể từ khi Ohio lập lại hình phạt xử tử năm 1999. Từ lúc thuốc độc bắt đầu được tiêm vào đến lúc McGuire được tuyên bố đã chết vào 10h53 sáng là 25 phút. Các cuộc tử hình theo phương pháp cũ thường ngắn hơn rất nhiều và không khiến tử tù phát ra những âm thanh như McGuire.
Các quan chức nhà tù đã tiêm vào tĩnh mạch của McGuire hai loại thuốc, thuốc an thần midazolam và hydromorphone giảm đau, để tử hình ông vì gây ra vụ hiếp dâm và đâm chết cô dâu đang mang thai Joy Stewart năm 1989. Phương pháp này được phê duyệt sau khi nguồn cung một loại thuốc an thần mạnh thường dùng trước đó bị cạn kiệt.
Điều bất thường trong vụ tử hình McGuire là sau khi thuốc bắt đầu ngấm vào cơ thể, ông nằm bất động khoảng hơn 5 phút, sau đó đột ngột giãy giụa, cổ phát ra những âm thanh như bị nghẽn, ngực và bụng trồi lên thụp xuống và thở dốc suốt hơn 10 phút tiếp theo. Thông thường, những cử động trên diễn ra ngay đầu quá trình tiêm thuốc và sau đó, tử tù sẽ bất động.
"Ôi chúa ơi", con gái ông, Amber, thét lên khi chứng kiến những giây phút cuối cùng của cha.
5 phút trước khi McGuire bị hành hình, giám đốc nhà tù Ohio Gary Mohr còn bày tỏ tin tưởng rằng vụ xử tử này sẽ rất "nhân đạo, xứng đáng, phù hợp với luật pháp".
McGuire đã bị trói vào cáng khi các nhân viên y tế đưa kim tiêm vào tĩnh mạch trên cánh tay ông. Ông liên tục cảm ơn trưởng nhóm hành hình. Sau đó, ông cảm ơn gia đình của nạn nhân Stewart, những người chứng kiến vụ xử tử, vì "những lời lẽ tốt đẹp" trong lá thư họ gửi cho ông.
"Các con của cha, cha yêu các con. Cha sẽ lên thiên đường. Hẹn gặp lại các con ở trên ấy", McGuire nói với gia đình.
Luật sư bào chữa Jon Paul Rion cho biết tinh thần của gia đình McGuire bị xáo trộn nghiêm trọng bởi vụ xử tử mà họ tin là vi phạm quyền hiến định. "Tất cả công dân có quyền hy vọng rằng họ sẽ không bị đối xử hay xử phạt theo một cách tàn nhẫn và bất thường", ông Rion nói.
Phát ngôn viên nhà tù Ohio JoEllen Smith không đưa ra bình luận về việc vụ tử hình đã diễn ra như thế nào, nhưng cho biết một bản đánh giá sẽ được tiến hành như thông thường. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không công bố tiến trình thời gian của vụ tử hình McGuire cùng ngày như lâu nay, mà cho biết sẽ cung cấp sau.
Phòng xử tử ở nhà tù Ohio. Ảnh: AP
Việc chọn thuốc để xử tử ở Mỹ liên quan đến nhiều vấn đề chứ không chỉ là tác dụng của chúng. Những yếu tố tác động đến việc chọn thuốc là quan điểm chính trị về việc tử hình, các câu hỏi về y đức và sự bảo vệ của hiến pháp trước những hình phạt tàn nhẫn.
Trợ lý bộ trưởng Tư pháp Mỹ Thomas Madden lập luận rằng, dù hiến pháp cấm hình phạt tàn nhẫn, điều đó không có nghĩa là tử tù được quyền chết theo cách không gây đau đớn.
Thẩm phán Mỹ Gregory Frost cũng đứng về phía chính quyền. Tuy nhiên, theo yêu cầu của các luật sư McGuire, ông đã ra lệnh các nhân viên chụp ảnh và bảo quản các lọ thuốc, bao bì và các kim tiêm.
Bang Ohio, trong những năm gần đây sử dụng pentobarbital, một dạng của thuốc độc được dùng để giết chó và mèo. Tuy nhiên, nguồn cung loại thuốc này cho bang đã cạn kiệt do nhà sản xuất không muốn dùng nó vào việc xử tử. Một số vụ tử hình trước đây bằng pentobarbital từng gặp trục trặc nhưng về đặt kim tiêm, chứ không phải về tác dụng của thuốc.
Bang Ohio dự kiến tiến hành thêm 5 vụ tử hình trong năm nay, và vụ tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 19/3. Các bang sẽ bằng mọi giá tìm ra nguồn cung thuốc độc pentobarbital, vì các tòa án có thể đòi phải chứng minh độ tin cậy của các loại thuốc mới, Richard Dieter, giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Tử hình, tổ chức phản đối hình phạt này, cho hay.
"Các thẩm phán sẽ nhận ra rằng những lời cảnh báo về các phương pháp chưa được thử nghiệm không phải là báo động giả", ông nói.
Vụ án Stewart đã bị bỏ lơ suốt 10 tháng, cho đến khi McGuire, người lúc đó đang bị giam do một vụ tấn công khác và hy vọng được cải thiện tình trạng pháp lý, bất ngờ nói với các nhà điều tra rằng ông có thông tin về cái chết của cô. Tuy nhiên, âm mưu đổ tội cho anh rể của McGuire đã nhanh chóng bị phanh phui và ông bị buộc tội giết Stewart.
Hơn 10 năm sau, các bằng chứng về DNA mới xác nhận tội danh của McGuire và ông đã thừa nhận hành vi của mình trong bức thư tháng trước. Các luật sư cho rằng McGuire từng bị lạm dụng về tinh thần lẫn thể xác khi còn bé, đồng thời chức năng não suy giảm đã khiến ông dễ bị thôi thúc hành động.
"Chúng tôi đã tha thứ cho ông ta, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta không cần phải trả giá cho hành động của mình", gia đình Stewart nói trong một thông báo sau vụ xử tử McGuire.
Theo VNE
Hết thuốc tiêm, Mỹ dùng thuốc dành cho động vật hành quyết tử tù Do thiếu nguồn cung các loại thuốc tiêm, Mỹ đã tử hình các tử tù bằng một loại thuốc gây mê cho động vật. Một phòng xử án tử hình bằng thuốc độc ở Mỹ - Ảnh: AFP Vì lý do nhân đạo, nhiều hãng dược châu Âu đã ngừng xuất khẩu thuốc độc dạng tiêm cho những bang của Mỹ áp dụng...