Thiếu thuốc cục bộ nhưng nhiều địa phương chưa mở được gói thầu
Việc thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và những dịch vụ kỹ thuật như máy đặt, máy mượn cung cấp dịch vụ đã ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm y tế như thế nào?
Thông tin tới báo chí về “Danh mục thuốc và các dịch vụ kỹ thuật y tế được quỹ BHYT chi trả – thực trạng và đề xuất nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) dễ tiếp cận trong quá trình điều trị”, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam – BHXHVN) cho biết, thời gian qua, người tham gia BHYT cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và những dịch vụ kỹ thuật như máy đặt, máy mượn cung cấp dịch vụ.
Ông Lê Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về chính sách BHYT ngày 8/7.
Có tình trạng thiếu thuốc cục bộ
Nguyên nhân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đã được nêu ra và thời gian qua Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã họp bàn để phân tích, gỡ vướng liên quan đến mua sắm đấu thầu, đặc biệt là cơ chế chính sách. Về phía BHXH Việt Nam, trách nhiệm là phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, để xây dựng các chính sách liên quan đến BHYT.
Về đấu thầu thuốc, ông Phúc cho biết: “Chúng tôi cũng yêu cầu BHXH các địa phương luôn phải theo dõi xem việc đấu thầu đã sắp hết hạn hay chưa, thuốc men ở các bệnh viện như thế nào… Kịp thời thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh, BHYT về việc này. Theo thống kê, có 7 địa phương đã hết hạn từ năm 2021 mà đến tháng 6, tháng 7 chưa mở được gói đấu thầu cho năm 2022. Vì vậy, khi chậm mở thầu như vậy ảnh hưởng đến chỉ định thuốc. Bên cạnh đó, có những địa phương chỉ đấu thầu theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng…”.
Đối với vật tư y tế, ông Phúc cho biết, hiện không nhiều tỉnh thực hiện được đấu thầu vật tư y tế, chủ yếu là các cơ sở khám chữa bệnh, việc mua sắm vật tư y tế khó hơn so với thuốc.
“Vật tư y tế đang thực hiện chủ yếu theo Thông tư 58 của Bộ Tài chính, Thông tư 14/2020 của Bộ Y tế và các quy định này còn đang có vướng mắc, dẫn đến các cơ sở khó khăn trong việc mua sắm vật tư y tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ, phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, sớm có sửa đổi để hướng dẫn các địa phương tham gia mua sắm vật tư“, ông Phúc nói.
Về vấn đề thuốc men, ông Phúc thông tin thêm, một số tỉnh rất thiếu thuốc như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.
Được biết, từ giữa tháng 5/2022, nhiều bệnh viện có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị thanh toán chế độ BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn – đặt từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất sau công văn dừng thanh toán của BHXH.
Video đang HOT
Thông tin thêm về việc thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, cho biết, hiện vẫn thiếu cục bộ, một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở Trung ương cũng như Sở Y tế các địa phương còn chậm.
“Chúng tôi đã thống kê có những mặt hàng hết hàng nhưng trên 3 tháng chưa đấu thầu, có những tỉnh dồn tập trung ở Sở y tế như: Nghệ An, TP.HCM, Hà Nội…, tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu lại vật tư y tế, khá phổ biến. Qua theo dõi chi phí bình quân một đơn cấp thuốc cho người bệnh thì chưa có sự biến động lớn kể từ tháng 4 đến tháng 6, chênh nhau khoảng dưới 10.000 đồng/1 đơn thuốc, (khoảng 5%), chứng tỏ tình trạng thiếu thuốc vẫn đang cục bộ”, ông Đức nói.
Sau thiếu thuốc là thiếu máy đặt, máy mượn
Thực tế, những năm qua người bệnh có BHYT tại Việt Nam được bảo đảm quyền lợi khá tốt, về dịch vụ kỹ thuật hiện có gần 10.000 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT. Các dịch vụ được triển khai, thanh toán từ các trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến Trung ương… đều được thanh toán.
Tuy nhiên, trang thiết bị, máy mượn, máy đặt, thời gian qua cũng có khó khăn về cơ chế chính sách, Bộ Y tế vẫn áp dụng cho phép những cơ sở mua sắm đấu thầu vật tư, trúng thầu cho phép được đặt máy, mượn máy tại các cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, ông Phúc cho biết BHXH Việt Nam có văn bản gửi sang Bộ Y tế hướng dẫn, đồng thời đề xuất tới đây sẽ có buổi họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này.
Thông tin thêm với báo chí xoay quanh vấn đề máy mượn, máy đặt và thanh toán dịch vụ này tại các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc, cho biết thêm: “Năm 2007, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15 về xã hội hóa trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập, nhưng trong thông tư này ở thời điểm đó không có hình thức mượn máy đặt. Đến năm 2015, chúng tôi đi kiểm tra tại các cơ sở khám chữa bệnh thì phát hiện thấy rất nhiều tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh mượn máy, đặt máy từ các công ty.
Chuyện đặt máy ở thời điểm này còn ràng buộc số lượng dịch vụ kỹ thuật, số lượng hóa chất phải thực hiện ở những máy này. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Y tế đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn. BHXH Việt Nam là đơn vị tư vấn, tổ chức thực hiện còn đơn vị quản lý Nhà nước về BHYT là Bộ Y tế”.
Ông Phúc cũng cho biết, sau đó, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh mà trúng thầu hóa chất thì mới được đặt máy, đấu thầu từ hóa chất đi, sau đó đơn nào trúng thầu hóa chất A thì công ty cung cấp máy sẽ cung cấp cho các máy đó.
Tuy nhiên, cũng có vướng mắc là đấu thầu hóa chất thực hiện một năm, hết hóa chất lại phải đấu thầu mới. Nhưng, khi đấu thầu mới thì máy đặt vẫn trúng, vì hóa chất là hóa chất đóng (tức là hóa chất nào thì đi với máy đó) không có chuyện hóa chất của công ty A lại sử dụng được cho công ty B, rất hãn hữu. Với vấn đề này, BHXH vẫn tiếp tục kiến nghị.
Năm 2017, Bộ Tài chính có công văn 16661 gửi BHXH Việt Nam về quy định một số hình thức xã hội hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công lập không được đặt, mượn máy mà phải chuyển cây máy, hoặc nếu ai cho tặng phải chuyển đổi sang hình thức sở hữu toàn dân.
Sau khi có vấn đề này, BHXH Việt Nam đã gửi văn bản sang Bộ Tài chính xin ý kiến và Bộ Tài chính trả lời khẳng định “không được mượn, không được đặt”.
“BHXH Việt Nam có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện và không chấp nhận thanh toán. Sau đó, Bộ Y tế có công văn 2009 cho phép thực hiện tiếp tục thanh toán chỉ với trường hợp máy mượn, máy đặt đã trúng thầu hóa chất trước đó, sau đó mới đặt máy, mượn máy, hết hợp đồng thì gia hạn tiếp tục.
Diễn biến tiếp theo là Bộ Y tế có hủy bỏ công văn 2009, chỉ hủy một phần và BHXH cũng đã có hướng dẫn tỉnh, thành phố thực hiện tiếp tục theo hướng dẫn của Bộ Y tế vướng mắc này, Bộ Y tế đã có văn bản số 3134 ngày 15/6/2022 báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thực trạng của việc mượn máy, đặt máy. BHXH mới đây cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế về vấn đề xử lý việc này như thế nào sau khi có ý kiến từ Bộ Tài chính. Tại cuộc họp mới đây, các đơn vị cũng nêu khó khăn, vướng mắc”, ông Phúc thông tin.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, kiến nghị giải pháp giải quyết
Trước thông tin phản ánh của người bệnh về tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã làm việc với các cơ sở y tế để nắm bắt tình hình cung ứng thuốc, đồng thời tìm giải pháp giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc.
Qua làm việc với các bệnh viện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các đơn vị này đều đang thiếu thuốc tại cơ sở.
Bệnh viện hết thuốc, người bệnh phải mua thuốc ở ngoài
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức cho thấy, nhiều người bệnh sau khi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã phải ra các nhà thuốc xung quanh bệnh viện để mua thuốc. Chị Đ.T.T.H. (ngụ Bình Dương) đang điều trị ung thư, sau khi tái khám tại bệnh viện, chị phải ra ngoài mua thuốc Anastrozole 1mg (thuốc điều trị ung thư vú) vì trong bệnh viện hết thuốc. Chị H. định mua 28 viên thuốc nhưng sau khi kiểm tra lại tiền, chị chỉ đủ mua 14 viên với giá khoảng hơn 400.000 đồng
Nhiều bệnh nhân phải ra nhà thuốc xung quanh bệnh viện để tìm mua thuốc vì bệnh viện hết thuốc.
"Những lần trước đi khám tôi không phải tốn tiền mua thuốc ở ngoài vì có BHYT hoặc có mua thuốc ngoài, nhưng cũng rất ít;thế mà hôm nay đi tái khám, bác sĩ nói hết thuốc Anastrozole 1mg, tôi đành phải ra ngoài mua thuốc. Tôi định mua một hộp 28 viên để dùng luôn một tháng, nhưng mang không đủ tiền nên chỉ mua được nửa hộp thôi", chị H. cho biết.
Anh T.V.K. (ngụ Long An) lên tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cũng phải mua thuốc chống thải ghép ở ngoài vì bệnh viện hết thuốc. Anh K. cho biết, hai tháng nay khi đi tái khám anh đều phải tốn từ 4 - 5 triệu đồng để mua thuốc ở ngoài, vì bệnh viện không có thuốc. Chỉ vào toa thuốc anh K nói: "Trong đơn thuốc có 3 loại thì bệnh viện chỉ còn 2 loại, còn một loại đắt nhất là thuốc CellCept v-500mg không có, nên tôi phải mua ở ngoài. Với toa thuốc này thì tốn khoảng hơn 3 triệu đồng. Tháng này là ít rồi chứ tháng trước tôi toa thuốc của tôi tới gần 5 triệu đồng".
Trong toa thuốc, bệnh viện cũng ghi rõ bệnh nhân tự túc do dược hết.
"Tôi thuộc diện được BHYT chi trả 100% nên những lần đi khám trước đó tôi không tốn tiền thuốc mà chỉ tốn mỗi tiền xe đi lên khám bệnh. Còn mấy tháng gần đây, bệnh viện hết thuốc nên tôi phải mua thuốc ở ngoài. Bệnh của tôi phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, nếu cứ tình trạng hết thuốc và phải mua ở ngoài với giá thế này làm sao gia đình gánh nổi", anh K. chia sẻ.
Còn chị N. T. T L (ngụ Quảng Ngãi) điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) cũng ngao ngán khi phải chạy đi nhiều nhà thuốc mà vẫn không mua được thuốc Cetrorelix acetat 0,25mg (thuốc giúp ngăn chặn quá trình rụng trứng sớm bằng cách ngăn hormon phóng thích - GnRH).
"Trong toa thuốc có 3 loại thuốc thì tôi mua được 2 loại, còn riêng Cetrorelix acetat 0,25mg tôi đi mấy nhà thuốc ở gần Bệnh viện Từ Dũ và cả những nhà thuốc ở gần Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đều không có thuốc", chị T. L mệt mỏi cho biết.
Trong khi đó, ông Đ.V.H (67 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) cũng cho biết, ông bị huyết áp, tim mạch nên tháng nào cũng phải đi tái khám tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức. Ba tháng gần đây đi khám lần nào ông cũng phải mua thuốc ở ngoài vì bệnh viện hết thuốc. "Trước đây đi khám lúc nào tôi cũng được phát đủ thuốc BHYT, nhưng 3 tháng gần đây thì bệnh viện thường xuyên thiếu thuốc. Thông thường bác sĩ kê 3 loại thuốc thì trong toa lúc nào cũng thiếu 1 - 2 loại thuốc và phải ra ngoài mua. Thuốc mỡ máu là thường xuyên thiếu nhất", ông Đ.V.H cho biết.
Thiếu thuốc do sợ sai không dám tổ chức đấu thầu?
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế mới đây, hầu hết giám đốc các bệnh viện đều cho rằng, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở đã tồn tại từ lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu muộn như một số phản ánh trên báo, đài.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, cơ bản các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân do hầu hết các bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định.
Lý giải về nguyên nhân thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các bệnh viện trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu chờ có kết quả của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thì khả năng thuốc bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu thì có lo gặp khó khăn trong thanh toán khi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các bệnh viện đã đấu thầu trước đó.
Bên cạnh đó, một số thuốc mới phát sinh do các bệnh viện tuyến cuối triển khai thêm các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học... Theo đó, hầu hết các thuốc này chưa có số đăng ký, chủ yếu là nhập khẩu chuyến hàng năm sau khi được Bộ Y tế cấp phép. Trường hợp Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì các thuốc này sẽ bị thiếu trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, một số cơ sở khám, chữa bệnh có quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực tham gia công tác đấu thầu thuốc theo quy định, chưa có kinh nghiệm trong mua sắm (như Trung tâm y tế quận, huyện; bệnh viện quận, huyện quy mô nhỏ). Do đó, các cơ sở này thường bị động trong công tác đấu thầu thuốc vì mua sắm với số lượng nhỏ và thiếu kinh nghiệm trong mua sắm thuốc bổ sung theo quy định đối với những thuốc không trúng thầu.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, ngành y tế Thành phố đang thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế trong thời gian sắp tới. Cụ thể, Sở đã xây dựng đề án và trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị. Trung tâm sẽ hoạt động theo lộ trình ở giai đoạn đầu mua sắm thuốc tập trung, sau khi ổn định sẽ tiến hành mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị.
Song song đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị với UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh và sớm hiện thực hóa đề án xây dựng Khu công nghệ Y - Dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký và xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến; đồng thời chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các bệnh viện kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh.
Song song đó, ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Y tế cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn...
Cả nước có trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế Năm 2009, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 57% dân số, nhưng ước đến hết tháng 6/2022 đã có trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số. Tiếp nhận và trả thẻ bảo hiểm y...