Thiếu nước, nhiều người dân thủ đô hạn chế giặt giũ
Do sự cố đường ống nước sông Đà, nhiều hộ dân ở quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy (Hà Nội) bị mất nước sinh hoạt 2-3 ngày nay.
Từ khi đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 16 hôm 6/11, nhiều khu vực ở Hà Nội lại rơi vào cảnh thiếu nước. Chị Mai Trang kể, khu dân cư dọc đường Hoàng Công Chất (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) nơi chị sống nháo nhác vì mất nước 3 ngày nay. Gia đình chị có 4 người, dùng tiết kiệm bể nước dung tích 1,5 m3 chỉ được hai ngày. Quần áo của cả nhà chất đống trong máy giặt chờ nước về.
Để có nước dội nhà vệ sinh, vợ chồng chị tranh thủ ngày chủ nhật trời mưa, mang xô chậu hứng nước từ mái hiên chảy xuống. Tối nay nếu không có nước, gia đình chị Trang phải mang quần áo lên nhà chị gái tắm giặt nhờ.
Chị Trang cho hay, khu vực này không phải cuối đường ống sông Đà nhưng mỗi lần đường ống gặp sự cố là hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh mất nước. “Đường ống gì mà mong manh như gái đẻ, động một tí là vỡ, là cắt nước khiến người dân khốn khổ”, chị ví von và cho biết cư dân nơi đây đã phản ánh đến Xí nghịệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, đơn vị trực tiếp cung cấp nước.
Bể nước nhà chị Trang đã cạn thấy đáy, 3 ngày liên tiếp không có nước dùng. Ảnh: Người dân cung cấp.
Một số hộ dân tổ 27, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng đang sống trong tình trạng nước sinh hoạt phập phù. Chị Bích Hà cho biết mọi năm sang mùa se lạnh, chị còn phải vặn bớt van đầu vào cho nước chảy nhỏ đi vì lượng nước bơm lên rất lớn, làm bật phao và tràn bể ngầm. Nhưng năm nay thì khác, bể ngầm với dung tích hơn 4 m3 đã cạn kiệt nước hai ngày nay. May mắn, nhà chị Hà vẫn còn hai bể nhỏ trên trần với dung tích tổng cộng 4 m3 nhưng phải dùng rất tiết kiệm.
Hai ngày nay, 5 người trong gia đình chị Hà chỉ dám dùng nước để ăn, không dám giặt. Quần áo khô trong giỏ để chờ nước về, tắm gội phải ra ngoài nhờ người thân. Chị Hà cho biết chờ hết đêm nay mà không có nước thì chị sẽ phản ánh lên đơn vị cung cấp.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho biết, do đường ống sông Đà bị sự cố ngày 6/11, việc cấp nước hạn chế hơn trước. Sáng 7/11, xí nghiệp đã thông báo đến tất cả phường mà đơn vị cung cấp nước để người dân tiết kiệm, chờ khắc phục sự cố. “Những hộ không có nước có thể do áp lực bơm yếu hoặc là hệ thống nước của gia đình đó có vấn đề. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra”, ông Cương nói.
Trước đó vào sáng 6/11, đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 16. Các công nhân phát hiện đường ống rò rỉ, khiến nước sạch phun lên mặt đường tại km22 đại Lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Thạch Thất. Đến 21h đêm, để khắc phục sự cố, đơn vị đã tạm dừng cấp nước, huy động máy đào để vá đường ống.
Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26/9, đường ống nước sạch bị vỡ lần thứ 14, 15. Để giải bài toán thiếu nước do vỡ đường ống, sáng 7/10 Hà Nội đã khởi công dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông giai đoạn 2, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.
Video đang HOT
Phương Hòa
Theo VNE
Phú Yên: Dân "khát" bởi các công trình "bịt" mạch nước ngầm?
Lợi dụng địa hình thấp, người dân 1 số thôn ở Phú Yên đào giếng ở mạch nước rồi bắt đường ống dẫn nước về nhà, nhưng từ khi có các công trình về đây, dân kêu "khát" vì công trình "bịt" mạch nước ngầm.
Hệ thống cấp nước tự chảy
Đó là hoàn cảnh chung của bà con nông dân ở thôn Tân Lập, xã An Mỹ; thôn Phú Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Do điều kiện địa hình thấp hơn so với các vùng khác nên người dân ở đây tận dụng dựa vào tác động của trọng lực để đưa nước từ nguồn (nước ngầm mạch lộ hoặc nước mặt từ các khe suối...) về nhà thông qua hệ thống đường ống nước.
Được biết bà con ở đây dùng loại ống nhựa PVC để đưa nước về, mỗi ống có đường kính từ 1-3cm. Hệ thống ống dẫn được bà con chia thành đoạn ngắn và để bắt nước người dân dùng hơi hút lên. Hệ thống đường ống được bắt nằm dọc hai bên đường hoặc treo trên cây tiện cho việc quan sát khi ống bể, cho nước chảy về thuận lợi.
Hệ thống đường ống dẫn nước được mắc trên cây để thuận lợi cho nước chảy.
Tại thôn Tân Lập, mỗi hộ dân chủ động đào giếng ngay tại mạch nước lộ và bắt đường ống dẫn về nhà. Đa phần, các giếng nước được đào hai bên trục đường ĐT643.
Ông Võ Tấn Hiệp (45 tuổi, trưởng thôn) cho biết: "Cả thôn có 100 hộ nhưng không hộ nào có giếng tại nhà, tất cả đều sử dụng nước từ nguồn này để sinh hoạt. Xã đã có dự án xây dựng bể nước lớn phục vụ cho cả thôn với kinh phí 150 triệu đồng tại khu vực giếng Ông Vẻo nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì không có kinh phí".
Còn thôn Phú Sơn, chính quyền địa phương cũng sử dụng hệ thống cấp nước tự chảy để cung cấp cho nhân dân. Hiện tại, thôn đang khoan 1 giếng tập thể đầu nguồn và cải tạo 3 hệ thống cấp nước tự chảy để phục vụ cho 155 hộ dân.
Giếng nước do người dân thôn Tân Lập tự đào hai bên đường ĐT643 đã cạn.
"Nếu nước nguồn không bị khô hoặc đứt mạch thì nước có thể sử dụng quanh năm. Tuy nhiên, đường ống dẫn hư hỏng rất nhanh cùng với việc bị mất cắp nên phải đi canh và thay thường xuyên mới đảm bảo đủ nước dùng. Giá mỗi cuộn ống trên thị trường hiện nay là 37.000 đồng", Anh Bùi Đông (37 tuổi, thôn Tân Lập) cho hay.
Nước được để chảy tự do suốt ngày đêm nên đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người dân sinh hoạt.
Thiếu nước sinh hoạt do các công trình
Liên quan đến việc thiếu nước sinh hoạt, người dân cho rằng nguyên nhân là do các công trình xây dựng không hợp lý.
Chị Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, thôn Tân Lập) tâm sự: "Trước giờ không thiếu nước dùng nhưng từ khi thi công con đường ĐT643 chạy qua thì vào mùa nắng là thiếu nước sinh hoạt. Mọi người phải xuống xóm Cầu Sắt chở nước. Để hạ mặt đường, nhà thầu đã nổ mìn phá đá, đào hạ nền đường đúng cao độ thiết kế, múc xuống rất sâu so với mặt đất, làm chuyển hướng chảy của các mạch nước ngầm.
Vì thiếu nước nên địa phương hay xảy ra tình trạng mất đoàn kết khu dân cư. Bà con tranh giành mạch nước ngầm, trộm cắp ống dẫn nước. Hơn nữa, chúng tôi lo lắng không biết nguồn nước này có còn sạch hay không bởi vì nhà thầu đã nổ mìn đá. Và cứ trời mưa là phải chờ đợi vì nước bị đục".
Được biết cả thôn Tân Lập chỉ còn ống nước nhà anh Bùi Đông là chảy, nhưng khoảng hoảng 2, 3 ngày là phải đi bắt nước 1 lần.
Cụ Trần Hữu Tài phải hút nước về ống.
Thôn Phú Sơn vừa cải tạo xong giếng nước tập thể (giếng Quảng) tại xóm Chòm Mương dựa theo hệ thống giếng cũ do Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nhất Huy thi công. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành thì bắt đầu thiếu nước sinh hoạt.
Cụ Trần Hữu Tài (79 tuổi) bức xúc: "Trước khi xây dựng công trình mới, tại đây bà con ở thôn đã tự túc làm cái giếng tập thể nhưng diện tích nhỏ, mực nước trong giếng dâng cao nên đủ nước, thậm chí là dư nước cho sinh hoạt. Từ cái giếng cũ này, công trình mới xây với diện tích lớn hơn (dài 4m, rộng 2m) dẫn đến không đủ nước dùng".
Ông Nguyễn Minh Đính (30 tuổi) phó thôn Phú Sơn cho hay: "Để đảm bảo nước sạch cho bà con nhân dân, đáy giếng được đổ một lớp bê tông mỏng, cùng với trời nắng nóng, mạch nước cũng yếu dần dẫn đến tình trạng thiếu nước, địa phương sẽ tiến hành họp thôn để đưa ra phương án giải quyết sớm nhất, có thể là dỡ bỏ đáy bê tông".
Ông Trương Văn Diễn (55 tuổi) chia sẻ: "Giếng xây xong cũng là lúc thiếu nước sinh hoạt. Nếu trước đây cái giếng này phục vụ 80/155 hộ thì bây giờ mọi người phải tiết kiệm từng giọt mới đủ. Vì đáy giếng không đổ đá sạn cho nước thoát ra mà lại đổ tê tông nên mạch bị bịt kín. Biết là vậy nhưng không ai dám lên đục bỏ lớp bê tông vì sợ".
Tình trạng này kéo dài khiến nhiều hộ dân hoang mang. Riêng tại thôn Tân Lập, người dân đã chủ động đi chở nước tại các vùng lân cận. Còn thôn Phú Sơn, các hộ dân đang chờ các cấp chính quyền nghiệm thu xử lý.
Trao đổi với PV, ông Võ Tấn Hiệp, trưởng thôn Tân Lập cho biết : "Đường ĐT643 chạy qua làm cho hướng chảy của các mạch nước ngầm thay đổi nên các hệ thống cấp nước tự chảy bị đứt nguồn vào mùa nắng. Hiện tại địa phương đang xin hỗ trợ của huyện, tỉnh để xây dựng công trình nước sạch".
Đường ĐT643 là đường cứu nạn và tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa dài hơn 39km, tổng mức đầu tư hơn 829 tỉ đồng, trong đó đoạn một (thuộc ĐT 643) bắt đầu tại điểm giao với quốc lộ 1 tại xã An Mỹ (huyện Tuy An), điểm cuối giao với trục giao thông phía tây Phú Yên tại ngã tư trụ sở UBND xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa); đoạn hai (thuộc ĐT 650) điểm đầu tại xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), điểm cuối thuộc địa phận xã An Xuân (huyện Tuy An).
Dự án này do Ban quản lý Dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ cuối tháng 4/2010. Tổng thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành chi nhánh Phú Yên.
Cúc Nguyên
Theo_Người Đưa Tin
Hà Nội đề xuất chi 860 tỷ làm đường ống khẩn cấp dẫn nước sông Đà Do đường ống nước sông Đà liên tục vỡ, thành phố Hà Nội đề xuất Thủ tướng cơ chế đặc thù làm đường ống khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu nước sạch của nhân dân. Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 1/10, UBND TP Hà Nội cho hay, để chủ động, kịp thời đảm bảo an ninh nguồn nước thời gian...