Thiếu nữ 17 tuổi bị viêm não tự miễn do u quái buồng trứng, mất cả tỷ để phẫu thuật
Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM hôm nay thông tin về tình trạng gia tăng đột biến các ca viêm não tự miễn NMDAR liên quan đến u quái buồng trứng, trong đó có bệnh nhân 17 tuổi.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong 18 tháng qua đã tiếp nhận 17 ca mắc viêm não tự miễn NMDAR, trong đó chỉ trong tháng 6 đã có 4 ca.
Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. 82% người bệnh đã hôn mê, co giật dẫn tới việc điều trị rất khó khăn. Đáng chú ý, 12/17 ca bệnh là nữ, độ tuổi trung bình chỉ 23, người trẻ nhất mới 17 tuổi.
Phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương TPHCM, các bác sĩ đã tìm ra mối liên quan giữa viêm não tự miễn NMDAR với u quái buồng trứng.
Trước đó, căn bệnh này hầu như ít được phát hiện, y văn thế giới mới ghi nhận khoảng 1.500 ca.
Một ca viêm não tự miễn NMDAR đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC
Video đang HOT
Chia sẻ cụ thể về ca bệnh mới 17 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Mai – Trưởng khoa Hậu sản Bệnh viện Hùng Vương TPHCM cho biết, bệnh nhân này phát hiện có u buồng trứng vào tháng 10/2022. Ban đầu, các bác sĩ tuyến tỉnh nhận định đây là u lành, kích thước nhỏ nên tiếp tục theo dõi. Một năm sau, bác sĩ phụ sản khuyên nên làm phẫu thuật nhưng gia đình còn chần chừ vì muốn em học xong.
Đến tháng 3/2024, em bắt đầu có các triệu chứng tâm lý bất ổn, co giật, gia đình cho đi khám và phát hiện mắc viêm não tự miễn NMDAR.
Bệnh nhân này có u quái buồng trứng cả 2 bên. Em đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Bác sĩ cố gắng bóc tách các khối u nhưng do có quá nhiều nên buộc phải cắt bỏ cả 2 buồng trứng. Lo ngại cho cuộc sống gia đình trong tương lai của người bệnh, các bác sĩ đã liên hệ một đơn vị để lưu trữ mô buồng trứng cho thiếu nữ này.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, do đến bệnh viện khi đã muộn, bệnh chuyển nặng nên thiếu nữ nói trên phải trải qua 3 lần phẫu thuật, 20 lần thay huyết tương. Chi phí điều trị 3 tháng qua đã lên đến 1,3 tỷ đồng.
Cũng theo bác sĩ Hùng, khó khăn của quá trình chẩn đoán viêm não tự miễn NMDAR là thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị phù hợp, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này rất cao (gần 100%). Hiện nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị chuẩn cho căn bệnh này.
Đối với chùm ca bệnh viêm não tự miễn NMDAR tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thời gian điều trị trung bình cho 1 ca là 6 tuần, thời gian để bệnh nhân hồi phục cần khoảng 3 tháng.
Đặc biệt, do quá trình điều trị bệnh lâu dài và phải can thiệp bằng nhiều kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu, thay huyết tương, phẫu thuật, thuốc đặc hiệu… nên chi phí trung bình cho mỗi ca khoảng 1 tỷ đồng.
Bênh viện Chợ Rẫy đã điều trị khỏi hoàn toàn cho 9 ca, 4 ca vẫn đang tiếp tục chữa trị và 4 ca tử vong.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, bệnh viêm não tự miễn NMDAR thường gặp ở phụ nữ trẻ, đặc biệt ở người có u quái buồng trứng. Các khối u này sinh ra kháng thể NMDA tấn công hệ thần kinh trung ương, làm tổn thương não bộ ở nhiều mức độ khiến người bệnh co giật, dễ dẫn đến hôn mê và tử vong. Các triệu chứng thường thấy là người bệnh có hành vi bất thường, rối loạn nhận thức và chức năng ngôn ngữ, vận động, tri giác… Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên tầm soát u quái buồng trứng, đặc biệt ở các thiếu nữ trẻ để phát hiện bệnh sớm. |
Thời điểm nên tiêm vaccine sởi cho trẻ
Nếu không tiêm vaccine sởi, trẻ mắc bệnh có thể gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm não...
Con tôi mới 5 tháng tuổi. Thấy xung quanh nhiều người mắc sởi quá, tôi có nên đưa con đi tiêm phòng sớm?
Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai
Hiện nay, bệnh sởi đang gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và khu vực lân cận Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em Việt vẫn chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm bệnh sởi.
Thời tiết giao mùa với sự gia tăng giao lưu, du lịch, vì vậy bệnh rất dễ lây lan và gây dịch nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine. Người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm phòng sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.
Chỉ 80-85% trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9-11 tháng tuổi đáp ứng miễn dịch. Tỷ lệ bảo vệ có thể nâng lên 90-95% nếu bé được tiêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi.
Sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch, trẻ có thể có miễn dịch suốt đời với bệnh. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần tiêm phòng tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Nếu không tiêm, mọi người sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Việc cần làm để bệnh quai bị nhanh khỏi Tôi cứ tưởng chỉ trẻ con mới bị quai bị, không ngờ người lớn như tôi mà còn mắc bệnh này. Xin hỏi bác sĩ tôi nên chú ý những gì để bệnh nhanh khỏi? Tôi cứ tưởng chỉ trẻ con mới bị quai bị, không ngờ người lớn như tôi mà còn mắc bệnh này. Xin hỏi bác sĩ tôi nên chú...