Thiếu niên tị nạn tấn công bằng rìu đẫm máu ở Đức
Thiếu niên 17 tuổi gốc Afghanistan dùng rìu và dao chém liên tiếp vào các hành khách trên chuyến tàu hỏa ở Đức khiến 19 người bị thương.
Hiện trường vụ tấn công đầy máu.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 21h15 tối qua 18.7 (theo giờ địa phương) trên chuyến tàu khởi hành từ thị trấn Treuchlingen bang Bavaria đến thành phố Wuerzburg ở bang Bayern, Đức.
Vụ tấn công khiến 19 hành khách trên tàu phải nhập viện, trong đó có 3 người bị thương nặng. Thủ phạm đã bị bắn chết ngay tại hiện trường khi đang tìm cách tẩu thoát.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công
Video đang HOT
Người đứng đầu cơ quan Nội vụ bang Bavaria, ông Joachim Herrmann cho biết, thủ phạm gây ra vụ tấn công là một người nhập cư Afghanistan 17 tuổi, đã sống ở Ochsenfurt được vài tháng. Vụ tấn công này có thể là một vụ tấn công Hồi giáo. Đặc biệt, kẻ tấn công đã hô to “Allahu akbar” (Thánh Allah vĩ đại) trong khi điên cuồng chém người.
Sau vụ tấn công, tuyến đường sắt đã được tạm ngưng hoạt động để cảnh sát tiến hành điều tra. Động cơ vụ tấn công vẫn chưa được công bố.
Người dân Đức đang phải sống trong nỗi lo âu về những kẻ cực đoan Hồi giáo sau các cuộc tấn công ở Pháp. Hồi tháng 5, một người được cho là đã hét lên “Thánh Allah vĩ đại” khi làm một người chết và 3 người khác bị thương trong vụ tấn công bằng dao ở ga tàu hỏa gần thành phố Munich.
Theo Hằng Thu (Báo Giao thông)
6 quốc gia giàu nhất thế giới cưu mang chưa đầy 9% người tị nạn
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh chỉ cưu mang 8,9 % người tị nạn, tương đương 2,1 triệu người, theo báo cáo của Oxfam.
Một ông bố Syria đưa con gái một tháng tuổi chạy sang đảo Lesbon, Hy Lạp tìm đường sang châu Âu tị nạn vào tháng 9/2015. Ảnh: Reuters
Theo Guardian, Oxfam hôm nay công bố báo cáo cho thấy 6 quốc gia giàu nhất thế giới, chiếm 56,6% GDP toàn cầu chỉ chấp nhận 2,1 triệu người tị nạn, trong đó 1/3 đang ở Đức, số còn lại phân bố tại 5 quốc gia khác.
Oxfam là liên minh quốc tế của 17 tổ chức tại 94 quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công.
Số người tị nạn tại vương quốc Anh chỉ có 168.937, bị đánh giá là "đáng xấu hổ", theo Mark Goldring, giám đốc điều hành của Oxfam tại Anh.
Hơn một nửa số người tị nạn, gần 12 triệu người, sống ở Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Pakistan, Lebanon và Nam Phi, mặc dù tổng GDP của những quốc gia này chiếm chưa đầy 2% thế giới.
Oxfam kêu gọi chính phủ các nước giàu tăng số người tị nạn ở nước mình, đồng thời giúp đỡ các nước nghèo đang cung cấp nơi ăn chốn ở cho người tị nạn.
"Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta, các nước nghèo và người nghèo bị bỏ mặc, trách nhiệm đặt nặng trên vai", ông Goldring nói.
"Đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu, trong đó các nước giàu nên san sẻ công bằng bằng cách chào đón thêm nhiều người tị nạn hơn, giúp đỡ và bảo vệ họ nhiều hơn, bất kể họ đang cư trú tại đâu".
"Hơn bao giờ hết, Anh phải thể hiện mình là một xã hội cởi mở, khoan dung, chuẩn bị tốt cho vai trò xử lý cuộc khủng hoảng di cư. Thật đáng xấu hổ khi bản thân là một trong những nền kinh tế giàu nhất thế giới, nhưng Anh chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho chưa đầy 1% người tị nạn".
Theo báo cáo năm ngoái của Liên Hợp Quốc, hơn 65 triệu người đã phải tha hương do bạo lực, chiến tranh và vi phạm nhân quyền, con số cao nhất trong lịch sử được ghi nhận. Trong số 40,8 triệu người phải rời bỏ đất nước có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn ở các nước công nghiệp phát triển.
Số người bỏ đi vì xung đột tại Syria chiếm phần lớn, tiếp theo là ở Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nigeria, Nam Sudan và Yemen.
Nhiều người bỏ chạy sang các nước láng giềng như người Syria chạy sang Jordan hay Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hai quốc gia này trở thành nơi có số người tị nạn đông nhất thế giới, lần lượt là 2,8 triệu và 2,75 triệu.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Kinh hoàng: Người nhập cư bị lấy nội tạng trả tiền vượt biên Không đủ tiền trả cho bọn buôn người, người tị nạn bị giết và mổ nội tạng bán lấy tiền. Theo một tiết lộ mới đây của tờ The Independent, những người tị nạn Bắc Phi không đủ tiền trả cho bọn buôn người thường có kết cục vô cùng bi thảm. Những kẻ buôn người máu lạnh sẵn sàng giết các "khách...