Thiếu nhân viên y tế trường học để phòng chống dịch Corona
Trong giai đoạn này, vai trò của nhân viên y tế trường học là cực kỳ quan trọng để kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.
Trước diễn biến khẩn cấp của dịch Corona, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành Giáo dục về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân năm 2020.
100% người trong trường học được theo dõi sức khỏe
Theo kế hoạch đưa ra chỉ tiêu: 100% học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên, cha mẹ học sinh được truyền thông về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân.
100% trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong các nhà trường được theo dõi, quản lý về sức khỏe.
100% cơ sở giáo dục phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ măc bệnh.
100% cơ sở giáo dục đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn lực và cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.
Kế hoạch sẽ triển khai tới tất cả các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước. Thời gian áp dụng từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020.
Khử trùng phòng dịch corona tại một trường học ở thành phố Nha Trang. (Ảnh: VOV)
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đưa ra, đó là: Đẩy mạnh truyền thông về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân trong các cơ sở giáo dục;
Củng cố, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo y tế trường học các cấp, Ban chăm sóc sức khỏe học sinh để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng chống dịch bệnh, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương và trong nhà trường.
Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của ngành Giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Dào tạo làm Trưởng ban.
Củng cố và kiện toàn hệ thống y tế trường học về các tiêu chuẩn, quy định về nhân lực, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, phòng y tế của các trường mầm non và phổ thông, trạm y tế của các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm phù hợp với điều kiện thực tiễn theo khu vực và địa phương, quy mô của trường, lớp nhưng đảm bảo được việc ứng phó hiệu quả nhất đối với dịch bệnh.
Video đang HOT
Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trường học, tăng cường hiệu quả hoạt động y tế trường học, đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế trường học, phòng, chống dịch bệnh, yệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động chữ thập đỏ trong trường học đảm bảo thích ứng với các tình huống về dịch bệnh trong các nhà trường.
Hướng dẫn lập kế hoạch và tổ chức quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật, của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên.
Theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ các hoạt động y tế trường học và phòng chống dịch, bệnh tại các cơ sở giáo dục.
Xây dựng phương án xử trí các tình huống diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và dịch bệnh mùa đông xuân có thể xảy ra trong các cơ sở giáo dục.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học.
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và y tế trường học trong các cơ sở giáo dục tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Nhiều nơi không có nhân viên y tế trường học
Trong giai đoạn này, vai trò của nhân viên y tế trường học là cực kỳ quan trọng để kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh nhưng hiện nay các trường học có rất nhiều trường khuyết chức danh y tế trường học vì trong vài năm trở lại đây đã không cho biên chế nhân viên y tế trường học để giảm biên chế trường học.
Nên một số trường thì có, còn rất nhiều trường khuyết chức danh nhân viên y tế học đường mà chỉ có thể có giáo viên kiêm nhiệm mà giáo viên kiêm nhiệm thì hầu như không có kiến thức về y tế.
Như vậy, kế hoạch kiểm soát 100% giáo viên, nhân viên, học sinh,… sẽ do ai kiểm soát khi bước vào trường học là điều cần bàn đến nếu trường không có nhân viên y tế học đường.
Với dịch bệnh phức tạp trên việc khuyết chức danh y tế, trường học sẽ rất khó để kiểm soát dịch bệnh (nếu có dịch).
Trạm y tế xã khó mà quản lý kiểm soát ít nhất là thân nhiệt của học sinh, để học sinh có vi rút Corona len lỏi vào trường và không theo dõi kịp thời, quản lý chặt sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Rất mong các cấp lãnh đạo rà soát xem trường nào chưa có nhân viên y tế trường học bổ sung gấp trong giai đoạn hiện nay sắp bước vào học sau khi nghỉ tết dài ngày.
Khi học sinh bước vào trường phải được đo thân nhiệt, kiểm tra dấu hiệu của dịch như sốt, ho, khó thở,… chuyển qua cơ sở y tế gần nhất.
Tuyệt đối không để lọt học sinh có dấu hiệu của dịch vào trường, nếu có hậu quả là khôn lường.
Các trường học nhanh chóng lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để phòng chống dịch một cách tốt nhất có thể.
BÙI NAM
Theo giaoduc.net
Trường học lo ứng phó với virus corona
Hôm nay 3-2, hơn 700 ngàn học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh sẽ trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết dài gần nửa tháng. Trước tình hình của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đang có diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh đã tiến hành các giải pháp phòng chống dịch.
Nhân viên Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) phun dịch sát trùng trường lớp phục vụ học sinh chuẩn bị trở lại trường. Ảnh: C.Nghĩa
Sở GD-ĐT liên tiếp ban hành 2 công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục khẩn trương tiến hành các giải pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải thực hiện vệ sinh trường lớp, hướng dẫn phòng chống lây nhiễm... Sở cũng sẵn sàng phương án cho học sinh tạm nghỉ học trong tình huống khẩn cấp.
* Không chủ quan
Công ty cổ phần giáo dục Thành Thành Công hiện có 5 trường phổ thông, 3 trường mầm non trên địa bàn TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom với tổng số 9.200 học sinh. Khi tình hình bệnh viêm đường hô hấp cấp diễn biến phức tạp, công ty đã chỉ đạo các trường thực hiện vệ sinh trường học, phun thuốc khử trùng toàn bộ trong và ngoài trường học. 100% học sinh sẽ được đo thân nhiệt và phát khẩu trang trong ngày trở lại trường. Phụ huynh cũng được giáo viên tuyên truyền cách phòng chống dịch, đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các thông báo mới qua tin nhắn điện thoại.
Lo ngại diễn biến của dịch bệnh do virus corona, Công ty cổ phần giáo dục Thành Thành Công cũng quyết định lùi thời gian trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết so với lịch chung của Sở GD-ĐT đối với khối lá và khối tiểu học cho đến tận ngày 10-2.
Các trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh này. Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết: "Khác với những năm trước, khi giáo viên và học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết không khí thường rất vui vẻ, còn năm nay khá lo lắng vì dịch viêm đường hô hấp cấp". Không chủ quan với dịch, nhà trường đã tiến hành phun hóa chất khử trùng toàn bộ trường, chuẩn bị nước rửa tay, xà bông và khẩu trang phát miễn phí cho học sinh. Cô Nam cho biết thêm: "Nhà trường đã in gần 2 ngàn phiếu khảo sát phát cho học sinh trong ngày đi học trở lại để nắm được thông tin về lịch trình di chuyển của học sinh trong thời gian nghỉ Tết và tình trạng sức khỏe hiện tại như thế nào".
Trong dịp Tết Canh Tý vừa qua có khá nhiều học sinh theo gia đình về quê đón Tết ở tỉnh xa, đi đến nhiều nơi, giao tiếp với nhiều người, do đó khi các em trở lại trường nguy cơ lây nhiễm dịch có thể xảy ra. Cô Lê Thị Hằng, giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) chia sẻ: "Dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ca nhiễm virus corona nào nhưng không thể chủ quan, những ngày qua tôi đã thăm dò tình hình học sinh của mình xem trong thời gian nghỉ Tết các em đi về những tỉnh nào, hiện tại đã trở lại gia đình chưa, tình hình sức khỏe hiện tại ra sao. Tôi cũng dặn dò phụ huynh phải theo dõi sức khỏe, nếu thấy sốt, ho thì tạm thời để các em ở nhà cho tới khi sức khỏe ổn định".
Tăng cường phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp
Ngày 1-2, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Chỉ thị nêu rõ: "Học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh không được đến trường, trong trường hợp cần thiết Giám đốc Sở GD-ĐT, thủ trưởng cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học và có kế hoạch học bù để đảm bảo chương trình giáo dục".
* Chủ động phòng dịch
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom Lưu Ngọc Quế cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường chuẩn bị nước rửa tay, khẩu trang, tài liệu tuyên truyền về dịch viêm đường hô hấp cấp. Giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của học sinh những ngày trở lại trường, nhất là biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Em Đinh Việt Thắng, học sinh lớp 10 Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành) cho biết: "Những ngày qua theo dõi thông tin về tình hình lây nhiễm virus corona em cảm thấy hoang mang. Khi đi học trở lại chắc chắn em sẽ đề phòng, ít tham gia các hoạt động đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà bông và tuân thủ các quy định của nhà trường trong thời gian này".
Nhân viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (phường Tân Mai) rửa bàn ghế phòng ăn của học sinh để phòng chống dịch. Ảnh: C.Nghĩa
Trong khi đó, ông Phạm Trung Sơn, phụ huynh có con học tại Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho hay: "Dịch viêm phổi cấp rất nguy hiểm, không thể chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng. Nhà trường cần có biện pháp giúp học sinh hiểu, tránh gây tâm lý hoang mang, sợ hãi, ảnh hưởng tinh thần và việc học của các em".
Ông Mai Hải Châu, Phó giám đốc Phân hiệu Trường đại học lâm nghiệp tại Đồng Nai cho biết, thay vì ngày 3-2 sinh viên sẽ trở lại học tập bình thường sau kỳ nghỉ Tết, trường mới quyết định cho sinh viên nghỉ tiếp 1 tuần nữa, đến ngày 9-2 học sinh mới phải trở lại trường. Trước khi trở lại trường các em sẽ phải khai báo về lộ trình di chuyển trong thời gian nghỉ Tết, tình trạng sức khỏe... Trong thời gian cho sinh viên nghỉ, trường sẽ theo dõi để quyết định có gia hạn thời gian học trở lại hay không vì đây là dịch bệnh nguy hiểm, do đó nhà trường phải rất cẩn trọng vì sức khỏe sinh viên.
Chiều 2-2, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã ban hành thông báo về việc cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 3 và 4-2 vì lý do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
Theo lịch của Sở GD-ĐT về thời gian nghỉ Tết Canh Tý 2020, học sinh toàn tỉnh sẽ trở lại trường học vào ngày 3-2, tuy nhiên do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã quyết định cho học sinh từ bậc mầm non tới THCS trên địa bàn được nghỉ thêm hai ngày 3 và 4-2, ngày 5-2 học sinh đi học trở lại bình thường.
Hiện nhiều trường phổ thông có nhiều cấp học như Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng, TH-THCS-THPT Á Châu cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học thêm một số ngày tới để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh do virus corona.
Công Nghĩa
Theo baodongnai
Gia Lâm tích cực phòng chống dịch Corona Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm phát động Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn huyện vào ngày 02/02/2020 và duy trì thực hiện vào chiều thứ 7 hàng tuần; tổ chức phun hóa chất khử khuẩn tại 100% trường học, chợ dân sinh và UBND các xã, thị trấn nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh...