Thiếu nhân lực khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng, sau khi có đủ độ phủ vaccine rộng, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với lo lắng thiếu hụt nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Khó khăn về nhân lực
Đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua để phòng, chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Các doanh nghiệp cần nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… đang rất lo lắng về nhân lực để chuẩn bị khôi phục sản xuất sau thời gian dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, điều doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là làm sao đảm bảo được tiến độ giao hàng theo những đơn hàng đã ký kết trước đó, bởi nếu không đúng hẹn thì doanh nghiệp sẽ phải chịu phạt hợp đồng hoặc chuyển sang hình thức vận chuyển bằng máy bay, khiến chi phí đội lên rất nhiều lần. Doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ mất đơn hàng do đối tác chuyển đi. Tuy nhiên, trong thời gian gấp rút thực hiện đơn hàng, thì nhiều doanh nghiệp dệt may lại rơi vào tình trạng thiếu nhân lực sau dịch, nhất là những doanh nghiệp ở phía Nam.
“Trong đợt dịch thứ 4, phần lớn lao động đã về quê. Đến thời điểm đi làm lại, chúng tôi dự báo sẽ chỉ được 50% số lao động quay trở lại làm việc, việc tuyển dụng lao động mới sẽ gặp nhiều khó khăn và chất lượng lao động sẽ không đồng đều”, ông Cao Hữu Hiếu phân tích.
Nói thêm về khó khăn nguồn nhân lực ngành dệt may hiện nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Tình trạng thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%.
Khảo sát theo Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành với gần 3.000 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố tính tới ngày 15/9/2021 cho thấy, mức độ tác động của dịch COVID-19 từ đầu năm 2021 tới nay là rất khốc liệt, với gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực. Đã có 85.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Video đang HOT
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho hay, doanh nghiệp sẽ không thể mở cửa sản xuất trở lại được ngay với công suất sản xuất cao. Bởi ngoài thiếu hụt lao động, hiện các đơn hàng đã rút đi rất nhiều. Theo thống kê của Hiệp hội, vào khoảng 1 tháng trước, tỷ lệ đơn hàng rút khỏi Việt Nam khoảng 20%; hiện tỷ lệ này đã tăng lên 40-50%.
Không chỉ ngành dệt may, da giày bị tổn thương bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4, ngành kinh doanh thực phẩm cũng đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động khi hoạt động trở lại. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce cho biết, Masan hiện có hơn 30 nhà máy, hệ thống bán lẻ gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/ VinMart , cùng với đó là các trang trại chăn nuôi – trồng trọt trải dài cả nước. Với gần 40.000 lao động, chủ yếu tại các nhà máy sản xuất, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu. Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về nhân sự.
Cụ thể, nhiều nhà máy của Masan tại khu vực phía Nam hiện đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Các nhà máy này đều có tỉ lệ lao động nữ cao. Khi sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều người không thể ăn, ở tập trung tại nhà máy đã nghỉ việc vì phải lo công việc gia đình. Thêm nữa, tình trạng xuất hiện các ổ lây nhiễm COVID-19 tại một số nhà máy “3 tại chỗ” khiến công nhân hoang mang, lo sợ và nghỉ việc. Điều này dẫn đến tỉ lệ lao động thấp hơn so với điều kiện bình thường.
Vaccine là “chìa khóa”
Trước những thách thức về nhân lực, bà Nguyễn Thị Phương cho biết, Tập đoàn Masan đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương và đã áp dụng phương án “vùng đệm” xung quanh nhà máy “3 tại chỗ”. Vùng đệm này có thể là trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… gần nhà máy. Tại đây, lao động có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, hơn 25.000 cán bộ, nhân viên của Masan đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị để lực lượng nhân viên còn lại được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có “phương án tối ưu” về vấn đề nhân lực bởi việc giãn cách ở mỗi địa phương khác nhau, mỗi nơi thực hiện một kiểu, không có sự thống nhất xuyên suốt. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương – nơi tập trung nhiều công ty dệt may quy mô lớn đã xảy ra tình trạng chuyển dịch lao động. Theo đó, hàng chục nghìn công nhân, người lao động đã về quê, khả năng quay trở lại làm việc ở thời điểm này rất khó. Trong khi đó, lực lượng lao động cũ chủ yếu là lao động có tay nghề, việc tuyển mới cần thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để đào tạo. Đây là bài toán rất nan giải khi mở cửa trở lại.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex, trong thời điểm này, để thu hút nguồn lao động, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh rất quyết liệt của bộ máy chính quyền, thì vaccine vẫn là “chìa khoá”. “Tình hình dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh phía Bắc đã dần được kiểm soát nhưng nhiều lao động về quê chưa được tiêm vaccine. Trong khi một trong những yêu cầu để có thể tái sản xuất là người lao động phải được tiêm vaccine, nên việc tiêm vaccine rất quan trọng để doanh nghiệp có thể tái sản xuất”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.
Kiến nghị chính sách tín dụng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Để thực hiện mục tiêu "Vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế" nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Tại Đà Nẵng, các hoạt động đang dần được nới lỏng, do đó các hội doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị chính quyền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã gửi 6 nội dung đề xuất, kiến nghị tới chính quyền thành phố Đà Nẵng để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên.
Các nội dung Hiệp hội đề xuất gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3-6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6-12 tháng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12 đến 18 tháng; được miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng.
Hiệp hội cũng đề nghị thành phố có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất...
Ông Hà Đức Hùng nhận định, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng việc triển khai tại các ngân hàng còn chưa kịp thời, nhiều thủ tục còn phức tạp, khó khăn, cần tháo gỡ. Ông Hùng đề nghị, bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương thì nhiều chính sách về thuế, tiền thuê đất... trong thẩm quyền quyết định của thành phố Đà Nẵng, thành phố xem xét giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Cũng liên quan đến tín dụng, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị ngành ngân hàng trên địa bàn xem xét kéo giãn thời gian trả nợ, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, cũng như giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"Tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động ngành ngân hàng nên dù đạt những kết quả tích cực nhưng quy mô tín dụng hiện nay còn thấp. Trong thời gian tới, đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát lại chỉ tiêu những tháng cuối năm để có biện pháp thực hiện đạt kế hoạch, đặc biệt, quan tâm đến chỉ tiêu tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng đánh giá thực chất từng khoản nợ để có biện pháp ứng xử nhằm hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh", ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Theo ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang, những tháng còn lại của năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó, ngành ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; các chương trình, đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến ngày 22/9, trong 5 chỉ tiêu đề ra của năm 2021, ngành ngân hàng tỉnh thực hiện đạt được 3 chỉ tiêu, còn chỉ tiêu huy động và dư nợ cho vay chưa đạt. Tính đến ngày 31/8/2021, tổng vốn huy động, bao gồm ngoại tệ quy đổi VND, toàn địa bàn là hơn 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,32% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng trưởng 1,17% so với cuối năm 2020.
Vốn huy động đáp ứng được gần 60% cho hoạt động tín dụng. Tổng dư nợ cho vay, bao gồm ngoại tệ quy đổi VND, toàn địa bàn đạt hơn 28.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng trưởng gần 5% so với cuối năm 2020.
Trong khi đó tại Lào Cai, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sẽ gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong việc duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng cam kết, Lào Cai sẽ luôn chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng phương châm "doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển". Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành tích cực tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cụ thể, thiết thực, theo thẩm quyền. Từ đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và khắc phục các khó khăn tài chính như hiện tại.
Theo đó, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó với dịch; thúc đẩy cải cách hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; xem xét giảm mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu Lào Cai.
Thực tế, khó khăn tài chính lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp Lào Cai đang phải đối mặt là trả tiền lương cho người lao động. Tiếp đến là trả gốc và lãi vay cho ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Ông Phạm Ngọc Đương, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị xem xét giãn thời gian trả nợ gốc đối với khoản vay ngân hàng và giảm lãi vay, chính sách vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn; tiếp tục chính sách giảm tiền điện kinh doanh có các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch...
Đối với vấn đề lãi suất và vốn tín dụng ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lào Cai Trương Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 15/18 chi nhánh ngân hàng thương mại trực thuộc 13 tổ chức tín dụng có cam kết đồng thuận giảm lãi suất.
Việc thực hiện giảm lãi suất cho vay sẽ tùy theo từng hệ thống ngân hàng do nguồn vốn, năng lực tài chính của từng tổ chức tín dụng và theo mức độ ảnh hưởng của từng dự án vay vốn. Nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cam kết sẽ thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, để đáp ứng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lào Cai đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lào Cai thực hiện rà soát hướng dẫn và tiếp nhập hồ sơ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo quy định.
Doanh nghiệp dệt may lo khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD Doanh thu của các doanh nghiệp dệt may hàng đầu đã sụt giảm đáng kể sau nhiều tháng liên tiếp phải áp dụng giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ không đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2021. Ngành dệt may lo ngại gặp khó khăn trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: TTXVN. Doanh thu giảm Dệt...