“Thiếu Mỹ, thế giới vẫn tiếp tục đi lên”
Nếu không có Mỹ, thế giới vẫn phải tiếp tục đi lên trên con đường giảm thiểu các nguy cơ gây ra bởi biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ sạch.
Đó là khẳng định của giám đốc Viện Nghiên cứu Potsdam về ảnh hưởng của khí hậu, ông Hans Joachim Schellnhuber, tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP22).
Hội nghị diễn ra tại thành phố Marrakech (Morocco) từ ngày 7 đến 18-11 trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc trong sự bất ngờ và bất lợi cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngày 6-11-2012, tỉ phú Donald Trump đăng lên trang Twitter cá nhân của mình rằng: “Khái niệm biến đổi khí hậu là do Trung Quốc tạo ra với mục đích làm giảm sức cạnh tranh của ngành sản xuất ở Mỹ”.
Bốn năm sau, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ứng cử viên Donald Trump đề ra những chính sách trong 100 ngày đầu làm tổng thống của mình, trong đó có đoạn “Tôi sẽ không chi hàng tỉ đô cho các chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc nữa, thay vào đó tôi sẽ dùng số tiền đó để cải thiện nguồn nước và điều kiện môi trường của Mỹ”.
Ở thời điểm hiện tại, khi ông Trump sắp bước vào Nhà Trắng, các nước tham dự COP22 đều lo ngại cho tương lai của toàn cầu trước các tuyên bố, hứa hẹn của ông Trump.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thể hiện thái độ lạc quan rằng Thỏa thuận Paris vẫn có thể được Mỹ tham gia. Lý do là bởi ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể gì ngoài những lời hứa trong cuộc vận động tranh cử từ trước.
Trả lời phỏng vấn báo Bưu Điện Washington, lãnh đạo Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc, ông Erik Solheim, khẳng định: “Những thay đổi là không tránh khỏi. Mỹ có thể là quốc gia mạnh nhất thế giới, quan trọng nhất thế giới, nhưng không phải là cả thế giới.
Thế giới phải tiếp tục tiến lên dù thế nào đi nữa. Trong tình trạng mà các thỏa thuận về biến đổi khí hậu có nguy cơ thiếu đi sự tham gia của các cường quốc lớn trên thế giới, chúng ta vẫn có khả năng tìm ra giải pháp khả thi.
Ở thời điểm hiện tại, biện pháp được cho là hữu hiệu nhất là tiếp tục thực hiện các cam kết dù không có sự tham gia của Mỹ”.
Đối phó với biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ, mà đó là một vấn đề toàn cầu.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi cường quốc số 1 thế giới có thể quay lưng lại với các thỏa thuận về cắt giảm khí thải và thực hiện các biện pháp nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, thay vào đó họ lại cổ xúy cho các hành động khai thác nhiên liệu hóa thạch vốn đã gần với nguy cơ cạn kiệt để phục vụ cho lợi ích quốc gia, thật khó có gì để đảm bảo rằng các nền kinh tế đang phát triển ở Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ phải tuân theo các thỏa thuận này.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của COP22 tại Marrakech năm nay để đạt được cam kết của các quốc gia về giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như cách thức, cơ chế để chắc chắn rằng các cam kết đó thật sự được triển khai ngay lập tức.
Bế mạc COP22 – “COP của hành động”
COP22 bế mạc ngày 18-11 với tuyên bố Marrakech, kêu gọi các cam kết chính trị cao nhất và sự đoàn kết giữa các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Diễn ra từ ngày 7-11 tại thành phố Marrakech (Morocco), COP22 quy tụ nhiều lãnh đạo của thế giới, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki Moon. Đúng với tên gọi là “COP của hành động”, quyết tâm của nước chủ nhà Morocco và hơn 200 đại diện các quốc gia ngay từ ngày đầu khai mạc hội nghị là biến Thỏa thuận Paris năm 2015 thành hành động cụ thể.
Hơn 23 triệu USD đã được các nước phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… cam kết hỗ trợ cho những nước đang phát triển. Hàng loạt sáng kiến và chương trình đã được đề xuất và khởi động trong hơn 10 ngày diễn ra hội nghị.
Những nỗ lực và cam kết của các nước trong COP22 sau đó đã được đúc kết trong “Tuyên bố hành động Marrakech về khí hậu và phát triển bền vững” được đích thân trưởng đoàn đàm phán Morocco – đại sứ Aziz Mekouar đọc ngày 17-11.
Bản tuyên bố nêu bật những cam kết mạnh mẽ của các nước, “kêu gọi cam kết chính trị cao nhất để đấu tranh chống biến đổi khí hậu, coi đây là một vấn đề ưu tiên khẩn cấp”.
Tuyên bố cũng “kêu gọi đoàn kết mạnh với những nước dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu” và nhắc lại cam kết của các nước phát triển trong việc huy động 100 tỉ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
COP22 cũng nhắc đến các chủ thể phi quốc gia và kêu gọi sự tham gia của tất cả những nhân tố này trong các sáng kiến và hành động chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đã được đưa ra tại Marrakech lần này.
Phát biểu tại COP22 ngày 16-11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định ông tin tưởng các cam kết khí hậu của Washington sẽ không thể đảo ngược “bất chấp đường lối, chính sách nào”.
Theo ông Kerry, chính các tác nhân thị trường, chứ không phải chính trị, sẽ chế định tương lai năng lượng của thế giới.
“Đó là lý do tôi tin tưởng vào tương lai cho dù bất cứ chính sách nào được chọn” – ngoại trưởng Mỹ nói, và nhấn mạnh: “Không ai có quyền đưa ra quyết định ảnh hưởng tới hàng triệu người chỉ dựa vào ý chí mà không có cơ sở đúng đắn”.
(Theo Tuổi Trẻ)
Tình hình biển Đông mới nhất: Diễn biến bất ngờ
Ngoại trưởng Philippines cùng người đồng cấp Mỹ đồng ý giảm tuần tra chung, rút 3 tàu khu trục quan sát đảo nhân tạo
Kênh truyền thông ABS CBN News cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã có cuộc tiếp xúc song phương bên lề hội nghị APEC tại Peru hôm qua 17/11.
Ông Yasay nói với ông John Kerry, có lẽ hai bên nên dịu giọng trong vấn đề Biển Đông và không tập trung vào các bài tập quân sự lâu nay, mà nên tập trung vào các bài tập đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống, ví như chống khủng bố, chống ma túy, tìm kiếm cứu nạn.
Phía Hoa Kỳ bày tỏ chấp nhận và tôn trọng quan điểm của Philippines.
Ngoại trưởng Philippines và người đồng cấp Hoa Kỳ bên lề Hội nghị APEC. Ảnh: ABC
News Trong khi đó, 3 tàu khu trục hạm của Mỹ khiến Trung Quốc lo lắng ở Biển Đông đã quay về Hoa Kỳ sau một thời gian dài hoạt động gần các đảo nhân tạo.
Navy Times ngày 17/11 cho hay, 3 tàu khu trục hạm Hoa Kỳ Decatur, Momsen và Spruance đã trở về Mỹ trong những ngày sau bầu cử Tổng thống. Trước đó 3 tàu này hoạt động liên tục 7 tháng ở Thái Bình Dương. Những khu trục hạm của Mỹ thường xuyên tuần tra, cơ động sát các đảo Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Biển Đông và "chơi trò mèo" với hạm đội của Trung Quốc.
Hai khu trục hạm Spruance và Decautr đã trở lại San Diego ngày 14/11, còn Momsen trở lại Everett, Washington ngày 10/11.
Điều đáng chú ý là, thông thường các tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông thuộc biên chế của Hạm đội 7 đóng tại Yokosuka, Nhật Bản. Trong khi 3 chiến hạm này thuộc biên chế của Hạm đội 3 tại San Diego.
Việc điều động chiến hạm Hạm đội 3 đến Biển Đông là nhằm mục đích cho khu vực thấy rằng, hải quân Hoa Kỳ có thể cơ động đến các địa bàn khác nhau.
Mặt khác, 3 khu trục hạm này có thể hoạt động và tác chiến độc lập, đủ khiến đối phương lo ngại ngay cả khi không có một tàu sân bay hay tàu hậu cần nào hiện diện.
Một khu trục hạm Decatur của Hải quân Mỹ trở về San Diego sau khi thực hiện nhiệm vụ ngoài bờ biển Bangladesh hồi năm 2012.
Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Biển Đông, hôm 18/11, ông Vương Giáo Thành, Tư lệnh Chiến khu Nam thuộc Quân đội Trung Quốc (PLA) đã có các cuộc tiếp xúc và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Dennis Richardson và các tướng lĩnh quân đội Australia tại Canberra.
ABC News đã được xác nhận rằng, trong hội đàm hai bên đã thảo luận về các hoạt động mở rộng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông, mà Australia thường xuyên bày tỏ quan ngại.
Ông Vương Giáo Thành mới được bổ nhiệm vào đầu năm nay, chịu trách nhiệm về một phần địa bàn tác chiến ở Biển Đông.
Một viên tướng Australia tiếp ông Vương Giáo Thành và phái đoàn quân sự Trung Quốc. Ảnh: ABC News.
Hồi tháng 2/2016, ông Thành đã tuyên bố, quân đội Trung Quốc có khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào. Vương Giáo Thành cảnh báo: "Đừng nước nào nắn gân hay đe dọa "chủ quyền - an ninh" của Trung Quốc".
Tướng Vương cũng tuyên bố PLA đã chuẩn bị cho tất cả kịch bản liên quan đến rủi ro quân sự ở Biển Đông. Tuyên bố này có thể làm gia tăng lo ngại của dư luận quốc tế về nguy cơ nổ ra đụng độ trong khu vực sau những động thái triển khai tên lửa, máy bay gần đây của Trung Quốc.
(Theo Báo Đất Việt)
Mỹ, Anh cân nhắc lệnh trừng phạt mới đối với Nga Mỹ và Anh ngày 16/10 cảnh báo Nga và Syria rằng các biện pháp trừng phạt mới về kinh tế có thể sẽ được các nước phương Tây áp đặt để đáp trả hành động tấn công lực lượng nổi dậy ở thành phố Aleppo (Syria) của quân đội chính phủ Nga và Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng...