Thiếu magiê gây bệnh gì?
Thiếu magiê trong cơ thể, thậm chí ở mức độ không nhiều có thể là nguyên nhân của các bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim và đột qụy.
Magiê có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tạo glycogen của cơ và gan từ glucose máu. Magiê còn tham gia vào sự phân hủy glucose, axít béo và các axít amin trong quá trình chuyển hoá năng lượng.
Magiê cũng đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp lipid và protein giúp quá trình tạo xương và các mô khác và đảm bảo tính bền vững của dẫn truyền thần kinh và sự co cơ.
Hàm lượng magiê trong cơ thể?
Magiê là một loại khoáng chất quan trọng đối với cơ thể. Trong cơ thể magiê tồn tại với số lượng nhỏ, khoảng 30g với cơ thể nặng 60kg, chúng có mặt trong thành phần của gần 300 các men khác nhau – điều hoà các chức năng khác nhau, các quá trình chuyển hoá năng lượng.
Khoảng 50 – 75% lượng magiê trong cơ thể tập trung ở xương (magiê kết hợp với canxi và phôtpho trong quá trình tạo xương), đa phần còn lại phân bố ở cơ bắp, các tổ chức mô mềm và một lượng rất nhỏ trong máu. Hàm lượng magiê trong máu luôn được duy trì ở mức ổn định để đảm bảo cho cơ thể hoạt động bình thường.
Magiê có trong thức ăn được hấp thụ qua ruột, nếu cơ thể sử dụng một lượng magiê quá mức thì cũng không có hại gì cho sức khoẻ vì lượng magiê thừa được cơ thể đào thải qua đường nước tiểu và phân.
Nhu cầu về magiê ở người trưởng thành khoảng 350-400mg/ngày, những người lao động thể lực nặng nhọc, vận động viên thể thao cần nhiều hơn 1,5 – 2 lần, trẻ em cần ít hơn (6 tháng tuổi: 30mg, 1 – 3 tuổi: 80mg, 9 – 13 tuổi: 240mg…)
Magiê và chức năng tim mạch
Video đang HOT
Magiê là một thành phần quan trọng trong hoạt động chức năng của tim, có tác dụng làm giảm nhu cầu về ôxy của cơ tim trong yên tĩnh cũng như trong lao động, tập luyện, giúp tăng cường chức năng của tim và phòng ngừa các bệnh tim.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy magiê còn có tác dụng điều hoà hàm lượng đường trong máu (phòng ngừa bệnh tiểu đường), ổn định huyết áp (phòng ngừa bệnh tăng huyết áp); những người có chế độ ăn giàu magiê hoặc ăn bổ sung magiê sẽ giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hoá.
Thiếu magiê trong cơ thể, thậm chí ở mức độ không nhiều có thể là nguyên nhân của các bệnh tim mạch, rối loạn nhịp tim và đột qụy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nguồn nước có ảnh hưởng đến tần suất mắc bệnh tim mạch trong dân cư. Ở những vùng mà nguồn nước có độ cứng cao thấy tỷ lệ chết do các bệnh lý về tim mạch thấp hơn nhiều, bởi vì nước ở những vùng này không những chứa nhiều canxi và các khoáng chất khác, đặc biệt là magiê.
Chế độ ăn uống thiếu magiê dẫn đến tăng sự xâm nhập ion canxi và tế bào và đào thải magiê ra khỏi tế bào. Quá trình này làm mất cân bằng ion và dẫn đến những biến đổi chức năng trong hoạt động của tim, là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim (đau thắt ngực, nhồi máu), suy tuần hoàn, rối loạn nhịp tim.
Như vậy, những người thường xuyên uống nước có độ cứng sẽ ít có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp và có hàm lượng cholesterol máu thấp.
Điều này được giải thích trong một số nghiên cứu là do, trong ruột canxi và magiê trong thành phần nước cứng kết hợp với các chất béo no tạo ra sản phẩm gần giống xà phòng và được thải ra ngoài. Nhờ đó là cơ thể duy trì được hàm lượng mỡ máu ở mức độ an toàn, giúp phòng ngừa các bệnh nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, béo phì.
Mặt khác, khoa học đã chứng minh rằng, acid amin lecitin có tác dụng điều hoà chuyển hoá cholesterol trong cơ thể. Tuy nhiên lecitin không được tổng hợp đủ nếu thiếu men có chứa pirydoxin (vitamin B6), mà loại men này hoạt động được phải có xúc tác của magiê. Như vậy để giảm hàm lượng cholesterol máu cần phải có chế độ ăn giàu magiê, vitamin B6, cholin.
Magiê có ở đâu?
Magiê có mặt trong nhiều loại thức ăn khác nhau: các loại rau lá có màu sẫm như rau ngót, cải xanh, rau mùng tơi… có chứa nhiều magiê; Trong thịt, sữa, kê, đậu tương, lạc, đậu xanh, khoai lang, một số loại rau thơm; trong một số trái cây như chuối, quả bơ, quả mơ khô; trong nước cứng, nước khoáng.
Tình trạng cơ thể bị thiếu magiê trong cộng đồng cũng trầm trọng như tình trạng thiếu sắt, đặc biệt là ở những vùng dùng nước mưa trong ăn uống. Người già có nguy cơ cao bị thiếu magiê do ăn ít, do giảm khả năng hấp thụ magiê của ruột, do tăng bài tiết magiê qua thận và sử dụng một số thuốc trong chữa bệnh.
Sử dụng magiê bổ sung ở dạng dược phẩm có thể giúp người già tránh khỏi tình trạng cơ thể bị thiếu magiê. Các loại dược phẩm bổ sung magiê như: magnesium oxide, magnesium carbonate, magnesium lactate, magnesium sulfate… Sử dụng bổ sung magiê sẽ có hiệu quả tốt ở những người uống nhiều rượu bia, các bệnh đại tràng mạn, sử dụng kết hợp với laxatives trong điều trị táo bón…
Tóm lại, magiê có vai trò cực kỳ quan trọng với cơ thể: xây dựng các tổ chức mô trong đó có xương, tham gia vào thành phần của nhiều loại men điều hoà các chức năng khác nhau của cơ thể.
Một chế độ ăn thoả mãn nhu cầu magiê của cơ thể là một trong các yếu tố giúp tăng cường sức khoẻ, phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường và loãng xương.
Theo KHĐS
Dễ phát bệnh vì uống nước sai cách
Trong thực tế thăm khám dinh dưỡng, các bác sĩ đã từng phát hiện nhiều trường hợp phát bệnh do tuỳ tiện dùng các loại nước uống không đúng cách.
Các bác sĩ đã từng phát hiện nhiều trường hợp phát bệnh (táo bón, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp...) hoặc đang có bệnh nhưng diễn tiến trầm trọng hơn do tuỳ tiện dùng các loại nước uống không đúng cách.
Nước là chất dinh dưỡng tuy không cung cấp năng lượng nhưng đặc biệt cần thiết cho một cơ thể sống. Nước tham gia vào tất cả các quá trình chuyển hoá trong cơ thể người, cần thiết để tiêu hoá thức ăn, hoà tan và hấp thu các vitamin quan trọng, làm mát cơ thể, điều hoà thân nhiệt, bôi trơn các khớp, tăng thải độc chất và loại bỏ chất thải ra ngoài.
Chỉ nên uống nước khi thấy khát?
Ảnh minh họa.
Trung bình một người trưởng thành cần uống khoảng 1,5 - 2 lít nước một ngày, chưa tính lượng cung cấp qua nước canh, xúp,... trong bữa ăn. Với trẻ em thì lượng nước đưa vào được tính toán chính xác dựa vào ký lô cân nặng. Mỗi người ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh môi trường, mức độ làm việc, tình trạng bệnh lý khác nhau sẽ có nhu cầu nước khác nhau. Nói chung là nên cung cấp đủ nước cho cơ thể để có những hoạt động tốt nhất.Về cách uống, nên uống lai rai trong ngày, không nên đợi khát mới uống. Với trẻ em, thường mải chơi quên uống nước, cũng nên lưu ý nhắc nhở cho uống nước thường xuyên. Tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ em luôn cao hơn người lớn và sự thiếu nước sẽ ảnh hưởng cấp kỳ đến hoạt động và sự sống của trẻ. Người cao tuổi có thể bị mất cảm giác khát nước nên người chăm sóc phải nhớ để cho uống nước từng ít một và rải đều trong ngày. Phụ nữ cho con bú sữa mẹ cần uống khoảng 3 lít gồm nước lọc, sữa và nước canh, xúp... mỗi ngày.
Cho trẻ uống trà như người lớn?
Có thể tạm chia lượng nước cần uống hàng ngày thành mười phần, trong đó nên uống sáu phần nước lọc (nước tinh khiết), hai phần sữa và hai phần nước trái cây là lý tưởng nhất. Nếu chơi thể thao hay làm việc ngoài trời nắng nóng, mất nhiều mồ hôi... phải uống thêm nước sao cho cân nặng không giảm nhiều và nước tiểu được pha loãng đến độ vàng trong.
Các loại nước mát như nước mía lau, rễ tranh, mã đề... uống rất ngon vì vị ngọt dịu và thơm mát, giúp thanh lọc cơ thể khi mụn nhọt, rôm sảy nhưng cũng không nên uống thường xuyên vì gây lợi tiểu và mất nước. Trà atisô giúp nhuận gan lợi mật, tăng cường thải độc, có thể dùng nếu ưa thích nhưng không thể thay thế hoàn toàn nước lọc hay lượng sữa trong ngày.
Nước trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hoá, tốt cho người lớn nhưng không nên uống trà quá đặc vì có thể gây táo bón, thiếu máu thiếu sắt (nếu dùng thường xuyên) và mất ngủ ở những người nhạy cảm. Chỉ nên dùng nước trà xanh tối đa 2 - 3 ly một ngày, còn lại vẫn nên uống nước lọc, sữa và ăn thêm trái cây. Riêng trẻ em không khuyến khích dùng nước trà. Các loại nước ngọt có gas, nước hương trái cây,... có đá uống thật đã khát và thú vị nhưng chỉ nên dùng hạn chế vì đường tinh là loại thực phẩm phải sử dụng hạn chế (dưới 20g/người/ngày), chưa kể khả năng bị nhiễm hoá chất từ đường hoá học, màu, mùi...
Nước khoáng tốt hơn nước tinh khiết?
Các loại nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước. Sau đó vẫn nên dùng nước lọc để bù nước cho cơ thể.
Như vậy đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những trường hợp nói trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Trẻ em dưới một tuổi, người bệnh thận cũng không nên uống nước khoáng vì thận yếu không thải được những chất khoáng dư thừa, sẽ tích luỹ lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù,...
Làm sao biết cơ thể thừa hay thiếu nước?
Chúng ta có một dấu hiệu khá tin tưởng là dựa vào màu sắc của nước tiểu để dự đoán tình trạng thiếu, đủ hay dư nước trong cơ thể, vì thận là cơ quan chính để điều hoà lượng nước trong người, giữ hằng định một lượng nước cần thiết để các hoạt động của cơ thể được tiến hành ổn thoả. Nếu nước đưa vào cơ thể không đủ, thận sẽ giữ lại nước trong cơ thể và làm nước tiểu cô đặc, có màu vàng sậm.
Nếu uống quá nhiều nước thì lượng dư sẽ tăng thải làm nước tiểu trắng trong và tiểu nhiều. Tốt nhất là giữ cho nước tiểu có màu vàng nhạt khi cơ thể đủ nước. Tuy nhiên có những bệnh lý có bất thường nước tiểu như viêm gan, tắc mật có vàng da vàng mắt thường kèm tiểu vàng sậm, bệnh đái tháo đường, tiểu nhạt, nhiễm trùng tiểu,... thì cần loại trừ.
Theo SGTT