Thiếu hệ thống cảnh báo sớm, Yên Bái vẫn đối mặt với lũ quét
Ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh này còn nhiều hạn chế, chưa có hệ thống cảnh báo sớm cho lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nên địa phương này vẫn có nguy cơ phải đối mặt với loại hình thiên tai này trong thời gian tới.
Sáng nay (29/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT). Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Ông Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 21 đợt thiên tai, đặc biệt là 2 đợt lũ quét lịch sử xảy ra trong tháng 8 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10 tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Thiên tai trong năm 2017 tại Yên Bái đã làm 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương; hư hỏng 3.649 căn nhà; thiệt hại 5.547 ha sản xuất nông nghiệp, 23.100 con gia súc, gia cầm bị chết; phá hủy trên 500 công trình hạ tầng kỹ thuật,…Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.855 tỷ đồng.
Ông Duy cho biết thêm, tỉnh Yên Bái cũng như nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực có núi cao, chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, vật cản đa dạng, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng chảy xiết, đột ngột; trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp. Điều đó dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và khi xảy ra thì rất khó khăn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, tại Yên Bái còn thiếu thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó phù hợp, nhất là việc di dân khỏi những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất.
“Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong PCTT, đặc biệt ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung còn rất hạn chế. Hiện tỉnh mới có một số trạm đo mưa tự động mà chưa có hệ thống cảnh báo sớm cho lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, bản đồ nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, bàn giao cho tỉnh có tỷ lệ rất lớn (1/100.000 và 1/50.000) nên chưa xác định được chính xác các khu vực, vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó phù hợp” – ông Duy phát biểu.
Một khó khăn nữa cũng được ông Duy nêu trong hội nghị đó là, tỉnh Yên Bái còn thiếu các phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; Thiếu quỹ đất ở an toàn gắn với quỹ đất sản xuất và thiếu nguồn lực để tổ chức di dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu nguồn lực đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội bị hư hỏng do thiên tai.
Trước những khó khăn thách thức nói trên, ông Duy đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các Bộ, ngành Trung ương 9 đề nghị, trong đó có nội dung như cần đầu tư trang thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc nâng cao độ chính xác bản đồ sạt trượt đất đá để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành PCTT,…
Video đang HOT
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Cậu bé 15 tuổi mất cả bố lẫn mẹ và 3 đứa em vì lũ quét
Trận lũ tàn ác đã cuốn trôi bố mẹ, hai em và cả đứa em chưa kịp chào đời của Vinh. 15 tuổi, không biết chữ, bơ vơ một mình giữa dòng đời, tương lai của em còn một màu xám xịt, u tối...
"Cháu tôi chưa kịp chào đời"
Dòng suối Thia qua đập tràn Hoong Lốm đã hiền hòa trở lại, nước không còn đục ngầu, giận dữ. Suối đổi dòng, lòng suối giờ là bãi đá mênh mông. Giữa bãi đá ấy, nơi những khúc gỗ lớn, những bụi tre chưa kịp thu dọn từng là 3 ngôi nhà, 3 mái ấm.
Ba mái nhà bị cuốn bay, thay vào đó là đất đá, cây gỗ, những bụi tre...
Trận lũ kinh hoàng - chưa từng thấy trong mấy chục năm qua như lời người dân nơi đây - đã cuốn phăng cả 3 ngôi nhà. Bốn người trong gia đình anh Hoàng Văn Quân không kịp chạy thoát, bị lũ cuốn trôi. Đau xót hơn, vợ anh - chị Đồng Thị Sơ - đang mang trong mình đứa con mới 8 tháng.
Con đường đất dài hơn 200m từ Nhà văn hóa bản Hán (xã Phúc Sơn, Văn Chấn, Yên Bái) vào nhà ông Hoàng Văn Phúc (bố anh Quân) bé tẹo, chỉ vừa một xe máy đi qua. Mấy ngày nay mưa gió, người ra vào nhà ông Phúc để lo cho đám tang của anh Quân nhiều khiến con đường hằn vết bánh xe, trơn trượt.
Ông Phúc mắt đỏ ngầu, phần vì thương con, thương cháu, phần vì rượu. Đám tang ở đây, thay vì mời nhau nước chè, người ta mời nhau rượu. Cứ mỗi hồi kèn trống tạm ngưng, người nhà lại bưng khay rượu đi mời một lượt. Cứ thế, người sống cũng lả dần đi...
Là con cả trong gia đình, lập gia đình từ hơn 15 năm trước, nhà khó khăn, anh Quân đành ở rể. Gia đình nhà ngoại cho một mảnh đất ven suối Thia (thuộc bản Thón, xã Phúc Sơn) làm nơi cắm dùi. Ngôi nhà nhỏ được dựng lên, tất nhiên cũng từ nguồn hỗ trợ của họ hàng và Nhà nước.
Lo ma chay cho đứa con trai cả, ông Phúc chưa thể yên lòng khi con dâu và 2 đứa cháu vẫn còn mất tích.
Ba đứa con lần lượt ra đời, cách nhau 2-3 năm một. Khó khăn chồng khó khăn khi kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào lúa. Đứa con cả Hoàng Văn Vinh chừng nửa tháng trước theo người chú họ đến tận tỉnh Bắc Giang làm phu hồ, kiếm tiền phụ bố mẹ. Và nghịch lý thay việc đi xa lại trở thành điều may mắn cho em. Em trở thành người duy nhất còn lại của gia đình sau cơn lũ tàn ác...
"Cháu tôi còn chưa kịp chào đời!" - ông Phúc lắp bắp, giọng méo đi vì rượu.
Theo lời ông Phúc, sáng hôm ấy, trời mưa to, nước đổ về ầm ầm như thác. Nghe hàng xóm báo tin, ông vội chạy ra nhà con trai nhưng tất cả đã trôi theo dòng lũ, chỉ còn lại đất đá và dòng nước đục ngầu.
Bơ vơ giữa dòng đời!
15 tuổi, Hoàng Văn Vinh nhỏ bé hơn nhiều bạn cùng trang lứa. Không được đi học, chẳng biết mặt con chữ ra sao, từ bé Vinh đã phải phụ giúp bố mẹ làm nương, kiếm tiền cho 2 đứa em được đi học.
"Nhà tôi cũng nghèo, không phụ giúp được gì cho vợ chồng nó. Thằng Vinh từ bé không được đi học rồi" - ông Phúc nói về gia đình người con trai cả.
Tương lai nào cho đứa trẻ mất cha, mất mẹ, mất cả các em?
Mặt cúi gằm, giọng lí nhí, hỏi gì Vinh cũng chỉ trả lời ngắn gọn đôi ba chữ. Chừng nửa tháng trước, Vinh theo người chú họ đi làm phu hồ ở Bắc Giang. Sáng 11.10, người thân báo tin, Vinh cùng chú tức tốc bắt xe khách trở về.
Mái ấm ngày nào đã biến mất. Bố mẹ, hai đứa em và cả đứa em chưa kịp chào đời bị dòng lũ cuốn đi. Sáng hôm sau, thi thể bố Vinh được tìm thấy. Ông bà, họ hàng lo hậu sự cho bố, Vinh chỉ biết làm theo những gì người lớn bảo.
"Hộ nhà anh Quân thuộc diện hộ nghèo bền vững của xã từ nhiều năm nay rồi." - ông Hà Đức Bẩy, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, thông tin.
Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, chính quyền xã, thôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình anh Quân phát triển kinh tế, song nhiều năm nay, hộ nhà anh Quân vẫn chưa thể thoát nghèo.
"Sau khi thiên tai xảy đến, chính quyền xã, huyện và tỉnh đều đã có những hỗ trợ bước đầu cho gia đình anh Quân theo tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước" - ông Bẩy cho hay.
Tiếng kèn trống, tiếng khóc ỉ ôi vang lên theo từng đợt trong căn nhà sàn cũ rách. Phía dưới, họ hàng, làng xóm mỗi người một tay phụ giúp. Nhìn quanh, 3 con lợn đã được mổ. Nhẩm tính sơ sơ, đến lúc đưa ma xong, gia đình ông Phúc cũng phải lo 5-6 bữa cơm, rượu, thịt...
"Bây giờ mới tìm được thằng Quân, còn làm được như thế. Sau này tìm thấy vợ nó, con nó, chắc không mở rộng được" - nhiều người họ hàng lo lắng cho gia cảnh nhà ông Phúc.
Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, dù đã được tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới trong ma chay, hiếu hỷ nhưng do địa bàn chủ yếu người dân tộc Thái, người dân vẫn phải theo một số tập tục của địa phương. Mỗi đám ma, tính sơ sơ, gia chủ cũng phải tốn ngoài chục triệu đồng.
Tương lai của đứa trẻ 15 tuổi sẽ ra sao? Mẹ và hai em chưa được tìm thấy. Người ông già nua, gầy rộc. Những người chú, dì gia cảnh cũng chả khá khẩm gì. Em sẽ nương vào đâu hay cứ bơ vơ, cuốn theo dòng chảy cuộc đời, như những hòn đá lăn theo dòng nước lũ?
Theo Tiến Nguyên - Trần Thanh (Dân Trí)
Ám ảnh cuộc gọi: "Cậu ơi cậu về đi. Cả nhà cậu chết hết rồi!" Đang làm việc, Mười bàng hoàng khi nhận cuộc gọi của người cháu: ""Cậu ơi, cậu về đi. Cả nhà cậu chết hết rồi!". Cuống cuồng vượt qua con đường bị lũ chia cắt, về đến nhà, Mười đã thấy bố và chị dâu mỗi người nằm trong một cái quan tài, chuẩn bị được mang đi hỏa thiêu... Về đến nhà, bố...