Thiếu gia xứ Thanh tình nguyện giúp người nghèo
Từ một thanh niên nổi tiếng ăn chơi nhất vùng, Hoàng Hiệp bỏ đại học về quê viết đơn xin tòng quân rồi thành lập CLB tình nguyện cùng các bạn trẻ xứ Thanh tìm cách kinh doanh lấy tiền giúp người nghèo.
Dáng cao gầy, khuôn mặt xương xương với làn da ngăm đen, Hoàng Hiệp ( phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) có vẻ già dặn hơn so với tuổi 24. Hiện ngoài công việc kinh doanh cùng gia đình, Hiệp còn mở cửa hàng buôn bán riêng để lấy tiền ủng hộ người nghèo và là thủ lĩnh của CLB tình nguyện xứ Thanh.
Cười hóm hỉnh, Hiệp tâm sự, ý tưởng thành lập CLB tình nguyện xuất phát từ trải nghiệm của bản thân. Thời còn là học sinh cấp ba, cậu có tiếng là tay chơi trong vùng, tiêu tiền không tiếc tay. Dù chưa làm ra tiền nhưng có ngày cậu vung tiền triệu, đơn giản vì “nhà có điều kiện, có tiền tội gì không ăn chơi”.
Dù ham chơi nhưng Hiệp học hành “cũng khá”. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng Hiệp thi đỗ vào trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Sau hơn một năm theo học, thiếu gia xứ Thanh trượt dài trên con đường ăn chơi. Nghiện lô đề, bóng đá, cầm cố tài sản… đủ cả. Hiệp chơi bời đến độ có lúc cha cậu nóng giận định ra ủy ban phường làm thủ tục xóa tên con trai khỏi sổ hộ khẩu.
Đều đặn mỗi cuối tuần, CLB tình nguyện xứ Thanh lại ra quân “dẹp nạn khoan cắt bê tông” và làm sạch đường phố. Ảnh: Lê Hoàng.
Ngã rẽ cuộc đời bắt đầu khi Hiệp bỏ học về quê xin đi bộ đội. “Một lần về quê, nhìn thấy người cha gầy rộc, cả đêm không ngủ mà cứ ngồi rít thuốc hết bao này đến bao khác khiến mình day dứt rồi tu tỉnh”, Hiệp kể và cho biết ngày viết đơn xin nhập ngũ, cả gia đình phản đối kịch liệt vì cậu là con trai nối dõi tông đường.
Thuyết phục mãi rồi mọi người cũng đồng ý cho Hiệp tòng quân. Những ngày đầu đi lính, không quen thức khuya dậy sớm hay làm việc nặng khiến cậu gầy xọp. Nhiều công việc chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ Hiệp chứ đừng nói đụng tay chân, như: đi xúc phân trâu về làm ruộng, chăn lợn, nuôi bò, đỡ đẻ cho bò… Cũng có đợt phải hành quân cả 300 km đường rừng khiến đôi chân cậu mỏi rời, phồng rộp, nhưng “quyết tâm đã đi thì không quay đầu về”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Hiệp là người duy nhất của đơn vị vinh dự được kết nạp Đảng. Hết hai năm nghĩa vụ, được đơn vị cho đi học thêm, nhưng cậu xin giải ngũ về quê làm kinh doanh cùng gia đình.
Năm 2009 với mong muốn tham gia công tác tình nguyện, Hiệp làm đơn gửi các CLB tình nguyện, nhưng mãi không thấy hồi âm. Cuối năm 2010, sau khi lên mạng tìm hiểu hoạt động của các CLB tình nguyện, Hiệp cùng em gái và một người bạn lập ra CLB tình nguyện riêng với tên gọi CLB tình nguyện xứ Thanh.
Sau ngày thành lập, các thành viên phân công lên Facebook, đến các cổng trường phát tờ rơi kêu gọi mọi người tham gia. Ban đầu CLB chỉ có 10 người là bạn thân, anh em. Dần dần hàng trăm bạn, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3 nộp đơn xin gia nhập. Lý giải nguyên nhân hướng đến học sinh phổ thông, Hiệp nói: “Mình sinh ra lớn lên ở thành phố, cuộc sống sung túc nên không hiểu giá trị của lao động, của đồng tiền. Hơn nữa, thời học sinh từng vấp ngã nên mình hiểu ở lứa tuổi này, nhiều em còn có suy nghĩ lệch lạc”.
Video đang HOT
“Kim chỉ nam” của CLB là tạo ra môi trường lành mạnh để các em được tham gia hoạt động ngoại khóa, giao lưu và đặc biệt là làm từ thiện. CLB đề ra phương châm “mỗi thành viên là một cảnh sát giao thông”, yêu cầu khi tham gia giao thông nếu không đội mũ bảo hiểm mà bị tố giác hoặc ghi hình quả tang sẽ phạt tiền sung quỹ CLB. Vì thế, hiện 100% thành viên đều chấp hành luật giao thông.
Mỗi dịp cuối tuần, CLB thường tổ chức sinh hoạt theo chủ đề, hoặc đi dã ngoại, trò chơi tập thể, lên chùa dọn vệ sinh hay dọn dẹp phố phường, dỡ bỏ quảng cáo rác… Để thể hiện quyết tâm làm tình nguyện đến cùng, Hiệp đã xin gia đình cho “sung công” một căn nhà ba tầng trên phố lớn ở trung tâm thành phố để làm nơi họp nhóm.
Hơn 2 năm kể từ khi thành lập, CLB tình nguyện xứ Thanh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Tổng số tiền và hàng hóa quy đổi đã lên đến hơn 500 triệu đồng. Điển hình như năm 2010, CLB đã quyên góp được 10 tấn quần áo, hàng trăm thùng mì tôm, nước khoáng cùng lượng lớn tiền mặt để trao tận tay người dân vùng lũ ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mùa mưa 2012, CLB đã quyên góp được hàng tấn gạo để giúp đỡ người dân vùng lũ bị vỡ đê tại hai xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân và xã Yên Giang, huyện Yên Định, Thanh Hóa.
Ngoài ra, CLB còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Trái tim sưởi ấm trái tim” nhằm ủng hộ trẻ em nghèo thất học vùng xa; chương trình “Vì biển đảo quê hương” kêu gọi ủng hộ các chiến sĩ đang ngày đêm canh gác ngoài hải đảo.
Với triết lý “lấy ngắn nuôi dài, làm từ thiện phải có chiều sâu, độ bền”, CLB phải có kinh phí chứ không thể đi xin tài trợ, Hoàng Hiệp đã nghĩ ra đủ cách kinh doanh, như: bán ốc, bán hoa, bán thiệp, bán nước mía vỉa hè… Gia đình vốn có truyền thống kinh doanh nên Hiệp nắm bắt thị trường khá nhanh. Mùa hè 2011, riêng việc bán nước mía ở sân vận động nhóm đã thu được hơn 30 triệu đồng. Hay như có lần Hiệp nảy ra ý định khá đơn giản là xin chữ ký các cầu thủ ở đội bóng Thanh Hóa sau đó đem bán đấu giá. Kết quả trái bóng trị giá vài trăm nghìn bán được 23 triệu đồng.
Hoàng Hiệp cùng các bạn trao quà cho đồng bào vùng bão lụt.
Hoàng Hiệp đang ngày càng mở rộng CLB cả về số lượng tình nguyện viên và số lần quyên góp, ủng hộ để thực hiện mong muốn mang niềm vui, nụ cười đến với những mảnh đời bất hạnh. Hiện CLB đã có hơn 100 tình nguyện viên tham gia chính thức, hoạt động ở nhiều tỉnh thành.
Hiệp kể, hoạt động của CLB không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có lần thấy con gái nằng nặc đòi tham gia CLB bằng được, nếu không sẽ bỏ học, một phụ huynh đã tìm đến tận nhà “năn nỉ”, thậm chí nhờ người quen tác động để Hiệp “buông tha” con gái họ vì cứ tưởng đang bị nhóm “dụ dỗ chơi bời”. Nhưng khi nghe giải thích và thấy con gái tiến bộ, chăm ngoan, học giỏi hơn trước, phụ huynh này mới yên tâm. Về sau, chính vị phụ huynh này đã tham gia rất tích cực nhiều hoạt động từ thiện của CLB.
Bạn Lê Văn Chí (19 tuổi, xã Đông Hương, TP Thanh Hóa), một thành viên CLB cho biết, thông qua bạn bè, cậu đã gắn bó với CLB gần ba năm qua. “CLB có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhiều chương trình thiết thực, có ích cho cộng đồng. Từ khi tham gia, em đã thay đổi rất nhiều, không chỉ rèn luyện được tính tự lập, tinh thần đoàn kết, tự tin đứng trước đám đông… mà đặc biệt qua những lần đi làm tình nguyện, được tận mắt chứng kiến những mảnh đời màn trời chiếu đất khiến mình cảm thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều. Từ đó giúp mình trân trọng những gì đang có hơn, nỗ lực hơn trong cuộc sống”, Chí tâm sự.
Chia sẻ về kinh nghiệm lãnh đạo nhóm, Hoàng Hiệp cho biết, thành viên CLB chủ yếu là học sinh, do đó yêu cầu người đứng đầu phải tập thói quen “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, không đao búa mà ngược lại phải biết chia sẻ. Khi có công việc, người thủ lĩnh không đứng chỉ tay năm ngón, trái lại phải gánh vác những phần việc nặng nhất, khó nhất để làm gương cho các em.
Chính từ suy nghĩ đó mà chỉ sau gần 3 năm hoạt động, CLB tình nguyện xứ Thanh đã kêu gọi được rất nhiều bạn trẻ tham gia, đồng thời được đánh giá rất cao. CLB từng được Tổ chức Cộng đồng Anh và Tổ chức Phát triển Hà Lan đánh giá là một trong 100 CLB doanh nghiệp, tổ chức xã hội hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam năm 2011. Năm 2012, CLB được Tỉnh đoàn Thanh Hóa công nhận là một trong mười tổ chức xuất sắc về hoạt động tình nguyện. Hoàng Hiệp được tuyên dương là một trong 10 cá nhân tiêu biểu…
Không chỉ là thủ lĩnh nhóm tình nguyện xứ Thanh, hiện nay Hiệp còn đảm trách nhiệm vụ Phó bí thư đoàn phường, Chủ tịch Hội đồng đội phường… “Mỗi con người đều có những lúc vấp ngã, thậm chí sai lầm. Có điều tự bản thân phải biết đứng dậy và bước đi trên đôi chân của chính mình”, chàng trai triết lý.
Nói về dự định tương lai, Hiệp cho biết tạm gác chuyện hôn nhân để tập trung cho công tác tình nguyện, phấn đấu để CLB trở thành mái nhà chung cho nhiều bạn trẻ xứ Thanh. CLB sẽ tích cực chia sẻ với những số phận bất hạnh, bởi “còn quá nhiều những số phận kém may mắn hơn mình đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống cơ cực, nhất là trẻ em vùng biên giới…”.
Đánh giá về hoạt động của CLB tình nguyện xứ Thanh, bà Lại Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết, CLB này là một trong những nhóm từ thiện khá mạnh ở Thanh Hóa những năm gần đây. Hàng năm, CLB thường xuyên phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội liên hiệp thanh niên tỉnh và các cấp đoàn cơ sở… tổ chức nhiều chương trình tình nguyện thiết thực như: tặng áo ấm, sách vở cho trẻ em nghèo vùng cao, mua lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm chia khó với đồng bào trong vùng bão lụt, làm vệ sinh môi trường…
“Những hoạt động của CLB tình nguyện xứ Thanh là rất thiết thực, tạo được nhiều tiếng vang tốt cho các bạn trẻ tham gia công tác Đoàn, đồng thời được nhân dân đánh giá rất cao”, bà Thủy nhấn mạnh và cho biết để có được thành công đó, công lao của thủ lĩnh Hoàng Hiệp là rất lớn.
Theo VNE
Tiếng kẻng học bài ở xứ Thanh
Nghe tiếng kẻng ngân vang, đèn học trong các nhà bật sáng, học sinh thôn Ngọc Long (xã Ngọc Trạo, Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tự giác ngồi vào bàn học bài.
Đúng 19h, ông Quách Cao Bảy cầm búa đánh ba hồi sáu tiếng kẻng. Lũ trẻ đang chơi đùa ngoài ngõ chợt dừng lại lắng nghe, một đứa lên tiếng "Đến giờ học rồi, về thôi". Cả nhóm ai về nhà nấy, làng trên xóm dưới im ắng. Gõ kẻng đã 6 năm nay, ông Bảy cho hay "Học sinh trong thôn nghe tiếng kẻng như bộ đội nghe quân lệnh".
Năm 2006, Hội khuyến học xã Ngọc Trạo phát động phong trào "tiếng kẻng học bài" nhằm vực dậy truyền thống hiếu học của xã, đồng thời hỗ trợ giáo viên trong việc giáo dục ý thức tự học của học sinh.
Ông Quách Cao Bảy đánh kẻng, nhắc nhở học sinh trong thôn đã đến giờ học bài. Ảnh:H.P.
Kẻng được làm từ vỏ quả bom tấn do địch ném xuống Ngọc Long năm 1953. Dân quân tháo hết thuốc nổ, đem vỏ treo ở cây cổ thụ cạnh hội trường thôn. Thời chiến, tiếng kẻng là hiệu lệnh tập trung, báo động toàn thôn tránh máy bay địch. Thời bình, tiếng kẻng trở thành hiệu lệnh nhắc nhở học sinh ngồi vào bàn học.
Đều như vắt chanh, đúng 19h ông Quách Cao Bảy đạp xe ra hội trường thôn đánh kẻng. Một lần bận việc, ông không đi đánh kẻng được, hôm sau đã bị thôn xóm nhắc nhở. Từ đó trở đi, có việc bận ông đều nhờ người làm thay. Thậm chí có hôm đang ăn cơm, ông đành buông bát, đi đánh kẻng rồi về ăn tiếp. Thời gian học sinh nghỉ hè, kẻng lại làm nhiệm vụ báo hiệu cho người dân đi họp thôn.
Cùng với việc đánh kẻng, thôn còn lập một tổ an ninh trật tự đi kiểm tra. Học sinh lang thang ngoài đường sẽ bị nhắc về nhà học bài. Gia đình nào mở tivi, xem phim vào giờ học của con cũng bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách trên đài phát thanh của thôn. Giờ tự học chỉ 2-3 tiếng mỗi tối nhưng đã trở thành nề nếp của học sinh nơi đây.
Mỗi khi nghe tiếng kẻng, Quách Thị Mỹ Nha lại tự giác ngồi vào bàn học. Ảnh: H.P.
Quách Thị Mỹ Nha (học sinh lớp 5, trường THCS Ngọc Trạo) quen với tiếng kẻng học bài từ ngày còn học vỡ lòng. "Giờ muốn đi chơi cũng không có người chơi cùng vì 19h tối là bạn nào cũng ngồi vào bàn học", Nha nói.
Người nơi khác đến chơi nghe tiếng kẻng thấy lạ, người làng Ngọc Long đi xa thì nhớ tiếng kẻng. Quách Thị Mỹ Hảo, chị gái Nha tâm sự: "Đi học xa nhà, không có tiếng kẻng nhưng theo thói quen19h em vẫn ngồi vào bàn học. Nó không đơn thuần là tiếng kẻng mà còn là tiếng tuổi thơ".
Gia đình ông Quách Văn Minh có ba con gái. Trước vợ chồng ông cho rằng con gái thì không cần học cao. Nhưng từ ngày có phong trào "tiếng kẻng học bài", ông nhận thức rõ cần đầu tư cho con học. Ba cô con gái giờ đang học đại học, cao đẳng ngoài Hà Nội. Năm rồi, gia đình ông đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học tiêu biểu" của huyện Thạch Thành.
Ông Doãn Hoàng Mai, Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngọc Trạo cho biết, Ngọc Long là một trong bốn thôn duy trì phong trào "tiếng kẻng học bài" tốt nhất xã, sắp tới sẽ được huyện công nhận là "khu dân cư hiếu học".
"Từ khi có tiếng kẻng học bài, số học sinh đạt thành tích cao tăng lên, các nệ nạn xã hội giảm rõ rệt. Năm 2012, cả xã có 18 em đậu đại học, cao đẳng. Đó là tỷ lệ đậu cao so với các xã miền núi trong huyện", ông Mai nói thêm.
Theo VNE
Dân "phượt" tự sản xuất clip du lịch đẹp như quảng cáo Loạt clip du lịch đẹp như tranh vẽ, miêu tả xứ Thanh, xứ Huế, Cô Tô, Hội An... đều do bàn tay "nghiệp dư" của chàng trai Vũ Nam Dương làm nên, với mong muốn quảng bá thiên nhiên, con người Việt Nam. Thời gian gần đây, những clip ngắn giới thiệu du lịch Việt Nam của Vũ Nam Dương thực hiện được...