Thiếu chế tài xử phạt, “mọc” tràn lan lò giết mổ lợn chui
Cho đến thời điểm này, việc phát hiện xử lý các cơ sở giết mổ lợn lậu, bẩn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn là bài toán khó đối với ngành chức năng vì dẹp chỗ này chỗ khác lại mọc lên, khó kiểm soát.
Tràn lan lò mổ chui
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, đến nay, tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi và hiện có 135/137 xã đã qua 30 ngày không tái phát, 2 xã còn lại gần đây không xuất hiện ổ dịch mới. Mặc dù dịch bệnh được khống chế nhưng vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại như tình trạng các cơ sở giết mổ lợn bệnh, lợn lậu vẫn xuất hiện tràn lan. Việc này có khả năng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Các đơn vị chức năng phát hiện xử lý một lò mổ lậu tại Đồng Nai. Ảnh: I.T
Cụ thể, mới đây lực lượng liên ngành của tỉnh Đồng Nai đã bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ heo tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, do ông Vũ Đức Nhiệm (ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 7 con lợn đã chết, da tím tái, đang được giết mổ (tổng trọng lượng 145kg). Ngoài ra, còn phát hiện gần 500kg thịt lợn được ướp đá trong 4 thùng xốp có dấu hiệu bị xuất huyết, thay đổi màu sắc, bốc mùi rất khó chịu.
Làm việc với công an, ông Nhiệm thừa nhận thu mua heo chết từ các trang trại trên địa bàn xã Bàu Cạn với giá 50.000 đồng/con về mổ và pha lóc thịt sơ chế, rồi bán cho công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Ngoài ra ông Nhiệm cũng không xuất trình được giấy phép hoạt động giết mổ.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, bàn giao số lợn và thịt lợn trên cho UBND xã Bàu Cạn tiêu hủy, đồng thời, lấy mẫu để xét nghiệm và tiếp tục xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cuối tháng 1/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai cũng bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ lợn tại khu phố 3, phường Long Bình (TP.Biên Hòa). Cơ sở giết mổ lợn này do ông Nguyễn Văn Linh, ngụ tại TP.Biên Hòa làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện, bắt quả tang công nhân tại cơ sở của ông Linh đang giết mổ 12 con lợn, trong đó có 6 con lợn đã chết. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện số lượng lớn thịt lợn đã qua giết mổ được cất giữ trong các tủ lạnh, thùng xốp tại cơ sở này.
Video đang HOT
Qua làm việc với công an, bước đầu ông Linh khai nhận cơ sở hoạt động mới hơn 1 tháng. Nguồn lợn để giết mổ được ông Linh thu mua của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đưa về giết mổ rồi bán sỉ cho các đầu mối cũng như tự mang đi tiêu thụ tại các chợ ở TP.Biên Hòa.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản, lấy mẫu đi kiểm dịch, và tịch thu toàn bộ số thịt lợn trên để tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Khó xử lý
Liên quan đến tình trạng lợn lậu, lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ bị giết mổ, buôn bán tràn lan, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai và các địa phương liên tục kiểm tra để xử lý các cơ sở giết mổ trái phép.
Qua đó, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều lò giết mổ heo lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường. Cũng theo Công an tỉnh Đồng Nai, để xử lý tình trạng giết mổ lậu vẫn là bài toán khó đối với ngành chức năng.
Theo ông Ngô Thanh Tùng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thống Nhất, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chưa xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ lợn lậu, lợn bẩn bởi mức phạt còn quá thấp.
“Một cơ sở giết mổ lậu bị bắt 2 lần/tháng, đóng phạt vài triệu đồng/lần thì vẫn có lợi nhuận. Thậm chí có trường hợp giết mổ lậu bị lập biên bản xử phạt hành chính mà chủ lò mổ lậu không chấp hành, nhưng cơ quan chức năng địa phương lại rất khó khăn khi muốn sử dụng biện pháp cưỡng chế. Nhiều vụ vi phạm thu mua lợn bệnh, lợn chết để giết mổ, tiêu thụ với số lượng lớn, tính chất nghiêm trọng nhưng không thể khởi tố hình sự do chưa có quy định” – ông Tùng nói.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Văn Chánh cho biết, việc xử lý tình trạng giết mổ lậu vẫn dựa vào phạt hành chính nên không khả thi. Đồng Nai đang kiến nghị Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ ra chế tài xử lý nặng hơn, tạo tính răn đe cao…
Theo một cán bộ thú y, việc giết mổ lợn lậu, lợn bẩn tập trung nhiều ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, muốn xử lý các cơ sở này phải có bằng chứng, phải bắt tại trận và thời điểm kiểm tra phải phát hiện được việc giết mổ hay trữ thịt lợn trái phép. Nhưng nhiều cơ sở có “tai mắt” nên khi phát hiện bóng dáng lực lượng chức năng đã tẩu tán toàn bộ tang vật cũng như ngừng giết mổ nên lực lượng chức năng không có chứng cứ.
Theo Danviet
Áp lực "kép" với người nuôi gia cầm: Gồng mình gánh lỗ, chống dịch
Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, giá gà công nghiệp tại nhiều địa phương có xu hướng giảm mạnh, hiện chỉ còn từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thành sản xuất.
Ngoài việc phải gồng mình gánh lỗ, người chăn nuôi còn gặp thêm áp lực khi đang đứng trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát.
Xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 tại Hà Nội
Ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, trên địa bàn thành phố vừa xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ.
Theo đó, ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 được phát hiện đầu tiên tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vào ngày 3/2. Đến ngày 8/2, tại đây tiếp tục phát sinh 2 hộ chăn nuôi ngan thương phẩm có ngan ốm chết.
Trong đó, hộ ông Ngô Văn Bình có tổng đàn 970 con ngan thương phẩm 35 ngày tuổi, đã chết 270 con. Hộ ông Ngô Văn Hùng có tổng đàn 780 con ngan thương phẩm 35 ngày tuổi, số con ốm 430, số chết 270.
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lập chốt kiểm dịch tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa. Ảnh: Thành An
Đến ngày 9/2, đàn vịt thương phẩm 2.660 con của hộ ông Nguyễn Văn Chung cũng có biểu hiện ốm, chết. Sau khi nhận được thông tin, ngay lập tức, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của 3 hộ trên. Lũy kế từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tới nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã tiêu hủy tổng số trên 6.800 con gia cầm.
Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Bá Vệ xác nhận, từ ngày 2/2 đến nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đã có 4 hộ chăn nuôi có gia cầm bị ốm chết. Ngay sau khi nhận được tin báo, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả có 3/4 hộ có đàn gia cầm dương tính với cúm A/H5N6.
Để khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh lây lan, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện đã cho tiêu hủy 6.807 con gia cầm, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh và cho tiêu độc khử trùng.
Hiện trên địa bàn thôn Phú Vinh có khoảng trên 71.000 con gia cầm, chủ yếu là vịt. Tổng đàn gia cầm nuôi toàn xã Phú Nghĩa có trên 294.900 con, trong đó gia cầm sinh sản trên 107.500 con, gia cầm thương phẩm trên 187.300 con.
Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã cấp cho Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ 450.000 liều vaccine để tiêm phòng bao vây các đàn xung quanh và tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thông tin, hiện đơn vị duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã tổng tẩy uế, tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi tập trung, các hộ gia đình. Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố.
Áp lực giá giảm liên tục
Trong khi đó, từ ngày 3/2 đến 10/2, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng đã buộc phải tiêu hủy 23.083 con gia cầm, gồm 21.887 con vịt, ngan và 1.196 con gà do nhiễm cúm A/H5N6.
Ông Đặng Văn Hiệp - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra từ ngày 3/2, tại hộ chăn nuôi ông Nguyễn Văn Ngọ ở thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang (huyện Nông Cống). Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy gần 900 con gia cầm.
Đến ngày 10/2, dịch đã lây lan sang 8 hộ chăn nuôi khác tại thôn 2 xã Tân Khang và 1 thôn của xã Tân Thọ, phải tiêu hủy trên 19.800 con gia cầm.
Còn tại huyện Quảng Xương, cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện từ ngày 4/2, tại hộ chăn nuôi ông Vũ Ngọc Việt ở thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gần 3.300 con gia cầm.
Ngoài nỗi lo về dịch bệnh, năm nay, thời gian nghỉ Tết kéo dài thêm do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra, khiến đầu ra nhiều loại nông sản bị chững lại, trong đó có các sản phẩm gia cầm. Bên cạnh đó, cũng do nửa cuối năm 2019 đàn gia cầm cả nước tăng nhanh, khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá giảm liên tục, nhất là đối với gà công nghiệp.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 12/2019, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt gần 27,8 triệu con, tăng trên 20,6% so cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn gà đạt gần 25,7 triệu con, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng mạnh là do trước đó, gà công nghiệp bán được với giá cao vì nhu cầu tiêu thụ thịt gà tăng mạnh vì giá thịt lợn tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn - chủ trại nuôi gà công nghiệp tại xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) lo lắng nói, vài tuần nay, giá gà, vịt công nghiệp đều giảm dưới giá thành sản xuất nhưng thương lái hầu như ngừng mua vì các bếp ăn công nghiệp, trường học chưa hoạt động trở lại. Hiện nhiều trại ùn ứ gà, vịt đến tuổi xuất chuồng khiến người chăn nuôi rất lo lắng. Nhiều trại buộc phải giảm thức ăn để kéo dài lứa xuất chuồng tiếp theo.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ nhận định, tình hình người chăn nuôi hiện nay rất khó khăn vì vài tháng trước đó họ đã phải chịu một đợt thua lỗ lớn do giá gà xuống thấp, nay chưa kịp gượng lại thì tiếp tục đối mặt với nguy cơ "khủng hoảng thừa". Dự báo thời gian tới, việc tiêu thụ cũng như giá các mặt hàng gia cầm, đặc biệt là gà công nghiệp khó khôi phục vì diễn biến của dịch bệnh do virus Corona còn phức tạp.
Theo Danviet
Giáp tết, giá gà tăng vù vù, nông dân vẫn chưa hết lo Thịt gà đang giữ mức giá cao giúp nhiều nông dân Đông Nam bộ kỳ vọng thu lãi khá cuối năm. Nhưng sau tết, ngành chăn nuôi này cần tính toán lại kế hoạch bài bản để hạn chế cảnh giá cả trồi sụt như vừa qua. Kỳ vọng thu lãi khá Những ngày này, trang trại gà ta thả vườn của chị...