Thiết kế xấu, lỗi liên tục, loạt xe sang bị thị trường hắt hủi
Thiết kế xấu, lỗi kỹ thuật liên tục, giá thành quá cao là những lý do khiến những mẫu xe sang dưới đây của những hãng tên tuổi như Aston Martin, Cadillac, Jaguar, Audi…có tuổi thọ ngắn ngủi trên thị trường.
Có những ý tưởng thiết kế xe tưởng rất hấp dẫn được các hãng tung ra, nhưng rốt cuộc, khi xe đưa ra thị trường thì bị khách hàng chê xấu. Một số mẫu xe có thời gian đầu tư nghiên cứu quá dài khiến chi phí giá thành đội lên, hãng xe càng bán càng lỗ. Một số mẫu xe khác vừa ra mắt đã gặp hàng loạt lỗi kỹ thuật không thể khắc phục triệt để khiến khách hàng tẩy chay…
Đó là những lý do được trang Autocar tổng kết ở phần 3 điểm danh những mẫu xe “bom xịt” của lịch sử ô tô thế giới ở thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.
Aston Martin Lagonda (1976)
Xe sang phong cách hiện đại của Aston Martin. Ảnh: Autocar
Hãng xe Aston Martin cho rằng một chiếc sedan sang trọng với phong cách hiện đại kiểu mới sẽ tạo ra được sự khác biệt trong phân khúc xe sang.
Kết quả là chiếc Lagonda ra đời với sự kết hợp cả 2 yếu tố hiện đại và truyền thống. Chiếc xe được bọc da cao cấp và chế tác bằng tay theo tiêu chuẩn của xe sang cùng thời như Rolls-Royce và Bentley nhưng lại được trang bị đi kèm bảng điều khiển kỹ thuật số tiên tiến cùng một loạt các thiết bị điện tử khác.
Nhưng thật không may, ý tưởng của Aston Martin lại không được sự hưởng ứng của khách hàng. Chiếc xe này còn bị một số tạp chí như Time, Bloomberg liệt vào danh sách những chiếc xe xấu nhất mọi thời đại.
Xe diesel của GM (1978)
Những chiếc xe diesel của GM khiến dân Mỹ sợ loại động cơ này. Ảnh: Autocar
Với nỗ lực cung cấp một chiếc xe hạng sang tiết kiệm nhiên liệu, tập đoàn GM đã giới thiệu tùy chọn động cơ diesel V8 5,7 lít ở hầu hết các thương hiệu của mình sở hữu gồm Buick, Cadillac, Chevrolet, Oldsmobile, Pontiac.
Tuy nhiên, do bị lỗi trong quá trình sản xuất mà loại động cơ diesel được trang bị đã bị lỗi hàng loạt. Rất nhiều khách hàng phải mang xe đi bảo hành dẫn đến hiện tượng quá tải tại các trung tâm sửa chữa.
Video đang HOT
Tới tận thời điểm hiện tại, người dân Mỹ vẫn cảm thấy dè chừng với loại động cơ này.
AC 3000ME (1979)
Thời gian thai nghén lâu nhưng AC 3000ME lại là sản phẩm thất bại. Ảnh: Autocar
Theo lý thuyết, thời gian nghiên cứu càng lâu thì sản phẩm ra mắt càng hoàn thiện, thế nhưng trường hợp của chiếc AC 3000ME lại trái ngược.
Được phát triển từ đầu những năm 70, tận đến năm 1979 chiếc xe này mới chính thức được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên chiếc AC 3000ME chỉ có tốc độ và công suất trung bình, trong khi giá lại quá đắt do phải chịu chi phí nghiên cứu bị đội lên nhiều.
Do không thể cạnh tranh được với Lotus Esprit ở cùng phân khúc, chiếc AC 3000ME chỉ bán được khoảng 100 chiếc trước khi bị dừng sản xuất.
De Lorean DMC-12 (1981)
De Lorean DMC-12 nổi tiếng vì xuất hiện trong phim “Trở lại tương lai”. Ảnh: Autocar
Giống như những chiếc xe khác do Malcolm Bricklin sản xuất, chiếc De Lorean DMC-12 tiếp tục thất bại do có chất lượng hoàn thiện kém, khả năng xử lý không mượt mà, động cơ mờ nhạt, không nổi trội.
Dù vậy, may mắn đến với nhà sản xuất khi bộ phim “Trở lại tương lai” đạt được thành công vang dội nên doanh số bán hàng của De Lorean DMC-12 cũng tăng lên phần nào.
Chrysler E-Class (1982)
Ý tưởng xe hạng trung của Chrysler đã không thành. Ảnh: Autocar
Nhiều năm trước khi Mercedes giới thiệu dòng xe hạng trung E-Class, hãng Chrysler cũng đã cố gắng thực hiện điều tương tự
Chiếc sedan Chrysler E-Class ra đời nhắm tới các khách hàng trung lưu, những người mơ ước chiếc xe sang Chrysler New Yorker của hãng mà chưa đủ tiền. Tuy nhiên do chỉ được trang bị loại động cơ 4 xi-lanh không hấp dẫn, chiếc Chrysler E-Class nhanh chóng bị dừng sản xuất do doanh số bán ra quá ế ẩm.
Jaguar XJ40 (1986)
Jaguar XJ40, hiện đại nhưng hại điện. Ảnh: Autocar
Khi lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1968, Jaguar XJ là ngôi sao mới nổi trên thị trường ô tô. Thế nhưng đến đầu những năm 1980, chiếc xe này đã quá nhàm chán với khách hàng dù hãng sản xuất cũng đã có một số cải tiến đáng kể.
Điều này thôi thúc Jaguar phát triển một mẫu xe hoàn toàn mới. Chiếc Jaguar XJ40 đã ra đời vào năm 1986, với rất nhiều cải tiến về mặt công nghệ, được trang bị nhiều loại cảm biến điện tử, tiện nghi hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề của Jaguar XJ40 là những cảm biến mới hoạt động không ổn định khiến xe hay bị lỗi.
Isuzu Piazza (1986)
Isuzu Piazza, xe thể thao đầu tiên của Isuzu. Ảnh: Autocar
Là công ty chuyên sản xuất xe tải và xe địa hình, Isuzu chưa từng có kinh nghiệm sản xuất xe thể thao.
Điều này dẫn đến sản phẩm đầu tay của hãng, chiếc xe thể thao Isuzu Piazza có khả năng xử lý kém, động cơ nhập từ GM cũng không phù hợp với xe.
Mặc dù chiếc xe có phong cách thiết kế Italia khá đẹp mắt nhưng cuối cùng nó vẫn chịu thất bại trên thị trường.
Cadillac Allante (1987)
Cadillac Allante không cạnh tranh được vì giá cao. Ảnh: Autocar
Vào những năm 50, mẫu xe mui trần Mercedes SL là niềm mơ ước của rất nhiều người. Hãng Cadillac cũng muốn giành một phần lợi nhuận từ phân khúc này nên quyết tâm cho ra mắt sản phẩm riêng là mẫu Allante.
Phần thân xe Allante được hãng GM đặt hàng Pininfarina chế tạo riêng tại Italia sau đó được đưa lên máy bay Boeing 747 chở về Mỹ để tiếp tục hoàn thiện.
Do quá trình chế tạo công phu, nhiều công đoạn khiến giá của chiếc Cadillac Allante bị đẩy lên cao và sản phẩm này đã không thể cạnh tranh được với đối thủ đến từ nước Đức.
Audi V8 (1988)
Chiếc sedan hạng sang đầu tiên của Audi. Ảnh: Autocar
Audi V8 là chiếc xe đầu tiên của hãng Audi khi thâm nhập vào phân khúc ô tô hạng sang.
Thay vì nhập động cơ từ các hãng sản xuất khác, Audi đã tự phát triển một loại động cơ riêng của mình và lấy nó đặt tên cho chiếc xe.
Chiếc Audi V8 đầu tiên được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh quattro, động cơ mạnh mẽ, thiết kế sang trọng đẹp mắt nhưng lại không đạt được thành công về mặt thương mại.
Tuy nhiên, chiếc xe này cũng góp phần mở đầu cho dòng xe sang A8 hiện tại của hãng Audi.
Eagle Premier (1988)
Thiết kế của Eagle Premier bị đánh giá là không hấp dẫn. Ảnh: Autocar
AMC Eagle là dòng sản phẩm liên doanh giữa hai hãng xe American Motors và Renault. Sau khi Chrysler mua lại cổ phần của Renault ở liên doanh, hãng đã quyết định tạo ra một thương hiệu mới để bán động cơ do hãng sản xuất. Thương hiệu mới được đặt là Eagle và sản phẩm chào thị trường là chiếc Premier.
Với thiết kế không hấp dẫn, chất lượng hoàn thiện ở mức bình thường và hiệu suất yếu, hoàn toàn không có lý do gì để người tiêu dùng ủng hộ chiếc Eagle Premier của Chrysler.