Thiết kế “lạ” trên J-20 bóc mẽ khả năng sáng tạo hạn chế của TQ
Hầu hết các mẫu máy bay sử dụng cánh mũi cũng đều đặt cánh mũi cao hơn so với cánh chính, kể cả mẫu J-10 của TQ. Tuy nhiên, với J-20, cánh mũi và cánh chính lại đặt ngang nhau.
Thiết kế khó hiểu
Trung Quốc vẫn thường tự hào về những chương trình chiến đấu cơ nội địa và xem chúng như minh chứng cho khả năng của nền công nghiệp quốc phòng nước này, đặc biệt là dự án máy bay tàng hình J-20.
Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là chính J-20 lại cho thấy sự hạn chế trong năng lực thiết kế và khả năng sáng tạo của họ. Cụ thể là trong giải pháp dùng cánh mũi thay cho cánh đuôi ngang.
J-20 hiện vẫn đang trong quá trình phát triển
Thông thường có 2 hướng chính trong việc sử dụng cánh mũi trong thiết kế máy bay.
Trong hướng thứ nhất, cánh mũi được dùng đơn thuần để điều khiển máy bay. Trong các thiết kế này, tiêu biểu như Eurofigher Typhoon, cánh mũi có kích thước tương đối nhỏ và đặt khá xa cánh chính.
Hướng thiết kế thứ 2 dùng cánh mũi không chỉ để điều khiển mà còn để cải thiện hiệu năng vận hành của máy bay, như sức nâng, góc tới tối đa, tốc độ hạ cánh…
Với hướng thiết kế này, cánh mũi có kích thước lớn hơn và đặt gần cánh chính hơn, cả cánh mũi và cánh chính có sự tương tác về mặt khí động học. Tiêu biểu cho hướng thiết kế thứ 2 là Rafale, Gripen.
Tuy nhiên, cho dù theo hướng thiết kế nào thì các nghiên cứu cho thấy vị trí tối ưu của cánh mũi là được đặt ở vị trí cao hơn so với cánh chính.
Trên thực tế, hầu hết các mẫu máy bay sử dụng cánh mũi cũng đều đặt cánh mũi cao hơn so với cánh chính, kể cả mẫu J-10 của Trung Quốc. Nhưng với J-20, cánh mũi và cánh chính lại được đặt ngang nhau.
Rafale, Typhoon, Gripen, J-10 (từ trên xuống) đều đặt cánh mũi cao hơn cánh chính
Riêng J-20 đặt cánh mũi ngang cánh chính
Đối với kiểu thiết kế thứ 2, nguyên tắc này càng quan trọng, vì khi ở vị trí này, cánh mũi sẽ giúp tạo ra những xoáy nâng ở rìa cánh chính và làm tăng lực nâng cho máy bay.
Video đang HOT
Như vậy, khi những nhà thiết kế Trung Quốc đặt cánh mũi ngang cánh chính trên J-20, họ đã triệt tiêu đáng kể lợi ích của chúng.
Những xoáy trên rìa cánh chính giúp tăng sức nâng
Tất nhiên, những nhà thiết kế của Trung Quốc hiểu rõ điều này, ngay cả chiến đấu cơ nội địa J-10 của họ cũng có cánh mũi đặt cao hơn cánh chính.
Vậy tại sao với J-20, họ lại đặt cánh mũi ở vị trí bất lợi và triệt tiêu phần nào tác dụng của chúng? Đó là do yêu cầu cần đảm bảo tính năng “tàng hình” cho loại máy bay này.
Đặt cánh mũi ở vị trí cao hơn đồng nghĩa với việc vô tình tạo ra một bề mặt phản xạ tín hiệu radar thứ cấp.
Như trong hình dưới đây, tín hiệu radar tới rìa cánh 1 chiếc Gripen (màu xanh) thay vì phản xạ theo hướng khác đã bị phản xạ một lần nữa vào bề mặt của cánh mũi và quay trở lại hướng của radar đối phương (màu đỏ).
Cánh mũi có thể trở thành bề mặt phản xạ thứ cấp & làm tăng RCS
Ngoài ra, quá trình này cũng có thể diễn ra ngược lại. Tín hiệu radar dội vào mặt dưới của cánh mũi, phản xạ lại vào rìa cánh chính và quay về nguồn phát.
Như vậy, cánh mũi góp phần làm tăng diện tích bề mặt phản xạ radar (RCS) của máy bay.
Đó là lí do vì sao những nhà thiết kế chiếc Eurofigher Typhoon đã cố ý đặt cánh mũi rất xa cánh chính, chấp nhận làm giảm hiệu quả tạo xoáy nâng.
Tương tự, J-20 không chỉ đặt cánh mũi ngang với cánh chính, mà còn ở một khoảng cách khá xa và do đó càng làm giảm hiệu năng của cánh mũi.
Khả năng sáng tạo hạn chế
Tuy vậy, ngay cả khi chấp nhận phá vỡ các nguyên tắc thiết kế thông thường và đặt cánh mũi ở cùng độ cao với cánh chính thì khả năng “tàng hình” của máy bay vẫn bị ảnh hưởng.
Cánh đuôi ngang của máy bay thường cố định, chỉ một phần của nó – cánh lái độ cao – là di động.
Còn với đa số những máy bay dùng cánh mũi thay cho cánh đuôi ngang, toàn bộ diện tích cánh mũi di động, bao gồm cả J-20.
Những bề mặt di động trên máy bay là cơn ác mộng đối với việc kiểm soát diện tích bề mặt phản xạ radar, vì con số này sẽ thay đổi mỗi lần các bề mặt này di chuyển.
Nguyên tắc của các máy bay tàng hình là đồng dạng hóa các bề mặt và các phần rìa.
Nếu nhìn vào thiết kế các máy bay tàng hình thì trên thực tế, đó là tập hợp của những đường, mặt phẳng song song.
B-2, máy bay tàng hình hàng đầu thế giới hiện nay, có RCS nhỏ như vậy là do nó gần như chỉ là một mặt phẳng duy nhất.
Máy bay tàng hình là tập hợp những mặt phẳng song song
Trong khi đó, cánh mũi của J-20 gần như hiếm khi cùng mặt phẳng với cánh chính. Hơn nữa, nó lại được đặt phía trước nên sẽ càng làm tăng chỉ số RCS từ phía trước, mà đây lại là nơi cần có RCS nhỏ nhất.
Những máy bay tàng hình dùng cánh đuôi ngang như F-22, F-35 thì tuy có cánh lái độ cao di động nhưng chúng được đặt phía sau và phần nào được che chắn khỏi tín hiệu radar nhờ vào cánh chính.
Cánh mũi J-20 ít khi cùng mặt phẳng với cánh chính
Như vậy, giải pháp thiết kế của J-20 vừa ảnh hưởng đến khả năng tàng hình, vừa phải chấp nhận giảm hiệu năng của cánh mũi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc không đơn giản là sử dụng thiết kế cánh đuôi ngang, như F-22 hay F-35?
Nhiều khả năng đó là vì họ vẫn phải dựa trên thiết kế cũ của chiếc J-10, mà theo nhiều chuyên gia là chịu ảnh hưởng từ thiết kế của dự án Lavi, Israel.
Với những cường quốc khác, khi chế tạo một loại máy bay mới, họ có thể cho ra đời những thiết kế hoàn toàn khác nhau, ứng dụng những thành tựu công nghệ mới và sau đó chọn thiết kế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ nhất.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn phải dựa vào những thiết kế cũ, mặc dù chúng hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu mới, hoặc sao chép những thiết kế có sẵn như với J-11/J-15.
Đây là minh chứng cho năng lực thiết kế và khả năng sáng tạo vẫn còn khá hạn chế của nước này.
Một nguyên mẫu thử nghiệm của dự án Lavi
Theo Đại Lộ
Trung Quốc sẽ chế J-15 thành máy bay tác chiến điện tử giống EA-18G Growler?
Theo bài báo, J-15 đã được sản xuất hàng loạt và sẽ cải tạo thành máy bay tác chiến điện tử, trong khi đó, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh sẽ huấn luyện mới.
Máy bay chiến đấu J-15 số hiệu 105 đang bay thử (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ).
"J-15 sẽ cải tạo thành máy bay tác chiến điện tử"
Trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 28 tháng 10 đưa tin, trên trang mạng hàng không Trung Quốc mới công bố các hình ảnh cho thấy, Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương đang đẩy nhanh sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu đa năng J-15.
Bài báo cho rằng, tập đoàn này chuẩn bị bàn giao 2 máy bay J-15 mới lần lượt có số hiệu là 104 và 105 cho lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc. Những máy bay chiến đấu mới này làm cho tổng số máy bay J-15 (bao gồm máy bay nguyên mẫu) đã biết tới hiện nay tăng lên 11 chiếc.
Đồng thời, việc kiểm tra đối với máy bay J-15S phiên bản 2 chỗ ngồi vẫn đang được tiếp tục tiến hành. Những hình ảnh mới công bố cho thấy, một chiếc máy bay nguyên mẫu màu vàng sáng đang tiến hành bay thử. Chiếc máy bay này hầu như cũng sẽ nhanh chóng đưa vào sản xuất.
Nguồn tin trên mạng internet Trung Quốc cho biết, máy bay J-15S sẽ có 3 loại: Máy bay huấn luyện tiên tiến thiết kế cho phi công J-15, máy bay chiến đấu đa năng và máy bay tác chiến điện tử cải tiến tương tự máy bay EA-18G Growler của Hải quân Mỹ.
Theo bài báo, máy bay J-15S sẽ còn có thể phát huy vai trò máy bay chỉ huy kiểm soát trong cụm máy bay chiến đấu J-15/J-15S: Đây là chức năng mới được Công ty Sukhoi phát triển trên nền tảng Su-30MKK2. Su-30MK2 là một loại máy bay được tối ưu hóa chuyên môn cho hoạt động hải quân, thuộc gia tộc Su-30 (máy bay nguyên mẫu của máy bay J-15).
Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ).
Loại năng lực tác chiến này rất quan trọng đối với lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc còn chưa đưa máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không cánh cố định trang bị cho tàu chiến vào sử dụng.
J-15 đã sản xuất hàng loạt
Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 27 tháng 10 cho biết, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn thành bảo dưỡng thời gian nửa năm và quay trở về cảng chính Thanh Đảo, đài truyền hình CCTV Trung Quốc vừa công bố những hình ảnh mới nhất về biên đội tàu sân bay Liêu Ninh ra khơi, tàu sân bay và ít nhất 8 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm tạo thành biên đội di chuyển trên biển.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác trả lời CCTV cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh đã hoàn thành bố trí lực lượng tác chiến biên đội và huấn luyện, bắt đầu đi vào huấn luyện biên đội. Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ mở đường cho tàu sân bay thực sự của Trung Quốc trong tương lai.
Theo Lý Lỵ, từ khi đi vào hoạt động được 2 năm cho đến nay, tàu sân bay Liêu Ninh đã thực hiện được nhiều bước nhảy: Trước hết, được lợi từ kinh nghiệm mật độ cao của 2 năm gần đây, máy bay chiến đấu J-15 tàu Liêu Ninh đã sản xuất hàng loạt; thứ hai, đã thành lập phi đội máy bay chiến đấu tàu Liêu Ninh biên chế đầy đủ.
Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Doãn Trác cho rằng, nhiệm vụ chính của tàu Liêu Ninh hiện nay vẫn là thử nghiệm và huấn luyện, do số lượng máy bay chiến đấu không đủ, bản thân tàu Liêu Ninh vẫn chưa trở thành tàu tác chiến hoàn chỉnh, trong khi đó, sự xuất hiện của nhiều tàu chiến mặt nước thực chất là đang tiến hành huấn luyện biên đội, trong huấn luyện có tàu khu trục phòng không, tàu hộ vệ, tàu ngầm hạt nhân, biên đội tàu sân bay trong tương lai cơ bản chính là như vậy.
Doãn Trác cho rằng, tàu Liêu Ninh bắt đầu tạo đội hình biên đội, cho thấy việc bố trí vị trí chiến đấu của biên đội này đã hoàn thành, đồng thời cho thấy huấn luyện của bản thân tàu Liêu Ninh cũng đã hoàn thành.
Theo Doãn Trác, tuy số lượng máy bay chiến đấu tàu Liêu Ninh còn chưa đủ, nhưng máy bay chiến đấu đã tiến hành huấn luyện các khoa mục như cất cánh trọng lượng lớn nhất, hạ cánh trọng lượng lớn nhất, hạ cánh khẩn cấp và bay trong điều kiện khí tượng phức tạp, cho thấy huấn luyện của máy bay chiến đấu tàu Liêu Ninh cũng đã đạt mức độ tương đối cao.
Doãn Trác nói thêm, ngoài ra, nhóm phi công máy bay tàu Liêu Ninh được sát hạch đầu tiên đã được điều tới các đơn vị để làm giáo viên chờ bay, tàu Liêu Ninh sẽ nhanh chóng có thể hình thành năng lực tác chiến đồng bộ.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh - Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu).
Tháng 4 năm 2014, tàu sân bay Liêu Ninh đã đến nhà máy tiến hành đại tu trong thời gian 5 tháng, đến đây tàu Liêu Ninh đã tiến hành sửa chữa 3 lần. Chuyên gia Lý Lỵ cho rằng, tàu Liêu Ninh chính là một tàu thử nghiệm, nhiệm vụ chính là thử nghiệm, công nghệ tàu sân bay và các loại trang bị trong tương lai đều có thể dùng tàu Liêu Ninh để thử nghiệm, bản thân tàu Liêu Ninh chính là một "hòn đá mở đường", cùng với các cuộc thử nghiệm, sửa chữa và cải tiến không ngừng của nó, sẽ mở đường cho tàu sân bay thực sự của Trung Quốc trong tương lai.
Theo Giáo Dục
Không quân Trung Quốc sợ chim và máy bay mô hình Quân đội Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa ngay chính trong bầu trời của họ, không phải vì máy bay địch xâm lược, mà vì những đàn chim bồ câu và máy bay mô hình điều khiển từ xa của người TQ. Ảnh:Một mô hình trực thăng trong thành phố ở TQ Theo giới truyền thông nhà nước TQ, các hoạt động...