Thiết giáp Triều Tiên so tài tại giải đấu tăng nội địa
Giải đấu xe tăng do Triều Tiên tổ chức có sự tham gia của nhiều đơn vị tăng thiết giáp được trang bị các loại khí tài hiện đại nhất trong biên chế nước này.
Giải đấu xe tăng Triều Tiên 2017 diễn ra hôm 1/4 với sự tham gia của 15 đơn vị tăng thiết giáp thuộc biên chế quân đội Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong-un đã đến quan sát giải đấu, Livejournal đưa tin.
Các đội thi phải vượt qua nhiều thử thách như chướng ngại vật, hào nước, leo dốc cao, chạy trên quãng đường dài 3,6 km, sau đó bắn vào nhiều mục tiêu cố định và di động.
Những loại xe tăng hiện đại nhất trong biên chế Triều Tiên đều được triển khai trong cuộc thi. Chủ yếu bao gồm các mẫu xe do nước này tự sản xuất, dựa trên thiết kế xe tăng của Liên Xô.
Điểm nhấn của cuộc thi là sự xuất hiện của xe tăng Pokpung-ho (Bạo phong hổ). Đây là dòng xe do Triều Tiên tự thiết kế chế tạo, được tích hợp một số công nghệ từ xe tăng T-62, T-72 Liên Xô và Type-88 Trung Quốc.
Xe sử dụng giáp phức hợp và có thể gắn thêm các khối giáp phản ứng nổ (ERA). Độ dày giáp trước của Pokpung-ho ước tính tương đương với 500 mm thép cán đồng nhất.
Phiên bản mới nhất của Pokpung-ho được trang bị pháo nòng trơn 2A46 cỡ 125 mm, tương tự pháo chính của tăng chiến đấu chủ lực Nga hiện nay. Nó có thể bắn nhiều loại đạn như nổ lõm (HEAT), nổ phá mảnh (HEF), tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) và đạn thanh xuyên động năng có cánh ổn định (APFSDS).
Video đang HOT
Triều Tiên được cho là đang sở hữu khoảng 500 chiếc Pokpung-ho, đóng vai trò mũi nhọn chủ lực của lực lượng tăng thiết giáp nước này.
Tuy nhiên, khác với dòng T-72, loại xe này không được trang bị hệ thống nạp đạn tự động. Tổ lái của xe có 4 người, bao gồm lái xe, trưởng xe, pháo thủ và nạp đạn.
Ngoài Pokpung-ho, cuộc đấu tăng còn chứng kiến sự xuất hiện của các xe T-62M nhập từ Liên Xô. Đây là phiên bản nâng cấp sâu của dòng tăng chiến đấu chủ lực T-62, tăng khả năng chiến đấu của xe lên đáng kể.
T-62M trang bị pháo nòng trơn U-5TS cỡ 115 mm, có thể bắn nhiều loại đạn, bao gồm cả ATGM. Hệ thống điều khiển hỏa lực và kính ngắm của xe cũng được cải tiến, cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu từ khoảng cách xa. Khả năng phòng vệ cũng được tăng cường nhờ giáp gắn thêm ở mặt trước và tấm kháng mìn dưới gầm xe.
Bình Nhưỡng đang vận hành khoảng 800 chiếc T-62M, trên tổng số 4.200 xe tăng các loại trong biên chế quân đội Triều Tiên.
Tử Quỳnh
Ảnh: KCNA
Theo VNE
Sức mạnh quân đội xếp hạng 25 thế giới của Triều Tiên
Bất chấp việc sử dụng nhiều vũ khí cũ kỹ, quân đội Triều Tiên vẫn được đánh giá là lực lượng có sức mạnh đáng gờm trên thế giới.
Quân đội Triều Tiên (KPA) có 700.000 lính chính quy và 4,5 triệu lính dự bị. Bên cạnh đó, nước này có khoảng 13 triệu người đủ điều kiện tham gia chiến đấu. Global Fire Power đánh giá Triều Tiên xếp hạng 25 trên thế giới về sức mạnh quân sự.
Lục quân có quy mô và vai trò quan trọng nhất trong quân đội Triều Tiên. Quân chủng này có số lượng binh sĩ lớn, nhưng vẫn chủ yếu sử dụng các loại vũ khí, trang bị cũ kỹ.
Pokpung-ho (rìa trái) là loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất do Triều Tiên tự nghiên cứu chế tạo trong thập niên 1990, dựa trên công nghệ của xe tăng T-62, T-72 và Type-88.
Điểm mạnh của lục quân Triều Tiên nằm ở lực lượng pháo binh, được đánh giá là sở hữu số lượng pháo thuộc hàng nhiều nhất thế giới và các kíp pháo thủ được huấn luyện kỹ lưỡng.
Triều Tiên có khoảng 4.300 khẩu pháo kéo, 2.250 pháo tự hành và 2.400 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn triển khai nhiều hệ thống pháo cố định với cỡ nòng lớn, tầm bắn xa. Hầu hết các loại pháo chủ lực của Triều Tiên đều có tầm bắn vươn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Với 940 máy bay các loại, không quân Triều Tiên xếp hạng 10 thế giới về số lượng chiến đấu cơ có trong biên chế. Nước này sở hữu khoảng 16 đến 35 tiêm kích MiG-29 và số lượng không xác định MiG-23ML. Đây là các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Triều Tiên.
Không quân Triều Tiên bị đánh giá là quá cũ kỹ khi vẫn phải vận hành nhiều loại tiêm kích già cỗi như MiG-17, MiG-19 và MiG-21. Chúng được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, thay vì đối đầu trực tiếp với đối thủ hiện đại hơn như F-15, F-16 của Mỹ và Hàn Quốc.
Hải quân Triều Tiên là một trong những lực lượng sở hữu nhiều tàu ngầm nhất trên thế giới. Năm 2010, một tàu ngầm Triều Tiên bị cáo buộc đã phóng ngư lôi đánh chìm một tàu hộ vệ tên lửa của Hàn Quốc khiến 46 người thiệt mạng.
Tàu mặt nước của Bình Nhưỡng chủ yếu là các tàu pháo tuần tra cỡ nhỏ. Tuy nhiên, nước này đang đóng ít nhất hai tàu hộ vệ tên lửa với tính năng tàng hình, dựa trên thiết kế của Myanmar.
Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung như Hwasong, Rodong, cùng với đó là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang thử nghiệm như Taepodong-2 và KN-08 với tầm bắn trên 10.000 km. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây tuyên bố nước này đang trong giai đoạn cuối cùng cho một cuộc thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tâm bắn vươn tới Mỹ.
Tử Quỳnh
Ảnh: Business Insider
Theo VNE
Những vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên Ngoài vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn sở hữu nhiều vũ khí uy lực lớn có thể gây thiệt hại nặng cho đối phương khi cuộc xung đột vũ trang nổ ra. Pháo tự hành tầm xa M1989 của Triều Tiên khai hỏa. Ảnh: Survincity Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây tuyên bố Mỹ đang xem xét mọi khả năng để...