Thiết bị nặng 1200 tấn này vừa được Trung Quốc vận chuyển tới Pháp để lắp đặt ‘Mặt Trời nhân tạo’
Theo CNNC, đế giữ lạnh phải được vận chuyển theo đúng tiến độ để dự án ITER có thể khởi động quá trình lắp đặt lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới
Theo đài CGTN, tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) vừa vận chuyển một bộ phận đặc biệt quan trọng phục vụ dự án Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạt nhân Quốc tế (International Thermonuclear Experimental Reactor – ITER) trị giá 21 tỷ USD tại trung tâm nghiên cứu khoa học Cadarache, Pháp.
Mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc vận chuyển đế giữ lạnh vẫn phải theo đúng tiến độ đề ra (Ảnh chụp màn hình)
Có trọng lượng lên tới 1200 tấn, bộ phận này được gọi là đế giữ lạnh, vốn đóng vai trò là lá chắn quan trọng cho lò phản ứng thuộc kiểu Tokamak của dự án ITER.
Theo CNNC, đế giữ lạnh phải được vận chuyển theo đúng tiến độ để dự án ITER có thể khởi động quá trình lắp đặt lò. Khoảng 48 nhân viên của CNNC hiện đang chuẩn bị tháo dỡ và lắp đặt thiết bị tại Pháp. Vào tháng 9 năm ngoái, CNNC đã kí kết hợp đồng hợp tác với ban quản lý dự án ITER.
“Chúng tôi tự tin mình có thể hoàn thành nhiệm vụ đạt cả về chất lẫn lượng”, Li Quang, giám đốc dự án ITER, đồng thời cũng là phó tổng quản lý của CNNC cho biết.
Dự án quan trọng và đắt đỏ bậc nhất thế giới, chỉ sau trạm vũ trụ ISS
Được lắp ráp từ 1 triệu linh kiện kích cỡ lớn và khoảng 10 triệu linh kiện nhỏ, lò ITER có đường kính và chiều cao khoảng 30,5 m. Với trọng lượng 25000 tấn, đây cũng là lò phản ứng nhiệt hạch nhất thế giới, có thể tạo ra dòng plasma nóng tới 150 triệu độ C. Nhiệt độ này thậm chí còn nóng hơn cả lõi của Mặt Trời.
Lò ITER có trị giá 21 tỷ USD, được xây dựng dưới sự hợp tác của 30 quốc gia
Lò ITER hoạt động dựa trên nguyên lý nhiệt hạch, khi hai hạt nhân nhẹ của hydro là deuterium và tritium được kết hợp để tạo thành một hạt nhân heli nặng hơn và giải phóng năng lượng. Đây cũng chính là quá trình chính tạo nên sức mạnh của những ngôi sao như Mặt Trời.
Nói cách khác, mục tiêu xây dựng một lò phản ứng nhiệt hạch có thể so sánh với việc “tạo ra một Mặt Trời nhân tạo trên Trái Đất và cắm dây điện vào nó để sử dụng”, theo chuyên gia Jonathan Menard, hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma Princeton.
Mặc dù vậy, để phản ứng nhiệt hạch xảy ra cần mức nhiệt độ rất cao, lên tới 120 triệu độ C, cao hơn nhiều lần nhiệt độ ở lõi Mặt trời. Ở mức nhiệt độ này, mọi vật chất đều tồn tại trong trạng thái plasma.
Đây cũng chính là mục tiêu xây dựng cơ bản của lò ITER, nhằm tạo ra hỗn hợp plasma với nhiệt độ lên tới 150 triệu độ C – tức là cao gấp 10 lần nhiệt độ trên bề mặt của Mặt Trời. Để tạo ra nhiệt độ siêu nóng này, ITER sử dụng một buồng từ trường hình xuyến có tên Tokamak.
Đế giữ lạnh đóng vai trò lá chắn bảo vệ cho lò phản ứng thuộc kiểu Tokamak của dự án ITER
Theo đó, nhiên liệu trong buồng Tokamak được nung nóng tới trên 150 triệu độ C, hình thành plasma cực nóng. Sau đó, các nhà khoa học sẽ dùng từ trường cực mạnh để đưa plasma ra khỏi vỏ an toàn.
Theo kế hoạch, lò ITER sẽ trang bị cuộn dây siêu dẫn tạo ra từ trường với sức mạnh gấp 100.000 lần từ trường của Trái Đất. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng thiết kế một bồn chứa có đường kính 6m để giam hãm 840 mét khối plasma, tương đương 1/3 thể tích một bể bơi tiêu chuẩn Olympic
Đáng chú ý, dù đạt được nhiệt độ siêu cao, lò phản ứng kiểu Tokamak lại không thể duy trì dòng plasma liên tục trong một khoảng thời gian dài. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã tìm tới một phương án có tên plasma tự duy trì. Cụ thể, khi đạt nhiệt độ 150 triệu độ C, deuterium và tritium sẽ được tổng hợp để tạo ra nguyên tử heli, vốn sẽ bay trong lòng lò và va chạm với thành lò để sản sinh năng lượng dưới dạng nhiệt để đảm bảo plasma có thể tự duy trì trạng thái như vậy một cách liên tục.
Với trọng lượng 25000 tấn, đây cũng là lò phản ứng nhiệt hạch nhất thế giới, có thể tạo ra dòng plasma nóng tới 150 triệu độ C
Được biết, dự án xây dựng lò ITER có sự tham gia đóng góp vốn và công nghệ của tổng cộng 35 quốc gia trong vòng 30 năm qua. Liên minh Châu Âu (EU), nơi đặt tổ hợp ITER, đóng góp 45% tổng mức đầu tư của dự án.
Dự kiến, lò phản ứng tổng hợp hạt nhân của dự án sẽ đi vào hoạt động năm 2025. Sau khi hoàn thành, lò phản ứng tổng hợp hạt nhân này sẽ cho phép thế giới nghiên cứu và thí nghiệm về vật lý plasma vào sản xuất điện năng trên quy mô lớn từ các nhà máy điện tổng hợp hạt nhân.
Nếu có thể sản xuất năng lượng theo dự kiến, đây sẽ là lò phản ứng đầu tiên của kỷ nguyên năng lượng nhiệt hạch, giúp thu hẹp khoảng cách từ nghiên cứu nhiệt hạch trong phòng thí nghiệm đến tạo ra điện nhiệt hạch cho các thành phố. Tới năm 2030, nhân loại sẽ có thể xây dựng nhà máy điện nhiệt hạch đầu tiên với công suất khoảng 1GW.
Xem phóng sự của Đài CGTN về hoạt động vận chuyển trang thiết bị từ Trung Quốc tới Pháp phục vụ cho việc lắp đặt lò ITER.
Anh Việt
Năm sau, Mặt Trời nhân tạo của Trung Quốc đi vào hoạt động
Bằng cách tạo ra phản ứng nhiệt hạch giống như trong phần lõi của Mặt Trời, các thiết bị do Trung Quốc sản xuất có thể đạt tới nhiệt độ hàng trăm triệu độ C.
Những nhà khoa học Trung Quốc đã tìm cách "tái tạo" Mặt Trời bằng một thiết bị phản ứng hạt nhân, có thể coi như Mặt Trời nhân tạo. Theo Tân Hoa Xã, thiết bị này hiện đã hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.
Thiết bị có tên gọi HL-2M được đặt tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, là kết quả nghiên cứu của Công ty nguyên tử quốc gia Trung Quốc và Viện Vật lý Tây Nam. Mặc dù là Mặt Trời nhân tạo, thiết bị này có thể đạt đến nhiệt độ lên tới 200 triệu độ C, tức là nóng hơn khoảng 13 lần so với nhiệt độ lõi Mặt Trời.
Các lò phản ứng hạt nhân hiện hành sử dụng phản ứng phân hạch - một chuỗi phản ứng tách nguyên tử uranium ra để giải phóng năng lượng. Trong khi đó, phản ứng nhiệt hạch thực hiện quá trình ngược lại là tổng hợp các nguyên tử với nhau.
Quá trình lắp ráp thiết bị HL-2M đã hoàn thành vào tháng 6. Ảnh: Xinhua.
Khi 2 hạt nhân hydro hợp nhất với nhau để trở thành heli, chúng tạo ra một nguồn năng lượng khổng lồ. Quá trình này được gọi là phản ứng hợp hạch hay nhiệt hạch. Trước đây người ta cho rằng phản ứng nhiệt hạch chỉ có thể xảy ra trong lõi Mặt Trời.
Nếu biết cách kiểm soát phản ứng nhiệt hạch, con người có thể tạo ra nguồn năng lượng vô tận và siêu sạch. Những nhà khoa học nguyên tử trên khắp thế giới vẫn đang tìm cách để kiểm soát phản ứng nhiệt hạch bên trong các thiết bị mà học tạo ra.
"Không có gì đảm bảo mọi vấn đề đều đã được kiểm soát. Tuy nhiên nếu chúng tôi không thử nghiệm, chắc chắn là sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì", giáo sư Gao Zhe của đại học Thanh Hoa nói với South China Morning Post.
Đây là sự hợp tác giữa Trung Quốc và một dự án thử nghiệm năng lượng nguyên tử quốc tế (ITER) có trụ sở tại Pháp. Dự án này bao gồm các thử nghiệm ở 35 quốc gia và dự tính hoàn thành năm 2025.
Ngoài HL-2M, Trung Quốc còn một dự án nhiệt hạch khác tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến EAST tại đây đã đạt đến nhiệt độ 100 triệu độ C.
Theo Zing
Khi nào chúng ta có Mặt Trời nhân tạo? Năng lượng nhiệt hạch dường như là một công nghệ quá tiềm năng và nhiều hứa hẹn, nhưng bao giờ thành sự thật? Con người luôn đi tìm những nguồn năng lượng rẻ và sạch hơn, nhưng hai khái niệm đó thường không đi cùng với nhau. Năng lượng hóa thạch rẻ nhưng gây ô nhiễm, năng lượng tái tạo chi phí cao...